Thứ hai, 29/04/2024 07:33 (GMT+7)

Doanh nghiệp quảng cáo, cơ quan báo chí 'gặp khó” vì Nghị định 38

PV (T/h) -  Thứ sáu, 28/05/2021 10:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mới đây, Hiệp hội Quảng cáo vừa có văn bản gửi Bộ Thông tin Truyền thông cho rằng, việc áp dụng Nghị định 38/NĐ-CP sẽ khiến các doanh nghiệp trong nước “gặp khó”.

Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đã có quá trình 20 năm thành lập và phát triển với gần 450 hội viên là các doanh nghiệp truyền thông và quảng cáo, các cơ quan thông tấn, báo chí tham gia thực hiện dịch vụ quảng cáo. Với sứ mệnh là cầu nối tin cậy giữa cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực quảng cáo với các doanh nghiệp quảng cáo, tham gia xây dựng các văn bản pháp luật, hướng dẫn chính sách về quảng cáo, giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp, nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên.

Nhưng với Nghị định 38/NĐ-CP của Chính phủ về việc Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6 tới đây đã khiến các doanh nghiệp quảng cáo, cơ quan báo chí “gặp khó”, bởi họ cho rằng trong Nghị định có rất nhiều nội dung thiếu thực tế, tồn tại một số bất cập và sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước khi cạnh tranh với các nền tảng xuyên biên giới.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam

Cụ thể, đại diện gần 450 hội viên là các doanh nghiệp truyền thông - quảng cáo, các cơ quan thông tấn, báo chí tham gia thực hiện dịch vụ quảng cáo, ông Nguyễn Trường Sơn Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam - vừa gửi công văn đến Bộ Thông tin - Truyền thông phản ánh bất cập của nghị định 38 về "Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo" sẽ đi vào thực thi từ ngày 1/6.

Bất cập đầu tiên là tại điểm b, khoản 2, điều 38 của nghị định 38, quy định phạt tiền từ 10-15 triệu đồng, nếu thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử "không ở vùng cố định quá 1,5 giây". Có nghĩa thời lượng quảng cáo tối đa 1,5 giây, sau đó người dùng có thể bấm nút bỏ qua.

Theo ông Sơn, quy định trên "thiếu thực tế, quá ngắn để có thể truyền tải thông điệp" bởi quảng cáo trực tuyến ngày càng phổ biến.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, quảng cáo trực tuyến đang ngày càng phổ biến. Dẫn đầu về thị phần, doanh số quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam hiện nay là các nền tảng xuyên biên giới Facebook và Google, chiếm hơn 80% tổng doanh thu.

Như vậy, nếu quảng cáo trên báo chí của các doanh nghiệp trong nước đang bị siết chặt bởi quy định nghiêm ngặt của Nghị định này, thì các doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới lại được tạo lợi thế một cách tự nhiên bởi tiêu chuẩn, nguyên tắc hoạt động của họ và việc các cơ quan quản lý nhà nước chưa xử lý được sai phạm của các nền tảng này khi họ không có trụ sở tại Việt Nam.

"Điều này đã tạo nên sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp quảng cáo trong nước/các cơ quan báo chí với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới, bảo hộ cho hoạt động quảng cáo của các nền tảng này trong khi hiện họ có rất nhiều vấn đề sai phạm về nội dung và chất lượng quảng cáo chưa được khắc phục triệt để", ông Sơn phân tích.

Các quảng cáo về "thần y" phát trên YouTube gây ám ảnh người xem - (Ảnh: chụp màn hình).

Dù hướng đến mục tiêu bảo vệ quyền lợi độc giả, song quy định trên lại thiếu công bằng trong việc đảm bảo quyền của cá nhân/tổ chức mua dịch vụ quảng cáo, cũng như doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo. Các công cụ tiếp cận khách hàng thông qua sản phẩm truyền thông chính thống bị thu hẹp, gây nhiều trở ngại, khó khăn cho ngành quảng cáo.

Về quy định "Thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin bài", Hiệp hội Quảng cáo cũng cho rằng, theo thông lệ quốc tế, với báo chí miễn phí tương tự như ở Việt Nam, quảng cáo được phép xen kẽ với nội dung tin/bài và tùy biến dựa theo đối tượng đọc báo. Người đọc có quyền nhấp chuột xem hay bỏ qua nội dung quảng cáo.

Tuy nhiên, nghị định 38 lại quy định xử phạt từ 10-15 triệu đồng nếu "thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin bài" (điểm c, khoản 2, điều 38).

Vì thế, việc quy định hành vi này là một trong các vi phạm hành chính bị xử lý là chưa hợp lý. Theo Hiệp hội, quy định này hướng đến mục tiêu bảo vệ quyền lợi của độc giả, tuy nhiên lại thiếu công bằng trong việc đảm bảo quyền của cá nhân/tổ chức mua dịch vụ quảng cáo cũng như doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo.

Trong khi báo chí vốn là kênh uy tín để doanh nghiệp tiếp cận khách hàng. Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng kênh báo chí nhiều hơn để tiếp cận công chúng.

Ông Sơn cho rằng Luật quảng cáo đã ban hành cách đây 10 năm, tồn tại nhiều bất cập, không phù hợp với sự phát triển của công nghệ và truyền thông hiện đại. Nghị định 38 càng khiến những bất cập này trở thành rào cản đối với sự phát triển của ngành quảng cáo, khiến việc quảng bá sản phẩm, dịch vụ khó khăn hơn, ảnh hưởng chung đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Vì vậy, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đã gửi công văn đề nghị Bộ TT-TT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc rà soát, đánh giá lại tính khả thi của các quy định tại nghị định 38, sớm phê chuẩn kế hoạch sửa đổi Luật quảng cáo phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp quảng cáo, cơ quan báo chí 'gặp khó” vì Nghị định 38. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.