Thứ bảy, 27/04/2024 07:27 (GMT+7)

Diễn đàn: Triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP về Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế

MTĐT -  Thứ bảy, 27/08/2022 08:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nghị định số 35/2022/NĐ-CP được nhiều doanh nghiệp, nhà quản lý kỳ vọng sẽ tạo nên những đổi thay cơ bản cho việc phát triển thị trường khu công nghiệp ở Việt Nam.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham dự Diễn đàn.

Chia sẻ tại Diễn đàn: “Triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP về Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 26/8, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, 5 năm sau khi ban hành Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về việc Quản lý khu Công nghiệp (KCN) và Khu kinh tế (KKT), ngày 28/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP giúp khắc phục những hạn chế mà Nghị định 82 đang mắc phải.

Theo đó, Nghị định quy định rõ các điều kiện, nguyên tắc xác định số lượng, quy mô diện tích, các trường hợp điều chỉnh khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho địa phương trong quá trình lập, thẩm định và điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế trong quy hoạch vùng, tỉnh.

Nghị định 35/2022/NĐ-CP phân loại cụ thể các loại quy hoạch xây dựng KCN gồm quy hoạch chung xây dựng KCN, quy hoạch phân khu xây dựng KCN và quy hoạch chi tiết xây dựng KCN.

Đặc biệt, Nghị định 35/2022/NĐ-CP cho phép các trường hợp không cần lập nhiệm vụ quy hoạch như lập quy hoạch phân khu xây dựng KCN tại khu vực đã có quy hoạch chung xây dựng hoặc quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế đã được phê duyệt; lập quy hoạch chi tiết xây dựng KCN tại khu vực đã có quy hoạch phân khu xây dựng được phê duyệt…

“Nghị định số 35/2022/NĐ-CP kịp thời, phù hợp thực tiễn nhằm mục đích hoàn thiện và tạo đà cho tiến trình xây dựng một hành lang pháp lý góp phần hình thành những khu công nghiệp chuyên biệt, hiện đại, xanh, sạch và đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội”, ông Hoàng Quang Phòng đánh giá.

Còn theo bà Trần Tố Loan, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP có nhiều thay đổi tiến bộ so với Nghị định 82/2018/NĐ-CP, trong đó có 2 điểm chính tác động trực tiếp tới các dự án KCN.

Trước tiên với hạng mục nhà ở công nhân, trong khi Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định người lao động không được ở lại trong KCN, chỉ có chuyên gia nước ngoài được ở lại với sự đồng ý của Ban Quản lý KCN. Tuy nhiên, đến Nghị định số 35/2022/NĐ-CP thì vấn đề này đã được tháo gỡ. Theo đó, các chủ đầu tư có thể xây dựng nhà ở công nhân ngay trong KCN để đảm bảo vấn đề an sinh.

Theo bà Loan, một điểm nữa có tác động trực tiếp đến các dự án KCN, đó là việc phân cấp, phân quyền cho các tỉnh, thành phố, theo đó, chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được phân quyền để thẩm định và cấp phép các dự án có quy mô phù hợp.

Theo PGS.TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng, với người công nhân trong các KCN không chỉ cần nhà ở mà cả các hạ tầng xã hội khác, như trạm xá, trường học, siêu thị..., là sự đồng bộ giữa hạ tầng KCN và hạ tầng xã hội mà Nghị định số 35/2022/NĐ-CP nhấn mạnh. Đây là tiến bộ quan trọng, nhưng đây là vấn đề vĩ mô, cần có các quy định, hướng dẫn tiếp trong những văn bản vi mô về thế nào là những hạ tầng xã hội phải có.

Trước đây, Bộ Xây dựng không được giao quyền hạn, trách nhiệm về nhà ở trong các KCN, nhưng Nghị định số 35/2022/NĐ-CP lần này có quy định rõ trách nhiệm của Bộ Xây dựng, mang đến nhiều hơn sự vào cuộc của cơ quan quản lý chuyên ngành.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia tại Diễn đàn, dù được đánh giá là mang tính đột phá, thiết thực, lược bỏ tương đối các thủ tục hành chính rườm rà, tuy nhiên hiện nay, việc thực hiện, triển khai Nghị định số 35/2022 vẫn có những điểm nghẽn cần được tháo gỡ.

Ông Trần Anh Vương, Tổng Giám đốc Western Pacific cho biết, theo quy định của Nghị định 35, cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư ở Nghị định này vẫn quy định là Thủ tướng Chính phủ, vì vậy cơ quan tiếp nhận đề xuất chủ trương đầu tư là Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

“Chúng tôi nghĩ đây là một quy định đúng. Nhưng ở đây còn một chút bất cập là, trước đây khi đi xin chủ trương đầu tư KCN, bao giờ doanh nghiệp cũng trình lên cấp tỉnh trước, xem tỷ lệ lấp đầy đã được 60% chưa, quy hoạch đất đai thế nào. Nhưng với quy định của Nghị định 35, khi chúng tôi giải trình hồ sơ lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì chắc chắn sau đó Bộ phải làm công văn hỏi các bộ và tỉnh. Khi hỏi về tỉnh, lúc đó mới biết được quy hoạch của tỉnh như thế nào, trong đó đất lúa có bị vi phạm không, có bị phân kỳ hay không... Có thể thấy, quá trình luân chuyển chứng từ này sẽ làm chậm quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư”, ông Trần Anh Vương phản ánh./.

Sơn Hà (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Diễn đàn: Triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP về Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới