Thứ sáu, 10/05/2024 19:08 (GMT+7)

Chùa Vĩnh Nghiêm- một trong ba trung tâm đầu não của Phật phái Trúc Lâm

Diệp Anh -  Thứ bảy, 29/04/2023 16:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chùa Vĩnh Nghiêm, còn được gọi là chùa Đức La, là một ngôi chùa cổ tại làng Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Chùa Vĩnh Nghiêm - Bắc Giang là ngôi chùa cổ, là nơi lưu giữ lại bộ mộc bản gốc duy nhất của Phật phái Trúc lâm.

Chùa được công nhận là một trung tâm Phật giáo, nơi đào tạo tăng đồ cho cả nước, nơi phát tích Tam Tổ phái Thiền Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam. Năm 2015, chùa được Nhà nước Việt Nam công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

tm-img-alt
Một góc chùa Vĩnh Ngiêm. Ảnh TL

Chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc nơi hợp lưu của sông Lục Nam và sông Thương (gọi là ngã ba Phượng Nhãn). Chùa nhìn ra ngã ba sông, phía Lục Đầu Giang - Kiếp Bạc, vùng Cẩm Lý cửa ngõ ra vào núi Yên Tử. Bao quanh chùa là núi non trong đó có núi Cô Tiên. Bên kia sông là vương phủ của Trần Hưng Đạo, đền Kiếp Bạc.

Theo TS. Nguyễn Văn Phong, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang,  thời Trần có ba trung tâm đầu não của Phật phái Trúc Lâm là Hoa Yên (Yên Tử), Quỳnh Lâm (Đông Triều) và Vĩnh Nghiêm thì Hoa Yên vẫn được xem như kinh đô, còn Quỳnh Lâm, Vĩnh Nghiêm là hai vệ tinh lớn nhất của kinh đô Phật giáo Yên Tử Đại Việt dưới thời Trần. Trong đó, Phật hoàng Trần Nhân Tông và đại thiền sư Pháp Loa (Đồng Kiên Cương) có vị trí độc tôn và vai trò đặc biệt với sự hình thành, phát triển chốn tổ Vĩnh Nghiêm.

Truyền thuyết kể rằng, vào thời Trần, vùng Yên Dũng (Bắc Giang) còn là rừng núi rậm rạp, vua Trần Nhân Tông cùng đoàn tùy tùng đi du ngoạn, cũng là để xem xét các địa thế hiểm yếu nơi cửa ngõ vùng phía Bắc kinh thành Thăng Long, nhằm xây dựng phòng tuyến chuẩn bị chống giặc Nguyên - Mông. 

Đến khu vùng La, ngựa của nhà vua bỗng hí vang và gõ móng dừng lại không chịu bước tiếp. Nhà vua lấy làm lạ, hỏi ra mới biết đất này vốn là lưng một con rùa, vốn có một ngôi chùa nhỏ từ rất lâu đời. Ngắm thế có sông núi giao hòa, vượng khí sung mãn, lại có chùa thiêng tọa lạc, vua cho đây là một duyên may đưa Người đến đất này liền cho sửa sang chùa thật khang trang, đặt tên là Vĩnh Nghiêm tự (chùa Vĩnh Nghiêm). Hơn 700 năm qua danh tự ấy không thay đổi. 

Từ đó, mặc dù bận việc nước, thỉnh thoảng Người lại về thăm ngôi chùa thiêng này. Đến khi nhường ngôi cho Trần Anh Tông lên làm Thái thượng hoàng, Người từ kinh thành ngược sông đến chùa Vĩnh Nghiêm rồi qua sông Lục nhập Huyền Đinh sơn về non thiêng Yên Tử tu trì. Sau 7 năm chuyên tâm tu hành đắc đạo, Người hạ sơn và cho mở mang chùa Vĩnh Nghiêm, sai đệ tử là Pháp Loa Đồng Kiên Cương thường xuyên đến đây giảng đạo. 

tm-img-alt
Chốn tổ Vĩnh Nghiêm về đêm. Ảnh Trần Văn Tuấn

Sử sách nước nhà chép rằng: “Ngày mồng một tháng Giêng năm Mậu Thân (1308), Ngài (tức Trần Nhân Tông) sai Pháp Loa đến huyện Siêu Loại tại Báo Ân Thiền tự khai giảng trụ trì. Tháng tư năm ấy, Ngài đến chùa Vĩnh Nghiêm tại Lạng Giang kiết hạ và sai Pháp Loa khai giảng trụ trì. Chính Ngài giảng Truyền Đăng lục, bảo quốc sư Đạo Nhất vì chúng giảng kinh Pháp Hoa. Bãi hạ, Ngài vào núi Yên Tử, đuổi hết những người cư sĩ theo hầu và những kẻ nô dịch trong chùa, không được chực hầu như trước chỉ để lại mươi vị thị giả thường theo Ngài. Ngài lên ở am Tử Tiêu, vì Pháp Loa giảng Truyền Đăng lục. Thị giả xuống núi gần hết, duy có đệ tử thượng túc là Pháp Loa còn ở thôi”.

Sau khi Phật hoàng viên tịch, lên lãnh đạo Tăng Già, Pháp Loa đã đến trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm. Văn bia tháp Viên Thông cũng như sách Tam tổ Thực Lục cho biết: "Tháng 9, năm Quý Sửu (1313), thiền sư Pháp Loa phụng chiếu đến cư trú tại chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang, đặt văn phòng Trung ương Giáo hội tại đó, quy định mọi chức vụ tăng sĩ trong Giáo hội, kiểm tra tự viện và làm sổ tăng tịch. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam tăng sĩ có hồ sơ tại Giáo hội Trung ương”. 

Từ thời điểm này, chùa Vĩnh Nghiêm lại có thêm một vai trò nữa, đó là nơi quy tụ những cao tăng đức sáng trong chốn thiền môn, điều hành bộ máy hoạt động của Giáo hội đối với tăng già, phật tử liên hệ đến phật sự trong cả nước. Như vậy, chùa Vĩnh Nghiêm cũng chính là nơi Pháp Loa đã tiến một bước trong việc tổ chức giáo hội thống nhất, là trụ sở trung ương của giáo hội Trúc Lâm, chứa đủ hồ sơ của tăng ni cả nước. 

tm-img-alt
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh TL

Nhiều chùa tháp được xây dựng trong thời kỳ Pháp Loa. Bản thân ông tính đến năm 1329 đã xây dựng hai khu chùa lớn là Báo Ân và Quỳnh Lâm, 5 ngọn tháp và 200 tăng đường. Riêng ở chùa Báo Ân (Siêu Loại) năm 1314, ông đã cho xây dựng 33 cơ sở, gồm Phật điện, gác chứa kinh và tăng đường. Ông còn cho xây dựng cả một hệ thống chùa chiền, thiền viện ở sườn Tây Yên Tử (thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang ngày nay) và mở rộng các khu chùa Thanh Mai và Côn Sơn (xưa vẫn thuộc phủ Lạng Giang, xứ Kinh Bắc, nay thuộc Hải Dương).

Cũng theo TS. Nguyễn Văn Phong, thời Trần có ba trung tâm đầu não của Phật phái Trúc Lâm là Hoa Yên (Yên Tử), Quỳnh Lâm (Đông Triều) và Vĩnh Nghiêm thì Hoa Yên vẫn được xem như kinh đô, còn Quỳnh Lâm, Vĩnh Nghiêm là hai vệ tinh lớn nhất của kinh đô Phật giáo Yên Tử Đại Việt dưới thời Trần. Như vậy, Phật hoàng Trần Nhân Tông, người có công mở mang, khai sáng chùa Vĩnh Nghiêm. Pháp Loa tôn giả là người phát triển chùa Vĩnh Nghiêm thành vệ tinh của Kinh đô Phật giáo Yên Tử - trung tâm hành chính của Giáo hội Phật giáo Đại Việt.

Phật hoàng Trần Nhân Tông được tôn vinh là Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa của dân tộc Việt Nam. Với nhân loại, Người được tôn vinh là bậc tôn giả giàu lòng nhân ái vị tha. Trường Đại học Harvard danh tiếng của Mỹ đã thành lập Viện Trần Nhân Tông và Giải thưởng quốc tế về hòa giải mang tên Người. 

Chùa Vĩnh Nghiêm thờ tượng các vị Tổ dòng Trúc Lâm, tượng các vị sư Tổ sau này, tượng Hộ pháp, tượng La Hán… Trong chùa còn có chiếc mõ dài gần nửa mét, được sơn đen bóng, lỗ thoát âm có đề hai dòng chữ Phạn.

Chùa Vĩnh Nghiêm xưa là nơi đào luyện tăng đồ Phật giáo nên là nơi tàng trữ để các bộ ván kinh xưa rộng tới 10 gian nhà. Đó là những bộ ván kinh có từ 700 năm nay, là kho sách cổ vô cùng quý giá, như: Sa di tăng Sa di lì tỷ khiêu lỵ (348 giới luật), bộ Yên Tử nhật trình từ thế kỷ 15 (quá trình hình thành phái Trúc Lâm), Hoa nghiêm sớ, Di đà sớ sao, Đại thừa chỉ quán, Giới kinh ni... Ngày nay có nhiều kệ ván in kinh sử vẫn còn tại chùa. Người xưa gọi đây là khắc in, minh chứng chùa Vĩnh Nghiêm từng thống lãnh 72 chốn tùng lâm.

Hiện nay, kho mộc thư vẫn lưu giữ được 34 đầu sách với gần 3000 bản khắc, mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt 2 trang sách khắc ngược (âm bản) khoảng 2000 chữ Nôm, chữ Hán. Những bản khắc đó vẫn được lưu truyền tại nước ta với từng nét chữ sắc xảo, tinh tế. Ngày nay, những giá trị đó vẫn còn giữ nguyên bản, không bị hao mòn giá trị.

Diện tích chùa khoảng 1 ha, bao quanh chùa là lũy tre dày đặc. Hiện nay, chùa được tu tạo và tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến du lịch và lễ bái. Du khách có thể đi theo lộ trình như: cổng tam quan, đi sâu vào khoảng 100m nữa là bái đường hay còn gọi là chùa Hộ. Hai bên đường chùa được xây dựng những khóm thông khoảng tầm 1m để tạo thành tùng lâm.

Trên sân chùa có một bia đá to, gồm 6 mặt dựng năm Hoằng Định thứ 7 (1606). Ngay trước mặt tấm bia cổ là vườn tháp mộ của 5 vị sư: Phù Lãng Trung pháp (hiệu Sa môn), Thông Duệ ứng Duyên, Thanh Quý, Tịnh Phương Sa môn, Thanh Hanh và một số tháp khác.

Sau khi đã qua cổng tam quan, du khách có thể đi đến Toà tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện, Nhà tổ đệ nhất, Gác chuông, Nhà tổ đệ nhị, Hai dãy hành lang đông tây. Mỗi một kiến trúc tại đây đều được tu sửa theo lối cổ xưa để không làm mất bản sắc văn hóa hàng ngàn năm. Năm 1964 chùa được xếp hạng là di tích Lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia.

Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được tổ chức vào ngày 14 tháng 2 âm lịch, thu hút đông đảo người dân địa phương và khách du lịch trong và ngoài nước tới dự.

Bạn đang đọc bài viết Chùa Vĩnh Nghiêm- một trong ba trung tâm đầu não của Phật phái Trúc Lâm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Người nhạy cảm
Có lẽ rằng những người quá tình cảm///Lo cho người hơn cả chính bản thân///Chăm chút ai cũng hết mực ân cần///Luôn phủ nhận bản thân mình không ổn 

Tin mới