Thứ bảy, 27/04/2024 09:31 (GMT+7)

Hàng loạt vi phạm TTXD trong Quần thể danh thắng Tràng An

MTĐT -  Thứ hai, 19/10/2020 10:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2020 đã có tới 16 vụ vi phạm xây dựng trong vùng đệm và vùng lõi Tràng An và đều xảy ra trên địa bàn huyện Hoa Lư.

Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản hỗn hợp đầu tiên ở Việt Nam được UNESCO công nhận, thế nhưng từ nhiều năm nay Di sản này vẫn liên tục bị xâm hại bất chấp sự vào cuộc quyết liệt từ Trung ương đến địa phương. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2020 đã có tới 16 vụ vi phạm xây dựng trong vùng đệm và vùng lõi Tràng An và đều xảy ra trên địa bàn huyện Hoa Lư.

Theo số liệu của PV Báo Tài nguyên và Môi trường có được thì trong 9 tháng đầu năm 2020, trong khu vực Quần thể danh thắng Tràng An có 16 vụ vi phạm trật tự xây dựng, trong đó chủ yếu xảy ra trên địa bàn xã Ninh Xuân và Ninh Hải (huyện Hoa Lư), riêng xã Ninh Xuân có 3 vụ, còn xã Ninh Hải 13 vụ. Có 4 vụ xảy ra trong vùng đệm, 12 vụ xảy ra trong vùng lõi Tràng An.

Điều đáng nói là các vi phạm này vẫn ngang nhiên diễn ra trong khi trước đó đã có nhiều vụ xâm hại Di sản, xây dựng trái phép đã bị UBND tỉnh Ninh Bình và các sở, ngành có liên quan xử lý.

Cũng theo số liệu trên thì có rất nhiều vụ vi phạm cả trong vùng đệm và vùng lõi là xây dựng theo mô hình homestay để kinh doanh lưu trú núp bóng xây dựng, cải tạo nhà ở, còn lại chỉ rất ít hộ gia đình xây dựng đúng với mục đích là ở.

Chủ yếu các công trình vi phạm xây dựng trong vùng lõi, vùng đệm Di sản Tràng An đều được biến tướng trở thành các homestay phục vụ lưu trú

Cụ thể như: Hộ gia đình ông bà Nguyễn Bích Ngọc thôn Đam Khê Trong, xã Ninh Hải vi phạm ngày 18/02/2020: Thi công hoàn thiện các công trình trên đất thổ cư và các công trình trên đất cao vườn: 5 móng bê tông cốt thép, chưa xây tường, kích thước 4x5,5m/căn; 3 căn móng bê tông cốt thép, đang xây tường gạch đỏ cao 1m, kích thước 4x5,5m/căn; 2 căn móng bê tông cốt thép, xây tường gạch đỏ, cột bê tông cốt thép cao 2,5m; 1 bể bơi kích thước 7,3x12m thuộc vùng lõi Di sản. Đến ngày 24/02 thì đoàn kiểm tra tiếp tục phát hiện các vi phạm này không dừng mà vẫn tiếp tục xây dựng.

Hay như hộ gia đình ông Nguyễn Văn Loa, thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, tại thời điểm kiểm tra ngày 7/2/2020 đang thi công xây dựng 1 bể bơi kích thước 6x16m trên đất ao thuộc vùng đệm.

Hộ bà Nguyễn Thị Hường, thôn Hải Nham, xã Ninh Hải, tại thời điểm ngày 14/05/2020 thi công xây dựng thêm 2 căn nhà bằng hệ thống khung cột thép, xây tường bằng đá hộc 6x10m/căn nằm trên 1 phần đất thổ cư và 1 phần đất vườn và tiếp tục xây dựng công trình trên đất vườn ao thuộc vùng lõi di sản.

Phải chăng chính quyền địa phương đang "phớt lờ" chỉ đạo của tỉnh, còn các vụ vi phạm thì vẫn không hề bị xử lý, tháo dỡ?

Tại xã Ninh Xuân kiểm tra ngày 10/2/2020 phát hiện hộ ông Lưu Đức Nam thi công đổ 16 đế bằng bê tông cốt thép kích thước 6,2x17m, ngoài ra còn đổ 15 cột bê tông cốt thép khác, cao 2m trên đất ao vườn thuộc vùng lõi Di sản. Hộ ông Lê Thành Bảo, thôn Xuân Áng Nội kiểm tra ngày 11/6/2020 phát hiện đã thi công xây dựng 4 móng nhà kích thước 6,5x4m trên nền móng cũ đất núi và đất vườn thuộc vùng lõi Di sản.

Tính đến thời điểm hiện tại nhiều vi phạm trên không hề có dấu hiệu cho thấy chính quyền địa phương dừng thi công, xử lý, xử phạt hoặc yêu cầu tháo dỡ. Những vi phạm trên giờ đây đã trở thành những homestay và thoải mái chào mời du khách trong và ngoài nước.

Như vi phạm của hộ gia đình ông bà Nguyễn Bích Ngọc khi phát hiện mới chỉ có móng, cột bê tông thì hiện đã thành home stay với 10 căn, giá thuê 800.000 đồng – 1.200.000 đồng/căn/ngày đêm và có cả bể bơi trong vùng lõi.

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Văn Hoạt, Chủ tịch UBND xã Ninh Hải cho rằng: Năm 2019 là giải quyết tương đối quyết liệt, năm 2020 đến nay không có vi phạm. Khi PV cung cấp toàn bộ danh sách các hộ vi phạm trên địa bàn xã thì vị Chủ tịch lại lý giải rằng: Chỉ là xây dựng bể bơi trên đất vườn, đất ao.

Di sản Tràng An 

Khi được hỏi về trách nhiệm quản lý của xã về vấn đề này thì theo ông Hoạt: Xã có kiểm tra, xử phạt hành chính, yêu cầu tháo dỡ với những trường hợp vi phạm, thế nhưng khi PV đề nghị tiếp cận thông tin chính xác, cụ thể cũng như các biên bản kiểm tra, xử phạt thì ông Hoạt từ chối với lý do cán bộ chuyên môn đi vắng, sẽ cung cấp sau.

Được biết, ngày 22/6/2018 UBND tỉnh Ninh Bình có Văn bản số 406/UBND – VP5 về tăng cường quản lý hoạt động xây dựng và dịch vụ du lịch trong Quần thể danh thắng Tràng An. Trong đó, yêu cầu UBND các huyện, thành phố phải kiên quyết xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm pháp luật. Thời điểm này huyện Hoa Lư có 19 vụ vi phạm tại cả vùng lõi và vùng đệm (12 trường hợp tại xã Ninh Hải, 7 trường hợp tại xã Ninh Thắng).

Đến tháng 4/2019, UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục có văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý về trật tự xây dựng và sử dụng đất đai trong Quần thể danh thắng Tràng An. Trong đó, yêu cầu UBND các huyện, thành phố kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép xây dựng, các hoạt động xây dựng và sử dụng đất đai đối với tổ chức, cá nhân trong khu Di sản. Không cấp mới Giấy đăng ký kinh doanh lưu trú của các hộ kinh doanh cá thể kinh doanh trong vùng lõi Di sản. Trường hợp đối với các vụ việc sai phạm không xử lý dứt điểm theo quy định thì Chủ tịch UBND cấp huyện, xã chịu trách nhiệm trực tiếp với UBND tỉnh.

Sai phạm đã rõ, có dấu hiệu phức tạp, trong khi UBND tỉnh đã có chỉ đạo xử lý dứt điểm nhưng dường như chính quyền nơi đây có dấu hiệu “thờ ơ” trước sự chỉ đạo của tỉnh?

Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Theo Anh Tú/Báo TNMT

Bạn đang đọc bài viết Hàng loạt vi phạm TTXD trong Quần thể danh thắng Tràng An. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Ngang nhiên xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp
Công trình nhà xưởng ngang nhiên xây dựng trên đất nông nghiệp của một hộ dân tại làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đak Pơ. Trước sự việc này, chính quyền địa phương đã đề nghị tháo dỡ nhưng hộ dân vẫn cố tình không chấp hành.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới