Thứ sáu, 26/04/2024 10:41 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 22/5/2020

MTĐT -  Thứ sáu, 22/05/2020 11:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 22/5/2020. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 22/5/2020 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Dừng phân cấp Sở GTVT, Chi cục tổ chức đấu thầu bảo trì đường thủy

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 10/2020, có hiệu lực từ 1/7/2020, quy định việc đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Điểm mới đáng chú ý là Thông tư quy định chỉ đặt hàng đối với công tác khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông bước 1, còn dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy thực hiện theo phương thức đấu thầu.

Việc tổ chức đấu thầu được thực hiện khi có đủ điều kiện: kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu được phê duyệt; thông tin đấu thầu đã được đăng tải theo quy định của pháp luật đấu thầu; nội dung, danh mục dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì được phê duyệt, giá gói thầu.

Như vậy, so với quy định hiện hành, sắp tới không còn hình thức đặt hàng (tối đa 3 tháng) đối với hàng loạt sản phẩm, dịch vụ công như; khảo sát,theo dõi thông báo tình trạng thực tế luồng chạy tàu, thuyền; tổ chức giao thông; theo dõi thủy chí, đếm phương tiện thủy; quản lý, lắp đặt, điều chỉnh báo hiệu…

Ngoài ra, Cục Đường thủy nội địa VN sẽ là cơ quan đầu mối duy nhất tổ chức đấu thầu, thực hiện trách nhiệm của chủ đầu tư và bên mời thầu; Thực hiện trách nhiệm của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu.

Trong khi đó, những năm qua việc tổ chức đấu thầu do một số đầu mối thực hiện: Cục Đường thủy nội địa VN, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực, các đơn vị thuộc Cục, Sở GTVT (được phân cấp hoặc ủy quyền quản lý, bảo trì đường thủy quốc gia).

Hơn 467 tỉ đồng cải tạo cống thoát nước trung tâm TP.HCM

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (UBND TP.HCM) vừa có Tờ trình gửi UBND TP.HCM về quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cải tạo phục hồi đường cống thoát nước cũ, xuống cấp bằng công nghệ không đào hở tại TP.HCM.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, mục đích của dự án nhằm cải tạo phục hồi đường cống thoát nước cũ, bị xuống cấp ở khu vực trung tâm TP.HCM để giảm sự cố liên quan đến hệ thống thoát nước, giảm rủi ro về việc sụp lún mặt đường ảnh hưởng an toàn giao thông và giảm thiểu kẹt xe, qua đó hạn chế tình trạng ô nhiễm trong lĩnh vực môi trường.

Các nội dung chủ yếu của dự án gồm: Khảo sát các tuyến cống thoát nước cũ, cần phục hồi và xác định tuyến cống được chọn; cải tạo các tuyến cống được chọn bằng phương pháp không đào hở (SPR); mua sắm vật liệu để cải tạo và thiết bị lắp đặt; hỗ trợ kỹ thuật trong công tác quản lý, vận hành bảo trì…

Theo nội dung tờ trình, các tuyến cống được cải tạo nằm ở khu vực quận 1, quận 3 với tổng chiều dài 2,7 km. Tổng giá trị đầu tư hơn 467.550.000.000 đồng, tương đương 20.936.370 USD. Trong đó, nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại 397.550.000.000 đồng, vốn đối ứng 70.000.000.000 đồng.

Đề xuất giảm phí bảo trì đường bộ cho 800.000 phương tiện

Bộ Giao thông – Vận tải vừa đề xuất Bộ Tài chính miễn, giảm phí bảo trì đường bộ cho các phương tiện vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đối tượng đề xuất giảm là những đơn vị có phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được Sở Giao thông – Vận tải địa phương cấp phù hiệu, biển hiệu theo quy định.

Theo thống kê, hiện tổng số lượng phương tiện đã được cấp phù hiệu, biển hiệu là hơn 800.000 phương tiện. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động qua từng giai đoạn nên Bộ Giao thông – Vận tải đề xuất giảm mức phí bảo trì đường bộ các tháng 3, 4, 5 và 6 của năm 2020.

