Thứ sáu, 26/04/2024 07:25 (GMT+7)

Học sinh khổ vì tài liệu học tập!

Trần Ngọc Tuấn -  Thứ năm, 28/11/2019 14:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tài liệu học tập là cần thiết nếu được sử dụng đúng cách. Nhưng nếu bị lạm dụng, sử dụng tràn lan, có “lượng” mà không có “chất” như hiện nay sẽ đem đến nhiều hệ lụy cho học sinh…

Học sinh đang quá tải với những tài liệu không cần thiết

Trong buổi họp cha mẹ học sinh mới đây, phụ huynh có con học lớp 11 tại một trường THPT tại quận Tân Bình, TP.HCM phàn nàn về việc nhà trường buộc các em phải mua tài liệu “lưu hành nội bộ” của trường. Tài liệu này gồm hầu hết các môn học, được giáo viên tổ bộ môn trong trường soạn, sau đó “liên kết” với phòng photo trường để “xuất bản” và bán cho học sinh. Lý do mà vị phụ huynh này phàn nàn là, hiệu quả học tập không nhiều, tốn tiền mua và con em họ phải mang những chiếc cặp nặng nề đến lớp…

Đáng nói là nhiều tài liệu viết lại những kiến thức y chang như sách giáo khoa, không có thêm gì mới. Học trò lớp 10 bức xúc về tài liệu môn giáo dục quốc phòng: “Nhiều kiến thức chỉ cần thực hiện vài động tác nhưng giáo viên lại soạn cả trang giấy trong tài liệu, buộc chúng em phải học thuộc lý thuyết rất vất vả”. Bên cạnh tài liệu chung của trường, nhiều giáo viên còn buộc học sinh photo thêm tài liệu riêng của mình soạn. Vì vậy học sinh quá tải về kiến thức, và nhiều tài liệu không hề “đụng đến” suốt những năm học phổ thông.

Không phủ nhận tác dụng tích cực của tài liệu học tập, nếu nó hệ thống kiến thức giáo khoa một cách khoa học, đưa thêm kiến thức mới, những bài tập thực hành mở rộng, nâng cao.  Nhưng nếu bị lạm dụng, sử dụng tràn lan, có “lượng” mà không có “chất” sẽ đem đến nhiều hệ lụy cho học sinh. Không cứ phải mọi môn học đều cần có tài liệu, vì có môn chỉ cần sách giáo khoa là đủ. Dĩ nhiên là mọi môn học đều cần thiết vì đó là kiến thức phổ thông. Nhưng tâm lý ai cũng coi môn mình là… “số 1” của giáo viên đã chuyển thành áp lực học tập nặng nề bằng tài liệu cho học sinh.

 Nhiều hệ lụy từ việc bị lạm dụng tài liệu

Tác hại của việc quá lạm dụng tài liệu là không hề nhỏ: Tăng thêm gánh nặng tài chính cho phụ huynh; Tạo áp lực nặng nề thêm cho người học; Làm cho học sinh có thái độ ỷ lại, lười ghi chép, thiếu chủ động trong việc tiếp nhận kiến thức, là nguyên nhân của cách học “vẹt”. Giáo viện dễ bị hệ lụy với cách dạy rập khuôn, sáo mòn; thiếu chủ động, sáng tạo, không có nhiều phát hiện mới và thiếu “lửa” nhiệt huyết trong các bài giảng. Nguy hại hơn, nếu nhà trường và các tổ bộ môn coi tài liệu học tập là kiến thức trọng tâm để kiểm tra đánh giá kiểu “học gì thi nấy” sẽ dẫn đến hệ lụy của việc dạy học tủ, là rào cản rất lớn cho sự đổi mới giáo dục. 

Mặt khác, việc mang cặp sách quá tải vì tài liệu cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, đối với học sinh THCS, việc mang cặp quá nặng trong thời gian dài sẽ tác động đến khung xương, dẫn đến vẹo cột sống, ảnh hưởng đến tim mạch, suy tim. Cân nặng cặp sách mà trẻ mang tốt nhất là không quá 10% trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hiện nay, thì trẻ đang bị dè nặng trên vai với số cân nặng vượt quá giới hạn khuyến cáo nói trên. Đối với học sinh lớp 12 đang chuẩn bị ôn tập thi THPT quốc gia, việc phải học tài liệu của trường và lựa chọn tài liệu thêm để tham khảo là rất quan trọng. Trong “bức tranh” của vô số các trang mạng xã hội về thông tin học tập, song không phải tài liệu nào cũng giúp ích cho học sinh. Nếu không biết lựa chọn sẽ dẫn đến hệ lụy “tiền mất, tật mang”, nhất là trong bối cảnh thay đổi thi cử liên tục như hiện nay, việc nhiều tài liệu vừa xuất bản đã không còn phù hợp. Chỉ nói riêng về giới hạn kiến thức, theo quy chế thi THPT quốc gia trước đây: năm 2017 nội dung chủ yếu là chương trình lớp 12; năm 2018 có thêm chương trình lớp 11; và năm 2019 dự kiến có thêm lớp 10, nhưng sau đó lại thay đổi chỉ còn lớp 12 cũng đã cho thấy sự cần thiết phải lựa chọn tài liệu như thế nào. Cùng với đề tham khảo mỗi năm mỗi khác, các tài liệu “ăn theo” này vừa “ra lò” sử dụng được vài tháng đã bất phù hợp.  Vì thế, để không dẫn những hệ lụy không đáng có như: chọn tài liệu không tiêu biểu, ôn tập không đúng trọng tâm, quá tải về kiến thức ôn tập, tạo áp lực căng thẳng không cần thiết, các em học sinh cần tỉnh táo lựa chọn tài liệu.

Tốt nhất là nên chọn tài liệu để ôn thi đúng trọng tâm với giới hạn nội dung và sát với đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT đã công bố.

                                                                           

Bạn đang đọc bài viết Học sinh khổ vì tài liệu học tập!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.