Đắng lòng câu chuyện 'Xúc tép nuôi cò' ở Cần Thơ
Rời quân ngũ, hắn vẫn không thay đổi tính nết, “từ mặt” hết tất cả người thân tự mình tổ chức đám cưới...
Quá đáng hơn, hắn cùng với vợ trơ tráo đòi lại căn nhà của những người cưu mang mình thuở nhỏ khiến bà phẫn uất chết đi...”- Bà Lan nói trong nước mắt...
XÚC TÉP NUÔI CÒ
Những người ở khu tập thể cư xá Trần Khánh Dư (phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) cón nhớ như in câu chuyện thương tâm của một nữ quân nhân làm công tác tạp vụ tên là Lê Thị Tơ (sinh 1957, mất 2014), liên quan đến một “người con” tên là Lê Phước Minh (sinh 1986) mà cả dòng họ đang lên án
Ảnh minh họa |
Ngày Lê Phước Minh ra đời, mẹ ruột là bà Lê Thị Lệ đối mặt với sự rạn nứt hôn nhân, không lâu sau đó thì chia tay, chưa kịp làm khai sinh cho con. Khi Minh bập bẹ, bà Lệ mới ôm con về khóc nhờ chị ruột mình là bà Lê Thị Lan khai sinh và nuôi dưỡng giúp. Bà Lan đồng ý nhưng nhờ một người chị khác của người là Lê Thị Tơ lúc bấy giờ không chồng con (đến khi mất cũng còn độc thân) đứng tên trong giấy khai sinh để bé Minh được nhập học. Tờ khai sinh “giả” này cũng là nhờ một người anh cùng làm chung có quan hệ xã hội rộng, làm giúp.
Nhà bà Tơ đơn chiếc, lại thiếu trước hụt sau nên việc nuôi dưỡng bé Minh đành phó thác lại cho vợ chồng bà Lê Thị Lan. Nhà vợ chồng bà Lan rộng rãi nhưng cũng là quân nhân trong quân khu, cuộc sống không khá giả gì nên việc nuôi nấng bé Minh ăn học cũng là rất cố gắng. Tuy nhiên, vì thương cháu côi cút nên bà Lan không nề hà cực khổ, khuya sớm tảo tần kiếm miếng ăn mưu sinh. Với thời gian, họ nhìn Minh lớn lên, được ăn học, được vui sống cùng bạn bè... nhưng cũng buồn lòng bởi tính tình khá bướng bỉnh của hắn. “Khi Minh học cấp 3, vợ chồng thường xuyên thức canh chờ cửa vì Minh ham vui đi chơi khuya với bạn bè. Có hôm, tôi thức đến rạng sáng chờ mà Minh không về. Tôi lọ mọ cầm đèn pin đi tìm khắp thôn xóm. Cuối cùng hỏi thăm được nó đang ở... đồn công an vì tụ tập đua xe bị bắt! Tôi đã khóc hết nước mắt” bà Lan kể lại.
“Minh lớn lên, chúng tôi vận động cho nó vào quân ngũ vì hầu hết gia đình gần 10 anh chị em chúng tôi đều phục vụ trong quân đội. Cũng vì muốn nó rèn luyện thêm tính tình nhưng lại thất vọng nặng nề” ông Trần Văn Xiếu, chồng bà Lan buồn rầu kể. Minh xuất ngũ lại tìm đến đám bạn bè cũ, đàn đúm rong chơi chứ không phụ giúp gì cho gia đình. Đối với bà Tơ, người “mẹ nuôi” trên danh nghĩa mà Minh gọi là Dì Tư, Minh cũng không thèm đoái hoài, căn nhà bà Tơ y cũng chưa từng ở lại một ngày nào. Bỗng một hôm Minh tuyên bố lấy vợ, là một người bạn cũ quen thời học phổ thông. Sau khi hỏi thăm về tính tình và gia cảnh nhà gái cả dòng họ từ mẹ ruột đến các cậu dì đều không đồng ý. Minh không một lời từ giã mà bỏ ra đi, chung sống với người phụ nữ kia, cắt mọi liên lạc với “đại gia đình”
Ảnh minh họa |
PHẢN BỘI!
Năm 2014, sau khi nghe tin “con nuôi” Lê Phước Minh cưới cô gái kia và ra đi không về, bà Tơ buồn rầu qua đời. “Lúc đó, vợ chồng nó có về một lần, ngắm nghía căn nhà, lợi dụng tình cảm mọi người xin đi một phần giấy tờ. Chúng tôi đâu có ngờ rằng vợ chồng nó đã rắp tâm chiếm dụng từ trước, vô tư chỉ vẽ cho con cháu” bà Lan nói. Vài tháng sau, Minh bất ngờ gởi đơn ra tòa án, đòi sang tên sở hữu căn nhà của bà Tơ cho vợ chồng y vì y chính là “con nuôi”!
Căn nhà mà Minh đòi sở hữu địa chỉ tại 134D đường 30/4 phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Đó là căn nhà mà bà Tơ được Bộ tư lệnh Quân khu 9 cấp theo diện hóa giá năm 1992, diện tích 51,45m2 và được UBND thành phố Cần Thơ cấp quyền sở hữu số 01362 vào năm 2003
Đầu năm 2015, Lê Phước Minh đứng đơn khởi kiện bà Lê Thị Lan (người nuôi dưỡng mà Minh gọi là Mẹ) vì cho rằng bà Lan không cho Minh thừa kế căn nhà của “mẹ nuôi”Lê Thị Tơ (vừa mất). “Chúng tôi đã phải nén sự căn hận đối với kẻ đã vong ơn phụ nghĩa để tìm kiếm chứng cứ, nhờ luật sư và công luận lên tiếng về nỗi đau và oan ức thấu trời xanh này” bà Lan tỏ ra giận dữ.
Ngày 8/1/2015 Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều thụ lý vụ án với số hồ sơ: 10/2015/TLST-DS về “Tranh chấp di sản thừa kế”. Ngay sau đó, tòa án đã phát đi nhiều công văn đến các cơ quan chức năng để xác minh sự việc, đồng thời yêu cầu các người thân của Lê Phước Minh, mẹ ruột Lê Thị Lệ và các anh chị em của bà Lệ cung cấp bản tự khai.
“Tôi xác nhận là tôi chưa từng cho Minh làm con nuôi cho bất kỳ ai,kể cả chị Tơ, chỉ khó tính nên chỉ ở một mình, chỉ có chị Lan, anh Xiếu và em của tôi là Hà qua lại....Nay tôi biết Minh kiện chị Lan, phận làm mẹ tôi không thể tưởng tượng nổi...” (tường trình của bà Lê Thị Lệ). Còn trong “Đơn phản tố” bà Lê Thị Lan gời TND quận Ninh Kiều viết: “Lê Phước Minh là con ruột của em tôi là Lê Thị Lệ. Từ lúc nhỏ Minh đã sống với vợ chồng tôi, chính vợ chồng tôi mới là người nuôi Minh từ khi mẹ Minh gởi vợ chồng tôi nuôi dùm. Minh không phải là con nuôi của chị Tơ, từ lúc chị Tơ còn sống cho đến khi mất Minh không hề ở chung với chị Tơ ngày nào, cũng không hề tới lui, chăm sóc chị Tơ, chị Tơ cũng không nuôi dưỡng Minh. Minh gọi vợ chồng tôi là ba má, gọi chị Tơ bằng dì tư. Nay chị Tơ mất, Minh lại khởi kiện tôi ra tòa để tranh chấp tài sản do chị Tơ để lại, Minh cho rằng Minh là con nuôi của chị Tơ là không đúng”
TÌNH SAI, LÝ... CŨNG SAI!
Theo yêu cầu của Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều, ngày 20/12/2017 UBND phường Xuân Khánh trả lời bằng công văn 362/UBND cho biết, sau khi rà soát, kiểm tra hồ sơ lưu trữ của phường vào năm 1989, UBND phường thông tin: Không tìm thấy hồ sơ đăng ký con nuôi của ông Lê Phước Minh
Theo luật sư ủy quyền phía bị đơn (bà Lê Thị Lan), việc khai sinh cho Lê Phước Minh ngày xưa có thể là do vợ chồng bà Lan, ông Xiếu “vận động” người quen điền tên bà Lê Thị Tơ để hợp thức hóa thủ tục cho Minh nhập học, chứ trên thực tế bà Tơ không làm thủ tục nhận con nuôi. Vì vậy, Lê Phước Minh không phải là con nuôi bà Tơ, không có tư cách thừa kế tài sản do bà Tơ để lại là căn nhà ở phường Xuân Khánh.
Theo nguồn tin mà chúng tôi điều tra được, đứng đằng sau vụ kiện tranh chấp tài sản thừa kế này là người vợ “không được người thân thừa nhận” của Lê Phước Minh
Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc.