Thứ sáu, 03/05/2024 20:31 (GMT+7)

Cụ Đồ Chiểu: Niềm tự hào của người dân Bến Tre

Tường Vy -  Thứ tư, 08/02/2023 13:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ xưa đến nay, mỗi vùng đất ít nhiều đều sẽ gắn liền với người nổi tiếng nào đó. Bến Tre cũng vậy, mỗi khi nhắc về nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, người dân xứ dừa lại dâng lên một cảm xúc tự hào.

Di chuyển từ Tp.HCM khoảng 2,5 – 3 tiếng, không bao lâu sau khi qua cầu Rạch Miễu là sẽ đến Tp. Bến Tre. Nơi đây có một ngôi trường mang tên của nhà thơ yêu nước – Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu.

Trong khuôn viên trường, tượng bán thân của cụ Đồ Chiểu được đặt sừng sững như một biểu tượng nhắc cho học sinh ghi nhớ về tấm gương vượt khó, theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời cùng tinh thần yêu nước nồng nàn. Cách đó không xa, tại bảo tàng Bến Tre là Triển lãm tranh vẽ truyện Lục Vân Tiên trên lịch (diễn ra từ 28/06/2022 – 28/02/2023). Nội dung của truyện thơ được tái hiện sinh động bằng tranh vẽ giúp người đọc dễ dàng hình dung.  

Tiếp tục di chuyển khoảng 50 phút nữa sẽ đến Di tích Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Đây là một điểm đến văn hóa đầy tự hào của người dân nơi đây, được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1990 và di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2016.

tm-img-alt
Di tích Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Với mục đích phục vụ cho việc tham quan, nghiên cứu, giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ, năm 1999, Bộ Văn hóa Thông tin và tỉnh Bến Tre đầu tư xây dựng đền thờ mới, mở rộng khu di tích. Công trình bao gồm cổng tam quan, nhà bia, đền thờ mới, đền thờ cũ và khu mộ, được khởi công vào ngày 01/07/2000 và khánh thành ngày 01/07/2002 (vào đúng ngày sinh của nhà thơ). Tổng diện tích khu mộ và đền thờ là 13.000 m2.

Sau khi bước vào cổng đền sẽ thấy nhà bia. Mặt trước khắc bài văn ca ngợi công đức của Nguyễn Đình Chiểu, mặt sau tóm tắt tiểu sử của nhà thơ. Khu vực đền có trồng nhiều cây kiểng quý, được uốn tỉa công phu. Đền thờ có 2 tầng với 3 tầng mái, tượng trưng cho ba nghề mà cụ Đồ Chiểu đã làm lúc sinh thời.

Đó là nghề giáo, nghề y và nghề làm văn thơ. Cụ được đánh giá là người mở đầu cho trào lưu văn học chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc, nhân danh cho toàn bộ dân tộc chứ không nhân danh một bộ phận thiểu số nào. Điều đó không chỉ có ý nghĩa văn học lịch sử ở Việt Nam mà còn mang ý nghĩa quốc tế.

Đối với sự nghiệp dạy học, Đồ Chiểu được xem là một bậc tôn sư của đất phương Nam. Còn khi ở vai trò là một thầy thuốc, cụ luôn lấy y đức làm đầu, tận tâm bốc thuốc cứu người. Điều đáng khâm phục hơn nữa là cụ học làm thầy thuốc trong quá trình điều trị bệnh tại Quảng Nam với đôi mắt mù lòa.

Tượng chân dung Nguyễn Đình Chiểu bằng đồng được đặt trang nghiêm trong đền bên cạnh bốn cột trụ bằng gỗ với bốn câu liễn áp cột. Trong đó có hai câu thơ nổi tiếng của cụ trong tác phẩm Dương Từ – Hà Mậu: 

“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm 

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” 

Và tiếp đó là câu đối người dân Bến Tre viết ca ngợi công đức của cụ:

“Nhân nghĩa sáng ngời vầng nhật nguyệt,

Văn chương tỏ rạng ánh sao Khuê”

Phía sau khu lưu niệm là khu mộ. Mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu khắc chữ Nhật, mộ cụ bà Lê Thị Điền khắc chữ Nguyệt. Cạnh đó là nơi yên nghỉ của con gái nhà thơ – nữ sĩ Sương Nguyệt Anh.

tm-img-alt

Nhìn tổng thể, các công trình trong khu lưu niệm được bố trí một cách hài hòa cùng với nhiều không gian xanh tạo nên cảm giác thoáng đãng, hòa cùng không khí bình yên vốn có của một vùng quê khiến du khách phương xa cảm thấy vô cùng thoải mái. 

Cuối tháng 11/2021, tại Paris (Pháp), UNESCO đã chính thức thông qua Nghị quyết vinh danh Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại và sẽ cùng Việt Nam kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông. Do đó, 2022 được xem là một năm vô cùng đặc biệt, có nhiều hoạt động được tổ chức với quy mô quốc tế để kỷ niệm sự kiện quan trọng này.

Ông Trần Ngọc Tam – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre chia sẻ: “Đây là một sự kiện chính trị quan trọng của cả nước, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa”.

Tại buổi lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu vào ngày 30/06 với chủ đề “Đạo sáng mãi giữa đời” trong khu di tích tại Ba Tri, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart đã trao Nghị quyết vinh danh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu của Việt Nam trong danh sách các danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử có tầm vóc quốc tế niên khóa 2022-2023. Như thế, cùng với Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Chu Văn An, Hồ Xuân Hương, thì Nguyễn Đình Chiểu trở thành người Việt thứ 6 được UNESCO vinh danh. Đây là niềm tự hào cho Việt Nam nói chung, là vinh dự lớn cho tỉnh Bến Tre nói riêng. 

Hoạt động triển lãm thực tế ảo “Nguyễn Đình Chiểu – Cuộc đời và sự nghiệp” do UBND tỉnh Bến Tre tổ chức là một trong những hoạt động trọng điểm trong khuôn khổ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông. Triển lãm được trình bày song song trên nền tảng trực tuyến và trực tiếp tại khu lưu niệm tại Ba Tri, Bến Tre. Việc tổ chức triển lãm thực tế ảo tạo cơ hội cho nhiều người trong và ngoài nước có thể tham quan khu lưu niệm từ xa, đặc biệt là Paris (Pháp).

Ban Quản lý khu di tích cho biết, các hoạt động lớn chủ yếu được tổ chức vào dịp 01/07. Vào giai đoạn cuối năm 2022 đến đầu xuân 2023, khu di tích chỉ tổ chức tiếp đón các đoàn khách đến thăm. Trong đó có 2 đoàn học sinh từ Tp.HCM đến tham quan và học tập. Các em sẽ đến dâng hương, nghe thuyết minh về cuộc đời, sự nghiệp của cụ Nguyễn Đình Chiểu và sau đó sẽ tham gia các hoạt động trải nghiệm để hiểu rõ hơn về vùng đất Bến Tre. 

Tuy không sinh ra tại Bến Tre nhưng tình cảm và những đóng góp của Nguyễn Đình Chiểu trên mảnh đất này luôn được nhân dân ghi nhớ. Cụ Đồ Chiểu mãi là niềm tự hào, một tấm gương về tinh thần yêu nước, nhân nghĩa, hiếu học cho các thế hệ thanh niên cả nước noi theo.

Bạn đang đọc bài viết Cụ Đồ Chiểu: Niềm tự hào của người dân Bến Tre. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo tàng tỉnh Bắc Giang: Nơi lưu giữ kỷ vật thời chiến
Hệ thống các hình ảnh, tư liệu, hiện vật thời chiến được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ ghi nhớ những mốc son trong lịch sử dân tộc, thêm tự hào về truyền thống anh hùng của đất nước, quê hương.

Tin mới

Bảo tàng tỉnh Bắc Giang: Nơi lưu giữ kỷ vật thời chiến
Hệ thống các hình ảnh, tư liệu, hiện vật thời chiến được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ ghi nhớ những mốc son trong lịch sử dân tộc, thêm tự hào về truyền thống anh hùng của đất nước, quê hương.