Chủ nhật, 05/05/2024 23:40 (GMT+7)

Chống gian lận xuất xứ hàng hoá

MTĐT -  Thứ bảy, 23/11/2019 10:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhằm ngăn chặn việc gian lận xuất xứ và chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là thực hiện các giải pháp cứng rắn, xử lý nghiêm và không có ngoại lệ.

Với những lợi thế từ 12 Hiệp địnhThương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CCTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam khó tránh khỏi bị lợi dụng là nơi trung chuyển hàng hóa sang nước thứ ba, cũng như hàng hóa nhập khẩu dán nhãn trong nước. Nhằm ngăn chặn việc gian lận xuất xứ và chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là thực hiện các giải pháp cứng rắn, xử lý nghiêm và không có ngoại lệ.

Diễn biến phức tạp

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, cơ hội lớn nhất khi Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA là cam kết về thuế, giúp mở rộng thị trường, tạo sự phát triển và giúp Việt Nam hoàn thiện khung luật pháp …

Tuy nhiên, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa kịp tiếp cận cơ hội trên, thì không ít doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã lợi dụng kẽ hở của luật, lấy Việt Nam làm nơi trung chuyển hợp pháp cho hàng hóa nước ngoài xuất khẩu vào một số thị trường mà không phải chịu thuế.

Theo ông Âu Anh Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), có 2 hình thức gian lận xuất xứ hàng hóa: Đó là nhóm hành vi gian lận, giả mạo giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) Việt Nam, ghi nhãn hàng hóa tại nước ngoài trước khi nhập khẩu về Việt Nam để tiêu thụ; nhóm hành vi gian lận, giả mạo C/O Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang lợi dụng các quy định hiện hành để gian lận trong khai báo mã số hồ sơ nguyên liệu “đầu vào” và sản phẩm “đầu ra”, hoặc lợi dụng việc kiểm tra hồ sơ xin cấp C/O còn chưa chặt chẽ để nộp chứng từ giả… Cụ thể, một số sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang châu Âu như xe đạp, kẽm, giày, mũ da…; nhưng sau khi điều tra chống bán phá giá đã phát hiện ra đây là hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc.

Ông Claudio Dordi, Giám đốc Dự án tạo thuận lợi thương mại (Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ) cho biết, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại không những gây tổn hại cho quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ và những đối tác quan trọng khác, mà ảnh hưởng tiêu cực tới doanh nghiệp tuân thủ tốt các quy định. Các doanh nghiệp sẽ bị chậm trễ khi thực hiện thủ tục xuất khẩu tại Hoa Kỳ, đồng thời hàng hóa Việt Nam sẽ bị áp thuế cao hơn. Do đó chính phủ Việt Nam cần tích cực hơn trong triển khai các giải pháp chống các hành vi gian lận xuất xứ. Nhập hàng từ nước ngoài, cắt mác, dán tem thương hiệu trong nước … là thủ đoạn không mới, nhưng rất khó kiểm soát. Thậm chí, có doanh ngiệp xây dựng được thương hiệu uy tín cũng vẫn gian lận, điển hình như Khải Silk. Ngoài tác động làm giảm lòng tin của người tiêu dùng, giảm sức mạnh cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam “sân nhà”, nghiêm trọng hơn, về lâu dài giá trị thương hiệu Việt Nam bị ảnh hưởng. Để khắc phục thực trạng này, các doanh nghiệp chức năng, cấp thẩm quyền cần tang cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử phạt nghiêm minh, đủ sức răn đe các vi phạm.

Vi phạm phức tạp.

Khảo sát một số tuyến phố chuyên kinh doanh các sản phẩm thời trang như: Bà Triệu, Thái Hà, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Đức Thắng, Minh Khai… có rất nhiều cửa hàng giới thiệu sản phẩm của các thương hiệu may mặc nổi tiếng trong nước như: May 10, Việt Tiến, Nhà Bè, Đức Giang… Tuy nhiên trên thực tế người tiêu dùng rất khó nhận biết đâu là những sản phẩm thật của các doanh nghiệp may mặc có uy tín trong nước.

Bà Nguyễn Thu Trà, nhân viên kinh doanh Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, để bán được nhiều sản phẩm, không ít cửa hàng, đại lý cố tình sử dụng nhãn hiệu, nhái thương hiệu của doanh nghiệp có uy tín nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Thống kê của Tổng cục Thị trường (Bộ Công Thương) cho thấy, những năm gần đây hàng năm lực lượng chức năng phát hiện và xử lý hơn 100.000 vụ việc liên quan hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có sản phẩm dệt may thời trang chiếm phần lớn.

Trước đó ngày 4 - 11 - 2019 Đội quản lý thị trường số 17 (Cục quản lý thị trường Hà Nội) đã phát hiện cơ sở may mặc tại phường Thạch Bàn (quận Long Biên) nhập hàng nước ngoài sau đó thay bằng nhãn các thương hiệu Việt. Tổng trọng lượng số hàng hóa khoảng 4 tấn, trị giá khoảng 2 tỷ đồng.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, trong quá trình phát triển các thương hiệu nội địa, Tập đoàn phải đối mặt đối với rất nhiều khó khăn từ nạn hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, gian lận xuất xứ bày bán tràn lan trên thị trường, khiến doanh nghiệp trong nước rất khó cạnh tranh. Nói về nguyên nhân tình trạng trên, ông Vũ Đức Giang. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, để kiếm lợi nhuận, rất nhiều cửa hàng đã cố tình làm giả các sản phẩm của doanh nghiệp có uy tín khác bằng cách thuê các xưởng may gia công thực hiện, với mức giá rất rẻ so với giá thị trường, hoặc thuê các đối tác nước ngoài sản xuất với số lượng lớn, có giá “siêu rẻ” rồi vận chuyển về Việt Nam, sau đó gắn nhãn mác doanh nghiệp nổi tiếng để đưa ra thị trường.

Tăng cường kiểm tra kiểm soát.

Thực tế cho thấy, hàng giả, hàng nhái, đang là vấn nạn gây thiệt hại trực tiếp tới các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp dệt may trong nước khiến cho sản phẩm chính hãng không bán được. Nghiêm trọng hơn, theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam, Việt Nam là một nước xuất khẩu Dệt may, nếu không kiểm soát được hàng giả, hàng nhái, thì các nước khác sẽ dựng hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn việc xuất khẩu của ngành Dệt may ra thị trường quốc tế. Điều đó gây ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế, người dân, cũng như người lao động ngành Dệt may.

Chia sẻ về tình trạng giả thương hiệu, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 phản ánh, thời gian qua có một số đơn vị, hoặc nhà cung cấp cố tình làm giả tên thương hiệu gần giống, chỉ khác một số ký tự… làm cho người tiêu dùng lầm tưởng đó là sản phẩm của May 10. Vì vậy, để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái dán mác thương hiệu, doanh nghiệp đã triển khai nhiều biện pháp cũng như chiến lược bảo vệ thương hiệu của mình như liên tục ra mắt các sản phẩm, mẫu thời trang mới, đồng thời bảo hộ kiểu dáng, hệ thống nhận diện thương hiệu được đồng bộ từ khâu bao bì, đóng gói, đế phân phối tiêu dùng. Về mặt kỹ thuật trong tất cả các sản phẩm May 10 đều có một sợi chống hàng giả được dệt cùng nhãn mác sử dụng, có tem chống hàng giả khi soi kính lúp có thể nhìn được toàn bộ logo, ký hiệu đặc biệt để phân biệt được đó có phải là sản phẩm của May 10 hay không.

Tình trạng giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam ngày càng gia tăng. (Ảnh minh họa). Nguồn: Internet

Theo ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục quản lý thị trường Hà Nội, Phó Trưởng Ban thường trục Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, tình trạng sản phẩm dệt may bị làm giả, làm nhái đã diễn ra nhiều năm nay. Vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động tăng cường các biện pháp chống hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ như quản lý kỹ thuật, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, cung cấp cho người tiêu dùng những dấu hiệu nhận biết để phân biệt hàng giả, hàng nhái. Về phía cơ quan quản lý nhà nước sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đặc biệt, về phía người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, kiên quyết tẩy chay những doanh nghiệp, đơn vị cố tình làm giả, nhái thương hiệu của các doanh nghiệp có uy tín để trục lợi như hiện nay

Tạo môi trường minh bạch, bình đẳng.

Thời gian qua, tình hình thương mại thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, trong đó nổi lên là xu hướng bảo hộ thương mại cũng như việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại giữa các nền kinh tế lớn. 

Đặc biệt, không để ảnh hưởng uy tín, sức cạnh tranh …. kinh doanh của Việt Nam công tác kiểm tra xuất xứ, đầu vào để thuận tiện cho việc quản lý…

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, các Bộ Công Thương, Tài chính, VCCI,... cần tăng cường phối hợp, cung cấp thông tin để nghiên cứu, đưa ra tiêu chuẩn, định nghĩa thế nào là hàng Việt Nam, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý.

“Thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là chỉ đạo quyết liệt và có các giải pháp cứng rắn,hiệu quả nhằm ngăn chặn việc giả mạo, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, xử lý nghiêm minh triệt để và không có ngoại lệ với các hành vi gian lận, làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của hàng hóa Việt Nam, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh chân chính”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Theo Bộ Công Thương, trong 10 tháng năm 2019, các cơ quan có thẩm quyền đã cấp C/O ưu đãi, với hơn 882.000 bộ các loại, trị giá hàng hóa 59 tỷ USD, tăng 9% về số lượng hồ sơ tăng 34% về giá trị hàng hóa so với cùng kỳ năm ngoái.

Thực tế này cho thấy, hành vi gian lận xuất xứ khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp ở mức rất cao, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất. Bên cạnh đó, hàng hóa Việt Nam sẽ bị mất uy tín trên thị trường quốc tế hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này nếu bị phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Như vậy, việc gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu chắc chắn gây ảnh hưởng lâu dài và nghiêm trọng đến thương hiệu hàng Việt.

Trong khi đó, về hàng nhập khẩu, gần đây, một số thương hiệu may mặc trong nước đã nhập nguyên đai, nguyên kiện hàng hóa từ nước khác, sau đó dán nhãn “Made Vietnam” cố tình lừa dối người tiêu dùng, gây hoang mang dư luận. Việc này cần xử lý nghiêm nhằm tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch với mọi thành phần kinh tế.

Những gì đang diễn ra cho thấy, việc thực hiện quyết liệt các giải pháp cho vấn đề này là rất cần thiết, trong đó nên đặt trọng tâm ưu tiên hàng đầu cho việc hoàn thiện khung khổ pháp lý và sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Pháp luật về xuất xứ hàng hóa hiện nay còn chưa thật cụ thể, chưa bao quát được đẩy đủ các trường hợp, chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. (Ảnh minh họa). Nguồn: Internet

Theo đó, về phía cơ quan chức năng cần sớm triển khai hai nhóm mục tiêu chính, với 8 nhóm biện pháp cụ thể đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ ra tại đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ (Quyết định số 824/QĐ – TTG, ngày 4 - 7 – 2019). Đó là đẩy mạnh quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài thông qua 3 nhóm biện pháp chính là: cảnh báo sớm, ngăn ngừa các hành vi gian lận một cách có chọn lọc; tăng cường hiệu quả công tác cấp và kiểm ra giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), kiểm tra đấu tranh với các hành vi gian lận; hoàn thiện quy định giải quyết việc đăng ký đầu tư nước ngoài, quanrl ý các dự án đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có nguy cơ… Đồng thời, thực thi hiệu quả pháp luật thông qua 5 nhóm biện pháp chính như đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật, tăng cường khả năng ứng phó của doanh nghiệp; phối hợp với các nước trong việc ngăn chặn các hành vi vi phạm; rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng gian lận xuất xứ như hành lang pháp lý chưa theo kịp thực tế, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe bên cạnh đó sức ép từ hàng hóa nhập khẩu giá rẻ cũng tạo động lực cho gian lận thương mại. Vì vậy “Thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là chỉ đạo quyết liệt, có những giải pháp cững rắn, xử lý nghiêm minh, triệt để, không có ngoại lệ với các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của hàng hóa Việt Nam, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính”- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng đã nhấn mạnh điều này khi làm việc với các bộ, ngành liên quan về tình hình cấp C/O và công tác phòng chống gian lận xuất xứ ngày 15/11 vừa qua.

Để ngăn chặn tình trạng gian lận C/O, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, từ năm 2017, Bộ Công Thương đã xây dựng danh sách hàng hóa trong diện cảnh báo nguy cơ lẩn tránh thuế; gửi thông tin tới các đơn vị liên quan nhằm tăng cường kiểm tra, theo dõi và phối hợp với cơ quan điều tra nước ngoài trong các vụ việc chống lẩn tránh thuế. Đồng thời, tích cực phổ biến các quy định trong lĩnh vực này và thông tin cho doanh nghiệp những thay đổi pháp lý liên quan.

Đề cập đến giải pháp ngăn chặn việc làm giả C/O, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, bên cạnh việc phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Xuất nhập khẩu cũng chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra, xác minh cơ sở sản xuất của doanh nghiệp khi có nghi vấn về gian lận xuất xứ; đẩy mạnh thực hiện C/O điện tử, hướng tới không sử dụng C/O giấy.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị, các cơ quan cần xem xét lại quy định của pháp luật, khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho sản phẩm lưu thông tại thị trường trong nước; trình ban hành nghị quyết của Chính phủ về một số biện pháp cấp bách để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng, chống gian lận, xuất xứ. Cùng với đó, xem xét kết nối hệ thống trao đổi thông tin dữ liệu giữa Bộ Công Thương, VCCI và Tổng cục Hải quan.

Về phía các doanh nghiệp, cần thận trọng khi đầu tư sản xuất và xuất khẩu một số mặt hàng đang có nguy cơ bị áp thuế; cân nhắc khi mở rộng đầu tư, nhất là sản xuất phục vụ xuất khẩu các mặt hàng đã bị nước nhập khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với nước thứ ba.

Mới đây, Bộ Công Thương tiếp tục trình Chính phủ ban hành nghị quyết về một số biện pháp cấp bách tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng, chống gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam. Ít nhất có 8 Bộ sẽ cùng vào cuộc chống hàng hóa nước ngoài “đội lốt” hàng Việt. Đây là động thái mạnh mẽ của Chính phủ, nhưng do liên quan đến nhiều bộ, ngành nên khi thực hiện trên thực tế, càng đòi hỏi cơ chế phối hợp phải chặt chẽ, rõ trách nhiệm, thậm chí có sự giám sát chéo để bảo đảm quy định được thực hiện nghiêm.

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các cơ quan chức năng, chính doanh nghiệp trong nước cần lên tiếng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Đồng hành với doanh nghiệp, các hiệp hội cần tăng cường vai trò giám sát, phát hiện, phản ánh các hành vi gian lận. Cùng với đó, lực lượng quản lý thj trường, thuế, hải quan cũng phải thực hiện nghiêm trách nhiệm công vụ, đạo đức nghề nghiệp, xử phạt nghiêm hành vi vi phạm để tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng./.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Chống gian lận xuất xứ hàng hoá. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đà Nẵng tăng cường thu hút khách du lịch MICE 2024
Với lợi thế sẵn có về du lịch MICE, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và doanh nghiệp cùng với chương trình xúc tiến thu hút du lịch MICE được kích hoạt, Đà Nẵng kỳ vọng thu hút các đoàn khách MICE trong thời gian đến.

Tin mới