Thứ sáu, 26/04/2024 09:16 (GMT+7)

Tiêu chuẩn trong thiết kế, xây dựng các công trình giáo dục ở VN

MTĐT -  Thứ tư, 06/05/2020 16:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cần phân tích làm rõ, tìm ra hướng đi cho việc xây dựng các Tiêu chuẩn quốc gia trong thiết kế và xây dựng các công trình giáo dục tại VN hiện nay, đặc biệt là trường Tiểu học và trường Trung học.

Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia số 68/2006/QH11 đã được Quốc hội ban hành ngày 29/6/2006, đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án hoàn thiện hệ thống Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật xây dựng” tại Quyết định số 198/QĐ-TTg – Tuy nhiên, việc hoàn thiện hệ thống này không hề dễ, nhất là trong bối cảnh mà mọi thể chế, các hệ thống luật, sự vận động phát triển của xã hội… chưa thể hoàn thiện, mặt khác, những áp lực chi phối từ tiến bộ của khoa học kỹ thuật và hội nhập quốc tế cũng ngày càng lớn.

Đặc biệt, hệ thống Tiêu chuẩn quốc gia phục vụ cho thiết kế và xây dựng các công trình giáo dục tại Việt Nam hiện nay (một đối tượng luôn được xã hội quan tâm chẳng những ở cơ sở vật chất, mà còn là chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai), vốn là vấn đề chưa bao giờ hết “nóng” – Bởi có quá nhiều sự thay đổi với các can dự từ chính sách, cơ chế, quy trình và chương trình dạy và học… Và với những tồn tại, phức tạp hóa như vậy, rất cần phân tích làm rõ và tìm ra hướng đi cho việc xây dựng các Tiêu chuẩn quốc gia trong thiết kế và xây dựng các công trình giáo dục tại Việt Nam hiện nay, đặc biệt là trường Tiểu học và trường Trung học.

1. Nội dung cơ bản và những khiếm khuyết, hạn chế của Tiêu chuẩn quốc gia về yêu cầu thiết kế đối với Trường tiểu học và Trung học hiện nay

Hiện nay, các Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về yêu cầu thiết kế đối với trường Tiểu học (TH) và Trung học bao gồm cả Trung học cơ sở (THCS) và Trung học phổ thông (THPT) đang được dựa vào hai tiêu chuẩn sau: TCVN 8793:2011 cho TH và TCVN 8794:2011 cho cả THCS và THPT. Nhìn chung, cả hai tiêu chuẩn này, việc thực hiện áp dụng luôn được kèm theo các hướng dẫn khác như các Thông tư, Quyết định của các Bộ, Ngành, Cơ quan liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC)… Nội dung cơ bản gồm có 7 phần chính sau: Phạm vi áp dụng; tài liệu viện dẫn; quy định chung; yêu cầu về khu đất xây dựng và quy hoạch tổng mặt bằng; nội dung công trình và yêu cầu giải pháp thiết kế kiến trúc; yêu cầu thiết kế hệ thống kỹ thuật và yêu cầu về công tác hoàn thiện (Hình 1.1).

Hình 1.1 Các nội dung cơ bản của TCVN về trường Tiểu học và Trung học hiện nay

Trong 7 nội dung này, các chủ thể có liên quan cùng tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp, gồm các cơ quan quản lý, cấp phép và thẩm định (Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các cấp Tỉnh, Thành phố, Thị xã, Quận, Huyện…) và chủ đầu tư, các tổ chức và cá nhân hành nghề (từ thiết kế, thẩm tra, giám sát, quản lý dự án, thi công xây dựng…) cùng các tổ chức thụ hưởng luôn là nội dung vướng mắc, khó đồng thuận nhất, bởi những bất hợp lý, thiếu thực tiễn ở 2 nội dung chính là: Quy định chung bao gồm chỉ tiêu học sinh/1000 dân và quy mô, số lượng lớp học/trường; yêu cầu về khu đất xây dựng và quy hoạch tổng mặt bằng bao gồm vị trí xây dựng, chỉ tiêu diện tích đất xây dựng và chiều cao xây dựng tối đa (Hình 1.2).

Hình1.2: Quy định chung và Yêu cầu về khu đất xây dựng và Quy hoạch tổng mặt bằng trong TCVN.

Trước hết, với TCVN 8794: 2011, được yêu cầu thiết kế cho cả hai đối tượng THCS và THPT, điều này là hết sức bất hợp lý về nhiều mặt , do có sự khác biệt ở độ tuổi và tâm sinh lý, không phù hợp với nhân trắc học lẫn các dây chuyền, chức năng dạy và học, đặc biệt là tụt hậu nhiều phương diện so với sự phát triển của xã hội (Hình 1.3).

Hình1.3: TCVN 8794:2011 lồng ghép bất hợp lý cho cả THCS và THPT.

Về chỉ tiêu dân số/1000 dân, với TCVN 8793: 2011 là 65-80 học sinh/1000 dân, TCVN 8794: 2011 quy định với THCS là 55-70 học sinh/1000 dân và THPT 45-60 học sinh/1000 dân – Các quy định này, mặc dù có thể là tối thiểu và có ngưỡng dao động min- max nhưng chỉ có thể phù hợp ở những vùng nông thôn, khu vực đô thị chưa phát triển. Còn đối với các đô thị lớn, ở dạng nén, thì chỉ tiêu này không còn phù hợp. Do quá tải dân số, dẫn đến thiếu trường, thiếu lớp, số học sinh/lớp vượt quá quy định và nhất là không đảm bảo môi trường học đường.

Với yêu cầu về số lượng lớp học/trường, TCVN 8793: 2011 yêu cầu <= 30 lớp/trường, TCVN 8794: 2011 yêu cầu <= 45 lớp/trường; nhưng do quỹ đất tại các đô thị hạn hẹp, dân số vượt ngưỡng mật độ, nên chưa tính đến việc trong cùng một đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã, thị trấn, phường, xã… sẽ xuất hiện thêm các phân hiệu trường (từ 2 trường trở lên) cho một cấp học TH, THCS, THPT. Hơn thế, các yêu cầu trong nội dung TC cũng chưa có và thiếu về mô hình trường liên cấp, hoặc có bán trú, nội trú… (Hình 1.4).

Hình1.4: TCVN 8793 và 8794 thiếu vắng các quy định về thêm phân hiệu trường ở các cấp học và

mô hình liên cấp, bán trú

Các yêu cầu về vị trí xây dựng và bán kính phục vụ, TCVN 8793:2011 yêu cầu <=0,5km (đối với phường, xã), còn TCVN 8794: 2011 lại không có quy định cho THCS và THPT. Sự thiếu vắng này gây không ít khó khăn trong việc quy hoạch vị trí xây dựng đối với trường THCS và THPT. Đặc biệt về giao thông và khoảng cách đi lại giữa miền núi, nông thôn so với đô thị là hoàn toàn khác biệt. Hơn thế, hiện nay, có nhiều địa phương đã hình thành các phân hiệu trường từ TH, THCS, thậm chí đến cả THPT trong cùng một đơn vị hành chính, việc tính toán bán kính phục vụ sẽ không thể như quy định nếu các phân hiệu trường không cùng ở gần nhau. Bên cạnh đó, bán kính phục vụ chưa tính đến các hình thức di chuyển của học sinh bằng các loại hình phương tiện giao thông khác nhau, đặc biệt là ở đô thị (Hình 1.5).

Hình1.5: Bán kính phục vụ trong TCVN 8793 và 8794 chưa tính đến có nhiều phân hiệu trong cùng một cấp học và các hình thức di chuyển đa dạng của học sinh

Về chỉ tiêu diện tích đất xây dựng, cả hai tiêu chuẩn đều quy định chung là 6m2-10m2/học sinh – Cũng khá khác biệt giữa đô thị và nông thôn, chí ít thì ứng với điều kiện vùng miền hoặc các đô thị từ cấp đặc biệt đến cấp V. Bản thân chỉ tiêu này không dễ thực hiện đối với các đô thị lớn hiện nay, vì nếu với hình thức xây dựng phân tán đi đôi với chiều cao khống chế từ 3 ÷4 tầng, sẽ dẫn tới thiếu diện tích cho các sân chơi, bãi tập… phục vụ cho hoạt động thể chất của học sinh. Đồng thời với thực tế hiện nay, việc học bán trú đã diễn ra phần lớn ở các cấp học, nếu ở đô thị, theo quy định trong tiêu chuẩn cần phải tăng thêm 25% diện tích đất khi có học bán trú là rất khó khăn, nhất là ở đô thị lớn (Hình 1.6).

Hình1.6: Các chỉ tiêu diện tích đất xây dựng đang có nhiều bất hợp lý giữa các vùng miền, giữa đô thị và nông thôn.

Với các quy định về chiều cao tầng, trong TC yêu cầu với TH <= 3 tầng, THCS và THPT<=4 tầng. Thực tế, do quỹ đất hạn hẹp, số lượng học sinh ngày càng tăng nên nhiều trường đã xin điều chỉnh xây dựng với TH từ 4-5 tầng, với THCS và THPT từ 5-6 tầng thông qua điều chỉnh, sắp đặt các phòng ban, hạng mục – Dẫn tới việc làm xáo trộn, phá vỡ dây chuyền công năng hoạt động của môi trường sư phạm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong thoát nạn, thoát hiểm khi có sự cố, cháy nổ… (Hình 1.7).

Hình1.7: Lạm dụng điều chỉnh quy hoạch và dẫn tới phá vỡ cấu trúc môi trường sư phạm, tiềm ẩn nhiều tai nạn với học sinh hiện nay

Trong tiêu chuẩn, các quy định hoặc hướng dẫn các yêu cầu trong việc tổ chức phân khu chức năng theo các hình thức tập trung hoặc phân tán đối với các khu nhà thể chất, nhà ăn, các khu phụ trợ… cũng chưa rõ có thể riêng biệt, tách biệt, độc lập hay có thể kết hợp. Thực tế cho thấy, nhiều trường đã bố trí nhà ăn phía dưới, thể chất bên trên do quỹ đất hạn hẹp, do đó, các yêu cầu trong tiêu chuẩn thường kém linh hoạt trong tổ chức dây chuyền hoạt động đi đôi với khó tận dụng triệt để diện tích đất vốn eo hẹp tại các đô thị (Hình 1.8).

Hình1.8: Các quy định trong tiêu chuẩn chưa đề cập tới việc linh hoạt trong phân khu chức năng và tổ hợp tập trung hoặc phân tán.

2. Những hướng đi trong việc xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia – Yêu cầu về thiết kế và xây dựng cho trường Tiểu học, THCS và THPT

Trước hết, cần xây dựng TCVN nói chung và TCVN nói riêng cho các trường TH, THCS, THPT theo hướng tích hợp, phối hợp liên Bộ, Ngành, Địa phương, Hội nghề nghiệp, các nhà khoa học, các Doanh nghiệp… Ở đó, việc xây dựng TCVN cần bỏ qua các cơ chế hành chính hóa, chỉ giao cho một tổ chức có tính độc quyền mà phải là sự lựa chọn ngay từ ban đầu từ các chuyên gia, nhà khoa học có năng lực thực sự ở các lĩnh vực khác nhau ứng với mỗi đối tượng TC. Danh sách này, cần được quyết định ngay từ khi giao nhiệm vụ xây dựng TC. Bởi lẽ, một tác phẩm, công trình kiến trúc có thể do một KTS sáng tạo nên, nhưng TC phải là sản phẩm của tập thể nghiên cứu, không có vai trò cá nhân, tổ chức chủ trì xây dựng TC chỉ là đại diện hợp pháp (Hình 2.1).

Hình 2.1: Xu hướng xây dựng TCVN theo hướng phối hợp Bộ, Ngành, Doanh nghiệp, Hội nghề nghiệp, các nhà khoa học…

Về nguyên tắc, QCVN ngoài việc mang tính bắt buộc áp dụng, thường sẽ là định hướng để xây dựng TCVN tương thích. Do đó cần xây dựng TCVN có sự liên thông, kết nối với QCVN theo kiểu hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với các quy định chung của luật và các văn bản quy phạm dưới luật. Tuy vậy, bản thân QCVN nhiều khi chưa được, chưa đạt tới ngưỡng của giá trị pháp lý bởi nhiều nguyên nhân, trong đó đặc biệt nguyên nhân từ chưa theo kịp quá trình vận động phát triển của xã hội và văn minh khoa học kỹ thuật. Do đó, việc xây dựng các TCVN cần phải định hình rõ, xác định rõ các mức yêu cầu tối thiểu để đạt được như yêu cầu về kỹ thuật, yêu cầu thiết kế hoặc chỉ là hướng dẫn thiết kế. Thực tiễn cho thấy, TCVN cũng giống như thiết kế, luôn là một quá trình tiến hóa và đôi khi cũng là một rào cản của phát triển bởi yếu tố “tối thiểu”. Vì thế, khi lạc hậu, chúng tự bị xã hội đào thải, sử dụng cái mới hơn, văn minh hơn. Điều này đã được minh chứng qua rất nhiều công trình giáo dục được đầu tư xây dựng không phải vốn ngân sách nhà nước như các trường quốc tế, tư thục, dân lập… Mang lại sức sống mới và có sự khác biệt lớn đối với các trường công lập (Hình 2.2).

Hình 2.2: Nội dung TCVN cần quy định rõ các hình thức và mức độ yêu cầu cần đạt được theo các nội dung về kỹ thuật, yêu cầu hoặc hướng dẫn áp dụng

Việc xây dựng các TCVN cho các cấp học từ TH, THCS đến THPT hiện nay, ngoài việc cần đi theo các xu hướng chung như kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng… cũng đang bị chi phối bởi nhiều đổi mới, cải cách của ngành giáo dục, đặc biệt là các quy trình, chương trình, công nghệ giáo dục tiên tiến thông qua phương pháp giáo dục bền vững với việc lấy trung tâm là học sinh có tính xâu chuỗi liên tục, đi từ nhận thức, trải nghiệm, chia sẻ, đến định hướng và sáng tạo. Do đó, rất cần sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, Ngành… đặc biệt là Bộ Xây dựng và Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng TCVN. Khi đó, ngoài nội dung mang tính định tính, định lượng của TC, rất cần phải bổ sung trong TC các sơ đồ hóa để minh họa cho từng đối tượng về dây chuyền hoạt động, dây chuyền chức năng, công năng, dây chuyền công nghệ trong dạy và học (Hình 2.3).

Hình 2.3: Các yếu tố chính, chi phối đến xây dựng TCVN cho các trường TH, THCS, THPT hiện nay

Việc xây dựng và thiết lập các thiết kế điển hình (TKĐH) cho thể loại công trình giáo dục này, trên cơ sở của các TCVN được xây dựng mới, nên tiếp tục thực hiện nhưng cần đòi hỏi sự linh hoạt, mô phỏng, sơ đồ hóa ở các dây chuyền công năng và công nghệ giáo dục chứ không nên đòi hỏi, áp đặt để áp dụng vào bất kỳ địa phương nào. Vì thực tế, thật khó để áp dụng khi từ quy mô, địa điểm xây dựng… là hoàn toàn khác nhau. TKĐH chỉ nên là mẫu để đưa vào triển khai áp dụng đại trà, khi và chỉ khi chúng là cấu kiện xây dựng như panel, cột điện ly tâm, ống cống ly tâm, dàn kèo thép hình… Ngay cả với lĩnh vực nhà ở xã hội, đối tượng chiếm lớn nhất trong thị trường xây dựng, chúng ta cũng chưa làm được điều đó vì thiếu lĩnh vực xây dựng thực nghiệm (Hình 2.4).

Các TCVN 8793: 2011 và TCVN 8794: 2011 còn được may mắn soát xét định kỳ, tuy chưa thực sự có chất lượng. Trong khi thật trớ trêu, TCVN 3981: 1985 – Trường Đại học – Tiêu chuẩn thiết kế, 40 năm nay vẫn chưa được xây dựng mới lại, thậm chí là chỉ soát xét bổ sung, trong khi đối tượng này đã có quá nhiều biến đổi từ các trường Đại học, Cao đẳng… Do đó, việc soát xét, bổ sung, hiệu chỉnh định kỳ cho TC, cần lưu ý tránh chỉ thuần túy thay đổi một vài thuật ngữ hoặc cập nhật một số nội dung có tính hành chính pháp luật như đã từng làm trước đây. Cần phải toàn diện hơn, lấy sự vận động phát triển và văn minh của khoa học làm cơ sở. Bên cạnh đó, cấu trúc nội dung của các TC cần lược bỏ nhiều nội dung không cần thiết như đã thực hiện, trong khi nội dung về quy hoạch và kiến trúc là quan trọng nhất thì vừa thiếu, vừa chồng chéo và mâu thuẫn. Đặc biệt, các tài liệu viện dẫn, không chỉ thuần túy là các văn bản quy phạm pháp luật, chúng cần được tiếp thu và viện dẫn từ các thành tựu trên mọi phương diện ở cả trong và ngoài nước.

Hình 2.4: Sự khác biệt trong sử dụng Thiết kế điển hình giữa công trình kiến trúc với cấu kiện xây dựng.

Hiện nay, đã có thông tư số 22/2019/TT-BXD ngày 31/12/2019 của Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng. Trong nội dung của QCVN01:2019/BXD, xác định bắt buộc diện tích đất xây dựng tối thiểu cho trường TH, THCS và THPT ở mọi vùng miền là 10m2/học sinh. Như vậy, việc xây dựng các TCVN cho các đối tượng này sẽ gặp không ít khó khăn do các yếu tố khác nhau giữa các vùng miền, miền núi, trung du, đồng bằng, đô thị, nông thôn… Vì vậy, trong khi Tiêu chuẩn Ngành đã bãi bỏ theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, không dễ và khó có thể khôi phục lại – Rất cần thiết xây dựng các Quy chuẩn địa phương (QCĐP) hoặc Tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) cho đối tượng các công trình giáo dục hiện nay (Hình 2.5).

Hình 2.5: Cần xây dựng QCĐP cho các vùng miền và TCCS cho ngành và địa phương nhiều hơn với các loại hình công trình giáo dục từ TH, THCS đến THPT trên cả nước.

3. Thay lời kết

Không giống như các quy định bắt buộc trong QCVN, TCVN là loại hình văn bản quy phạm dưới luật, chủ yếu mang tính tự nguyện áp dụng nhưng có không ít nội dung lại mang tính bắt buộc, do không thể chi tiết hóa được ở trong QCVN. Vì vậy, việc xây dựng đòi hỏi phải có tính khoa học, nghiêm túc, đi đôi với vừa đáp ứng nhu cầu, điều kiện thực tiễn của Việt Nam, vừa tiếp thu văn minh của thế giới – Để có thể hướng tới trở thành công cụ đắc lực trong công tác quản lý nhà nước, đồng thời là công cụ hữu hiệu, đồng hành cùng các KTS và các chủ thể, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, có cơ hội phát huy năng lực sáng tác thiết kế, góp phần tích cực vào sự nghiệp trồng người, sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển của đất nước.

Tài liệu tham khảo:
1. Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số 68/2006/QH11
2. Nguyễn Tất Thắng – “Hệ thống Quy chuẩn, Tiêu chuẩn thiết kế và xây dựng Trường học phổ thông đáp ứng đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế”- Báo cáo khoa học tại Hội thảo khoa học “Cơ sở nghiên cứu giải pháp thiết kế quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc Trường học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông”, do Trường ĐHXD tổ chức ngày 26/9/2019.
3. Quyết định số 198/QĐ -TTg ngày 9/2/2018 của Chính phủ, phê duyệt “Đề án hoàn thiện hệ thống Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật xây dựng”
4. QCVN 01:2019/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng
5. TCVN 8793:2011 – Trường Tiểu học – Yêu cầu thiết kế
6. TCVN 8794:2011 – Trường Trung học – Yêu cầu thiết kế

Theo TS.KTS Nguyễn Tất Thắng
Nghiên cứu viên Cao cấp – Viện KT Quốc gia – Bộ XD
/Tạp chí Kiến trúc Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Tiêu chuẩn trong thiết kế, xây dựng các công trình giáo dục ở VN. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.