Thứ hai, 29/04/2024 03:04 (GMT+7)

Lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nhã Nam qua các giai đoạn lịch sử dân tộc

MTĐT -  Thứ hai, 14/11/2022 10:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo các tài liệu lịch sử cho biết tên Nhã Nam xuất hiện đầu tiên vào thời Lê của huyện Yên Thế với tư cách là tên một đơn vị hành chính cấp tổng. Đến đầu thời Nguyễn có 8 tổng chia ra 42 xã.

I. Sự thay đổi về địa lý hành chính

Theo các tài liệu lịch sử cho biết tên Nhã Nam xuất hiện đầu tiên vào thời Lê của huyện Yên Thế với tư cách là tên một đơn vị hành chính cấp tổng. Đến đầu thời Nguyễn có 8 tổng chia ra 42 xã: Các tổng đó là Nhã Nam, Yên Thế, Vân Cầu, Lan Giới, Mục Sơn, Quế Nham, Yên Lễ và Bảo Lộc Sơn. Theo sách Bắc Ninh địa dư ghi: “Huyện Lỵ Yên Thế nằm trên đất xã Cao Thượng”

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. 

Tổng Nhã Nam có 5 xã, thôn:

1, Lục Giới xã (Thượng thôn)

2, Lục Giới xã (Trung Hạ 2 thôn) 3, Lục Giới xã hay Hùng Lĩnh thôn

4, Nhã Nam xã 5 thôn: Chuông, Nguộn, Thượng, Nhã Nam, Tỉnh Đạo.

5, Dương Lâm xã 4 Thôn: Dương Lâm, Hạ, Nguộn, Non.

Tổng Nhã Nam đến thời Nguyễn thêm 5 xã nữa:

1. Na Lương (địa phận xã Quỳnh Động cũ) gồm 4 thôn: Làng Tâm, Mỏ Sắt, Móng Lợn, Quỳnh Lâm

2. Tân An: Được thành lập năm 1895 trên mảnh đất tách khỏi các xã Nhã Nam, Lục Giới và Lan Giới 3 thôn: Tân An, Châu Khê, Phú Yên.

3. Trại Bồng (hay Bùng) là phần đất Lục Giới được nâng lên thành xã độc lập năm 1925 sau được đưa vào xã Dương Lâm

4. Dĩnh Thép (tách khỏi tổng Yên Thế)

Qua đó cho thấy tổng Nhã Nam khi đó khá rộng chiếm phần lớn của miền thượng Yên Thế giáp Thái Nguyên. Trong danh sách Đồng Khánh ta thấy bao gồm các xã gồm cả xã Bảo Tháp được đưa vào xã Dĩnh Thép tổng Nhã Nam; xã Quỳnh Động từ năm 1904 được đưa vào Na Lương, tổng Nhã Nam, bao gồm 4 thôn: Làng Am, Làng Bờ, Làng Đìa, Làng Ngồi(1). (1. Theo Nguyễn Văn Huyên- Địa Lý hành chính Kinh Bắc, Hà Nội 1997, trang 205-206)

Năm 1832, Phủ Yên Thế thuộc phân phủ Lạng Giang quản lý

Năm 1866 trở thành đạo Yên Thế, Lỵ Sở đóng tại thành Tỉnh Đạo tổng Nhã Nam.

Cuối thế kỉ XIX, Yên Thế có 10 tổng trong đó tổng Nhã Nam có 6 xã: Lục Giới (Thôn Thượng), Lục Giới (Thôn Trung), Lục Giới (Hùng Lĩnh), xã Nhã Nam có 5 xóm: Chuông, Nguộn, Thượng, Nhã Nam, Tỉnh Đạo, Xã Dương Lâm có 4 xóm: Dương Lâm, Hạ, Nguộn, Non, xã Na Lương có 4 xóm: Trám, Mỏ Sắt, Móng Lợn, Quỳnh Lâm.

Năm 1884, thực dân Pháp đánh chiếm tỉnh Bắc Ninh. Ngày 15/3/1884 từ Bắc Ninh chúng kéo quân lên Thái Nguyên chiếm thành Tỉnh Đạo, Nhã Nam. Chiều 16/3/1984, nghĩa quân Yên Thế tổ chức tế cờ tại đình làng Thế Lộc (Làng Hả) mở đầu cho cuộc khởi nghĩa chống Pháp của quân dân Yên Thế.

Ngày 10/10/1895, tỉnh Bắc Giang được thành lập bao gồm 2 phủ: Đa Phúc và Lạng Giang và 6 huyện: Việt Yên, Yên Dũng, Kim Anh, Yên Thế, Hiệp Hòa, Phượng Nhỡn.

Ngày 24/12/1895, thành lập đạo quan binh Yên Thế dưới sự thiết chế của quân quản. Đến ngày 29/11/1899 đạo quan binh Yên Thế giải tán chỉ còn lại đại lý Nhã Nam.

Ngày 26/5/1909, Yên Thế được đổi thành Châu, Rồi Phủ. Phủ Yên Thế trở lại chế độ cai trị dân sự đóng lị sở ở Nhã Nam.

Ngày 12/3/1910, quyền toàn quyền Đông Dương quyết định đại lý Nhã Nam được thành quân khu tự trị, lệ thuộc trực tiếp vào Thống sứ Bắc kì phụ trách công việc hành chính. Quân khu này gồm cả phủ Yên Thế. Đồng thời phủ Yên Thế được thành lập thành đạo đứng đầu là một quản đạo. Quản đạo có quyền như án sát, Đầu thế kỉ XX, phủ Yên Thế có 10 tổng: Hương Vĩ, Hữu Thượng, Lan Giới, Mục Sơn, Ngọc Cục, Nhã Nam, Quế Nham, Tuy Lộc Sơn, Vân Cầu và Yên Lễ. Sau cách mạng tháng 8/1945, tổ chức hành chính có một số thay đổi bỏ cấp tổng các đơn vị hành chính lớn gọi là huyện bỏ cấp châu và phủ.

Ngày 20/7/1957, theo nghị định số 483NV/NĐ/TT của Bộ Nội Vụ thành lập 5 thị trấn của tỉnh Bắc Giang trong đó có thị trấn Nhã Nam của huyện Yên Thế. Ngày 6/11/1957, theo Nghị định số 532/TTG của Thủ Tướng Chính phủ chia huyện Yên Thế thành 2 huyện: Yên Thế và Tân Yên. Phần hạ Yên Thế được gọi là huyện Tân Yên có 24 xã trong đó có thị trấn Nhã Nam.

Ngày 27/10/1962, Nghị quyết của Quốc hội khóa 2, kỳ họp thứ 5 quyết định hợp nhất tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là tỉnh Hà Bắc bắt đầu thực hiện từ 1/3/1963.

Tỉnh Hà Bắc có 16 huyện, 2 thị xã, 7 thị trấn: Bố Hạ, Chũ, Kép, Lục Nam, Thắng, Từ Sơn và Nhã Nam.

Ngày 5/8/1978, nghị định số 135BT của bộ trưởng Phủ Thủ tướng quyết định hợp nhất xã Nhã Nam và thị trấn Nhã Nam thành một đơn vị và lấy tên là xã Nhã Nam

Thực tế sau khi thành lập huyện Tân Yên thì huyện lị chuyển về địa điểm khác cho đến nay chúng tôi chưa tìm thấy văn bản này. Vì vậy thị trấn Nhã Nam mất vai trò trung tâm chính trị của phủ, huyện nên mới sát nhập vào xã Nhã Nam thành một đơn vị mới là xã Nhã Nam.

II. Vài nét về vùng đất con người Nhã Nam trong lịch sử

Trải qua biến thiên của lịch sử, sự thay đổi địa lý hành chính qua các thời kì đến nay vùng đất Nhã Nam, Yên Thế nay là tên một thị trấn của huyện Tân Yên.

Theo yêu cầu của Ban tổ chức hội thảo, chúng tôi trình bày “Lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Nhã Nam qua các giai đoạn lịch sử dân tộc” tự nhận thấy đây là vấn đề lớn trong một báo cáo tham luận không thể đáp ứng được vì vậy chúng tôi xin phép được trình bày một số nét sơ lược về vùng đất con người Nhã Nam trong lịch sử qua tài liệu cho phép chứ không riêng gì xã Nhã Nam hiện nay.

Cùng với dòng chảy của lịch sử dân tộc, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ở Phúc Sơn 2 chiếc rìu đá, một số mảnh tước, rìu tay, công cụ hình hạnh nhân có dấu tích tu chỉnh. Tuy những cổ vật trên là đơn lẻ chưa nhiều song đó là dấu hiệu của con người thời sơ kì kim khí với kĩ thuật chế tác đã đạt tới trình độ cao là cưa mài tinh xảo kết hợp với ghè đập.

