Thứ bảy, 27/04/2024 12:29 (GMT+7)

Cần liên kết phòng chống nguy cơ ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

MTĐT -  Thứ năm, 14/03/2024 10:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để hướng tới việc giải quyết những vấn đề tồn tại và ngăn chặn những vấn đề phát sinh gây ô nhiễm, các địa phương trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên cần tăng cường liên kết.

Đồng thời, cần xác định được những nhiệm vụ trọng tâm để có định hướng đúng trong công tác kiểm soát ô nhiễm, góp phần bảo đảm sức khỏe, đời sống nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội.

Liên kết ứng phó BĐKH, ô nhiễm môi trường

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, các tỉnh, thành phố trong khu vực cần tăng cường liên kết ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, Quảng Nam rất quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước, đa dạng sinh học... vì những vấn đề này không chỉ gói gọn trong một đơn vị hành chính, mà tác động cả vùng, liên vùng, nên cần phải có sự hợp tác cả vùng, liên vùng. Địa phương rất tích cực, chủ động trong việc phối hợp với các tỉnh, thành phố lân cận quản lý, bảo vệ rừng, môi trường và đa dạng sinh học.

tm-img-alt
Trạm quan trắc môi trường nước tự động sông Vu Gia tại thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam là dự án hợp tác giữa Quảng Nam và Đà Nẵng.

Các dự án phục hồi rừng, đa dạng sinh học mà Quảng Nam đang thực hiện mang tính liên kết vùng, không phân chia địa giới hành chính. Tỉnh cũng phối hợp với Đà Nẵng thành lập và duy trì hoạt động Ban điều phối quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng, một mô hình quản lý lưu vực sông liên tỉnh duy nhất trên cả nước hiện nay, vừa bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội 2 địa phương, vừa bảo vệ môi trường và giảm nhẹ thiên tai.

“Địa phương luôn cân nhắc các dự án, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn và phải được kiểm soát chặt chẽ về môi trường cũng như đầu tư các khu xử lý rác sinh hoạt, chất thải công nghiệp và nguy hại, không để ảnh hưởng đến các địa phương lân cận”- ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết.

tm-img-alt
Đà Nẵng đã đầu tư trạm xử lý nước rỉ rác tại khu vực bãi rác Khánh Sơn có công nghệ tiên tiến

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng Đặng Quang Vinh cho rằng, có nhiều đợt xảy ra sự cố tràn dầu trên biển có quy mô rất lớn, diện rộng, liên tỉnh. Những năm qua, Đà Nẵng tổ chức các đợt diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu với quy mô nội tỉnh, nhưng cũng rất mong muốn có sự phối hợp của các địa phương để tổ chức diễn tập có quy mô liên tỉnh để có thể ứng phó trên thực tế những sự cố tràn dầu có quy mô rộng, nguy hiểm.

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đã xây dựng các kế hoạch ứng phó các sự cố môi trường do từng chất thải riêng lẻ như: sự cố bức xạ, hạt nhân; sự cố tràn dầu; sự cố môi trường do rác phát sinh sau bão, lũ…

Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023-2030, thành phố đang lúng túng do thiếu các định mức kinh tế, kỹ thuật để xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các kế hoạch quản lý môi trường; còn bất cập về khoảng cách cách ly môi trường; thiếu các chính sách, hành lang pháp lý thuận lợi để triển khai thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành cũng như tăng cường khả năng vận động, kêu gọi nguồn vốn phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm; một số vướng mắc, khó khăn trong thực hiện quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường…

Do đó, thành phố mong các bộ, ngành Trung ương sớm có hướng dẫn để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, góp phần xử lý, phòng ngừa ô nhiễm và bảo vệ, cải thiện môi trường.

Triển khai các hoạt động trọng tâm

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 với những tư duy đổi mới, thay đổi phương thức quản lý chuyển từ bị động sang chủ động, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; coi chất thải là nguồn tài nguyên sau khi đã được phân loại để tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng, góp phần thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Cùng với những cam kết quốc tế mạnh mẽ của Việt Nam về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian qua sẽ là tiền đề, thời cơ thuận lợi để các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên triển khai công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.

tm-img-alt
Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Trung và Tây Nguyên khảo sát, kiểm tra chất lượng nguồn nước ven biển Đà Nẵng

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, hiện nay, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TN&MT đang khẩn trương xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam; Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành môi trường đến năm 2030; Đề án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề đến năm 2030; Kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng… để có các hướng dẫn cụ thể để địa phương thực hiện.

Trong năm 2024, Bộ TN&MT sẽ tập trung thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn 8 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên đối với các đối tượng, loại hình sản xuất bao gồm: kinh doanh hạ tầng KCN, tinh bột sắn, dệt nhuộm, chế biến thủy sản, sản xuất phân bón, sản xuất thực phẩm, dịch vụ du lịch…

Theo các nội dung quy định của Luật BVMT 2020, Nghị định 08/2022/NĐ-CP. trách nhiệm của UBND tỉnh/thành phố rất lớn trong công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường các nguồn thải. Vì vậy, trước mắt các địa phương cần tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng thu gom, hệ thống xử lý nước thải tập trung đối với các KCN, CCN đang hoạt động nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường trước khi thải ra môi trường; yêu cầu các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, phát sinh chất thải lớn phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục và truyền dữ liệu về Sở TN&MT để theo dõi, giám sát. Rà soát, yêu cầu các CCN đầu tư hạ tầng BVMT hoàn thành trước năm 2024.

tm-img-alt
Trong năm 2024, Bộ TN&MT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các KCN, CCN theo quy định Luật BVMT 2020

Đồng thời, ưu tiên đề xuất và phê duyệt các dự án đầu tư và đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng cấp hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung cho các đô thị; thí điểm xây dựng mô hình xử lý nước thải sinh hoạt cho hộ gia đình ở khu vực nông thôn. Các địa phương cần tổ chức quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn tập trung đảm bảo thu gom, xử lý được toàn bộ chất thải rắn phát sinh trên địa bàn tỉnh, có thể là các Nhà máy xử lý cho liên tỉnh. Áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến, thân thiện môi trường kết hợp thu hồi năng lượng đảm bảo giảm tối đa lượng chất thải rắn sinh hoạt chôn lấp trực tiếp theo quy định của Luật BVMT 2020.

Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát về môi trường cần được quan tâm, chú trọng, trong đó kiểm tra việc phát sinh, quản lý chất thải đặc biệt kiểm soát các hồ chứa chất thải hoặc các bãi lưu giữ chất thải đặc biệt các bãi thải, hồ chứa quặng đuôi của các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản, cơ sở sản xuất phân bón, hoá chất; bãi lưu giữ chất thải rắn của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy thép và cơ sở xử lý chất thải; hồ chứa nước của các nhà máy thủy điện có nguy cơ sạt lở hoặc vỡ đập do mưa lớn, lũ lụt....

Nhằm chia sẻ dữ liệu giữa Trung ương và địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường, công tác thiết lập và tăng cường cơ chế trao đổi thông tin, cơ sở dữ liệu, phối hợp, hướng dẫn, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, hướng dẫn quy định pháp luật cho các sở và địa phương về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vụ việc điểm nóng, sự cố về môi trường... cũng cần được chú trọng thực hiện.

Bạn đang đọc bài viết Cần liên kết phòng chống nguy cơ ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Báo TN&MT

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Quản lý rác thải điện tử - Bài học từ thế giới
Rác thải điện tử khó tái chế, xử lý với chi phí cao nên việc xử lý ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có thể là bài học hữu ích cho cơ quan quản lý môi trường Việt Nam trong xử lý loại chất thải này.

Tin mới

Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề