Thứ bảy, 27/04/2024 17:39 (GMT+7)

Bản sắc văn hoá các dân tộc trong sự nghiệp phát triển Kinh tế, xã hội vùng miền núi

TS.Lò Giàng Páo -  Thứ sáu, 12/01/2024 07:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sự phát triển văn hóa vùng các dân tộc thiểu số nước ta gắn liền với chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Những thành tựu cũng như vấp váp đều thể hiện ở kết quả của việc thực hiện chính sách dân tộc nói chung và chính sách văn hóa nói riêng.

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc. Bản sắc văn hóa Việt Nam bao gồm tất cả bản sắc văn hóa của các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam. Tính thống nhất ấy không chỉ là một phép cộng đơn giản, các dân tộc đã  góp phần làm nên sự phong phú đa dạng của văn hóa Việt Nam và không đánh mất bản sắc văn hóa tộc người của mình. Sự hòa nhập giữa các dân tộc ở nước ta là do hoàn cảnh lịch sử của quá trình dựng nước và giữ nước đã hình thành nên thế cộng cư cài răng lược.

Sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc đã hình thanh nên bản sắc của từng khu vực, từng vùng và thậm chí ngay cả trong từng làng xã. Sự thống nhất những cái đa dạng, về mặt không gian hình thành nên tính địa phương và tính vùng.

tm-img-alt
Sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc đã hình thanh nên bản sắc của từng khu vực, từng vùng và thậm chí ngay cả trong từng làng xã. Ảnh minh hoạ

Bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc có vai trò to lớn trong việc làm nên tính tộc người, bồi dưỡng tình cảm dân tộc, hướng dẫn trình độ thẩm mỹ, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội qua vai trò hướng dẫn lối sống theo thuần phong mỹ tục của mỗi một dân tộc. Sự tiếp thu khoa học kỹ thuật phải phù hợp với điều kiện của từng vùng và thông qua bản sắc của từng tộc người. Mọi sự thuận lợi hay hạn chế đều sẽ dẫn đến sự phát triển hay trì trệ. Dưới góc độ của văn hóa ở vùng các dân tộc thiểu số, việc phát triển không thể đơn giản là bỏ cũ thay mới như các công việc khác, mà phải là sự hòa nhập, chứ không phải là sự áp đặt, cũng không thể là sự ban ơn hay làm thay được.

Văn hóa là hiện tượng chung của loài người, giao lưu trao đổi văn hóa là quy luật tất yếu, bình đẳng, có đi có lại, tự nguyện. Văn hóa các dân tộc ở nước ta không những là sự kết tinh theo chiều dọc, mang tính lịch đại, mà còn do điều kiện lịch sử của Đông Nam Á. Biên giới giữa các dân tộc không bao giờ trùng hợp với biên giời quốc gia, cho nên có cả sự cố kết theo chiêu ngang, mang tính đồng đại, không có gì chỉ trao đổi hoặc giao lưu một chiều.

Ngược lại, sự đóng kín cũng là biểu hiện của sự lo lắng, thiếu bản lĩnh, nhưng rồi cũng không tránh được bước tiến tất yếu của lịch sử. Tính bản lĩnh của văn hóa các dân tộc chỉ thể hiện được sự vững vàng trong kinh nghiệm cọ xát, tiếp xúc với những luồng giao lưu trao đổi từ nhiều chiều trong sự thống nhất chung.

Văn hóa có thể là động lực phát triển kinh tế - xã hội, ngược lại, cũng có thể là áp lực kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức toàn diện về điều này, để thấy rằng việc điều khiển và quản lý văn hóa trên cơ sở những lý luận và thực tiễn về văn hóa tộc người, về văn hóa vùng là hết sức cần thiết trong sự nghiệp  đổi mới, công nghiệp hóa và hiện đại hóa trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay.

Sự phát triển văn hóa vùng các dân tộc thiểu số nước ta gắn liền với chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Những thành tựu cũng như vấp váp đều thể hiện ở kết quả của việc thực hiện chính sách dân tộc nói chung và chính sách văn hóa nói riêng.

Trong giai đoạn mới, việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, đưa văn hóa mới vào vùng các dân tộc thiểu số, cần phải có sự kiểm kê đánh giá lại những giá trị văn hóa truyền thống của các dận tộc. Văn hóa là sản phẩm do dân tộc sáng tạo ra. Do đó xây dựng đời sống văn hóa cơ sở phải coi trọng phát huy vốn có chứ không phải chỉ đưa văn hóa mới vào.

Việc nghiên cứu để xây dựng văn hóa vùng các dân tộc thiểu số nhằm bảo vệ, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc không những về mặt tinh thân, các tri thức truyền thống, những tình cảm, thuần phong, mỹ tục mà còn cả về mặt vật chất như các mặt văn hóa đảm bảo cuộc sống: ăn, ở, mặc, đi lại, văn hóa nghệ thuật, môi trường văn hóa ...

Để phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, môi trường văn hóa của mỗi tộc người, của mỗi vùng phải được tôn trọng. Nền văn hóa Việt Nam được hình thành trên cơ sở kết hợp hài hòa của những tinh hoa văn hóa các dân tôc sinh sống trên đất nước Việt Nam. Nền văn hóa này đã chịu đựng được sự thử    thách và khảo nghiệm khốc liệt của lịch sử trong quá trình giữ nước và dựng nước. Tính đoàn kết, tính thống nhất này đã hình thành nên khái niệm dân tộc Việt Nam. Đó là một chân lý lịch sử mà ai cũng biết.

Thật ra điều này cũng có nguồn gốc lịch sử lâu đời từ buổi bình minh của lịch sử, buổi đầu của nền văn minh Đông Sơn. Theo khảo cổ học, cư dân cổ trong các nhóm di tích ở miền Bắc thường thích sử dụng rìu bôn tứ giác, còn cư dân cổ trong các di tích ở miền Nam lại hay sử dụng rìu bôn có vai.

Về mặt dân tộc học, có nhóm cư dân cho rằng nguồn gốc của mình theo truyền thuyết có liên quan đến các loài thực vật sinh sản vô tính như trầu, các loại củ, có nhóm cư dân lại gắn với những hoạt động sản xuất của mình ngay từ đầu với các loại thực vật sinh sản hữu tính. Loại nêu trên thường có nguồn gốc Nam Đảo, còn loại sau - gốc nguồn Nam Á.

I. VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC VÙNG TRUNG DU VÀ MIỀN NÚI BẮC BỘ

1. Khái niệm vùng

Vùng núi hay miền núi Trung du Bắc bộ được hiểu đồng nghĩa với khái niệm miền núi Bắc Bộ, Vùng này bao gồm rất nhiều vùng :

Vùng các tỉnh biên giới (vừa là tỉnh miền núi, có miền núi) gổm có 7 tỉnh, có đường biên dài 2118 km. Trong đó chung đường biên với Trung Quốc, dài 1495 km gồm có 6 tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên. Còn chung đường biên với Lào là 623 km, có ba tỉnh, Lai Châu, Điện Biên và Sơn La. Như vậy tỉnh Lai Châu và Điện Biên có chung đường biên với hai nước là Trung Quốc và Lào. Ngoài ra còn có các tỉnh miền núi lục địa không giáp với biên giới.

Vùng này gồm các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Hòa Bình. Còn vùng các tỉnh có cả miền núi và có dân tộc có thể kể đến các tỉnh Bắc Giang,  Phú Thọ.

Đề cập đến các dân tộc thiểu số, chúng ta nên lưu ý rằng, thiểu số không chỉ phân bố trong vùng miền núi, có miền núi, mà còn phân bố ở một số tỉnh đồng bằng, ven biển, hải đảo... Khái niệm miền núi không đồng nghĩa với khái niệm các dân tộc thiểu số.

Nói đến dân tộc là nói đến bản sắc văn hóa tộc người, còn có nhiều tộc người với số lượng chỉ có hai con số, cho nên cũng chưa đưa vào hết trong kết quả điều tra hàng năm với các cuộc điều tra đều không khớp nhau về mặt số lượng tộc người,  tộc danh, tên gọi các nhóm tộc người. Năm 1979 theo công bố của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có 54 dân tộc.

tm-img-alt
Sự phát triển văn hóa vùng các dân tộc thiểu số nước ta gắn liền với chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Ảnh minh hoạ

Trong chỉ đạo thực hiện, cần phải tính đến một khái niệm nữa là vùng cao. Miền núi phía Bắc có 5 tỉnh vùng cao: Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai; 56 huyện vùng cao, 1130 xã vùng cao. Nếu lấy bản làm đơn vị cơ sở để xây dựng đời sống văn hóa cơ sở thì miền núi phía Bắc có tới vài nghìn bản vùng cao, đây là những nơi xa nhất và khó khăn nhất.

Theo thông tư hướng dẫn gần đây của ủy ban Dân tộc và miền núi thì việc phân định vùng dân tộc miền núi còn căn cứ vào trình độ phát triển để vận dụng thực hiện các chủ trương chính sách sát hợp và hiệu quả hơn với từng khu vực, từng đối tượng.

Có 3 khu vực theo trình độ phát triển căn cứ vào các tiêu chí: điều kiện tự nhiên, địa bàn cư trú, cơ sở hạ tầng, các yếu tố xã hội, điều kiện sản xuất và về đời sống. Đó là khu vực bước đầu phát triển, khu vực tạm ổn định và khu vực khó khăn. Tiêu chí cụ thể của các khu vực này như sau:

KHU VỤC MỘT (khu vực bước đầu phát triển):

  1. Địa bàn cư trú các trung tâm phát triển: các thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ, các khu công nghiệp, trung tâm hoạt động của các doanh nghiệp; vùng cây trồng vật nuôi hàng hóa bước đầu phát triển; ven các quốc lộ, tỉnh lộ, ga đường sắt, sân bay, bến cảng (Gọi tắt là khu trục động lực phát triển). Khu vực nằm trong bán kính ảnh hương đến các khu trục động lực phát triển trên đây: dưới 10 km.
  2. Cơ sở hạ tầng đã hình thành, bước đầu phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống của đồng bào, giao thông khá thuận lợi, hệ thống điện, thủy lợi, nước sạch, trường học, bệnh xá, phát thanh, truyền hình... đáp ứng cơ bản được nhu cầu cấp thiết.
  3. Các yếu tố xã hội (trình độ dân trí, đời sống văn hóa, nếp sống...) có tiến bộ đạt và vượt mức trung bình của cả nước.
  4. Điều kiện sản xuất ổn định, định canh định cư bền vững, đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa bước đầu phát triển.
  5. Số hộ đói nghèo dưới 20% số hộ của xã, đời sống của đồng bào tương đối ổn định, mức thu nhập bình quân đầu người bằng và vượt mức bình quân cả nước.

KHU VỤC HAI (Khu vực tạm ổn định):

  1. Địa bàn cư trú: gồm các xã ở vùng giữa khu vực một và khu vực ba. Khoảng cách của các xã đến các khu trục động lực phát triển từ trên 10 km đến 20 km.
  2. Cơ sở hạ tầng đã hình thành nhưng chưa hoàn chỉnh, chưa ổn định. Giao thông còn khó khăn, điện, thủy lợi, nước sạch, trường học, bệnh xá, các dịch vụ khác chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ cho sản xuất và đời sống của đồng bào.
  3. Các yếu tố xã hội chưa đủ điều kiện cơ bản cho cộng đồng phát triển. Trình độ dân trí còn thấp, tỉ lệ mù chữ thất học 30 - 60%, vệ sinh phòng bệnh kém, thiếu thông tin...
  4. Điều kiện sản xuất chưa ổn định, sản xuất giản đơn, tự cấp tự túc là chủ yếu; còn phát rừng làm nương rẫy, có khả năng tái du canh du cư. Sản phẩm hàng hóa còn ít.
  5. Số hộ đói nghèo từ 20 - 50% số hộ trong xã, đời sống của đồng bào tạm ổn định nhưng chưa vững chắc.

KHU VỰC BA (Khu vực khó khăn):

  1. Địa bàn cư trú gồm các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao hẻo lánh, vùng biên giới, hải đảo. Khoảng cách của các xã đến các khu trục động lực phát triển trên 20 km.
  2. Cơ sở hạ tầng chưa được xây dựng, hoặc còn tạm bợ. Giao thông rất khó khăn, không có đường ô tô vào xã. Các công trình điện, thủy lợi, nước sạch, trường học, bệnh xá, dịch vụ khác rất thấp kém hoặc không có.
  3. Các yếu tố xã hội chưa đạt mức tối thiểu. Dân trí quá thấp, tỉ lệ mù chữ và thất học trên 60%, bệnh tật nhiều, tập tục lạc hậu, không có thông tin...
  4. Điều kiện sản xuất rất khó khăn, thiếu thốn. Sản xuất mang tính tự nhiên hái lượm, chủ yếu phát rừng làm nương rẫy, du canh du cư.
  5. Số hộ đói nghèo trên 60% số hộ của xã. Đời sống thực sự khó khăn, nạn đói thường xuyên xảy ra.

II. Một số quan điểm về văn hóa vùng

1. Quan điểm chung

Trong điều kiện như các vùng địa lý đã nêu, nói đến văn hóa tức là văn hóa các dân tộc trong tổng thể văn hóa Việt Nam. Việc xây dựng văn hóa không những phải lưu ý đến đặc điểm địa lý, đặc điểm hành chính, mà còn phải lưu ý hàng đầu đến đặc điểm tộc người.

Khu vực các dân tộc ở miền núi thuộc 7 tỉnh biên giới luôn đứng trước tình hình phải đối phó với "biên giới mềm", việc xử lý văn hóa nếu chỉ làm theo lối phong trào, như cách đã làm từ trước tới nay thì khó có thể thu được kết quả, nếu không muốn tự dối mình. Chính sách "biên giới mềm" đã đi vào từng nhà, từng con người. Vì vậy, văn hóa phải đi vào từng người, từng tộc người với mục tiêu bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc.

Điều quan trọng nhất của cư dân vùng biên giới là vấn đề quốc tịch. Mỗi con người sống cư trú ở vùng này đều là công dân nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, nhưng văn hóa mang tính bản sắc tộc người và giao lưu. Mọi hoạt động văn hóa mà không lưu ý đến điểm này, thì cho dù có đạt được nhiều thành tích rực rỡ, vẫn có khả năng bị coi là mờ nhạt, không rõ bản sắc. Kinh nghiệm nhiều nước đã cho thấy những kết quả cay đắng này. Nhiều người không muốn nói đến điểm này vì sợ bị xóa bỏ thành tích. Thành tích là điều không thể xóa bỏ được, nhưng về quan điểm phát triển, thành tích đó có tiếp tục được phát huy bền vững hay không. Đừng làm cho những thành tích đã đạt được trở thành những kỷ niệm đẹp, chỉ để hồi tưởng. Sự xuống cấp nhiều mặt về văn hóa là một chỉ báo. Do đó công việc phục dựng văn hóa phải làm sao để tránh sự xuống cấp thì mới có thể nói đến sự phát triển.

tm-img-alt
Văn hóa phải đi vào từng người, từng tộc người với mục tiêu bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh minh hoạ. Nguồn: TTXVN

Tính tự giác dân tộc là một trong những thành quả quan trọng mà cách mạng đã mang đến cho các dân tộc. Khi xây dựng các chương trình kinh tế - văn hóa - xã hội, một số tộc người vì số lượng quá ít, chỉ có hai con số, cho nên thường gộp các tộc gần gũi nhau thành một khối lớn, để dễ qui hoạch, đầu tư. Cách làm này mới nhìn nhận theo chiểu từ trên xuống dưới. Đối với bản thân của mỗi dân tộc, cho dù chỉ với số lượng vài chục người, họ vẫn tự xác định mình là một tộc người. Sự hòa hợp giữa các dân tộc là một quy luật lịch sử tất yếu, nhưng lại theo một quy luật mang đầy tính tự nguyện, tự giác.

Các dân tộc ở nước ta đều được bình đẳng trước pháp luật. Quyền bình đẳng ấy được Hiến pháp ghi rõ. Đó là điều không thể nói và làm khác được.

Đảng ta cũng đã rất chú ý đến nhiều mặt của quyền bình đẳng giữa các dân tộc qua nhiều kỳ Đại hội. Tuy nhiên có nhiều vấn đề chưa được thể hiện trong thực tế, nên lòng tin trong đồng bào các dân tộc có lúc bị suy giảm. Nhân dân các dân tộc đòi hỏi phải có được một sự bình đẳng trên thực tế, thể hiện qua các mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.

Về chính trị: Một số dân tộc chỉ có số lượng vài trăm người, theo thống kê dân số, họ không được ghi nhận như một dân tộc. Trên thực tế không ai có thể truất được quyền bình đẳng về mặt pháp luật của các dân tộc này, nhưng về mặt chính trị họ chỉ được xếp chung vào các dân tộc khác.

Khi quyết định chính sách về mặt bầu cử, một dân tộc có hàng triệu phiếu bầu vẫn có tiếng nói quyết định hơn những dân tộc chỉ có vài trăm hoặc vài chục phiếu cử tri.

Về kinh tế: Những tộc người sống với nền kinh tế tự nhiên tất phải phụ thuộc vào những dân tộc sông với nền kinh tế thị trường. Những dân tộc sống ở vùng núi hẻo lánh tất nhiên không thể bằng các dân tộc sống ở vùng giao thông thuận lợi. Phương châm miền núi tiến kịp miền xuôi, một mặt thừa nhận sự không bình đẳng, trên thực tế về mặt kinh tế, nhưng mặt khác cũng thấy rằng bao giờ thì đuổi kịp. Miền núi có tiềm năng về thủy điện, xây dựng Thác Bà xong, các dân tộc quanh vùng được hưởng bao nhiêu ? Xây dựng đập thủy điện Hòa Bình, các dân tộc vùng cao vẫn phải đếm điện thay sao. Sắp tới sẽ xây dựng nhiều trạm thủy điện nữa, nhưng quyền lợi về kinh tế của các dân tộc ở ngay địa phương đó được chú ý như thế nào?

Về xã hội: Một số dân tộc sống du cư, thì không thể nào có sự bình dẳng với các dân tộc sống định cư. Nếu các dân tộc lại phải định canh để định cư thì sự bình đẳng về xã hội trên thực tế cũng khó bàn. Họ chỉ có thể định cư trên những thành tựu của khoa học - kỹ thuật hiện nay, đốt cháy giai đoạn phát triển lịch sử mới có thể đạt được sự bình đẳng trên thực tế về mặt xã hội.

Về văn hóa: Bất kỳ con em của dân tộc nào cũng đều có thể thi vào đại học. Muốn thế phải tốt nghiệp lóp 12, đó là điều mà nhiều tộc người ở vùng miền núi phía Bắc khó thực hiện được. Hơn nữa sự bình đẳng trên thực tế về mặt văn hóa phải chịu sự thử thách khắc nghiệt của quy luật khách quan về tài năng đích thực.

Các dân tộc khác chỉ chấp nhận tinh hoa văn hóa của một tộc người nào trên cơ sở có thể làm phong phú thêm chính ngay kho tàng văn hóa của chính họ, chứ không hề có sự chiếu cố nào cả. Chúng ta chỉ mới quen với sự bình đẳng về mặt hành chính, về mặt ngoại giao chứ chưa quen với quy luật bình đẳng trên thực tế về mặt văn hóa. Chính Enlels một nhà dân tộc học Mỹ cũng đã từng phát biểu điều này: nếu một dân tộc đi thống trị một dân tộc khác mà trình độ văn hóa của mình kém hơn dân tộc bị trị, thì cuốỉ cùng cũng bị dân tộc bị mình thống trị đồng hóa về mặt văn hóa.

Sự bình đẳng thực tế về mặt văn hóa phải chịu sự thử thách khắc nghiệt của quy luật khách quan. Các dân tộc khác chỉ chấp nhận tinh hoa văn hóa của một tộc người nào trên cơ sở có thể làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của chính họ. Chúng ta cần làm quen sự bình đẳng về mặt văn hóa.

2. Quan điểm trong triển khai ứng dụng

Việc nghiên cứu văn hóa vùng các dân tộc thiểu số miền núi phía bắc nhằm vào việc tổ chức ứng dụng để bảo đảm được sự bình đẳng trên thực tế, bảo vệ được bản sắc văn hóa dân tộc.

Khi định ra các huyện trọng điểm để chỉ đạo là cần thiết, vì không thể làm tràn lan. Nhưng rõ ràng là phải có trọng điểm đến xã, đến bản gắn liền cụ thể với từng dân tộc. Thực tế cho thấy là có dân tộc chỉ ở trong phạm vi bản, có dân tộc nằm trong phạm vi cả xã và cũng có dân tộc trong phạm vi toàn huyện.

Muốn bảo tồn và phát triển văn hóa vùng các dân tộc ở miền núi phía Bắc có hiệu quả phải có đầu tư. Đầu tư để sưu tầm, nghiên cứu vốn văn hóa truyền thống, đầu tư để đào tạo bồi dưỡng cán bộ, đầu tư để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và để tổ chức các hoạt động văn hóa. Có người làm việc, có phương tiện để làm việc và phải có cả kinh phí để hoạt động.

 3. Công cụ nhận thức và nhiệm vụ

Nhiệm vụ của công việc quản lý văn hóa là phải tìm hiểu những cấu trúc và chức năng của các yếu tố trong hệ thống, mối liên quan tương tác giữa các hệ thống phụ và hệ thống chính. Công việc nghiên cứu dựa trên kết quả của công việc lý giải nhiều ngành, liên quan dưới sự nhất thể hóa của văn hóa dân tộc.

Trọng tâm của việc tiến hành nghiên cứu phát triển văn hóa phải đặt ở khâu mấu chốt lấy sự phát triển của con người là chính. Đối tượng là những con người thuộc các dân tộc khác nhau, rất đa dạng về tính tộc người, về nguồn gốc lịch sử, về trình độ phát triển khác nhau của xã hội.

Các tộc người này đều sống bằng nông nghiệp với những tập tục canh tác, sản xuất khác nhau. Trong nông nghiệp phương thức phát rừng làm rẫy luôn luôn chiếm địa vị chủ đạo. Việc phần tích vai trò của hệ thống nông nghiệp ruộng rẫy trong sự đa dạng sinh thái trong tổng thể của hệ thống nông nghiệp đóng một vai trò trọng yếu.

Trong mối tương tác giữa phát triển văn hóa và các mặt khác đối với mỗi tộc người, trong vấn đề ý thức công dân thể hiện ở quốc tịch Việt Nam mục đích chính là sự phát triển bền vững của lãnh thổ trong điều kiện mới. Trong thực tiễn của sự phát triển tương lai vấn đề cần lưu tâm là bảo vệ được sự phát triển đa dạng về mặt môi trường sinh thái. Điều này được thể hiện trong nhiều mức độ khác nhau do ảnh hưởng của tính truyền thống, tính kế thừa lịch sử và tính đứt gãy về mặt văn hóa. Tính đa dạng này được thể hiện về mặt đa dạng sinh thái, đa dạng cộng đồng các tộc người và đa dạng cư dân, lao động. Tính đa dạng này có liên quan đến tính năng suất, tính ổn định, tính công bằng, tính tự trị, tính hợp tác, tính tộc người, tính thích nghi, tính mâu thuẫn, tính hòa tan và tính năng động.

III. Khái quát vài nét về vùng lãnh thổ

1. Vài nét về thực trạng kinh tế, xã hội vùng cao

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Nước ta là một quốc gia nhiều dân tộc, căn cứ theo công bố ngày 2.3.1979 của Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, số lượng dân tộc trong toàn quốc là 54. Hiện nay với nguyên tắc tôn trọng ý thức tự giác dân tộc, số lượng này có thể còn nhiều hơn. Nhìn chung có thể khái quát hình thành 4 đặc điểm sau đây:

a. Dân tộc Việt được phân bố khắp các miền của đất nước. Các dân tộc khác được gọi là dân tộc thiểu số thường cư trú ở vùng cao, vùng núi. Trong vùng mà chúng ta đương quan tâm cũng có hơn 20 dân tộc, trong đó có những dân tộc chiếm hơn 10% dân số như : Thái 12,27%, Mường 10,79%. Đời sống của các dân tộc về mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đã đạt được nhiều tiến bộ so với năm 1945. Bản sắc văn hóa của các dân tộc được tôn trọng và giữ gìn, phát huy. Sự hình thành đội ngũ cán bộ trí thức của dân tộc thiểu số là một điều kiện quan trọng để họ có thể tự mình quản lý được sự phát triển của cộng dồng trong xu thế phát triển chung.

b. Các dân tộc ở nước ta cư trú theo chế độ cài răng lược, xen kẽ lẫn nhau. Tuy vậy, trong phạm vi tỉnh vẫn có những dân tộc cư trú tập trung như những trường hợp dân tộc Mường ở Hòa Bình, dân tộc Thái ở Sơn La. Trong phạm vi huyện, xã, bản, xóm, sự quần cư theo tộc người vẫn nổi lên rõ nét. Đặc trưng cài răng lược nhưng vẫn hình thành những xóm bản riêng là một điểm cần phải lưu ý trong kế hoạch chuyển cư, di dân. Mặt khác vẫn còn những tộc người cho đến nay, tuy phong trào định canh định cư đã được thực hiện hơn 20 năm, nhưng vẫn chưa có địa bàn lãnh thổ xác định.

c. Các dân tộc ở vào tình trạng phát triển không đồng đều về mặt kinh tế, văn hóa và xã hội. Sự phát triển không đồng đều giữa các vùng dân tộc và giữa các dân tộc là một nét đặc trưng cần lưu ý đến việc bảo vệ môi trường và tác động tiêu cực của môi trường đối với xã hội. Như người Dao, với sự quần cư biệt lập, đã có một truyền thống rất tốt đẹp trong ý thức bảo vệ, gìn giữ môi trường trong khu vực cư trú của mình. Mặt khác họ có thể đi rất xa để phá rừng, chịu nộp thuế, hoặc chịu phạt. Điều này rõ ràng là ảnh hưởng đến cái chung tới các tộc người lân cận khác. Dân tộc này trồng cây lại bị dân tộc khác nhổ cây, điều này không thể trách họ được, mà là lỗi ở tầm quản lý vĩ mô.

d. Sự đói nghèo và việc phá hủy môi trường là một nét đặc trưng của vấn đề kinh tế - xã hội miền núi, đặc biệt vùng cao, vùng sâu. Điều này có nhiều nguyên nhân khách quan hơn là chủ quan. Một mặt đó là sự thừa hưởng gia tài của quá khứ để lại do sự bất bình đẳng giữa các dân tộc. Mặt khác là do phải chịu đựng sự cay nghiệt của những cuộc chiến tranh ác liệt, lâu dài. Mặt thứ ba là những thiệt hại do thiên tai của vùng nhiệt đới gió mùa. Dù sao thì ba nguyên nhân khách quan này cũng chưa phải là điểm mấu chốt để lý giải vi sao đã nửa thế kỷ trôi qua, mà từ sự bình đẳng về mặt chính trị do cách mạng tháng Tám đưa lại, các dân tộc thiểu số chưa vươn lên được sự bình đẳng về mặt kinh tế, văn hóa. Trong việc chỉ đạo thực hiện và cụ thể hóa chính sách phát triển kinh tê - xã hội các vùng dân tộc của Đảng và Nhà nước đã phạm phải không ít những sai lầm và khuyết điểm. Nguyên nhân thứ hai là lòng tin của nhân dân các dân tộc đối với Đảng với Chính phủ bị giảm sút nghiêm trọng do tình trạng kéo dài sự thiếu quan tâm đến việc cải thiện đời sống ở miền núi ở vùng cao, có lẽ hai nguyên nhân sau mói là điều chính yếu.

2. Văn hóa vùng theo địa lý hành chính

Việc quản lý ở nước ta theo cấp tỉnh kể cả vùng dân tộc thiểu số. Trước đây cũng đã có một thời quản lý theo kiểu khu tự trị: Việt Bắc và Tây Bắc, nhưng đã chấm dứt từ lâu.

Trong việc quản lý theo cấp tỉnh, trọng điểm cần lưu ý là các tỉnh biên giới. Điều này cần phải có sự đầu tư về việc phát triển văn hóa gắn với quốc phòng và an ninh biên giới. Đặt trọng điểm vào 7 tỉnh biên giới, vấn đề về văn hóa vùng còn liên quan mật thiết đến giao lưu văn hóa và đấu tranh văn hóa. Công việc này cần có tầm chỉ đạo của Nhà nước.

Nhiều dân tộc chỉ có ở vùng biên giới phía Bắc, đây là vấn đề các tộc người nằm ở hai bên biên giới. Bản sắc văn hóa tộc người trong vấn đề này rất phức tạp, vì ngoài các mối liên hệ dọc còn có cả những mối liên hệ ngang. Công tác văn hóa là phải lưu ý đến mối hên hệ biện chứng với mối liên quan phân bổ, ranh giới của các dân tộc và biên giới quốc gia. Xử lý văn hóa theo địa lý hành chính phải lưu ý đến yếu tố dân tộc.

Đối với việc nghiên cứu bản sắc văn hóa, hơn tất cả các vấn đề nghiên cứu khác, việc kết hợp giữa tri thức khoa học và tri thức địa phương là điều nổi lên hàng đầu. Thực ra những năm qua một số nơi bộc lộ xu hướng coi thường tri thức địa phương đã thể hiện rõ trong các chương trình, dự án thông qua các hệ thống quản lý nhà nước “ quan phương “.

Hệ thống thân tộc vốn là một hệ thống hoàn chỉnh, nghiêm ngặt. Không nghiên cứu điều này làm sao có thể hiểu được sự vận hành thực tiễn, mà nhiều người gần đây mới bắt buộc phải thừa nhận là hệ thống cộng đồng với già làng, trưởng bản, trưởng họ... hoạt động có hiệu quả rất tích cực hơn cả hệ thống hành chính đương vận hành hiện nay. Hệ thống thân tộc khi đi vào vận hành trong hệ thống thiết chế xã hội thì nó lại thành hệ thống ngành, trong hệ thống văn hóa nó lại thành hệ thống nhánh.

