Thứ sáu, 03/05/2024 18:47 (GMT+7)

Đà Nẵng sẽ phát triển thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao

Duy Anh -  Thứ ba, 14/11/2023 15:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1287 về Phê duyệt Quy hoạch TP.Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch, Đà Nẵng sẽ phát triển thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của cả nước.

Công nhân Công ty Khả Tâm sản xuất trong Khu công nghiệp Hòa Khánh. Ảnh THU CÚC
Công nhân Công ty Khả Tâm sản xuất trong Khu công nghiệp Hòa Khánh. Ảnh THU CÚC

Trung tâm công nghiệp công nghệ cao

Quy hoạch xác định, Đà Nẵng phát triển các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao (CNC) gồm: công nghệ vi điện tử, công nghệ chip và vi mạch bán dẫn, cơ khí chính xác, cơ - điện tử, quang - điện tử và tự động hóa; công nghệ môi trường, công nghệ năng lượng mới; công nghệ vật liệu mới... trở thành ngành công nghiệp chủ đạo.

Phát triển các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên gồm: công nghiệp ô tô; công nghiệp hàng không; công nghiệp du thuyền; cơ khí chế tạo; công nghiệp hóa dược, hóa mỹ phẩm; công nghiệp thực phẩm, đồ uống chế biến tinh; công nghiệp thời trang gắn với thiết kế mẫu và các lĩnh vực chế biến chế tạo khác có giá trị gia tăng cao. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 12%/năm.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó tập trung các lĩnh vực sản xuất, cung ứng cho các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp CNC; tạo điều kiện hình thành và phát triển các cụm liên kết ngành. Chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng giảm dần các ngành sản xuất thâm dụng đất đai, lao động, giá trị gia tăng thấp, hạn chế và tiến tới loại bỏ các ngành sản xuất gây ô nhiễm môi trường; tăng tỷ trọng các ngành, lĩnh vực sản xuất có hàm lượng cao về công nghệ, tri thức, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.

Theo quy hoạch, Trung tâm công nghiệp CNC bao gồm Khu CNC Đà Nẵng, Khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung (giai đoạn 1, giai đoạn 2) trên địa bàn xã Hòa Liên và Hòa Ninh (Hòa Vang) là một trong các cực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Đối với Khu CNC Đà Nẵng, thành phố sẽ sớm đưa các khu chức năng vào hoạt động trước năm 2025. Điều chỉnh, mở rộng Khu CNC Đà Nẵng khi được bổ sung chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đảm bảo các điều kiện theo quy định, trở thành khu đô thị sáng tạo - khoa học - công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế. Kết nối các khu, cụm công nghiệp để hình thành các khu, cụm công nghiệp vệ tinh, liên kết hỗ trợ sản xuất với khu CNC.

Thành phố cũng sẽ sớm hoàn thành thủ tục đầu tư và xây dựng, đưa Khu Công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) vào hoạt động; hoàn thiện Khu CNTT tập trung, Dự án Không gian đổi mới sáng tạo tại phường Hòa Xuân, Khu CNTT Danang Bay, Tòa nhà Viettel Đà Nẵng. Phát triển các khu công viên phần mềm do các nhà mạng Viễn thông - CNTT làm chủ đầu tư.

Một trong hai Vành đai kinh tế phía bắc - Vành đai Công nghiệp CNC và Cảng biển - logistics (kết nối từ Cụm cảng biển - logistics thuộc quận Liên Chiểu tới Cụm công nghiệp CNC thuộc huyện Hòa Vang) sẽ được hình thành nhằm tạo các cơ hội liên kết phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng.

Hình thành các khu công nghiệp mới

Đà Nẵng hiện có 5 khu công nghiệp (KCN), 1 Khu CNC, 1 Khu CNTT tập trung với tổng diện tích hơn 2.131ha, tỷ lệ lấp đầy gần 88%; trong đó có 4 KCN lấp đầy 100% ( Đà Nẵng; Hòa Cầm giai đoạn 1; Hòa Khánh; Hòa Khánh mở rộng). Đến nay, đã thu hút 460 dự án đầu tư với tổng diện tích đất cho thuê 828,45ha. Hầu hết dự án thu hút được đều có năng lực, hoạt động tốt, góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết lượng lớn lao động cho thành phố.

Theo Quy hoạch, Đà Nẵng sẽ hình thành thêm các khu, cụm công nghiệp mới. KCN Đà Nẵng sẽ được chuyển đổi thành Khu phố tài chính quốc tế An Đồn, hình thành đô thị hiện đại, trở thành trung tâm kinh tế mới của thành phố. Chuyển đổi KCN Hòa Khánh đáp ứng tiêu chí mô hình KCN sinh thái.

Hình thành mới KCN gồm: Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn và Hòa Ninh với tổng diện tích khoảng 880ha. Ưu tiên thu hút đầu tư vào các KCN mới theo hướng công nghiệp chuyên sâu, hình thành các cụm liên kết công nghiệp với các KCN hiện hữu. Trong đó, ưu tiên đầu tư KCN Hòa Cầm giai đoạn 2 (quy mô 120ha) và KCN Hòa Ninh (quy mô 400ha) để đáp ứng hạ tầng công nghiệp. Nghiên cứu bổ sung KCN Hòa Vang để bố trí di dời các dự án tại KCN Liên Chiểu, trong trường hợp chuyển đổi để phát triển dịch vụ logistics cảng Liên Chiểu.

Đà Nẵng kỳ vọng đến năm 2030, các ngành công nghiệp - xây dựng sẽ đóng góp khoảng 31 - 32% trong cơ cấu GRDP của thành phố. Trong đó, cụm ngành công nghiệp CNC, CNTT, điện tử, viễn thông được kỳ vọng tăng trưởng nhanh và chiếm khoảng 10 - 15% GRDP, trở thành một trong 3 trụ cột của nền kinh tế Đà Nẵng theo định hướng của Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.

Bạn đang đọc bài viết Đà Nẵng sẽ phát triển thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bảo tàng tỉnh Bắc Giang: Nơi lưu giữ kỷ vật thời chiến
Hệ thống các hình ảnh, tư liệu, hiện vật thời chiến được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ ghi nhớ những mốc son trong lịch sử dân tộc, thêm tự hào về truyền thống anh hùng của đất nước, quê hương.