Thứ ba, 30/04/2024 11:54 (GMT+7)

Địa danh Nhã Nam qua thư tịch cổ

MTĐT -  Thứ hai, 21/11/2022 14:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhã Nam là địa danh/tên gọi được định danh cho tên xã Nhã Nam thuộc tổng Nhã Nam, huyện Yên Thế, phủ Lạng Giang. Phủ Lạng Giang thời Lê Trung hưng và đầu thời Nguyễn thuộc xứ/trấn Kinh Bắc.

1. Dẫn nhập

Địa danh 地名được Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê, 1997) giải nghĩa là: Tên đất, tên địa phương. Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh giải nghĩa địa danh là: 地名 - Tên các miền đất (nom de terre).

Trên thực tế, địa danh là hình thức định danh (tên gọi) cho các địa điểm cụ thể được xác định bằng danh từ riêng, nó không chỉ là tên miền đất, tên địa phương (theo địa danh hành chính gồm tỉnh, huyện, xã, thôn…) mà bao hàm cả tên gọi mà chủ thể đó có thể là địa hình thiên nhiên (biển cả, sông ngòi, suối khe, ao hồ, núi đồi…như: Biển Đông, sông Thương, ngòi Song Khê, suối Cấy, hồ Cẩm Sơn, núi Cai Kinh, đồi Cháy), công trình xây dựng (cầu, đường, bến bãi… như: cầu Xương Giang, bến xe Cầu Gồ, bến Tuần, đường Hùng Vương...), công trình văn hóa (như rạp Sông Thương, bảo tàng Hùng Vương, tượng đài Hoàng Hoa Thám, công viên Ngô Gia Tự), công trình kiến trúc tâm linh (tên di tích đình, đền, miếu, lăng mộ…: đình Cao Thượng, chùa Vĩnh Nghiêm, đền Phồn Xương, miếu Vua Bà, lăng họ Ngọ…

Ở các làng xã cổ truyền, địa danh rất phong phú bao gồm tên gọi nơi cư trú, ngõ xóm, xứ đồng, đồi núi, suối khe, bờ bãi… Vì tất cả địa danh là tên gọi đều do con người đặt ra bằng một ngôn ngữ cụ thể theo cảm quan của cộng đồng hoặc cá nhân dựa trên hiện tượng thiên nhiên, hình thể địa hình địa mạo hay sự kiện từng xảy ra cho nên các địa danh đều hàm chứa giá trị lịch sử và văn hóa.

Đặc điểm của địa danh là sự đa dạng về ngôn ngữ. Địa danh của dân tộc, quốc gia, vùng miền nào thường được đặt bằng ngôn ngữ của dân tộc, quốc gia, vùng miền đó. Nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là do những biến cố của lịch sử làm địa danh trở nên phức tạp.

Một miền đất hay khu vực cư trú nhưng có những địa danh mang ngôn ngữ của những quốc gia, dân tộc khác nhau. Sự đan xen giữa các ngôn ngữ của một quốc gia, các ngôn ngữ các dân tộc trong một quốc gia, một khu vực làm cho địa danh phong phú, đa dạng hơn.

Địa danh chính là sự phản ánh những dấu tích lịch sử về ngôn ngữ và có thể cả về văn tự mà các cộng đồng đã đặt, đã dùng và lưu lại trên địa bàn cư trú và phát triển của mình. Thời gian quần tụ càng lâu, trình độ sinh hoạt càng cao, cảnh quan địa lý càng đa dạng, thành phần dân tộc càng đa dạng…thì địa danh càng phong phú về số lượng, và sâu sắc về nội dung.

Địa danh là cứ liệu cần nắm trước khi đi vào nghiên cứu nhiều vấn đề, nhất là nghiên cứu một địa phương, cho nên địa danh học (typonymie) một ngành khoa học khá trẻ tuổi sẽ là chỗ dựa cho nhiều ngành khoa học khác như: địa lý, lịch sử, dân tộc, ngôn ngữ, văn tự, và nhiều ngành phối bợp mới như ngôn ngữ dân tộc, địa lý lịch sử, lịch sử địa phương…

Địa danh ở tỉnh Bắc Giang tương đối phong phú, đa dạng. Đa số địa danh mang yếu tố từ Hán Việt (tên chữ như: Bắc Giang, Lục Nam, Mật Ninh, Khả Lý, Phồn Xương, Đan Hội…) thì còn những địa danh mang yếu tố thuần Việt (tên Nôm: Bo Dầu, Bo Chợ, làng Vàng, làng Kép, làng Ngò, làng Nguộn, Ao Sắn, làng Kem, làng Lát…), ngoài ra còn những địa danh mang dấu ấn ngôn ngữ các dân tộc Tày - Nùng như: Lạng Giang (từ tố gốc là “lũng” biến âm thành “lạng”; Khuôn Dây (suối dây) từ tố gốc là “khuổi”, biến âm thành khuôn.

Tân Yên là miền đất trung du, nơi chuyển tiếp từ vùng núi (Đồng Hỷ, Yên Thế, Hữu Lũng) với vùng đồng bằng. Xa xưa, Tân Yên thuộc Yên Thế hạ, nơi giáp danh vùng cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là Tày, Nùng) sống ở miền núi và người Kinh/Việt sinh sống ở đồng bằng và trung du nhưng địa danh ở Tân Yên cơ bản xuất hiện địa danh mang yếu tố Hán Việt và thuần Việt (tên Nôm).

Địa danh Hán Việt (tên chữ) như: Lan Giới, Cao Thượng, Lam Cốt, Ngọc Cục, Quế Nham, Yên Lễ, Chung Sơn, Đại Hóa… Địa danh mang tên Nôm ở Tân Yên xuất hiện nhiều như: làng Chiềng, làng Nành, làng Kép, làng Đồng, Đá Ong, làng Um, làng Chuông… nhưng ít thấy xuất hiện địa danh có nguồn gốc ngôn ngữ dân tộc thiểu số như Tày, Nùng là hai thành phần dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Qua tìm hiểu địa danh trên địa bàn huyện Tân Yên có thể xác nhận người Tày - Nùng đến cư trú ở huyện Tân Yên khá muộn, đồng bào đến định cư ở Tân Yên khi thiết chế văn hóa làng xã do người Kinh/Việt đã cấu thành ổn định, khu vực canh tác đã được định hình và khai thác từ trước nên không xuất hiện địa danh mang ngôn ngữ riêng. Và cũng có thể khi đến cư trú ở Tân Yên thời cận hiện đại nên việc đặt tên xứ đồng, cầu đường, bờ bãi, suối khe nơi cư trú đã bị ảnh hưởng ngôn ngữ phổ thông, cho nên địa danh nơi cư trú đều được đặt tên theo ngôn ngữ Kinh/Việt.

Đó là địa danh hành chính, văn hóa còn trên bản đồ địa danh là một thành tố dặc biệt quan trọng và hữu ích. Địa danh là thông tin cốt yếu trong bất cứ loại bản đồ nào, vì địa danh không tồn tại trong khoảng không mà do con người đặt ra để khu biệt các vùng lãnh thổ, các cấp độ khu vực để phục vụ công tác quản lý xã hội. Địa danh gián tiếp cung cấp thông tin quan trọng về chính trị, văn hoá, xã hội cho nên nó có thể thay đổi trong những khoảng không gian, địa điểm do sự ảnh hưởng của sự biến động tự nhiên cũng như hoạt động kinh tế, chính trị của mỗi quốc gia, khu vực cụ thể.

Từ địa danh người đời có lý giải những sự kiện xảy ra trên địa vực trong quá khứ. Nghiên cứu, tìm hiểu địa danh hành chính, văn hóa là một phần quan trọng của khoa học lịch sử hiện đại được nhiều người quan tâm. Được sự gợi mở của Ban tổ chức hội thảo chúng tôi đã sưu tra tư liệu thư tịch, văn khắc cổ để viết tham luận Địa danh Nhã Nam trong thư tịch cổ.

Quá trình tìm hiểu về văn hóa vùng đất này có sự thuận lợi vì không gian mang địa danh Nhã Nam được giới hạn trong không gian tổng, xã Nhã Nam thời cận và hiện đại. Thêm nữa, vùng đất này có nhiều di tích lịch sử văn hóa chúng tôi đã trực tiếp khảo sát và sưu tầm tư liệu Hán Nôm và tư liệu dân tộc học. Tuy nhiên, đây là miền đất khá trẻ, số lượng di sản thư tịch, văn khắc Hán Nôm còn lưu trữ khá khiêm tốn.

Là miền đất mới được khai phá vài thế kỷ gần đây nên địa danh Nhã Nam chưa được nhắc tới trong các pho chính sử, các bộ quốc chí mà chỉ được nhắc tới trong một vài sách địa phương chí hay thư tịch cổ. Do nguồn tư liệu khan hiếm nên tham luận của chúng tôi khó đáp ứng được sự mong mỏi của Ban tổ chức hội thảo. Kính mong nhận được sự chia sẻ của Ban tổ chức và các nhà khoa học.

2. Về địa danh Nhã Nam

Nhã Nam là địa danh/tên gọi được định danh cho tên xã Nhã Nam thuộc tổng Nhã Nam, huyện Yên Thế, phủ Lạng Giang. Phủ Lạng Giang thời Lê Trung hưng và đầu thời Nguyễn thuộc xứ/trấn Kinh Bắc. Từ năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) thuộc tỉnh Bắc Ninh. Từ năm Thành Thái thứ 7 (1895) đến 1962 thuộc tỉnh Bắc Giang. Từ năm 1957, huyện Yên Thế được chia tách thành huyện Yên Thế và huyện Tâm Yên thì xã Nhã Nam thuộc huyện Tân Yên. Từ năm 1963 đến 1996 huyện Tân Yên thuộc tỉnh Hà Bắc. Từ năm 1997 đến nay huyện Tân Yên thuộc tỉnh Bắc Giang.

Ngoài địa danh tổng/ xã Nhã Nam thuộc huyện Yên Thế xưa, huyện Tân Yên ngày nay, trên phạm vi cả nước còn có địa danh xã Nhã Nam thuộc tổng Kim Pha, châu Thanh Lâm, trấn/tỉnh Cao Bằng.

Hiện nay chúng tôi mới sưu tra được địa danh Nhã Nam xuất hiện sớm nhất trong sách “Các trấn, tổng, xã danh bị lãm - 各鎮總社名備覽”. Sách này không ghi tên tác giả, được biên soạn khoảng từ năm 1808 - 1809. Sách đã được Dương Thị The - Nguyễn Thị Thoa (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) dịch ra tiếng Việt và biên soạn, Nhà xuất bản KHXH Hà Nội xuất bản năm 1981 lấy tên là Tên làng xã Việt Nam thế kỷ XIX. Nội dung sách chủ yếu thống kê, ghi chép, sắp xếp đầy đủ địa danh các trấn, phủ, huyện, châu, tổng, xã, thôn của các địa phương từ Hà Tĩnh trở ra phía Bắc. Theo sách này, huyện Yên Thế khi đó có 8 tổng, 42 xã:

“1. Tổng Yên Thế có 6 xã, thôn: Thôn Định Xuyên xã Yên Thế, xã Thọ Xương, xã Bảo Tháp, xã Nhạn Tháp, xã Quỳnh Động.

2. Tổng Vân Cầu có 7 xã: xã Vân Cầu, xã Trị Cụ, xã Ngọc Cục, xã Sơn Quả, xã Thúy Cầu, xã Ngọc Cụ, xã Lâm Khuất.

3. Tổng Lạn Giới có 4 xã: xã Lạn Giới, xã Đại Hóa, xã Lạn Khuất, xã Giản Ngoại.

4. Tổng Nhã Nam có 5 xã, thôn: Thôn Thượng xã Lục Giới, xã Lục Giới (2 thôn Trung và Hạ), xã Nhã Nam, xã Dương Lâm, thôn Hùng Lĩnh xã Lan Giới.

5. Tổng Mục Sơn có 8 xã: xã Mục Sơn, xã Hòa Mục, xã Quất Du, xã Hữu Lục, xã Dương Sơn, xã Cáo Thượng, xã Đạm Phong, xã Lục Liễu…

6. Tổng Quế Nham có 5 xã: xã Quế Nham, xã Phú Khê, xã Lãn Tranh, xã Liên Bộ, xã Vọng Hà.

7. Tổng Yên Lễ có 6 xã: xã Yên Lễ, xã Ngô Xá, xã Lăng Cao, xã Khánh Giang, xã Bảo Lộc, xã Ước Lễ.

8. Tổng Bảo Lộc Sơn có 4 xã: xã Bảo Lộc Sơn, xã Chung Sơn, xã Tưởng Sơn, xã Kim Chàng.

Chép riêng 3 xã phiêu bạt: 2 xã thành án là Dĩ Tháp, Lý Khuất (phiêu bạt năm Kỷ Tỵ 1089), xã Vạn Tân (phiêu bạt năm 1807)…”

Trong sách “Các trấn, tổng, xã danh bị lãm - 各鎮總社名備覽 ” tên tổng/xã Nhã Nam được viết bằng chữ Hán có tự dạng là 雅南. Chữ Nhã 雅được Từ điển Hán Việt (Thiều Chửu) giải nghĩa: “(1) Chính, một lối thơ ca dùng vào nhạc ngày xưa, như Kinh Thi có Đại Nhã, Tiểu Nhã ý nói những khúc ấy mới là khúc hát chính vậy; (2) Thường, như sách Luận ngữ nói tử sở nhã ngôn 子所雅言 (câu đức thánh thường nói); (3) Tên sách Nhĩ Nhã thường gọi tắt là Nhã. Các sách huấn hỗ đời sau bắt chước như thể văn Nhĩ Nhã cũng phần nhiều gọi là Nhã, như dật nhã 逸雅, quảng nhã 廣雅vv; (4) Nhàn nhã 嫻雅, dáng dấp dịu dàng; (5) Trái với tiếng tục, có phép tắc, có mẫu mực, không theo lối tục gọi là nhã; (6) Vốn thường như: Nhất nhật chi nhã 一日之雅, vốn thường có có một ngày cùng thân nhau; (7) Rất, lắm, dùng làm trợ từ (trong cổ văn có khi dùng là tới); (8) Một thứ âm nhạc”. Chữ Nam 南 được giải nghĩa: (1) Phương Nam; (2) Tên bài nhạc, như Chu Nam 周南, Thiệu Nam 召南 tên bài hát nhạc trong kinh Thi.

Nhìn vào tự dạng chữ Hán ta có thể hiểu ý người xưa đặt tên Nhã Nam hàm chứa hai ý nghĩa: (1) miền đất thanh lịch ở nước Nam; (2) miền đất yêu ca hát.

So với không gian hành chính ngày nay thì trong số 8 tổng của huyện Yên Thế xưa chỉ có 1 tổng thuộc về thuộc Yên Thế, còn 7 tổng nay thuộc huyện Tân Yên. Trong đó xã Nhã Nam được đặt tên đại diện cho hàng tổng (tổng Nhã Nam). Như vậy địa danh xã Nhã Nam đã xuất hiện trước đó, vì khi đặt tên tổng Nhã Nam, người xưa chọn tên Nhã Nam cho tên tổng thì chắc hẳn xã Nhã Nam là địa phương có nhiều thành tựu nổi bật trong tổng nên mới được lấy tên định danh đại diện cho cả tổng Nhã Nam.

Từ năm 1809 đến 1888, tổng Nhã Nam có sự thay đổi. Năm 1809, thời vua Gia Long tổng Nhã Nam có 5 xã thì đến thời Đồng Khánh chỉ có 3 xã. Sách Đồng Khánh địa dư chí 同慶地輿誌soạn năm 1888 cho biết dưới thời Đồng Khánh (1886 - 1888) huyện Yên Thế thuộc phân phủ Lạng Giang. “Phân phủ Lạng Giang kiêm lý hai huyện Yên Thế và Hữu Lũng. Phủ lỵ ở về phía bắc thành tỉnh, trước đặt ở địa phận xã Cao Thượng, huyện Yên Thế, xung quanh đắp thành đất hình vuông. Ngày tháng giêng năm nay bị quân phỉ đánh chiếm, nhưng ngay trong hôm ấy đã lấy lại được. Nay tạm dời đến đóng ở thôn Bùi, xã Hoàng Hà…

Huyện Yên Thế: 8 tổng, gồm 44 xã thôn… Tổng Nhã Nam: 3 xã

1. Xã Nhã Nam

2. Xã Dương Lâm

3. Xã Lục Giới…”

Sách Địa lý hành chính Kinh Bắc của Nguyễn Văn Huyên viết bằng tiếng Pháp từ những năm đầu thế kỷ XX. Sách được Nguyễn Khắc Đạm dịch ra tiếng Việt (Khổng Đức Thiêm hiệu chỉnh và chú thích địa danh mới). Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và Sở Văn hóa - Thông tin Bắc Giang xuất bản năm 1997.

Nội dung sách phong phú, nhiều thông tin thú vị về diên cách, đồng thời thống kê, ghi chép có hệ thống địa danh hành chính (cả tên Nôm) các phủ, huyện, tổng, xã, thôn hai tỉnh Bắc Ninh - Bắc Giang những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ghi chép về huyện Yên Thế như sau:

“Thời Lê, huyện gồm 47 xã. Đầu đời Nguyễn có 42 xã chia ra 8 tổng. Các tổng: Yên Thế, Vân Cầu, Lạn Giới, Nhã Nam, Mục Sơn, Quế Nham Yên Lễ và Bảo Lộc Sơn…

Tổng Nhã Nam có 5 xã, thôn:

1. Lục Giới xã (Thượng thôn)

2. Lục Giới xã (Trung, Hạ thôn)

3. Lục Giới xã, Hùng Lĩnh thôn.

Tất cả các xã, thôn Lục Giới này cấu thành trong Danh sách Đồng Khánh xã Lục Giới; ngày nay cũng vậy.

4. Nhã Nam xã. Năm thôn: Chuông, Nguộn, Thượng, Nhã Nam, Tỉnh Đạo.

5. Dương Lâm xã. Bốn thôn: Dương Lâm, Hạ, Nguộn, Non

Tổng Nhã Nam ngày nay còn gồm 4 xã nữa:

1. Na Lương (địa phận cũ của xã Quỳnh Động). Bốn thôn: Làng Trên, Mỏ Sắt, Móng Lợn, Quỳnh Lâu.

2. Tân An (được thành lập năm Thành Thái thứ 7 (1895) trên những mảnh đất tách khỏi các xã Nhã Nam, Lục Giới và Lan Giới. Ba thôn: Tân An, Châu Phê, Phú Yên.

3. Trại Bồng (hay Trại Bùng) trước kia là một bộ phận của xã Lục Giới; được nâng lên thành xã độc lập năm Khải Định thứ 10 (1925). Nay được đưa vào xã Dương Lâm.

4. Dĩnh Tháp (được tách ra khỏi tổng Yên Thế)”.

Có lẽ sách Đồng Khánh địa dư chí có sự nhầm lẫn chăng ? Bởi trước đó, tổng Nhã Nam có 5 xã, gồm: xã Dương Lâm, xã Nhã Nam và 3 xã mang tên Lục Giới [Lục Giới xã (Thượng thôn), Lục Giới xã (Trung, Hạ thôn), Lục Giới xã (Hùng Lĩnh thôn)]. Khi thống kê các xã trong tổng, có lẽ tác giả sách này nghi ngờ nên chỉ chép có 01 xã Lục Giới.

Hoặc giả sách này chép đúng thì dưới thời Đồng Khánh 3 xã mang tên Lục Giới ở tổng Nhã Nam đã được sáp nhập thành một. Tuy nhiên, sách Địa danh hành chính Kinh Bắc cho thấy giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, tổng Nhã Nam vẫn có 5 xã, thôn như đầu thế kỷ XIX được sách Các trấn, tổng, xã danh bị lãm ghi chép.

Sách Địa chí Bắc Giang của Nhật Nham Trịnh Như Tấu, xuất bản năm 1937 cho biết: “ Ngày 6 Novembre (tháng 11) 1890, binh Pháp chiếm được Cao Thượng, Nhã Nam và làng Sặt (tr.26)…

Ngày 24 Décembre (tháng 12) 1895, quan Toàn quyền Fourés ký nghị định lập thành Đạo binh Yên Thế. Đạo binh Yên Thế gồm có:

1/ Vùng chợ Phổng; 2/Vùng Bảo Đài;

3/Địa hạt ở trung tâm vùng ấy;

4/ Dãy núi trước mặt núi Cai Kinh; 5/ Các tổng:

a. Bố Hạ;

b. Hữu Thượng;

c. Nhã Nam;

d. Lan Giới;

đ. Yên Lễ, trừ các xã Ngô Xá, Lang Cao và Cận Giang;

e. Mục Sơn, trừ các xã Cao Thượng, Mục Sơn và Hòa Mục;

g. Vân Cầu, trừ các xã Ngọc Cục, Sơn Quả và Ngọc Thành;

h. Ngọc Cục, trừ xã Ngọc Lý trên con đường từ Bố Hạ đến Hà Châu…” (tr. 14)

Theo Trịnh Như Tấu, năm 1890 xã Nhã Nam vẫn chưa có sự thay đổi so với thời Đồng Khánh, nhưng đến năm 1895 đã không thuộc sự quản trị của huyện Yên Thế mà tổng Nhã Nam nằm dưới sự quản trị của chính quyền quân sự của người Pháp là Đạo quan binh Yên Thế.

Sách Địa chí Bắc Giang (tập Từ điển) xuất bản năm 2002 cho biết: “Nhã Nam (雅南) tên tổng. Đầu thế kỷ XIX thuộc h. Yên Thế, ph. Lạng Giang, Kinh Bắc. Gồm 5 xã, thôn: Lục Giới thôn Thượng, Lục Giới hai thôn Trung và Hạ, Lục Giới thôn Hùng Lĩnh, Nhã Nam, Dương Lâm. Đầu thế kỷ XX thuộc h. Yên Thế, ph. Lạng Giang, t. Bắc Giang. Gồm các xã, thôn: Nhã Nam, Dương Lâm, Lục Giới, Dĩnh Thép, Na Lương, Tân An, Tỉnh Đạo, Trại Bùng, phố Nhã Nam, chợ Gồ, Trại Lố, Mỏ Trạng. Theo bản kê khai của Tri phủ Yên Thế vào tháng 10 năm 1930, tổng Nhã Nam có phố Mã Nam và 7 xã: Nhã Nam, Dương Lâm, Lục Giới, Dĩnh Thép, Na Lương, Mỏ Sắt, Tân An. Năm 1927 có dân số 1303 người. Năm 1930 có số đinh 490 người. Điền thổ 5816 mẫu điền thổ. Đất tổng Nhã Nam nay thuộc h. Tân Yên (các xã: Nhã Nam, An Dương)và huyện Yên Thế (các xã: Tân Hiệp, Xuân Lương, An Thượng)…” (tr. 526)

Về những thông tin trích dẫn từ Địa chí Bắc Giang như trên, theo chúng tôi, ở tổng Nhã Nam chỉ có phố Nhã Nam chứ không có phố Mã Nam. Bản kê khai của Tri phủ Yên Thế năm 1930 có lẽ bị nhầm bởi sự cố “tam sao thất bản”, vì bản kê khai những năm 1930 - 1945 đều viết tay bằng chữ quốc ngữ nên đã bị đọc nhầm chữ Nhã thành chữ Mã. Còn như kê khai bằng chữ Hán hay chữ Nôm thì không xảy ra hiện tượng lầm lẫn như trên.

Về xã Nhã Nam trước 1945, Địa chí Bắc Giang (tập Từ điển) chép rằng: “Nhã Nam (雅南). Xã trước cách mạng Thánh Tám, thuộc tổng Nhã Nam, ph. Yên Thế. Gồm th. Chuông, th. Nguộn, th.

Thượng, phố Nhã Nam, Tỉnh Đạo. Số dân 539 người (1930); số đinh 101 người, điền thổ 1654 mẫu (1930)…” (tr. 526).

Như vậy, những năm 1920 - 1930 dân số và ruộng đất tổng Nhã Nam tập trung chủ yếu ở xã Nhã Nam. Về dân số xã Nhã Nam chiếm gần một nửa (539/1303), số ruộng đất (điền thổ) chiếm tỷ lệ 35% (1654 mẫu/ 5816 mẫu) so với cả tổng rộng lớn gồm 1/3 huyện Yên Thế ngày nay.

3. Về địa danh hành chính Nhã Nam trong lịch sử

Địa danh hành chính Nhã Nam xuất hiện khi nào chúng ta khó có thể kê cứu được. Với những tư liệu hiện nay có chúng ta chỉ có thể xác định địa danh này đã xuất hiện từ thời Lê Trung Hưng. Bởi sách các trấn, tổng, xã danh bị lãm được soạn khoảng năm 1808 - 1809 đã ghi địa danh Nhã Nam với sự hiện diện là tên tổng và tên xã hành chính thì chắc chắn địa danh này phải xuất hiện trước đó.

Hơn nữa, địa danh hành chính cấp tổng (Nhã Nam) được định danh trên cơ sở xã Nhã Nam thì chắc chắn xã Nhã Nam xuất hiện trước đó từ lâu. Ở miền Bắc nước ta dưới thời quân chủ, cấp tổng là cấp trung gian giữa cấp xã và cấp huyện/châu.

Đơn vị hành chính cấp tổng xuất hiện trên bia ký từ những năm giữa thế kỷ XVII. Đa số tên tổng được định danh trên cơ sở lấy tên một xã cổ có thiết chế văn hóa đầy đủ, đời sống, trình độ dân trí nổi trội so với các xã trong tổng. Rất có thể tên gọi tổng Nhã Nam có từ thời kỳ này. Nếu giả thiết đó được xác nhận thì tên gọi Nhã Nam còn xuất hiện sớm hơn nữa.

Dù địa danh tổng/xã Nhã Nam xuất hiện khi nào thì nó vẫn phụ thuộc huyện Yên Thế. Theo sách Địa lý hành chính Kinh Bắc: “Cho tới thời Trần, Yên Thế là tên huyện. Thời thống trị nhà Minh được đổi thành Thanh An (Thanh Yên - TG) và thuộc châu Lạng Giang.

Thời Quang Thuận nhà Lê (1460 - 1469) người ta phục hồi tên Yên Thế cũ cho nó. Đồng thời với việc châu bị bãi bỏ, huyện được trực thuộc vào phủ Lạng Giang. Gia Long (1802 - 1819) bảo tồn hiện trạng đó. Năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) việc hành chính của huyện được chuyển vào phân phủ Lạng Giang…

Năm Thành Thái thứ 8 (1896) huyện này là bộ phận của hạt hay đạo Yên Thế, bị bãi bỏ năm Thành Thái thứ 11 (1899), thời điểm huyện bị đưa vào Đại lý Nhã Nam mới được thành lập. Ngày nay, huyện được nâng lên thành phủ và trực thuộc tỉnh Bắc Giang… …”

Như vậy, thời Lê Trung hưng, tổng/xã Nhã Nam thuộc Yên Thế, xứ Kinh Bắc. Thời Lê Cảnh hưng (1740 - 1786) triều đình nhà Lê đổi xứ thành trấn nên tổng/xã Nhã Nam thuộc huyện Yên Thế, phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc.

Sang thời Nguyễn, triều vua Gia Long vẫn giữ nguyên trấn. Triều vua Minh Mệnh năm thứ 3 (1822) đổi trấn Kinh Bắc thành trấn Bắc Ninh. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) đổi tên đơn vị trấn thành tỉnh thì tổng/xã Nhã Nam, huyện Yên Thế thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Năm 1885 lập phủ Yên Thế thì tổng/ xã Nhã Nam lại thuộc phủ Yên Thế, tỉnh Bắc Ninh. Nhận thấy Nhã Nam có nhiều yếu tố chiến lược về địa chính trị, quân sự nên năm 1885 thực dân Pháp đã dời vị trí đóng đồn từ thành Tỉnh Đạo về lập đồn Nhã Nam. Có thể nói, việc thực dân Pháp lập đồn ở Nhã Nam là bước ngoặt khai mở nhiều triển vọng cho sự phát triển kinh tế, chính trị cũng như văn minh đô thị Nhã Nam mà đến nay vẫn còn phù hợp.

Năm Thành Thái thứ 7 (1895), Toàn quyền Fourés ký nghị định lập thành Tiểu quân khu Yên Thế, khi đó tổng/xã Nhã Nam thuộc Đạo quan binh Yên Thế. Năm 1899, bỏ chế độ quân quản thì đơn vị hành chính Nhã Nam trở lại như cũ.

Ngày 25 tháng 3 năm 1910, thành lập Đại lý Nhã Nam trực thuộc thống sứ Bắc Kỳ để quản trị khu vực Yên Thế. Đồng thời phủ Yên Thế được thành lập thành đạo, đứng đầu là một Quản đạo. Quản đạo có các quyền pháp lý như Án sát. Ngày 2 tháng 11 năm 1910, Toàn quyền Đông Dương hủy bỏ thành đạo và sáp nhập phủ Yên Thế vào tỉnh Bắc Giang, từ đây Nhã Nam lại trực thuộc phủ Yên Thế.

Về đơn vị hành chính xã Nhã Nam. Đầu thế kỷ XX có 5 thôn: Chuông, Nguộn, Thượng, Nhã Nam, Tỉnh Đạo. Trước năm 1945, Nhã Nam có 2 thôn: Nhã Nam Cựu (tên khác là xóm Phan), Nhã Nam Tân (phố Nhã Nam).

Sau cách mạng tháng tám 1945, sáp nhập Nhã Nam Cựu, Nhã Nam Tân thành xã Nhã Nam. Đến tháng 2 năm 1948, xã Nhã Nam hợp nhất với xã Phú Lộc (một phần của xã Quang Tiến) lấy tên là xã Hợp Tiến. Tháng 12 năm 1953, xã Hợp Tiến được chia tách ra thành 5 xã: Nhã Nam, Quang Tiến, Hùng Tiến, Tam Hiệp, Tiến Thắng. Năm 1957, huyện Yên Thế chia tách làm hai huyện Tân Yên và Yên Thế, xã Nhã Nam thuộc huyện Tân Yên. Năm 1958, xã Nhã Nam chia tách thành xã Nhã Nam (trước đây là Nhã Nam Cựu) và thành lập thị trấn Nhã Nam trên cơ sở Nhã Nam Tân (phố Nhã Nam).

Ngày 5 tháng 8 năm 1978, Chính phủ ban hành Quyết định số 135-BT của Phủ Thủ tướng đã hợp nhất xã Nhã Nam và thị trấn Nhã Nam thành xã Nhã Nam.

Ngày 20 tháng 2 năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định 16/2003/NĐ - CP. Theo đó, tái lập thị trấn Nhã Nam trên cơ sở 63,96 ha diện tích tự nhiên và 3.363 người của xã Nhã Nam; 63,20 ha diện tích tự nhiên và 620 người của xã An Dương. Sau khi thành lập, thị trấn Nhã Nam có 127,16 ha diện tích tự nhiên và 3.983 người.

Theo Nghị quyết số 813/NQ-UBTVQH14 ngày 21 tháng 11 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xã Nhã Nam sáp nhập vào thị trấn Nhã Nam. Theo đó, sau khi sáp nhập thị trấn Nhã Nam có diện tích tự nhiên là 5,6 km2, dân số 8.200 người. Thị trấn Nhã Nam có 17 tổ dân phố. Bộ máy chính quyền, đoàn thể của đơn vị hành chính thị trấn Nhã Nam chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1 tháng 3 năm 2020.

Trên đây là một số thông tin tư liệu về địa danh Nhã Nam trong lịch sử và diên cách (sự thay đổi địa danh hành chính) tổng/xã Nhã Nam trong lịch sử. Do hạn chế về nguồn tư liệu và thời gian chúng tôi chưa sưu tra được đầy đủ mong nhận được sự tham góp của các nhà khoa học và quý vị đại biểu. Cảm ơn sự quan tâm của hội hội thảo./.

TS. Nguyễn Văn Phong
Viện Trần Nhân Tông - Đại học Quốc gia Hà Nội

Tài liệu tham khảo:

1. Dương Thị The - Nguyễn Thị Thoa (1981), Địa danh làng xã Việt Nam thế kỷ XIX (Các trấn tổng xã danh bị lãm).NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

2. Đồng Khánh địa dư chí (2003). Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội.

3. Nguyễn Văn Huyên, Địa lý hành chính Kinh Bắc (1997). Hội KHLS Việt Nam - Sở VHTT Bắc Giang.

4. Nhật Nham Trịnh Như Tấu (1937), Bắc Giang địa chí.

5. UBND tỉnh Bắc Giang (2002), Địa chí Bắc Giang (Từ điển). 

Bạn đang đọc bài viết Địa danh Nhã Nam qua thư tịch cổ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...

Tin mới

Mốc son bằng vàng của dân tộc
70 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn mãi là niềm tự hào của dân tộc ta, để lại những bài học lịch sử vô giá, là động lực tinh thần to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Người dân cả nước hân hoan đón mừng ngày 30/4-1/5
Tại Hà Nội, các không gian ngoài trời như: Hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, phố đi bộ… khá tấp nập. Tại Vườn thú Hà Nội (quận Ba Đình) khách du lịch nhiều địa phương đổ đến tham quan, tìm hiểu cuộc sống các loài động vật.
Hồ Sông Mây xả nước, 200 tấn cá chết trắng
Nhiều ngày qua, tại hồ Sông Mây (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) xuất hiện tình trạng cá chết nổi "trắng" mặt hồ, bốc mùi hôi thối ảnh hướng đến sức khỏe người dân và môi trường quanh khu vực.
Mùa xuân đẹp nhất
Chỉ có mùa xuân giải phóng mới biến ước mơ cháy bỏng của những công dân yêu nước Việt Nam thành hiện thực.
Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.