3. Hệ thống văn hóa

Vấn đề kỹ thuật bao gồm các mặt đảm bảo đời sống như: ăn, mặc, ở, phương tiện vận chuyển, thông tin kĩ thuật canh tác, công cụ sản xuất, phương pháp chữa bệnh... Người địa phương không những có nguồn thông tin vô giá về các cấu trúc, động thái của môi trường, kinh nghiệm của họ không những rất có giá trị về môi trường mà còn là những cơ sở thiết yếu cho việc nghiên cứu khoa học.

Các kinh nghiệm này không những bản thân họ phải dành trọn đời để trực tiếp tác động lên môi trường mà còn là kết quả của sự chọn lọc qua truyền thống lịch sử. Người Khơ Mú ăn theo lửa, có nhiều kinh nghiệm bảo vệ rừng. Người Việt giỏi làm ruộng, phải biến những nơi rừng cấm có "mỏ nước" thành ruộng nước chứ không thể để suối trở thành khe cạn. Người Thái, người Mường xưa sống ở những nhà sàn nên khi lập dự án chuyển cư phải tính đến khả năng phá rừng lấy gỗ làm nhà sàn.

Người Mông thích ăn ngô, loại lương thực này để nuôi cả ngựa, bò cho nên tính bình quân lương thực đầu người, không nên chỉ có phần cho người mà quên phần của ngựa và bò. Tục ăn đất được sử sách ghi ở người Việt cổ, vào thời các vua Hùng nay vẫn còn tồn tại ở nhữngdân tộc La Ha, La Hủ. La Ha là một trong những dân tộc khai phá lòng chảo Tây Bắc thành ruộng nước, trước khi dân tộc Thái đến đây. Ngày nay dân tộc La Ha sống bằng nương rẫy. Người La Hủ tra ngô trên nương khác với các dân tộc khác, từ chân núi tra ngược lên đỉnh.

Người Si La với những huyền thoại đá thần từ vùng cao của vùng cao chuyển dần xuống làm ruộng ở vùng thấp ven suối. Khi chuyển cư phải lưu ý đến đặc trưng này, vì họ lại phải từ thấp trở về vùng cao của vùng cao. Người Hà Nhì có nhiều kinh nghiệm khai hoang thành ruộng bậc thang, khơi mương, đào phai, đắp đập. Người Cống từ nương phát đã chuyển sang phương thức nương cuốc, nương cày, tương tự như người Mông. Cho nên vấn đề chống xói mòn và tích tụ bồi lấp của lòng hồ là điều phải quan tâm đến một cách cụ thể, người Thái với việc dùng cành quế để thui các đối tượng làm thực phẩm không phải là chuyện lạ. Có người cho đây là chuyện nhỏ nhặt, nhưng hiện nay vấn đề chất đốt đã trở thành vấn đề của môi trường thì có lẽ cũng nêu các loại củi đốt có chất thơm liên quan đến phong tục này. Sự tàn phá của các phong tục này chắc không khác gì tục hái lộc vào xuân, tàn phá các cây non.

tm-img-alt
Phong tục cưới của người Lô Lô. Ảnh: Tư liệu

Những khái niệm cũ như thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề, rừng ma, đá thiêng, "bụt" mọc, một thời chỉ thấy có mặt mê tín, dị đoan mà chưa thấy hết giá trị về mặt bảo vệ môi trường theo bản sắc của từng dân tộc.

Người Hà Nhì con mang tên cha, người Xinh Mun vợ chồng cùng đặt một tên trong ngày cưới. Mo Mường, Xòe Thái, Khèn Mông, Lâm Vông Lào, trống đồng Lô Lô và hàng loạt vấn đề khác nếu không hoặc chưa được nhìn nhận dưới góc độ triết lý nhân sinh của mỗi một tộc người thì cũng khó mà giáo dục được lòng yêu thiên nhiên quê hương qua những lý luận chung chung. Dĩ nhiên đối với việc bảo vệ môi trường điều cấp thiết là phải quan tâm đến những phong tục liên quan dến sản xuất, hoạt động kinh tế, những ý tưởng về cung cách làm ăn sinh sống.

Về xã hội gồm các mặt như: thân tộc, thích tộc, dòng họ, gia đình, bản làng, các nhóm hội đoàn, ứng xử, lối sống...

Trong các khối liên hệ thân tộc gia đình nói chung các dân tộc ở miền Bắc đều theo chế độ phụ hệ, nhưng vẫn có những khác biệt: Người Thái, người La Ha, người Hà Nhì... Khi đi lấy chồng, vợ thường đổi họ, theo họ của chồng. Một số tộc người khác lại rất xem trọng tục thích ăn cơm nếp, còn người Giáy thích ăn cơm đồ. Gạo cho vào chảo luộc xong mới đồ. Nước luộc gạo làm nước uống cho cả ngày. Lúa nếp năng suất không cao, giá cả lại đắt. Mặt khác, diện tích canh tác bình quân theo nhân khẩu không thể mở rộng được nữa. Từ hạn chế trong tình hình của các tỉnh đất rừng rộng, người thưa này cho nên nếu không lưu ý thì lối thoát chỉ là cách phá rừng.

Những vấn đề tư tưởng bao gồm: tín ngưỡng, lịch pháp, tôn giáo, phong tục, tập quán, văn học dân gian, nghệ thuật, hoạt động tâm lý, thẩm mỹ, lời ăn tiếng nói... Những điều này đã tạo nên tính đa dạng trong một môi trường và sinh thái tương tự có những không gian xã hội và thời gian xã hội khác nhau. Độ vênh giữa các dân tộc về mặt không gian xã hội, sự lệch pha về mặt thời gian xã hội, nếu không có sự điều khiển tổng hợp sẽ tạo ra nhiều điều nhũng nhiễu, phiền toái.

Lịch của người Mông và người Lào khác với loại âm dương lịch hiện đương được phổ biến. Lịch của người Thái khác với lịch của người Khơ Mú, người Việt, người Mường đều theo âm dương lịch kết hợp, nhưng lịch của người Việt là loại đã được cải tiến cách đây hơn 2000 năm. Còn lịch của người Mường là loại lịch cũ, cổ xưa hơn. Các dân tộc trồng lúa đều có sự thống nhất chung về việc thờ hồn lúa, mẹ lúa, khác với cư dân trồng kê, thờ thần đất, tế xã. Trong sự thống nhất chung này, mỗi một dân tộc lại có nhiều sự khác biệt để hình thành nên tính đa dạng của bản sắc văn hóa tộc người.

Sử sách cổ xưa cũng đã lưu ý đến phong tục người Việt cổ xưa từ thời nước Văn Lang như : Uống nước bằng mũi, xăm mình... Hiện nay ngươi Mảng vẫn còn có tục xăm quanh miệng, ngươi Kháng vẫn còn có tục uống nước bằng mũi, một phương thức để phòng sơn lam chướng khí có hiệu nghiệm nhanh. Người Việt chỉ còn tục thui bò, người Mường thêm cách thui lợn, nhiều tộc khác thui gà và các thứ khác dùng làm thực phẩm.

Có dân tộc dùng củi quế để nướng thịt hoặc thui những con vật làm thực phẩm vừa thơm vừa là phương thuốc thay cho gia vị. củi quế thuật ngữ này trong văn học cũng được ví như một thứ quí và củi đắt đỏ. Về mặt dân tộc học thì có rất nhiều ví dụ, như tục ở rể, từ vài năm cho đến 12 năm, như người Khơ Mú, người Xinh Mun, người Lự, người La Hủ... Ở người Giáy thì con trai theo họ bố, con gái theo họ mẹ. Ở người Mường, người Lô Lô thì con cô con cậu có thể lấy nhau…

Ngày nay các tổ chức dưới cấp cơ sở đều gọi là làng bản, nhưng thật ra mỗi một tộc người đều có cơ cấu xã hội mang sắc thái của tính tộc người. Người Việt gọi là làng, người Thái gọi là bản, một trung tâm gọi là chiềng. Người Mường gọi là Mường nhưng đối với người Thái, Mường là cấp tổ chức cơ sở trên bản. Các dân tộc khác cũng có những tổ chức khác nhau, như Prông của người Khơ Mú, Lỏng của người Lô Lô, Muy của người Mảng, Col của người Xinh Mun, Rol của người Mông...

Bản làng có địa giới rõ ràng, được bảo vệ vững chắc. Vì không hiểu điều này nên trong công tác đã phạm phải khuyết điểm không tôn trọng quyền sở hữu đất rừng của các dân tộc, gây ra những gay cấn không cần thiết. Việc không tôn trọng và bảo đảm lợi ích chính đáng của nhân dân các dân tộc không những chỉ ảnh hưởng đến mặt kinh tế mà còn có tác động đến an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái và các vấn đề xã hội khác.

Nói chung đối với các dân tộc ở vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, vai trò của trưởng họ, trưởng tộc rất lớn, nhưng trong cung cách ứng xử, mỗi dân tộc lại có những khác biệt. Theo chế độ phụ quyền thì con gái không có quyền thừa kế, nhưng có tộc người lại chia đều cho cả con trai và con gái. Đối với người Khơ Mú, người Lô Lô tuy vai trò trưởng nam đã được xác định, nhưng chủ trì tang lễ lại do con rể hoặc cháu rể. ở người Hà Nhì, người vợ chịu trách nhiệm cúng tổ tiên…

Chịu sự tác động của qui luật phát triển không đồng đều của lịch sử nên các dân tộc ở vùng Trung du và miền núi Bắc bộ cũng ở vào các giai đoạn phát triển xã hội khác nhau. Người Lự đến trước người Thái ở đất Điện Biên, họ đã xây thành Xam Mứa (Tam Vạn). Trước năm 1954, người Thái đã có chế độ phìa tạo, người Mường đã có chế độ lang đạo. Người La Hủ hiện nay có nhiều nhà nghiên cứu xếp họ vào tộc người săn bắn hái lượm, nhưng trong lịch sử xa xưa, họ đã từng là một trong những dân tộc làm nông trồng lúa nước. Người Việt cổ sử sách xưa hay phân là Sơn Việt và Thủy Việt với huyền thoại con theo mẹ lên núi, con theo bố xuống biển. Người Mảng cũng phân Mảng Gứng (Mảng vùng cao) và Mảng Lê (Mảng vùng thấp) người La Ha có La Ha Phlao (La Ha cạn) và La Ha Lung (La Ha nước).  

Về tài nguyên: Lưu ý đến các đặc tính thích ứng với sinh thái nhân văn của mỗi dân tộc. Đối với người Việt, họ chú trọng đến tài nguyên nước, Nước đứng hàng đầu của thủy lợi: Nước, phân, cần, giống. Nước cũng đứng hàng đầu của thủy hại: thủy, hỏa, đạo, tặc. Những người theo ruộng nước, giỏi dùng thuyền ngày xưa, nay sử dụng xe cơ giới, vẫn dùng những thuật ngữ quen thuộc một thời gắn liền với việc trinh phục không gian mặt nước : Tàu bay, xe đò, quá giang. Bản sắc văn hóa dân tộc và những khía cạnh sinh thái như là một tổng thể.

Đối với người Giáy,  người Pu Péo, người Lô Lô và một số tộc người khác ở vùng cao, mối quan hệ với rừng rất rõ nét, mỗi năm họ thường tổ chức cấm bang một, hai lần. Trong khu vực cư trú đều có một khu rừng cấm. Trong khu rừng nay người ta chọn ra một cây chủ rừng. Khi có lễ cấm bang dân đến cây chủ rừng cúng thần của làng

Các nhà nghiên cứu khi tiếp thu cách phân loại của Taylor phân ra đa thần và độc thần, cho nên chưa lý giải được hiện tượng mà họ mệnh danh là thuyết vạn vật hữu linh. Đứng ở góc độ sinh thái nhân văn đây là một hiện tượng thiên nhiên văn hóa, con người và thiên nhiên được thể hiện hóa một cách có hệ thống. Con người có hồn thì thiên nhiên cũng có hồn.

Một số người khi đưa khoa học kỹ thuật vào vùng dân tộc thường chỉ thấy phần của mình, đưa tiến bộ đến để khắc phục những mặt lạc hậu, cho nên hay coi thường những hiểu biết của dân địa phương, làm theo kiểu trên áp đặt xuống. Trong nội bộ dân tộc, người có học, biết rộng lại phủ định những kiến thức của nhà nông. Giữa các dân tộc có trình độ kinh tế khá hơn lại xem nhẹ những kinh nghiệm của các dân tộc láng giềng có điều kiện kinh tế kém hơn mình. Đó là những biểu hiện làm cho con người xa lánh nhau, không nhìn nhận rõ tinh hoa văn hóa của mỗi tộc người để làm phong phú thêm cho chính mình.

Tinh hoa văn hóa của mỗi tộc người là kho tàng chung của nhân loại.Từ những năm 1983, một số nhà khoa học nước ta đã có một giả thiết về phương pháp phòng chống ô nhiễm và suy thoái môi trường. Nếu dự cảm này là đúng, thì chắc chắn sẽ có nhiều ý nghĩa trong sự đóng góp chung vượt ra khỏi phạm vi lãnh thổ miền Bắc. Đốỉ với những chất giải độc người Mường có một loại cây, người Thái có một loại rau, người Dao có một loại chuối. Đây là đối tượng của dân tộc thực vật học, dân tộc sinh học.

Vùng Tây Bắc với việc xây dựng các công trình thủy điện và các chương trình khác về sáng tạo văn hóa và phát triển văn hóa là mục tiêu hàng đầu mang tác dụng như những động lực chính. Tuy vậy trong sự phát triển đó phải theo qui luật về sự biến đổi là điều đã trở thành tất nhiên và tất yếu. Về mặt này sự phát triển trong sự biến đổi văn hóa chỉ trở thành một động lực khi quá trình tích biến văn hóa vẫn được tiếp diễn. Nếu ngược lại thì chính là một trở lực. Những vấn đề đang xảy ra đối với cư dân đã chuyển cư khỏi vùng lòng hồ sông Đà, phải chăng là một trở lực, mà một trong những nguyên nhân có liên quan đến tính thích nghi về mặt văn hóa, về bản sắc văn hóa dân tộc.

Vấn đề văn hóa có liên quan đến chữ viết của các dân tộc, trước đây thường có luận đề muốn bảo vệ bản sắc dân tộc phải có chữ viết. Người Việt muốn bảo vệ bản sắc dân tộc có cần phải học chữ nôm không? Hay là chỉ đối với những ai cần nghiên cứu mà thôi. Vấn đề tương tự cũng có thể đặt ra với các loại chữ viết như: Nôm Dao, Nôm Tày... Người Việt không biết tiếng Việt, chỉ biết tiếng Pháp, tiếng Anh... có nhận họ là người Việt không ? Hiện nay nhiều người Lô Lô, Mông, Tày, Thái... không biết tiếng mẹ đẻ, mà chỉ biết tiếng Việt có thể gạt họ ra khỏi phạm vi những tộc người đó không ? người Cu Ba nói tiếng Tây Ban Nha, người Brasil nói tiếng Bồ... Không ai bảo những người đó không phải là một dân tộc Cu Ba, Brasil.

Quan điểm và cách làm này của một thời vô tình đã phạm phải khuyết điểm của chính sách đồng hóa. Mặt khác, như đặt ra vấn đề chữ viết phải đặt ra trong một hệ thống: có chữ rồi phải có trường để truyền thụ, phải có cơ sở in ấn, xuất bản, tiêu thụ... Tốn bao nhiêu công sức và tiền của phải nghĩ đến hiệu quả, chứ không ai nghĩ đến chuyện để đưa nó vào viện bảo tàng. Điều này phải do mỗi một tộc người tự quyết định lấy trong quá trình hòa hợp dân tộc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đào Duy Anh: "Việt Nam văn hóa sử Cương”, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1992 (Tái bản theo nguyên bản của Quan Hải Phùng Thư 1938).
  2. “Người Mường với văn hóa cổ truyền Mường Bi", UBND huyện Tân Lạc, Sở Văn hóa Thông tin Hà Sơn Bình 1988.
  3. Lò Giàng Páo : Tìm hiểu Văn hóa vùng các dân tộc các dân tộc, NXB VHDT 1997.
  4. Lò Giàng Páo: Điều Tra, đánh giá Tăng trưởng và giảm nghèo vùng các dân tộc thiểu số phía Bắc, NXB CT- HC năm 2010
  5. Cầm Cường : "Tim hiểu văn học dân tộc Thái ở Việt Nam” NXB khoa học xã hội, Hà Nội 1993.
  6. Cầm Trọng : "Người Thái ở Tây Bác Việt Nam” NXB Khoa học xã hội,Hà Nội 1978.
  7. "Văn hóa truyền thống các dân tộc Hà Giang", Sở văn hóa Thông tin Hà Giang 1994.
  8. Trần Từ : "Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bác Bộ", NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1984.
  9. Tổng cục Thống kê. "Niên giám thống kê" NXB. TK, H, 1993.
  10. Tổng cục Thống kê. "Danh mục các đơn vị hành chính Việt Nam", NXB, TK, H.
  11. Tổng cục thống kê. "Số liệu thống kê Nông Lâm Ngư nghiệp Việt Nam", NXB, TK, H - 1991.
  12. Tổng điều tra dân số 1-4-1989. "Tập bản đồ dân số Việt Nam". Ban chỉ đạo ĐTD Trung ương H, 1991.
  13. Đại học Quốc gia Hà Nội : "Văn hóa học Đại cương và cơ sở Văn hóa Việt Nam" NXBKHXH, Hà Nội 1996.

TS.Lò Giàng Páo

Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế, xã hội miền núi Việt Nam 

Bạn đang đọc bài viết Bản sắc văn hoá các dân tộc trong sự nghiệp phát triển Kinh tế, xã hội vùng miền núi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề 

Tin mới

Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề