Thứ bảy, 04/05/2024 04:30 (GMT+7)

Công trình dự án 8.200 tỷ đồng cải tạo tuyến kênh dài nhất TP.HCM

Tuệ An -  Thứ hai, 12/06/2023 15:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau khoảng 3 tháng khởi công, nhiều đoạn thuộc dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên (TP.HCM) đã hình thành tuyến kè dự ứng lực.

Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên kết nối TP.HCM với Long An qua sông Chợ Đệm và với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai qua sông Sài Gòn có tổng kinh phí thực hiện khoảng 8.200 tỷ đồng.

Dự án được triển khai từ tháng 3 tại hầu hết gói thầu. Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên là kênh dài nhất của TP.HCM, chảy qua 7 quận với tổng chiều dài hơn 31 km.

Điểm đầu của dự án nối với sông Chợ Đệm, là tuyến đường thủy kết nối TP.HCM với tỉnh Long An. Dự án có các hạng mục lớn bao gồm: Xây dựng tuyến kè, nạo vét kênh, làm đường, cầu giao thông, xây cống thoát nước đầu các kênh nhánh cấp II trên tuyến; xây dựng các nút giao thông, hệ thống thoát nước, trồng cây xanh, lắp điện chiếu sáng....

tm-img-alt
Sau khoảng 3 tháng triển khai dự án, hiện liên danh các nhà thầu đã tổ chức thi công 9/10 gói thầu xây lắp.  (Ảnh: Internet)

Dự án này gồm có 10 gói thầu xây lắp (ngoài ra nó còn có nhiều gói thầu khác như các gói về thiết kế, sát sát, bảo hiểm…). Trong đó 9/10 gói đã được chủ đầu tư ký kết hợp đồng với các đơn vị thi công (gồm 24 công ty) với tổng giá trị hơn 5.800 tỷ đồng.

Sau khoảng 3 tháng triển khai dự án, hiện liên danh các nhà thầu đã tổ chức thi công 9/10 gói thầu xây lắp. Theo trình tự thi công thì hạng mục kè được thực hiện trước, sau đó đến hạng mục đường và nạo vét toàn tuyến kênh. Hiện nay hạng mục được thi công chủ yếu là phần kè.

Liên danh các nhà thầu đã thi công, lắp đặt hơn 3.000 kè cọc dự ứng lực, nhiều đoạn kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên đã hình thành tuyến kè cọc, từng bước thay đổi diện mạo của tuyến kênh dài nhất thành phố. Phần kè có kết cấu bằng cọc (cừ) ván bê tông cốt thép dự ứng lực bao gồm các loại cọc SW400; SW500; SW600; SW740; và SW940 với chiều dài các loại cọc này dao động từ 8 m đến 20 m.

Một số vị trí có địa chất phát tạp ở đầu tuyến và cuối tuyến của dự án, kết cấu kè cọc ván còn được neo bằng cọc bê tông ly tâm PHC-D500 và D600. Ngoài thi công kè cọc dự ứng lực, một số gói thầu đang triển khai đóng thử đối với cọc bê tông ly tâm D500 và D600. Hạng mục cống cấp II đang triển khai đóng cọc móng cống. Hạng mục thi công đường giao thông đã hoàn thành cọc thử CDM và chuẩn bị khoan cọc đại trà cho nhiều gói thầu thuộc dự án.

Một đoạn kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên bị lấp dòng chảy sau nhiều năm không được nạo vét. Sắp tới, các đơn vị thi công tiến hành nạo vét, làm bờ kè và xây dựng hạ tầng dọc hai bên tuyến kênh này. Kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên đoạn qua cầu Tham Lương với dòng nước đen ngòm vì ô nhiễm. Đây từng được đánh giá là một trong số những con kênh có mức độ ô nhiễm cao bậc nhất ở TP.HCM.

Theo chủ đầu tư dự án, hiện công trường có hơn 30 dàn thiết bị thi công đóng cọc và các thiết bị chuyên dụng khác được liên danh các nhà thầu huy động, tập kết phục vụ thi công dự án. Thời gian tới, các đơn vị thi công sẽ huy động thêm thiết bị và nhân lực để đẩy nhanh tiến độ dự án theo lộ trình kế hoạch.

Giai đoạn này, việc thi công chủ yếu dựa vào các dàn thiết bị cơ giới. Để vận hành mỗi dàn thiết bị thi công cọc cần 5-7 công nhân. Vì vậy trên công trường, số lượng công nhân không cần tập trung đông đúc tại cùng một địa điểm. Điểm cuối dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên thông ra sông Sài Gòn. Đây là một trong những dự án lớn của TP.HCM hiện nay, trải dài trong lòng đô thị thành phố, giao cắt với các dự án đầu tư xây dựng khác cùng nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu.

Theo kế hoạch, dự án hoàn thành vào tháng 12/2025. Khi hoàn thành công trình sẽ giúp tạo tuyến lưu thông thủy quan trọng của thành phố, vừa góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân dọc hai bên bờ kênh nhờ hàng loạt các công trình hạ tầng phụ trợ (cầu, đường, công viên, lưới điện...) mới được triển khai.

Với tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng (trong đó vốn Ngân sách Trung ương 4.000 tỷ đồng, vốn Ngân sách địa phương 4.200 tỷ đồng), dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có mục tiêu giải quyết thoát nước, chống ngập và ô nhiễm môi trường, kết nối hạ tầng giao thông, đây là dự án hạ tầng mang tính chất phục vụ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đồng thời làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Dự án là trục tiêu thoát nước, chống ngập úng cho diện tích 14.900 ha của khu vực và các khu vực khác có liên quan; đồng thời dự án cũng góp phần chỉnh trang đô thị và cải thiện môi trường, tăng cường năng lực giao thông cho trục Bắc Nam, góp phần cùng các dự án khác bảo đảm giao thông thủy theo Tiêu chuẩn đường thủy nội địa cấp V.

tm-img-alt
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thơ mộng, xóa hẳn ký ức về "xóm nước đen". (Ảnh: Internet)

Sau khi hoàn thành Dự án này, toàn tuyến kênh Tham Lương – Bến Cát – Nước Lên với chiều dài 31,46km sẽ được nạo vét; kè bờ toàn tuyến với tổng chiều dài 63,11 km. Cùng với đó là xây dựng tuyến đường giao thông hai bên bờ kênh với chiều dài 63,41 km. Đồng thời hoàn thiện hạ tầng thoát nước, công viên, cây xanh, chiếu sáng và 12 bến thuyền tạo nên hình hài lung linh, đem lại bầu không khí trong lành, dòng nước xanh trong cho người dân. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Trước khi tiến hành Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, TP.HCM từng thực hiện thành công Dự án vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc - Thị Nghè với tổng mức đầu tư gần 8.600 tỷ đồng. Đây là con kênh được người dân đánh giá cao nhất trong hàng loạt Dự án quy hoạch kênh rạch tại TP.HCM trong nhiều năm qua.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài gần 10 km, chảy qua các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, đổ ra sông Sài Gòn. Hơn 30 năm trước, con kênh ô nhiễm nặng, bên bờ nhà cửa lụp xụp, cỏ rác um tùm.

Từ năm 1993, chính quyền thành phố có kế hoạch đầu tư cải tạo và xây dựng hai tuyến đường ven kênh. Mười năm sau, dự án vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc - Thị Nghè với tổng mức đầu tư gần 8.600 tỷ đồng khởi công.

Khi dự án cải tạo triển khai, hàng nghìn căn nhà lụp xụp được giải tỏa và tái định cư cho gần 7.000 hộ dân. Con kênh được nạo vét gần 1,1 triệu m3 đất, lắp đặt gần 16 km bờ kè, thi công 9 km tuyến cống bao, gia cố cầu, đặt máy bơm công suất lớn, làm đường hai bên...

Chính quyền cũng đầu tư hơn 554 tỷ đồng cho dự án cải tạo đường Trường Sa và Hoàng Sa, sửa chữa, xây mới 16 cây cầu dọc tuyến kênh, tạo cảnh quan trên tuyến kênh trở thành hai tuyến đường đẹp của thành phố.

Bạn đang đọc bài viết Công trình dự án 8.200 tỷ đồng cải tạo tuyến kênh dài nhất TP.HCM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bảo tàng tỉnh Bắc Giang: Nơi lưu giữ kỷ vật thời chiến
Hệ thống các hình ảnh, tư liệu, hiện vật thời chiến được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ ghi nhớ những mốc son trong lịch sử dân tộc, thêm tự hào về truyền thống anh hùng của đất nước, quê hương.