Thứ bảy, 27/04/2024 12:16 (GMT+7)

Hết thả trâu phải đóng phí cỏ lại đến “vịt ra đồng phải... nộp phí”

MTĐT -  Chủ nhật, 29/04/2018 11:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong khi vụ việc thả trâu ra ngoài đồng phải đóng phí cỏ mới đang tạm lắng xuống thì lại đến việc “vịt ra đồng phải... nộp phí” khiến người dân vô cùng bức xúc.

Ngày 28/4, ông Hoàng Phi Long, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân (Bình Định) cho biết, sẽ thành lập đoàn kiểm tra xác minh thông tin người nuôi vịt ngoài đồng ở xã Ân Phong (huyện Hoài Ân) phải nộp phí theo diện tích, gọi là phí “công đồng lạc túc”.

Sau khi có kết quả kiểm tra, nếu thực tế người nuôi vịt khó khăn thì chính quyền sẽ có hướng giải quyết hợp lý, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Theo đó, thời gian qua, nhiều hộ nuôi vịt ở xã Ân Phong vô cùng bức xúc vì phải ký hợp đồng với UBND xã để thuê mặt ruộng chăn thả. Nhiều người cho rằng việc thu phí này không hợp lý, cần phải bãi bỏ.

Người nuôi vịt xã Ân Phong muốn thả vịt ra đồng ăn mót lúa phải nộp phí "công đồng lạc túc" tiền triệu. Ảnh: NLĐ.

Ông Lưu Đáy (ngụ thôn An Hậu) một trong những hộ chăn nuôi lớn ở xã Ân Phong cho biết, nhà ông có đàn vịt khoảng 1.000 con, sau khi người dân gặt lúa xong, ông Đáy thường lùa đàn vịt xuống cánh đồng để ăn những hạt lúa còn sót lại. Đồng của dân, vậy nhưng từ nhiều năm qua, ông Đáy muốn lùa vịt xuống đồng ăn mót lúa cũng phải nộp phí 1 triệu đồng/năm cho UBND xã Ân Phong.

"Sau khi nông dân gặt lúa xong, người nuôi vịt trong xã phải nộp cho UBND xã 1 triệu đồng mới được lùa vịt xuống đồng ăn. Đây gọi là phí "công đồng lạc túc" có từ nhiều năm trước, do xã đặt ra. Hiện nay, người nuôi vịt gặp nhiều khó khăn nên chúng tôi muốn được giảm loại phí này nhưng vẫn chưa được xem xét"- ông Đáy than thở.

Trong khi đó, bà Lê Thị Thơm (62 tuổi, trú xã Ân Phong) than thở: “Nghề nuôi vịt thả đồng như canh bạc giữa ruộng, có năm thua lỗ với đến hơn 20 triệu đồng. Điều đáng nói, mỗi năm tôi phải nộp phí "công đồng lạc túc" cho xã với mức 1 triệu đồng. Khoản thu này gây khó khăn cho người dân. Nhiều nơi họ không thu loại phí này. Người dân đã kiến nghị không thu phí nhưng xã không chịu, nếu không nộp tiền, vịt không được thả ra đồng. Chúng tôi rất khổ tâm”.

Giải thích về khoản thu phí "lạ đời" trên, ông Hồ Văn Đương, Quyền Chủ tịch UBND xã Ân Phong cho biết, phí "công đồng lạc túc" đối với các hộ chăn thả vịt đồng đã có từ rất lâu. Người dân nộp phí trực tiếp và có hợp đồng giữa chủ chăn nuôi vịt với UBND xã. Mục đích của việc thu phí này là tạo điều kiện để xã dễ quản lý, điều tiết nước thủy lợi.

"Xã Ân Phong có hơn 500 ha đất lúa sản xuất. Sau khi nông dân gặt xong vụ, chúng tôi giao khoán thuê mặt ruộng cho các hộ nuôi vịt thả đồng với giá 1 ha khoảng 25.000 đồng/năm. Mỗi năm, xã chỉ thu về khoảng 14 triệu đồng và nhập vào nguồn ngân sách của xã, phục vụ công tác quản lý chung"- ông Đương nói.

Ông Đương cho rằng, các hộ dân chăn nuôi vịt thả đồng ở địa phương đều tham gia đóng phí cho xã và nhờ khoản phí này mà tình hình chăn nuôi được ổn định, không tranh giành, chen lấn. Đặc biệt, việc thu phí thực hiện theo hướng dẫn tài chính của UBND huyện Hoài Ân và nghị quyết HĐND xã, thu theo quy định nguồn thu khác của địa phương.

“Việc người chăn nuôi vịt thấy phí quá cao, xã sẽ xem xét và có phương án giảm phí cho họ để đảm bảo quyền lợi. Tuy nhiên, nếu bỏ phí này sẽ dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy chăn thả, tranh giành địa bàn, gây mất an ninh trật tự”, ông Đương nói.

P.V (tổng hợp theo TNO, Dân Việt)

Bạn đang đọc bài viết Hết thả trâu phải đóng phí cỏ lại đến “vịt ra đồng phải... nộp phí”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề