Thứ sáu, 26/04/2024 18:16 (GMT+7)

Khoa Môi trường - ĐHQL và CN Hải Phòng – Thương hiệu xanh phát triển

Minh Hà -  Thứ năm, 22/04/2021 10:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong suốt 24 năm hoạt động Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng luôn duy trì và tạo dựng được môi trường xanh – sạch – đẹp

Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng, tiền thân là Trường Đại học Dân lập Hải Phòng được thành lập ngày 24/9/1997, chỉ sau một năm thành lập, trường đã thành lập Chi hội Bảo vệ Môi trường trực thuộc Hội Bảo vệ Môi trường thành phố Hải Phòng.

Ngay sau khi thành lập, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu, Chi hội đã bước đầu hoạt động có hiệu quả và triển khai nhiều hoạt động giáo dục, truyền thông về bảo vệ môi trường cũng như tham gia các hoạt động vì cộng đồng, hoạt động bảo vệ môi trường tại nhiều thôn, xóm, khu dân cư, quận, huyện trên địa bàn thành phố Hải Phòng và một số địa phương lân cận.

Trong suốt 24 năm hoạt động Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng luôn duy trì và tạo dựng được môi trường xanh – sạch – đẹp, môi trường thân thiện giữa sinh viên, cán bộ, giáo viên cũng như người nước ngoài, nhà trường đã hoạt động rất tích cực đóng góp vào việc tuyên truyền bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất, thực hiện đầy đủ các quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường. 

Nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, nhà trường đã tổ chức đào tạo chuyên ngành Kỹ thuật Môi trường ngay từ năm đầu tiên thành lập trường và là trường đại học đầu tiên tại Hải Phòng đào tạo Kỹ sư Môi trường. Để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của giảng viên trong ngành, nhà trường đã quyết định cử các giảng viên của ngành đi học thạc sĩ, tiến sĩ, tham gia các khóa học bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Đến tháng 5/2011, khi đã xây dựng được đội ngũ giảng viên đủ mạnh, nhà trường quyết định nâng cấp Bộ môn Môi trường thành Khoa Môi trường. Cho đến nay, Khoa đã cung cấp cho xã hội gần 2.000 kỹ sư có trình độ chuyên sâu trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và xử lý ô nhiễm góp phần không nhỏ trong công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững tại các địa phương và đất nước. Để giáo dục cho sinh viên, cán bộ, công nhân viên ý thức bảo vệ môi trường và tầm quan trọng của môn học, nhà trường đã đưa môn học Môi trường và Con người vào chương trình học đại cương của tất cả các ngành học, nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về môi trường và bảo vệ môi trường.

Thực hiện cam kết trong suốt quá trình triển khai xây dựng dự án và hoạt động không ảnh hưởng đến hệ sinh thái và môi trường sống của cộng đồng dân cư xung quanh với biện pháp ngăn ngừa, xử lý ô nhiễm, nhà trường đã thực hiện Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) theo quy định và đã được thẩm định, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã phê duyệt báo cáo ĐTM theo Quyết định số 2249/QĐ-UBND ngày 26/12/2008.

Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong toàn trường, Chi hội Bảo vệ Môi trường thường xuyên phối hợp với Đoàn Thanh niên – Hội sinh viên nhà trường và khoa Môi trường tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ, tuyên truyền về môi trường, vệ sinh môi trường. Với sự tích cực, chủ động trong việc tổ chức triển khai thực hiện của tổ chức Đoàn – Hội, Đội Thanh niên tình nguyện nhà trường đã phát huy rất cao nhiệm vụ của đội áo xanh tình nguyện thông qua các hoạt động vì cộng đồng để bảo vệ môi trường xung quanh như dọn rác và vệ sinh môi trường, khai thông tuyến phố văn minh khu vực từ Khách sạn sinh viên nhà trường đến khu Giảng đường. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên nhà trường làm việc với Công an phường Kênh Dương để chính thức cải tạo khu vực vỉa hè đường Quán Nam trở thành một con đường đầy cây xanh. Công trình đã đem lại vẻ văn minh đô thị cho tuyến phố và được Thành đoàn Hải Phòng công nhận là Công trình thanh niên cấp thành phố từ năm 2011. Hằng năm, Đoàn Thanh niên nhà trường làm nhiệm vụ trùng tu, sửa chữa, dọn vệ sinh cây cầu vượt bắc qua trường, tham gia dọn dẹp vệ sinh khu vực bãi biển Đồ Sơn, xã Minh Tân – huyện Kiến Thụy, tại Thủy Nguyên và khắp các quận, huyện của thành phố Hải Phòng…

Vào ngày môi trường thế giới 5/6 hằng năm nhà trường đều chỉ đạo tổ chức các hoạt động kỷ niệm như tổ chức cuộc họp thân mật giữa lãnh đạo nhà trường và giảng viên Khoa Môi trường; tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Khoa Môi trường đã chỉ đạo Liên chi đoàn Khoa Môi trường tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, tuyên truyền, phát tờ rơi, treo pano, áp phích cổ động công tác tuyên truyền hưởng ứng “Giờ Trái đất” mỗi năm gắn với chủ đề chương trình hành động của thành phố, của đất nước như “Vì một HPU xanh – sạch – đẹp”; “Hành động nhỏ - ý nghĩa lớn”…. thu hút được đông đảo sinh viên, cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường tham gia. Bên cạnh đó hàng năm, Đoàn Thanh niên – Hội sinh viên nhà trường triển khai các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, tham gia hỗ trợ và tặng quà cho người già, trẻ em, các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, tham gia dọn vệ sinh môi trường, vớt bèo khơi thông kênh mương… không chỉ trên địa bàn thành phố mà còn đến với các huyện đảo và các xã miền núi khu vực phía Bắc.

Chi hội Bảo vệ môi trường - Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng đã tổ chức đăng cai nhiều hội nghị, hội thảo về bảo vệ môi trường với sự tham gia của nhiều chuyên gia đến từ các trường đại học nước ngoài như hội thảo về “các vấn đề môi trường công nghiệp ở thành phố Kitakyushu và thành phố Hải Phòng”, tham dự Hội thảo có TS. Thomas Duhaut đến từ Tập đoàn Sirrocco thuộc trường ĐH Toulouse – Pháp, Hội thảo đã được nghe 4 báo cáo khoa học của Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Tập đoàn Sirocco và  khoa Môi trường, về các nội dung như: Nghiên cứu mối quan hệ giữa chế độ thủy động lực và các thông số cơ học trầm tích phục vụ mô hình tính bồi lắng và bào mòn đáy, áp dụng cho vùng ven bờ phía Bắc châu thổ sông Hồng; Mô phỏng tác động của lượng mưa lớn và gió mạnh trên bờ khi xảy ra lũ quét và trôi dạt/Áp dụng cho bờ biển Roussillon, vịnh Lion, Pháp; Nghiên cứu khả năng xử lý nước thải sản xuất mắm bằng bãi lọc ngầm trồng cây; Ảnh hưởng của đập thủy điện Hòa Bình đến lưu lượng dòng chảy và tác động đển vùng ven bờ châu thổ sông Hồng... Đây là những vấn đề môi trường mang tính cấp thiết không chỉ ở Việt Nam mà đang diễn ra nhiều nơi trên thế giới. Chính vì vậy, những vấn đề được báo cáo tại Hội thảo đã thu hút sự quan tâm sâu sắc, chia sẻ cởi mở và tích cực giữa các nhà khoa học, giảng viên và sinh viên Nhà Trường. Hội thảo về “Các vấn đề môi trường công nghiệp ở thành phố Kitakyushu, Nhật Bản và thành phố Hải Phòng”, tham dự hội thảo có các giảng viên và sinh viên ngành môi trường của hai trường. Các sinh viên Nhật Bản đã đưa ra các vấn đề, thực trạng về cơ sở sản xuất, vấn đề môi trường và các giải pháp xử lý ô nhiễm của các công ty, nhà máy nơi mà các em đã đến tham quan trực tiếp tại Nhật Bản thông qua các hình ảnh và video clip sinh động để cùng thảo luận sôi nổi. Với mục đích giới thiệu cho sinh viên có cái nhìn cụ thể hơn về quá trình và thực trạng môi trường sản xuất, sinh viên 2 trường cũng có buổi tham quan và làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng, Nhà máy hóa chất Tràng Kênh, Công ty nhựa Tiền Phong, Cơ sở đúc đồng Trường Thuận, xã Mỹ Đồng... Năm 2021 Hưởng ứng các hoạt động Ngày hội Văn hóa Thể thao công nhân viên chức lao động thành phố lần thứ 20, Chi hội tổ chức lễ phát động và tham gia diễu hành “Đạp xe vì thành phố Cảng Xanh – Văn Minh – Hiện đại” do Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức được đông đảo cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường hào hứng tham gia.

Thực hiện văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường và tiếp tục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, Chi hội bảo vệ môi trường đề xuất với nhà trường đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường trong toàn trường, phát huy tối đa vai trò của các tổ chức đoàn thể, đơn vị và cá nhân trong các phong trào bảo vệ môi trường, đưa ra những giải pháp xây dựng môi trường thân thiện, môi trường sư phạm, môi trường chia sẻ thương yêu đùm bọc lẫn nhau, môi trường xanh – sạch – đẹp, môi trường văn hóa. Với tinh thần đó, Nhà trường cho triển khai nghiên cứu, lắp đặt hệ thống thu năng lượng mặt trời để đun nước nóng cung cấp cho 1.500 sinh viên trong Khách sạn sinh viên vào năm 2009 nhằm hạn chế tiêu hao năng lượng điện. Dự án này đã được Sở Khoa học Công nghệ Hải Phòng đánh giá về tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, được nhiều trường học, doanh nghiệp đến tham quan học tập và nhân rộng.

Để phục vụ hiệu quả hơn cho việc sử dụng nguồn năng lượng xanh, Hội đồng nghiên cứu khoa học và đào tạo đã có quyết định cho phép triển khai đề tài “Nghiên cứu hệ thống điều khiển bám mặt trời phục vụ cho việc sử dụng năng lượng mặt trời”. Đề tài được nghiệm thu và triển khai ứng dụng lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời tại Khu 2 Minh Tân, Kiến Thụy, Hải Phòng.

Nhằm giáo dục ý thức bảo vệ môi trường đến với tất cả các đối tượng từ sinh viên đến cán bộ, giảng viên hàng loạt giải pháp đã được áp dụng: Tổ chức cho toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên đi tham quan học tập tại các nước tiên tiến như Singapore, Nhật Bản để mọi người học tập và ý thức được trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng; Để tạo môi trường xanh – sạch – đẹp, hàng năm nhà trường mua bổ sung cây xanh để phủ kín hai khu Khách sạn sinh viên và Khu giảng đường; vận động 100% cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên, mỗi người tự trồng 1 cây xanh tại Khu cơ sở 2 – Minh Tân, Kiến Thụy, Hải Phòng. Cử cán bộ chuyên trách chăm sóc cây hàng ngày; mua thùng đựng rác đặt khắp mọi nơi để tạo ý thức tự giác và ngăn chặn hiện tượng vứt rác bừa bãi; chỉ đạo mở cuộc vận động “nói không với thuốc lá” để mọi người hiểu và làm theo, nhà trường đã tuyên truyền vận động mọi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, sinh viên tham gia. Không hút thuốc lá trở thành tiêu chuẩn thi đua, trở thành nội dung nhắc nhở trong kiểm điểm cuối năm. Kết quả cho đến nay, nhà trường không còn người hút thuốc lá.

Để ý thức mọi người tiết kiệm điện, nước, tại các phòng học, phòng chờ giáo viên, phòng làm việc, thậm chí nhà vệ sinh công cộng luôn có các biển nhắc cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên sử dụng tiết kiệm điện, nước, tắt các thiết bị không cần thiết và hạn chế trong việc sử dụng máy lạnh, điều hòa. Ngay từ thời gian đầu xây dựng trường, nhà trường đã quyết tâm đầu tư xây dựng bể bơi thông minh từ nguồn kinh phí trong các hoạt động. Bể bơi “thông minh” tự động làm sạch, tuần hoàn nước mà không phải thay nước, tiết kiệm được nguồn tài nguyên nước, đảm bảo chất lượng nước theo tiêu chuẩn hiện hành và được đánh giá là bể bơi sạch hàng đầu của thành phố Hải Phòng.

Nhằm giảm ô nhiễm bụi, ngay từ năm 1998, nhà trường sử dụng phấn bảng chống bụi. Việc làm đi đầu này đã được nhiều trường đến học tập. Đến năm 2009, hệ thống máy chiếu Projector, màn chiếu được lắp đặt cho tất cả các phòng học; sinh viên và giảng viên được tiếp cận với công nghệ hiện đại, không bụi phấn, thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe.

Tạo cho mỗi người thói quen tiết kiệm văn phòng phẩm và tái sử dụng chất thải như tái sử dụng giấy in 1 mặt nhằm tiết kiệm chi phí, tài nguyên và đặc biệt là hạn chế rác thải ra môi trường.

Tổ chức cho sinh viên trong Khách sạn sinh viên tham gia cuộc thi “Chủ nhà văn hóa” khuyến khích sinh viên làm vệ sinh trong và ngoài lớp học và khu nội trú. Đồng thời, khuyến khích sinh viên tự giám sát việc giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường chung bằng việc luân phiên nhau làm trưởng phòng ở và Đoàn Thanh niên, đội thanh niên xung kích chấm điểm thi phòng ở sạch, đẹp…

Việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong nhà trường là một trong những biện pháp quan trọng góp phần xây dựng môi trường học đường thân thiện cũng như mang lại những lợi ích trước mắt, lâu dài.

Với những cố gắng và thành tích đã đạt được trong công tác bảo vệ môi trường. Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường trao giải “Thương hiệu xanh phát triển”; nhiều tập thể cá nhân được Trung ương Hội Bảo vệ Môi trường, Hội Bảo vệ Môi trường thành phố tặng bằng khen, giấy khen cùng các danh hiệu thi đua hàng năm./.

Bạn đang đọc bài viết Khoa Môi trường - ĐHQL và CN Hải Phòng – Thương hiệu xanh phát triển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới