Thứ tư, 16/10/2024 10:34 (GMT+7)

Độc đáo phong tục 'giỗ sống’ của người Nguồn Minh Hóa

Quốc Huy – Hoàng Anh -  Thứ bảy, 16/03/2024 08:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tục bưng cơm tết hay thường gọi là tục 'giỗ sống’ là một nét đẹp riêng có của người Nguồn Minh Hóa, không biết tự bao giờ, truyền thống này đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người, và được truyền từ đời này sang đời khác.

Minh Hóa là huyện miền núi ở phía Tây Bắc tỉnh Quảng Bình. Là nơi cư trú của đồng bào các dân tộc thiểu số Chứt, Khùa, Sách, Rục,  Bru Vân Kiều. Nơi đây không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp mà còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán độc đáo của đồng bào vùng cao với nhiều nghi thức sinh hoạt văn hoá ý nghĩa. Tục bưng cỗ tết hay còn có cách gọi khác là Mâm cơm báo hiếu là 1 nét đẹp văn hoá độc đáo đầy tính nhân văn của người dân nơi đây.

tm-img-alt

Cứ đến tháng chạp hằng năm, con cái lập gia đình, ra ở riêng, sẽ làm mâm cơm dâng lên báo hiếu công đức của cha mẹ.

Tục bưng cơm tết là một nét đẹp riêng có của người Nguồn Minh Hóa, không biết tự bao giờ, truyền thống này đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người, và được truyền từ đời này sang đời khác. Truyền thống này được lưu trong tập sách nghiên cứu văn hóa người nguồn của nhà nghiên cứu văn hoá  Đinh Thanh Dự và trong tập sách văn hóa của Hội di sản văn hóa Việt Nam huyện Minh Hóa. 

Người Nguồn có quan niệm thật sâu sắc, những bậc sinh thành ra mình quanh năm vất vả, nuôi con trưởng thành, nên khi con cái lập gia đình, ra ở riêng, sẽ làm mâm cơm báo hiếu công đức của cha mẹ, bởi cha mẹ mỗi năm mỗi tuổi, ngày càng già yếu. Khi cha mẹ còn sống thì phải chăm sóc ăn uống tươm tất, chứ khi về với tổ tiên rồi thì có muốn báo hiếu cũng chẳng được. Chính vì vậy, mâm cơm báo hiếu của người Nguồn Minh Hóa thường được nhắc đến như là tục ‘giỗ sống’ của người dân vùng cao nơi đây vậy.

tm-img-alt

Mâm cơm báo hiếu dành cho cha mẹ, của con cháu của người Nguồn Minh Hóa không thể thiếu những món ăn truyền thống đó là cơm xôi, thịt gà, cá khe, canh chuối rừng, rau dớn, bánh chưng, bánh ít…

Mâm cơm báo hiếu được sửa soạn dâng cho cha mẹ trước Tết Nguyên đán, nhiều hay ít không không quan trọng, cốt là ở tấm lòng thành kính của con cái  đối với cha mẹ.

Theo các cụ cao niên kể rằng, tục bưng cơm cha mẹ xuất phát từ câu chuyện về lòng hiếu thảo của một cặp vợ chồng người Nguồn. Từ xa xưa, người dân Minh Hoá sống chủ yếu nhờ vào nương rẫy. Ngoài công việc phát rẫy làm nương sản xuất lương thực, họ còn tranh thủ săn bắt thú rừng để cải thiện bữa ăn. Có một người thanh niên lên rừng đặt bẫy đơm thú được con lợn rừng to. Anh đem về thịt và chọn những miếng thịt ngon nhất dâng mẹ già ăn với cơm thổi từ lúa rẫy mới.

Năm sau vào gần dịp Tết Nguyên đán, nhớ lại bữa cơm đầm ấm năm nào, mẹ già đang bệnh nặng buột miệng thở dài: “Giá mà được ăn một bữa ngon như dạo năm trước thì có nhắm mắt cũng thỏa lòng!”. Vợ anh nghe được đem chuyện kể lại cho chồng. Hai vợ chồng anh thương mẹ, bèn lấy thóc giống còn lại đem giã gạo thổi cơm. Anh chồng đi câu cá ngoài suối xa, còn con gà rừng cuối cùng đang đẻ cũng thịt luôn nấu cho mẹ ăn. Lạ thay, mẹ anh dần dần khỏi bệnh và mạnh khỏe trở lại.

tm-img-alt

Tục bưng cơm tết độc đáo của người Nguồn ở huyện Minh Hóa, Quảng Bình mỗi dịp tết đến xuân về.

Năm sau đó, cây lúa trên rẫy lại tốt tươi, mẹ anh lại vui vẻ bên đàn cháu! Dân làng nói, nhờ có người con hiếu thảo như anh nên được trời đất cảm động phù hộ cho dân bản được mùa. Và các gia đình trong vùng cứ thế học tập anh, đến gần Tết Nguyên đán lại làm cơm, nấu những món ăn ngon dâng cha mẹ. Dần dần, nó trở thành phong tục của người Nguồn Minh Hóa.

Cứ bắt đầu tháng Chạp âm lịch, nhà nào nhà nấy lại cần mẫn soạn sửa làm một mâm cơm dâng lên cha mẹ. Việc làm đạo hiếu này đã ăn sâu vào tiềm thức người dân Minh Hoá bao đời nay.

Mâm cơm báo hiếu dành cho cha mẹ, của con cháu của người Nguồn Minh Hóa không thể thiếu những món ăn truyền thống đó là: cơm xôi, thịt gà, cá khe, canh chuối rừng, rau dớn, bánh chưng, bánh ít… và nhiều món ăn dân dã khác.

Theo nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Đinh Tiến Hùng: “tục bưng cơm là một nét đẹp văn hoá có tính nhân văn sâu sắc của tộc người nguồn huyện minh hoá, theo quan niệm của người nguồn, con cái dù giàu hay nghèo, làm ăn gần hay xa , cứ nhớ đến ngày gần tết phải về làm một bữa ăn dâng lên cho cha mẹ, tỏ lòng hiếu kính của người con đối với các bậc sinh thành ra mình”.

Gọi là mâm cơm cho cha mẹ, nhưng thường cả gia đình cùng quây quần bên nhau. Mâm cơm không nhất thiết phải cầu kỳ, nhưng thường là những món mà cha mẹ yêu thích hằng ngày. Bất kể nam hay nữ, khi đã có gia đình cũng đều mong chờ đến dịp này để làm mâm cơm bưng cho cha mẹ. Nếu nhà nào đông anh em thì sẽ sắp xếp món ăn và ngày bưng cơm để  tránh trùng nhau, và tổ chức làm sao để cha mẹ được vui lòng.

Gia đình ông Đinh Minh Quán, trú tại thôn ba nương, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa cứ đến dịp cuối tháng chạp hàng năm, hai vợ chồng ông cùng con cháu sắm sửa một mâm cơm nhỏ bưng đến báo hiếu cha mẹ. Năm nay cũng thế, hai vợ chồng tranh thủ tạm gác lại công việc thường ngày rồi chọn một ngày đẹp nhất, sắm sửa mâm cơm bưng sang báo hiếu cha mẹ.

“Năm nào cũng thế cứ vào độ gần tết vợ chồng tôi đều làm một mâm  cơm bưng cho cha mẹ, không biết truyền thống này có từ bao giờ, nhưng ông cha truyền lại nên chúng tôi cũng làm theo, và tôi hi vọng sau này con cái tôi cũng tiếp nối truyền thống tốt đẹp này”, ông Quán chia sẻ.

Cuộc sống ngày càng phát triển, mâm cơm báo hiếu cũng theo đó phong phú hơn về món ăn và người Minh Hóa vẫn luôn truyền dạy  con cháu để  giữ mãi hơi thở về nét đẹp văn hoá truyền thống này mỗi dịp tết đến xuân về.

Bạn đang đọc bài viết Độc đáo phong tục 'giỗ sống’ của người Nguồn Minh Hóa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tỉnh đoàn An Giang hưởng ứng "Ngày Chủ nhật xanh" toàn quốc
Ngày 22/9, Tỉnh đoàn An Giang phát động hưởng ứng “Ngày Chủ nhật xanh” toàn quốc lần thứ và phát động cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và phòng, chống rác thải nhựa năm 2024”.

Tin mới