Thứ bảy, 04/05/2024 03:34 (GMT+7)

Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai

MTĐT -  Thứ ba, 02/05/2023 10:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những năm gần đây trên phạm vi cả nước, các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai xuất hiện dị thường, không theo quy luật đã gây thiệt hại về người và tài sản.

Chú thích ảnh
Các lực lượng vũ trang cũng với người dân khắc phục các thiệt hại do mưa giông, lốc gây ra tại tỉnh Gia Lai, ngày 24/4/2023. Ảnh: TTXVN phát

Thiên tai tiếp tục bất thường

Mới đây, các nhà khoa học khí hậu thuộc Cơ quan theo dõi Biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) đưa ra cảnh báo trong báo cáo đánh giá các hiện tượng khí hậu cực đoan, công bố ngày 20/4, sau 3 năm hiện tượng thời tiết La Nina ở Thái Bình Dương, làm nhiệt độ toàn cầu giảm nhẹ, thế giới sẽ chứng kiến "sự tái xuất" của hiện tượng El Nino vào cuối năm 2023. Khi El Nino xuất hiện, gió thổi về phía Tây dọc theo đường Xích đạo chậm lại, khiến dòng nước ấm bị đẩy về phía Đông Thái Bình Dương, làm tăng nhiệt độ bề mặt đại dương.

Theo ông Carlo Buontempo, Giám đốc Copernicus, El Nino thường khiến nhiệt độ toàn cầu tăng cao kỷ lục. Hiện, chưa thể dự đoán chính xác điều này sẽ xảy ra vào năm 2023 hay 2024. Các mô hình khí hậu cho thấy El Nino quay trở lại vào cuối mùa Hè ở Bắc bán cầu và hiện tượng này có thể hoạt động mạnh vào cuối năm.

8 năm qua cũng là những năm thế giới hứng chịu nắng nóng kỷ lục, cho thấy xu hướng Trái Đất ấm lên trong dài hạn do khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Bà Friederike Otto, giảng viên cao cấp tại Viện Grantham thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh) cho biết nhiệt độ tăng cao, do El Nino gây ra, có thể làm trầm trọng thêm các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu mà các quốc gia đang phải hứng chịu, trong đó có các đợt nắng nóng nghiêm trọng, hạn hán và cháy rừng. Nếu El Nino phát triển và con người vẫn tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch, rất có thể năm 2023 sẽ còn nóng hơn năm 2016.

Báo cáo trên cũng đánh giá hiện tượng thời tiết cực đoan mà thế giới đã trải qua vào năm 2022 - năm có mức nhiệt cao thứ 5 được ghi nhận. Theo đó, châu Âu đã trải qua mùa Hè nóng kỷ lục vào năm 2022, trong khi mưa xối xả do biến đổi khí hậu đã gây lũ lụt thảm khốc ở Pakistan và diện tích băng biển Nam Cực trong tháng Hai vừa qua giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Cơ quan theo dõi Biến đổi khí hậu Copernicus của EU cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu của thế giới hiện cao hơn 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mặc dù hầu hết các nước phát thải lớn trên thế giới cam kết sẽ đưa mức phát thải ròng về 0, nhưng lượng khí thải CO2 toàn cầu trong năm ngoái vẫn tiếp tục tăng.

Năm 2022, thiên tai ở nước ta xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm và trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần) trong đó có 1.072 trận thiên tai đã được thống kê.

Thiên tai năm 2022 đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021).

Từ đầu năm 2023 đến nay, đã xảy ra 3 trận mưa lớn, 21 trận dông lốc, 12 vụ sạt lở bờ sông, 78 trận động đất, 2 đợt rét hại và 12 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển. Trong đó, cuối tháng 3/2023 đã xảy ra nắng nóng vượt lịch sử cùng thời kỳ tại Hòa Bình. Thiên tai đã làm 7 người mất tích, thiệt hại kinh tế gần 25 tỷ đồng.

Để làm tốt hơn công tác phòng chống thiên tai, Tổng Cục trưởng, Tổng cục Khí tượng thủy văn Trần Hồng Thái cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai việc theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thủy văn, hải văn trên phạm vi cả nước; cảnh báo, dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ lớn, lũ quét, triều cường, sóng lớn,...; tăng cường ứng dụng công nghệ và công cụ mới nhằm chi tiết hóa và truyền tải các thông tin dự báo, hoàn thiện công cụ, hệ thống dự báo; đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai. Cùng với đó, ngành Tài nguyên và Môi trường duy trì và phát triển các loại thông tin và các hình thức truyền tải bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn mới tới người dùng như ứng dụng trên điện thoại di động; dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành một quyết định điều chỉnh chung các quy trình vận hành liên hồ chứa...

Góp phần giảm thiểu thiệt hại

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. Để chủ động phòng, chống và giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra cần có một chiến lược dài hạn, mang tầm vĩ mô, nhất là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Theo dự báo, La Nina (hiện tượng bề mặt biển ở trung tâm và phía Đông xích đạo Thái Bình Dương lạnh đi so với bình thường) còn duy trì đến hết mùa Xuân năm 2023, sau đó chuyển dần sang trạng thái trung tính vào những tháng mùa Hè.

Với xu thế khí tượng trên, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, dự báo trong năm 2023 sẽ có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng đến đất liền.

Theo quy luật, các đợt bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện vào thời điểm các tháng đầu mùa sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc. Tiếp đó, từ khoảng tháng 9 - 11, bão, áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Trung.

Về xu thế nhiệt độ, nắng nóng, các tháng nửa đầu năm 2023, nền nhiệt độ có xu hướng xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Các tháng nửa cuối năm nhiệt độ có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm. Dự báo nắng nóng ở mức nhiều hơn và gay gắt hơn năm 2022. Các đợt nắng nóng chủ yếu tập trung từ tháng 4 - 8 tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.

Tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, trong mùa khô năm 2023, lượng dòng chảy trên các sông ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến thiếu hụt từ 20 - 40% so với trung bình nhiều năm, có sông thiếu hụt trên 50%. Riêng một số sông ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, lượng dòng chảy ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.

Đối với khu vực Nam Bộ, trong mùa khô năm 2023, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức tương đương trung bình nhiều năm (2012 - 2022) và không gay gắt như mùa khô năm 2019-2020, thấp hơn so với năm 2022.

Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng tháng 2 - 3/2023; các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3 - 4/2023.

Mặc dù thiên tai diễn ra bất thường, cực đoan, trái quy luật, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo, lãnh đạo Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, lực lượng vũ trang đã khắc phục khó khăn, đặc biệt là sự chủ động của các địa phương và cộng đồng nên công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 và các tháng đầu năm 2023 đã đạt được những kết quả toàn diện, góp phần giảm thiểu thiệt hại.

Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các cấp đã khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, hoàn thành việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia.

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2030 là hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và phòng, chống thiên tai; nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai của người dân và cộng đồng. Đồng thời, tăng cường khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng; xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để chủ động phòng, chống, giảm thiệt hại do thiên tai.

Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia đặt chỉ tiêu đến năm 2030 giảm tối thiểu 10% thiệt hại về người so với giai đoạn 2010 - 2020, trong đó, tập trung giảm thiệt hại do lũ, lũ quét, sạt lở đất; giảm thiệt hại về kinh tế ở mức thấp hơn giai đoạn 2010 - 2020 và không vượt quá 1,2% GDP bình quân hằng năm.

Dự báo, cảnh báo thiên tai kịp thời, bảo đảm độ tin cậy, ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực; 100% cơ quan, tổ chức và hộ gia đình vùng bị ảnh hưởng của thiên tai được tiếp cận đầy đủ, kịp thời thông tin về thiên tai.

Năng lực của lực lượng tham mưu hỗ trợ chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được kiện toàn, phấn đấu 100% cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai cấp tỉnh và một số bộ, ngành đáp ứng được yêu cầu tham mưu, hỗ trợ ra quyết định chỉ đạo phòng, chống thiên tai theo thời gian thực.

Chương trình đặt mục tiêu nhận thức về rủi ro thiên tai và kỹ năng phòng, chống thiên tai của các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân, nhất là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai được nâng cao. 100% cơ quan hành chính các cấp, tổ chức và hộ gia đình vùng ảnh hưởng thường xuyên của thiên tai được tiếp nhận đầy đủ thông tin, tài liệu về thiên tai và rủi ro thiên tai, hiểu biết kỹ năng phòng tránh thiên tai. 100% lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, trang bị đầy đủ kiến thức và trang thiết bị cần thiết. 100% tổ chức, hộ gia đình bảo đảm các yêu cầu phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ).

Cùng với đó, công trình cơ sở hạ tầng, nhà ở của người dân đủ khả năng chống chịu trước thiên tai theo mức thiết kế, từng bước nâng cấp đáp ứng yêu cầu về quản lý rủi ro thiên tai trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu; tập trung khắc phục, xử lý 100% vị trí trọng điểm đê điều đặc biệt xung yếu; hoàn thiện sửa chữa, nâng cấp hồ đập thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp.

Người dân sống ở khu vực thường xuyên xảy ra bão, lũ, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất được bảo đảm an toàn, hạn chế bị rủi ro khi xảy ra thiên tai; 100% khu vực trọng điểm xung yếu về phòng, chống thiên tai được theo dõi, giám sát chủ động...

Bạn đang đọc bài viết Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo TTXVN

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bảo tàng tỉnh Bắc Giang: Nơi lưu giữ kỷ vật thời chiến
Hệ thống các hình ảnh, tư liệu, hiện vật thời chiến được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ ghi nhớ những mốc son trong lịch sử dân tộc, thêm tự hào về truyền thống anh hùng của đất nước, quê hương.