Thứ bảy, 04/05/2024 06:12 (GMT+7)

“Điện than là ngành phi đạo đức”

MTĐT -  Thứ ba, 09/05/2017 16:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 5/10/2004, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam giai đoạn 2004 – 2010 và định hướng đến năm 2020 với mục tiêu rõ ràng: “Điện lực phải đi trước một bước"

Ngày 5/10/2004, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam giai đoạn 2004 – 2010 và định hướng đến năm 2020 với mục tiêu rõ ràng: “Điện lực phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng quốc gia…

Quyết định này, Chính phủ cũng đã quan tâm đến năng lượng tái tạo. Nhưng phát triển điện lực của Việt Nam theo hướng nào? Các nhà khoa học Việt Nam và nhân dân ta rất ngạc nhiên vì các chuyên gia điện lực không hề quan tâm đến tiềm năng to lớn của chúng ta. Có lẽ họ chưa bao giờ nghe hay cố tình làm ngơ trước thông báo của Ngân hàng Thế giới: “Việt Nam có tiềm năng về lượng gió lớn nhất Đông Nam Á, với công suất điện gió ước đạt 513.360mW, nhiều hơn 100 lần công suất của thuỷ điện Sơn La, hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện vào năm 2015. Việt Nam lại có trên 3200km bờ biển nên rất thuận lợi cho phát triển nguồn năng lượng sức gió, mật độ năng lượng gió ở nước ta thuộc loại trung bình và lớn so với thế giới.

Về năng lượng mặt trời được phản ánh qua số giờ nắng trung bình hàng năm ở nước ta có khoảng 1400 – 3000 giờ nắng, lớn nhất là vùng đồng bằng duyên hải cực Nam Trung Bộ và một phần lãnh thổ phía Đông Nam Bộ. Do đó việc khai thác tiền năng năng lượng mặt trời là hoàn toàn khả thi.

Đáng tiếc trong việc phát triển điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chưa bao giờ quan tâm và đề cập đến năng lượng tái tạo.

Các độc giả rất buồn khi nghe ông Nguyễn Văn Được – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An phát biểu tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam ngày 4/5/2017: “ Trong tương lai 10 – 15 năm tới không thể có năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để thay thế buộc chúng tôi chấp nhận nhiệt điện than…”

Như trên đã nói, tiềm năng về năng lượng tái tạo Việt Nam rất phong phú. Nhưng chúng ta không khai thác thì làm sao có được? Trong khi Tập đoàn điện lực Việt Nam lúc nào cũng chỉ nghĩ đến nhiệt điện than mà thôi.

“Nhiệt điện than phát triển dày đặc khắp miền đất nước, ở những nơi gần nguồn nước như ven biển và các con sông lớn. Nhiệt độ nước của môi trường tự nhiên và nước làm mát từ các nhà máy nhiệt than thải ra môi trường chênh lệch nhau từ 7 – 11oC, thì không loại thủy sinh nào tồn tại được”. (Theo bà Ngụy Thị Khanh, Báo Thanh niên ngày 5/5/2017). Có 19 nhà máy nhiệt điện Việt Nam mỗi năm thải 10 triệu tấn xỉ, nhưng khả năng tái chế tối đa chỉ được 50% vì không cạnh tranh được với gạch nung, do đó càng gây nên ô nhiễm, Theo báo Thanh Niên ngày 8/5/2017 có đến 78/90 ngày tương đương 86,6% số ngày của quý I/2017 nồng độ bụi trong không khí ở cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vượt chuẩn của tổ chức quốc tế. “Nguồn gây ô nhiễm là do đến từ các nhà máy nhiệt điện than, các hoạt động giao thông, công nghiệp. Theo ghi nhận của WHO, ô nhiễm không khí gây ra các bệnh như: bệnh tim, ung thư phổi, đột quỵ, tắc phổi mãn và nhiễm trùng đường hô hấp”. Nếu Tập đoàn điện lực Việt Nam cứ bảo thủ và không chịu đổi mới công nghệ thì lời cảnh cáo của bà Hoàng Thị Minh Hồng – Giám đốc CHANGE tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam ngày 4/5/2017 là hoàn toàn chính xác. Chưa kể nước thải chứa nhiều độc hại và kim loậi nặng, khói bụi làm ô nhiễm môi trường.

Cả nước sắp bị nhà máy nhiệt điện than bủa vây. Ảnh: TL

Theo nghiên cứu của Green ID, tổng số đầu tư điện than ở Việt Nam lên đến 40 tỷ đô la, trong đó 52% vốn đầu tư đến từ các chủ đầu tư của nước ngoài và tổ chức tài chính quốc tế, một trong số đó là nguồn vốn từ Trung Quốc 8 tỷ đô la. Một điều cần lưu ý, hiện nay Trung Quốc cũng đang đình chỉ các nhà máy nhiệt điện như đã dỡ bỏ nhà máy nhiệt điện cuối cùng ở Bắc Kinh và đình chỉ 15 dự án nhiệt điện của các tỉnh. Chúng ta phải cảnh giác để không nhập khẩu phải các nhà máy nhiệt điện thải loại của Trung Quốc vì lợi ích nhóm. Theo bà Hoàng Thị Minh Hồng – Giám đốc tổ chức CHANGE lên án: “Điện than là ngành công nghiệp phi đạo đức. Thế giới hiện nay đang thoái vốn khỏi ngành điện than. Trên quy mô toàn cầu, trung bình 1 phút có đến 10 triệu đô la được thoái vốn khỏi điện than”. (Báo Thanh niên ngày 5/5/2017).

Lý do Tập đoàn Điện lực Việt Nam không mặn mà với năng lượng tái tạo là cho rằng giá thành của năng lượng tái tạo quá cao. Điều đó hoàn toàn ngụy biện: Thử hỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có nghiên cứu nào về năng lượng tái tạo? Đã có lần nào Tập đoàn đã nghiên cứu ảnh hưởng của nhiệt điện than đến sức khoẻ cộng đồng hay chưa? Nếu đã có chắc chắn các vị sẽ phải giật mình về tội lỗi của mình.

UAE là một trong những nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, nhưng những năm gần đây nước này đã chuyển qua đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ điện mặt trời. Nước này cũng lập một kỷ lục thế giới mới về giá thành sản xuất chỉ có 3cent/Kwh và đang xuất khẩu công nghệ điện mặt trời đi khắp thế giới. “Giá thành sản xuất năng lượng tái tạo ở Việt Nam cao hơn điện than là do từ trước đến giờ chúng ta chưa phát triển thị trường đúng nghĩa. Nhiều nước và khu vực trên thế giới giá điện mặt trời đã tiệm cận thậm chí rẻ hơn điện than” bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc GreenID nói.

Phải có điện sạch mới thu hút đầu tư sạch

Tại hội thảo “Giải pháp năng lượng sạch và đô thị thông minh” do Tổng lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, các chuyên gia và đại diện các tập đoàn lớn đều cho biết: Trong xu hướng sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, hoạt động sản xuất cũng phải hướng đến sử dụng các nguồn năng lượng sạch. Trên quy mô toàn cầu có đến 100 tập đoàn hàng đầu thế giới cam kết sẽ sử dụng hoàn toàn năng lượng sạch vào năm 2030. Điều này là một bài toán đối với Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2,Bình Thuận từ khi vận hành đã gây phát tán bụi, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Ảnh: TL

Tại nước ta, hiện nay nhiều địa phương cũng đã chủ động triển khai ứng dụng năng lượng tái tạo như Bình Thuận đang xây dựng 2 nhà máy điện mặt trời với công suất 343mW, Khánh Hoà đang xây dựng nhà máy điện mặt trời 50mW và Quảng trị xây dựng nhà máy điện sóng 50mW. Hy vọng đây sẽ là những khởi đầu tốt đẹp cho một xu hướng tiến bộ về ứng dụng năng lượng sạch ở nước ta, khắc phục được tình trạng ô nhiễm triền miên của các nhà máy nhiệt điện.

Đề nghị các chuyên gia điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam không nên chỉ đóng khung trong văn phòng, phải đi ra ngoài, phải mở mặt nhìn ra thế giới, xem thiên hạ đã phát triển năng lượng điện như thế nào? Để giúp cho sự phát triển của đất nước.

Muốn kêu gọi đầu tư nước ngoài, không thể không quan tâm đến năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Trách nhiệm không thể có ai khác ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam./.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KH & CN Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết “Điện than là ngành phi đạo đức”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bảo tàng tỉnh Bắc Giang: Nơi lưu giữ kỷ vật thời chiến
Hệ thống các hình ảnh, tư liệu, hiện vật thời chiến được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ ghi nhớ những mốc son trong lịch sử dân tộc, thêm tự hào về truyền thống anh hùng của đất nước, quê hương.