Thứ sáu, 26/04/2024 12:32 (GMT+7)

Đề xuất 'thu phí cao tốc cả đời': Để phí chồng phí là trái luật

MTĐT -  Thứ sáu, 12/06/2020 15:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai, thu phí là để hoàn vốn làm đường còn quỹ bảo trì đã được thu theo đầu phương tiện và người dân đã đóng. Nếu tiếp tục thu phí cả đời sẽ để phí chồng phí như thế là trái luật.

Trong buổi họp báo công bố những điểm mới của Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam gây chú ý với việc đưa ra khái niệm “thu phí cao tốc cả đời”.

Ở đây có cái thu phí thì thu phí qua phương tiện là phí bảo trì đường bộ còn sau này phí cao tốc, Luật Đường bộ (Luật Giao thông đường bộ sửa đổi – PV) đưa vào là tất cả luật đường cao tốc khi đã có đường song hành rồi thì thu phí đường cao tốc sẽ thu cả đời chứ không dừng. Bằng nguồn vốn nào cũng phải thu phí” – ông Huyện nói.

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam nói thêm, kể cả các tuyến cao tốc đầu tư bằng hình thức BOT, sau khi hết hạn thu phí hoàn vốn thì Nhà nước sẽ quay ra bảo trì bằng tiền ngân sách bằng nguồn vốn khác, khi đó vẫn sẽ tiếp tục thu phí để phục vụ chất lượng cao nhất.

Trong Luật Đường bộ (Luật Giao thông đường bộ sửa đổi - PV) sau này khi ký ban hành rồi thì việc thu phí sẽ khiến nhiều người bỡ ngỡ. Tất cả các nước cũng thế thôi, muốn có chất lượng cao thì các anh phải nộp tiền và có đường song hành rồi” – ông Huyện cho biết và khẳng định sẽ không có chuyện phí chồng phí.

Theo ông Huyện, một đất nước phát triển được hạ tầng là phải thu phí đường cao tốc, bất kể bằng nguồn vốn gì. Ông Huyện lấy ví dụ, cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên hay Nội Bài – Nhật Tân, đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước và không thu phí. Một số chuyên gia nước ngoài khi sang Việt Nam đã thắc mắc rằng tại sao chúng ta không thu phí. “Nếu các tuyến đường cứ như thế (cứ không thu phí – PV) thì Nhà nước sẽ không bao giờ còn lực để phát triển hạ tầng” – ông Huyện nêu quan điểm.

Đề xuất thu phí cao tốc cả đời đang nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận.

Phát biểu của Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã ngay lập tức nhận được những ý kiến trái chiều. PGS.TS Phạm Xuân Mai - Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh khẳng định, sẽ không thể thực hiện “thu phí cả đời” được vì như thế là trái luật.

“Thu phí đường cao tốc chỉ là thu phí để hoàn vốn làm đường còn quỹ bảo trì đã được thu theo đầu phương tiện và người dân đã đóng rồi. Tôi khẳng định là không thể thực hiện thu phí cả đời. Để phí chồng phí là trái luật” – PGS.TS Phạm Xuân Mai nói.

Chuyên gia này cho biết thêm, bản chất của đường cao tốc ở tất cả các quốc gia trên thế giới đều giống nhau, không có chuyện cao tốc có đặc thù riêng nên cũng không thể có cơ chế thu phí riêng ngoài thu phí hoàn vốn xây dựng như tất cả các nước vẫn đang thực hiện.

Đồng quan điểm trên, Chuyên gia kinh tế Phạm Việt Anh cho rằng, vấn đề cần quan tâm ở đây không phải là câu chuyện thu phí vĩnh viễn hay không mà là hoạt động thu phí phải được tính toán một cách khoa học và công bằng, quản lý phải minh bạch.

Mức phí phải được giảm dần theo mức tăng của lưu lượng xe tham gia giao thông qua từng thời kỳ, chất lượng phải tương ứng với khoản thu, thu - chi cân đối. Nghĩa là không vì lợi nhuận, chỉ thu đủ cho mục đích duy tu, bảo trì chất lượng sản phẩm”, chuyên gia Phạm Việt Anh nói.

Bên cạnh đó, theo Chuyên gia kinh tế này, cao tốc do Nhà nước đầu tư đương nhiên là công sản, cao tốc do tư nhân đầu tư BOT sau khi hết thời hạn khai thác cũng sẽ trở thành công sản.

Nhà nước tiếp quản công sản để tiếp tục quản lý khai thác nhằm gia tăng tính công lợi thì không thể kiếm lời từ công sản, bởi đó là tài sản thuộc sở hữu của toàn dân, được người dân ủy nhiệm quản lý và khai thác. Chính vì vậy, nếu việc thu phí là để cho việc duy tu, bảo trì công sản phục vụ cho lợi ích quốc gia thì phải có sự giám sát bởi một ủy ban thuộc Quốc hội.

"Nếu quản lý ngân sách hiệu quả thì chi phí bảo quản công sản có thể được trích từ nguồn thu thuế được đóng góp của người dân, chứ không nhất thiết phải thu thêm phí" – ông Phạm Việt Anh nêu quan điểm.

Thu chỗ này làm chỗ khác

Trước nhiều ý kiến trái chiều của các chuyên gia, ngày 11/6 trao đổi với Đất Việt về đề xuất này, ông Tăng Bá Viết - Phó Vụ trưởng Vụ tài chính, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cho rằng, đây là chủ trương rất cần thiết cho việc phát triển giao thông trong tương lai.

"Khi mình đã xây dựng đường cao tốc lên thì sẽ tổ chức thu phí. Ý nghĩa của việc tổ chức thu phí trước tiên là để điều tiết giao thông. Thêm nữa là nâng cao chất lượng dịch vụ lưu thông trên tuyến đường thu phí đó. Nếu không thu phí thì không thể điều tiết được giao thông vừa không thể nâng cao chất lượng dịch vụ, từ đó cũng gây lãng phí dự án" - ông Viết nói.

Một lý do khác cũng được đại diện Tổng cục Đường bộ đưa ra lý giải cho việc thu phí cao tốc trọn đời là do suất đầu tư dự án rất lớn nên nhà đầu tư gần như không thể thu hồi vốn, hoàn vốn. Chính vì thế, nếu Nhà nước tính toán đến phương án hồi vốn như các doanh nghiệp đang làm thì không có hiệu quả.

Ông Viết cho biết: "Năm 2010, Nhà nước từng xây dựng phương án bán quyền thu phí cao tốc Sài Gòn - Trung Lương. Dự án này có tổng mức đầu tư là hơn 9.000 tỷ đồng và bán quyền thu phí cho ngân hàng trong 20 năm để thu hồi vốn. Nhưng sau đó phía ngân hàng thực hiện thấy không hiệu quả vì số tiền thu được không bằng số lãi tiền gửi nên không thu hồi được vốn".

Chi vì thế, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, chủ trương thu phí cao tốc trọn đời là để thu phí được từ dự án này sẽ lấy số tiền đó để đi đầu tư những dự án khác, nâng cao hạ tầng giao thông của Việt Nam.

"Điều này sẽ không xảy ra hiện tượng phí chồng phí, đây là một chính sách mới hoàn toàn, giành riêng cho cao tốc. Ở đây là sự chia sẻ, lấy từ dự án này để đầu tư làm dự án khác, phát triển giao thông đồng bộ" - ông Viết một lần nữa nhấn mạnh.

 Trước ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng, việc thu phí tuyến đường này nhưng lại đầu tư dự án khác sẽ tạo ra sự không công bằng cho chính những người phải trả phí cho tuyến đang thu phí, ông Viết cho rằng, cần phải nhìn đề xuất trên theo "chiều rộng", cùng một phí như thế người dân được sử dụng nhiều đường hơn.

"Việc thu phí đường cao tốc phải đảm bảo công bằng cho toàn hộ hệ thống cao tốc nói chung. Tức là dù tuyến đường đó được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước, doanh nghiệp đầu tư hay hình thức BOT đều phải thu phí để hoàn vốn.

Sau hoàn thành việc thu phí hoàn vốn cho dự án thì tuyến cao tốc đó được chuyển giao về cho Nhà nước quản lý. Khi đó vẫn sẽ tiếp tục thu phí, nguồn phí thu đó là để phục vụ cho việc bảo trì đường cao tốc. Đây là đường cấp cao nên bảo trì sẽ tốn kém hơn.

Còn nếu thu phí mà dư ra sẽ mang số dư đó tiếp tục đi đầu tư các tuyến đường cao tốc mới. Đó là lí do tại sao gọi là thu phí cao tốc cả đời. Bản chất của nó là phục vụ việc bảo trì đường và liên tục tái đầu tư.

Vấn đề cốt lõi ở đây là người dân sẽ có quyền lựa chọn đi vào đường cao tốc hay không đi. Mục đích của việc thu phí này cũng là phát triển nhiều đường cao tốc hơn cho xã hội" - ông Viết nói.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất 'thu phí cao tốc cả đời': Để phí chồng phí là trái luật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.