Theo Bộ Giao thông – Vận tải, do dịch Covid-19, vận tải hành khách đường bộ thiệt hại nhiều nhất. Doanh thu của các doanh nghiệp vận tải hành khách giảm 75% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, số lượng phương tiện hoạt động vận chuyển hàng hóa cũng giảm từ 30-40% so với trước khi xảy ra dịch. Tuy nhiên, sản lượng vận tải hàng hóa giảm không đáng kể, chỉ giảm 4% so với cùng kỳ tháng 3-2019.

Về mức miễn, giảm, Bộ Giao thông – Vận tải cho rằng, do vận tải hàng hóa không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19 nên đề xuất giảm 10% phí bảo trì đường bộ trong tháng 3-2020. Đến tháng 4-2020, vận chuyển hàng hóa bị ảnh hưởng lớn nên đề xuất giảm 25%. Tháng 5-2020, vận chuyển hàng hóa bị ảnh hưởng không đáng kể nên đề xuất giảm 5% phí bảo trì đường bộ.

Tháng 3-2020, vận tải hành khách vẫn diễn ra bình thường, nhưng do tâm lý sợ lây nhiễm Covid-19 nên nhu cầu đi lại của người dân bị hạn chế. Vì vậy, Bộ Giao thông – Vận tải đề xuất giảm 30% phí bảo trì đường bộ. Trong tháng 4-2020, toàn bộ hoạt động vận tải hành khách phải dừng hoạt động nên Bộ đề xuất giảm 100% phí bảo trì đường bộ.

Đến tháng 5-2020, vận tải hành khách đã được phép hoạt động bình thường, tuy nhiên tâm lý của người dân vẫn còn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nên nhu cầu đi lại chưa tăng cao. Bộ Giao thông – Vận tải đề xuất mức giảm cho tháng này là 50% phí bảo trì đường bộ.

Thuê tư vấn nước ngoài thẩm tra, giám sát thi công cầu Mỹ Thuận 2

Ngày 21/5, ông Đinh Công Minh - phó tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 7 thuộc Bộ Giao thông vận tải - chủ đầu tư dự án,cho biết dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 do Việt Nam thiết kế và thi công. 

Tuy nhiên, nhằm đảm bảo an toàn và chất lượng, Ban quản lý dự án đã tổ chức đấu thầu quốc tế đã chọn đơn vị tư vấn Áo thẩm tra, tính toán thiết kế kết cấu cầu.

Sở dĩ thuê tư vấn nước ngoài thẩm định cầu vì đây là lần đầu tiên đơn vị tư vấn trong nước thiết kế. Cầu có nhịp chính dài đến 350m, tĩnh không cao 37,5m cho tàu có tải trọng đến 10.000 tấn lưu thông từ Việt Nam đến Phnôm Penh (Campuchia).

Cũng theo Ban Quản lý dự án 7, sắp tới sẽ tổ chức đấu thầu tư vấn giám sát thi công trong nước. Trong đó, yêu cầu tư vấn trong nước phải mời chuyên gia nước ngoài tham gia giám sát thi công nhằm bảo đảm an toàn kỹ thuật công trình. Đặc biệt là hạng mục thi công trụ tháp cầu cao 120m và lực căng kéo cáp dây văng chiếc cầu này.

Theo kế hoạch vào tháng 8-2020 sẽ khởi công hạng mục chính là xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 dài 1.906m, rộng 25m cho 6 làn xe (giai đoạn 1). Thời gian thi công 43 tháng. Đây là cầu nối tuyến cao tốc từ TP.HCM qua Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long đến Cần Thơ.

Tính đến giữa tháng 5-2020, các tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang đã đền bù giải tỏa bàn giao 90% mặt bằng dự án cầu Mỹ Thuận 2.

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 nằm cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu 350m về phía thượng lưu sông Tiền. Tổng mức đầu tư 5.003 tỉ đồng, gồm chi phí xây dựng và thiết bị là 3.389,6 tỉ đồng, phần còn lại là chi phí đền bù giải tỏa...

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 22/5/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.