Điều này khẳng định Tân Yên nói chung, Nhã Nam nói riêng là vùng đất có lịch sử lâu đời và phát triển liên tục. Đầu công nguyên với truyền thuyết về Nàng Giã Đại Thần ở Nhã Nam và trong vùng tham gia đánh giặc ngoại bang. Thần tích của xã Lý Cốt còn ghi rõ năm 40, bà Dương Thị Giã ở đây đã nổi dậy phất cờ khởi nghĩa chống giặc Tô Định.

Đoàn nữ binh từ núi rừng Yên Thế tiến về Mê Linh nhập vào hàng ngũ đội quân của Hai Bà Trưng. Dương Thị Giã được phong làm tướng, bà đã cầm quân đánh nhiều trận lập nhiều chiến công. Trong một trận quyết chiến bà bị thương nặng vẫn một mình một ngựa phá vây về đến núi Đót quê nhà mới chịu ngã xuống. Bà được nhân dân trong vùng tôn thờ làm Thần lập nhiều đền thờ phụng trong đó đền chính trên núi Đót gọi là đền Nàng Giã Đại Thần, gắn với tục thờ là tục cấm lửa cấm đồng (ngày 8/4 âm lịch) còn phổ biến ở địa phương.

Vào thời Lý, Yên Thế nằm trong đất Lạng Châu trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược cuối thế kỉ XI. Các đội dân binh vùng núi dưới sự chỉ huy của các tù trưởng địa phương đã tập kích nhiều trận ở phía sau khiến quân Tống vô cùng khiếp sợ. Chúng gọi là các vị “Thiên thần”. Các dòng họ: Giáp, họ Thân ở trong vùng đất Châu Lạng, nhiều người lập được chiến công trở thành Phò mã đảm nhận vai trò thổ quan và thân tộc của vương triều.

Ở xóm Tân An, xã Tân An được thành lập năm 1895 thuộc tổng Nhã Nam nay thuộc xã An Thượng, huyện Yên Thế. Tại Đồi Bia các nhà khảo cổ học đã xác định ngay từ thời Lý Trần ở đây đã có người sinh sống. Kết quả khai quật khảo cổ học năm 2019 cho biết tại đây đã xây dựng được một trung tâm Phật Giáo lớn thuộc Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử đó là phế tích chùa Linh Quy dân thường gọi là Đồi Bia. Tại đây còn các dấu tích xuất lộ của thời Lý Trần thế kỉ XI, XIV. Di tích còn được tu sửa thời Lê, thời Nguyễn. Những dấu tích ấy cho thấy ngôi chùa có tháp cao lớn, quy mô, cấu trúc, kĩ thuật xây dựng cực kì công phu, trang trí tinh xảo. Đây là một di tích có giá trị lịch sử văn hóa lớn của tỉnh và địa phương(2). (2.Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học: Địa điểm Đồi bia xã An Thượng, Huyện Yên Thế, Tỉnh Bắc Giang- Viện Khảo cổ học Việt Nam tháng 12/2019 -trang 8 )

Từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVII, vùng đất này xuất hiện ông Dương Thận Huy ở Nguộn Thôn, xã Giản Ngoại, Lan Giới đỗ Tiến sĩ khoa Canh Tuất (1550) niên hiệu Cảnh Lịch thứ 3 đời vua Mạc Phúc Nguyên làm quan đến Thừa chánh sứ thuộc hàng Tứ phẩm.

Trong vùng còn có các công trình kiến trúc tôn giáo lớn nổi tiếng như: đình làng Chuông, Nhã Nam; đình Dương Lâm, xã An Dương; đình chùa Lan Thễ, xã Lan Giới… thờ Cao Sơn Quý Minh: những vị có công đánh giặc thời các vua Hùng.

Vị thế Nhã Nam ở giữa miền trung thượng du Yên Thế với vùng đất Thái Nguyên nên vào thời Nguyễn, dưới triều vua Tự Đức có ý định xây dựng ở đây một thành tỉnh mới trên cơ sở đồn trú Nhã Nam Yên Thế và Phú Bình Thái Nguyên. Chính vì thế tại Nhã Nam năm 1873 triều đình nhà Nguyễn đã cho xây dựng một ngôi thành lớn mang tên Tỉnh Đạo của tổng Nhã Nam (3). (3. Xem thêm: Nguyễn Xuân Cần- Ông Tán Cách Bi – Sở văn hóa thông tin Hà Bắc xuất bản 1987)

Điều này được sách “Đại Nam Thực lục chính biên” cho biết: “Mùa hạ tháng 4 năm Tự Đức 34 (1881)… khi ấy tỉnh biện Phó sứ là Trương Quang Đản thường xin đặt đồn ở đấy, đình nghị cũng nói địa thế Nhã Nam rất thuật lợi. Đặt đồn ở đấy thì trên có thể chế ngự được giặc trốn, dưới có thể giữ cho dân yên. Vua y cho ”(4). (4. Đại Nam thực lục chính biên tập 35 – HN 1996, trang 25)

Ngôi thành này đến nay (1973), vẫn còn dấu vết khá rõ, thuộc xã Quang Tiến, huyện Tân Yên, nằm sát với thị trấn Nhã Nam. Thành xây dựng hình vuông theo kiểu Vô Băng giống như thành Bắc Ninh. 4 góc có 4 pháo đài nhô ra theo hình mang cá. Thành đắp bằng đất lấy tại chỗ. Đến nay còn đo được chiều cao trung

bình. Từ 1,50m đến 2m, Mặt thành rộng 3m. Phía ngoài thành là dãy hào sâu bao quanh. Độ sâu trung bình từ 1m đến 1,20m. Rộng từ 3 đến 5m. Và có chỗ rộng tới 10m như đoạn gốc sữa. Thành cũng có 4 cửa ra vào. Là cửa tiền hậu tả hữu. Trong đó cửa tiền ở bờ phía tây của thành. Toàn bộ khu vực thành rộng khoảng 4 hecta.Trong thành chia ra từng khu. Khu cột cờ gần cổng tiền. Khu nhà kho gần cổng hậu. Khu trung dinh, khu nhà lính. Mọi sinh hoạt đều bó hẹp trong phạm vi thành, rất ít khi phải ra ngoài. Vì vậy, thành Tỉnh Đạo còn có tên là thành tỉnh mới.

Khi thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ 2 (1882). Nguyễn Cao được phân công cùng với một bộ phận nghĩa quân và quân đội triều đình lên đào hào đắp lũy. Củng cố lại khu thành Tỉnh Đạo để làm căn cứ chống Pháp. Phòng khi thành Bắc Ninh bị thất thủ. Sách Đại Nam Thực Lục Chính Biên còn ghi rõ “Kinh lược phó sứ là Bùi Ân Niên, Bắc Ninh, Tổng đốc là Trương Quang Đản cho là hạt Bắc Ninh, gần sát với Đồn Thủy của Pháp chống giữ rất khẩn cấp mật thư cho tỉnh Lạng Sơn bàn với Hoàng Quế Lan chọn phái quân một vài doanh đóng thêm ở đồn Nhã Nam tỉnh Bắc. Lương Quý Chính, Nguyễn Cao Trần Quân Soạn liệu trích quân ở quân thú và toàn quân ở Cao Bằng, Lạng Sơn về tỉnh chia nhau đóng”(5). (5. Sách đã dẫn- tập 35 trang 173).

Đồng thời Nguyễn Cao còn chú ý đến việc, khai khẩn đồn điền để xây dựng cơ sở cho sau này. Sách Đại nam thực lục chính biên tập 35, trang 104 còn ghi rõ “Mùa xuân, tháng giêng năm Tự

Đức thứ 35(1882). Bố chánh xứ Cao Bằng cũ là Nguyễn Cao xin đến hạt Phú Bình (thuộc Thái Nguyên) mộ quân chọn đất để khai khẩn. Vua y cho.”(6). (6. Sách đã dẫn- tập 35 trang 104.)

Sau việc này, ông còn xin lãnh tất cả các hạng tù tội trộm cướp nói chung là hạng tội đáng chết của năm tỉnh xứ Bắc Kỳ lên làm nhân công khai khẩn và để cải tạo. Việc làm của ông đã đạt được kết quả to lớn. Cả một vùng rộng lớn của Phú Bình, Nhã Nam vốn là rừng núi rậm rạp nổi tiếng ma thiêng nước độc đã trở thành một vùng canh tác phì nhiêu với những xóm thôn trù phú.

Điều cơ bản hơn cả là ông đã thu phục và cải hóa nhân tâm của nhiều con người phạm pháp mà pháp luật và triều đình lúc đó tưởng như đã bỏ đi, khó lòng cải tạo được. Theo tài liệu điều tra, nhân dân ở vùng này hầu hết là dân các tỉnh miền xuôi lên khai phá con người có gốc gác lâu đời ở địa phương rất ít. Qua những câu chuyện kể, người dân ở đây vẫn còn lưu giữ nhiều ấn tượng tốt đẹp và lòng cảm phục sâu sắc đối với tấm lòng đức độ của ông.

Ở Nhã Nam hiện nay vẫn còn một xóm mang tên ông gọi là xóm Quan Tán Đạo nằm ngay khu vực của thành Tỉnh Đạo cũ, nay thuộc xã Quang Tiến, huyện Tân Yên để ghi nhớ công lao khai khẩn dựng xóm dựng làng của ông khi xưa. Dân cư trong xóm ngoài một số người ở các làng thuộc huyện Việt Yên nay như: Mật Ninh Sen Hồ, Thiết Nham còn đa số là người vùng Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Hà Nam, Hà Đông… lên đây từ những năm cuối thế kỷ XIX.

Điều này còn được lịch sử các xã hiện nay ghi nhận: “xã Lan Giới là đất quần cư nên có trên 20 dòng họ cùng sinh sống như họ Nguyễn, họ Vũ, họ Ngô, họ Khổng, họ Tống, họ Giáp, họ Bùi, họ Dương, họ Thân, họ Đàm, họ Khúc, họ Kiều, họ Đinh, họ Đoàn, họ Phạm, họ Hoàng, họ Phùng, họ Trần, họ Đỗ, họ Lục, họ Lê, họ Nông, họ Đồng đã đến đất này từ bao đời. Cư dân ở nhiều tỉnh đến đây xây dựng lập ấp: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tây, Hà Nam, Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh…Tuy từ bốn phương đổ về nhưng tất cả mọi người đều chung lưng đấu cật đoàn kết giúp nhau trong sản xuất xây dựng quê hương”.(7) (7. Lịch sử Đảng bộ xã Lan Giới(1930-1945) – Hồng Đức, Hà Nội 2017 trang 13)

Nằm giữa miền rừng rậm của vùng Yên Yhế rộng lớn.Thành Tỉnh Đạo- Nhã Nam án ngữ trên con đường Bố Hạ - Nhã Nam

- Hà Châu, chia Yên Thế ra làm hai miền rõ rệt: Yên Thế Thượng và Yên Thế Hạ. Mỗi vùng mang đặc điểm riêng khác nhau mà rõ rệt nhất là địa thế.

Vùng Yên Thế Hạ Nằm phía Nam thành Tỉnh Đạo nay là huyện Tân Yên, một vùng tương đối bằng phẳng. Ở đây có những cánh đồng rộng lớn, phì nhiêu, trồng trọt rất tốt và khí hậu tương đối trong lành. Nối giữa vùng bằng phẳng rộng lớn là những quả đồi thấp, nhấp nhô mà ngọn cao nhất không quá 50m, làm cho bề mặt của nó bớt bằng phẳng hơn và đặc biệt ưa nhìn.

Trên những quả đồi ấy, một số ít được khai phá thành làng xóm tươi vui, còn phần lớn bị bỏ hoang cho các loại cây cỏ bao phủ thành các cánh rừng Dương Lâm, Dương Sặt, Yên Lễ (Ngàn Ván), rừng Gia, rừng Thị ... là hang ổ của nhiều loại thú rừng hoạt động. Nơi đây còn gắn liền tên tuổi của Nguyễn Cao trong sự nghiệp khẩn hoang dựng xóm làng.

Càng lên cao phía Bắc của thành Tỉnh Đạo là vùng Yên Thế Thượng, không còn thấy những cánh đồng bằng phẳng nằm xen kẽ những dải đồi thấp nữa, ở đây địa thế đã có nhiều thay đổi khác hẳn. Đó là một dãy liên tục các gò đất nhô lên, lúc đầu còn thấp nhưng càng đi ngược về phía bắc thì càng cao dần. Độ cao trung bình của các ngọn đồi này từ 120 đến 200m.

Ở đây rừng rậm núi cao xưa kia trở nên bất khả xâm phạm một vùng ít người biết đến đầy bí ẩn và khí hậu lại rất độc. Nó là một vùng có địa thế hiểm yếu vào loại nhất của xứ Bắc Kỳ. Với điều kiện địa thế thiên nhiên như vậy nên cư dân sống trong vùng cũng rất thưa thớt.

Cả một vùng rừng núi Yên Thế rộng lớn hoang vu trước kia đã từng được chọn làm căn cứ hoạt động của nhiều toán nghĩa quân. trong đó có đội quân của Nguyễn Cao và sau này là Hoàng Hoa Thám. Chính nơi đây đã chứng kiến những thất bại cay đắng của bọn thực dân Pháp trước sức đề kháng mạnh mẽ của nhân dân và nghĩa quân với rừng núi trập trùng, vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Tại đây còn lưu giữ nhiều dấu tích thời kì này như: nghĩa địa Pháp ở đồi Phủ nơi chôn quân Pháp chết trận ở Yên Thế, Nhã Nam; di tích đền Gốc Dẻ; di tích ao Ông Chấn Kí; truyền thuyết trận đánh ở Trại Ổi tháng 12/1987 của ông Lý Nhã.(8) (8. Lịch sử Đảng bộ xã Lan Giới (1930-1945) trang 23)

Những di tích thời kì cách mạng giành chính quyền ở Phủ Lỵ Yên Thế, Nhã Nam ngày 17/7/1945 dưới sự lãnh đạo của đồng chí Hà Thị Quế, hay chùa Tứ Giáp nơi ra đời 6 điều Bác Hồ dạy Công an Nhân dân,…

Thị trấn Nhã Nam như phần trên đã trình bày là thị trấn cửa rừng nằm án ngữ trên con đường qua lại giữa Thái Nguyên. Thời nhà Nguyễn ông Tán Cách Bi là Nguyễn Cao đã xây đắp thành Tỉnh Đạo trên ngọn đồi thấp của tổng Nhã Nam để trấn trị các toán trộm cướp của thổ phỉ Tàu làm chỗ dựa cho dân lưu tán đến tụ cư. Là đầu mối giao thông quan trọng, có đường về Bắc Ninh, Bắc Giang, đường sang cầu Gồ, Bố Hạ, Phổng, Mẹt, Hiệp Hòa,… Nhã Nam từ xưa đã là nơi khu vực tiện lợi cho việc buôn bán giao lưu kinh tế. Thực dân Pháp đóng Đại lý Nhã Nam tại đây, đồn binh Nhã Nam đã bị phá nhưng vẫn còn dấu vết nền xi măng…

Sau cách mạng tháng 8/1945, nhất là trong thời kì kháng chiến chống Pháp, thị trấn Nhã Nam là nơi thu hút nhiều luồng dân cư nên dân số tăng lên rõ rệt, việc buôn bán và các hoạt động kinh tế khác trở nên tấp nập, lúc đó phố Nhã Nam còn nằm trong xã Hợp Tiến.

Thị trấn Nhã Nam sau này càng đông vui, phố xá Nhã Nam đã có một bộ mặt mới, chợ Nhã Nam được quy hoạch trên đất thị trấn còn gọi là chợ tỉnh có các phiên chính họp vào ngày 2,5,7,10 âm lịch rộn rã trù phú. Ngoài ra các ngày thường trong phố cũng đông vui nhất là các cửa hàng bách hóa, hiệu sách nhân dân, bến xe ô tô đi lại Cầu Gồ, Bắc Giang, Thái Nguyên tấp nập. Thị trấn có bốn phố là: Lao Động, Tân Hòa, Tân Quang, Chiến Thắng. Mặc dù địa lý hành chính có thay đổi nhưng Nhã Nam thời nào cũng là trung tâm của một vùng núi bán sơn địa./.

Tài liệu tham khảo chính:

1- Nguyễn Văn Huyên- Địa lý hành chính Kinh Bắc, Hà Nội 1997 2- Địa chí Hà Bắc- Sở văn hóa thông tin Hà Bắc xuất bản 1982

3- Nguyễn Quang Ân- Việt Nam những thay đổi địa danh địa lý hành chính(1945-2002), Hà Nội 2003

4- Nguyễn Xuân Cần- Ông Tán Cách Bi- Sở Văn hóa Thông tin Hà Bắc xuất bản 1987.

5- Lịch sử đảng bộ huyện Tân Yên xuất bản năm 1999.

6- Lịch sử đảng bộ xã Lan Giới (1930-2015) xuất bản năm 2017.

Nguyễn Xuân Cần

Nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang

(Nguồn: Kỷ yếu Khoa học Lịch sử vùng đất, con người và định hướng phát triển kinh tế - xã hội thị trấn Nhã Nam -2022

Bạn đang đọc bài viết Lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nhã Nam qua các giai đoạn lịch sử dân tộc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề 

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.