Dự án Sakura Tower: Sai phạm nghiêm trọng bị lãng quên?
Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn xây dựng sai phép tại dự án Sakura Tower - 47 Vũ Trọng Phụng, khiến 78 căn hộ không được cấp sổ hồng. Chưa hoàn thành nghĩa vụ, doanh nghiệp đã giải thể?
78 căn hộ sai phép không được cấp sổ đỏ, dân bức xúc
Tổ hợp căn hộ, văn phòng, thương mại Sakura Tower (gọi tắt là Dự án Sakura Tower) có địa chỉ 47 Vũ Trọng Phụng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) do Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn làm chủ đầu tư (CĐT) và Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Vinaconex - Alphanam chịu trách nhiệm thi công. Dự án khởi công từ cuối năm 2009, tổng diện tích đất là hơn 2.600m2, diện tích đất xây dựng gần 1.300m2 tương ứng mật độ xây dựng 48,2%. Hiện tại dự án này đã trở thành tòa nhà với tên gọi Alphanam.
Bắt đầu từ cuối năm 2011, nhiều cơ quan báo chí đưa tin "phanh phui" việc chủ đầu tư công trình Sakura Tower bị phạt 500 triệu đồng vì xây dựng mà không có giấy phép và nhà thầu thi công là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Vinaconex - Alphanam 30 triệu đồng.
Dự án Sakura Tower có địa chỉ 47 Vũ Trọng Phụng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội. |
Các sai phạm nghiêm trọng tại chung cư Sakura Tower sau đó đã được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, “Tại thời điểm khởi công dự án, Chủ đầu tư chưa được Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép xây dựng. Đến ngày 18/1/2012, Sở Xây dựng Hà Nội mới cấp Giấy phép xây dựng số 13/GPXD để xây dựng dự án. Điều này vi phạm Khoản 1 Điều 11, Điều 15, Điểm đ Khoản 1 Điều 36 Luật Đất đai 2003, Khoản 2 Điều 10, Khoản 2 Điều 72 Luật Xây dựng năm 2003”.
“Chủ đầu tư đã xây dựng công trình 28 tầng (27 tầng + 1 tum thang máy), vượt 2 tầng căn hộ so với phương án kiến trúc và hồ sơ xin phép xây dựng. Diện tích xây dựng mỗi tầng căn hộ xây vượt 1.012m2/tầng, diện tích sử dụng là 839,5m2/tầng…”, kết luận thanh tra nêu rõ.
Bên cạnh đó, Chủ đầu tư còn xây dựng 2 tầng kỹ thuật không đúng quy hoạch được phê duyệt và tự ý chuyển đổi công năng. Cụ thể, tầng kỹ thuật giữa tầng 2 và tầng 3 cao 4,5m, hiện cho thuê làm văn phòng; tầng kỹ thuật giữa tầng 11 và tầng 12 cao 3m, đã chia thành 14 căn hộ…
78 căn hộ sai phép hiện vẫn chưa được cấp sổ hồng. |
Theo thanh tra Chính phủ, việc xác định tiền sử dụng đất phải nộp của Dự án Sakura Tower là không đúng.
Cụ thể, liên ngành gồm Sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và Cục Thuế trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tiền sử dụng đất của Dự án Sakura Tower tại Quyết định số 1286/QĐ-UBND ngày 15/3/2011 đã đưa một số khoản chi phí vào tổng chi phí phát triển để giảm trừ khi xác định giá thu tiền sử dụng đất không đúng với quy định tại Thông tư số 145/2007/TT-BTC ngày 6/12/2007 của Bộ Tài chính với số tiền hơn 34,4 tỷ đồng. Trong đó, chi phí kiểm định và chứng nhận phù hợp chất lượng là 2,16 tỷ đồng (1% chi phí xây dựng), chi phí dự phòng là hơn 32,2 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ cho biết, tòa nhà Sakura Tower có 239 căn hộ để bán. Trong đó, 161 căn hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Hiện 78 căn hộ sai phép đã bán cho các hộ dân (tầng 12 có 14 căn; tầng kỹ thuật trên tầng 11 (12B) là 14 căn; tầng 21 là 11 căn; tầng 22 là 13 căn; 2 tầng căn hộ xây vượt là tầng 24B có 13 căn, tầng 24C có 13 căn).
Số căn hộ xây dựng sai phép nói trên, chủ đầu tư chưa làm việc với cơ quan chức năng để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, gây bức xúc cho các hộ dân…
“Con voi chui lọt lỗ kim”, trách nhiệm thuộc về ai?
Tại kết luận của Thanh tra Chính phủ khẳng định: "Trách nhiệm đối với những sai phạm nêu trên thuộc UBND thành phố Hà Nội, các sở ngành liên quan: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Cục Thuế, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội và Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn".
Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, không có bất cứ cơ quan hay tổ chức nào bị xử lý về những sai phạm trên. Trong khi đó, trao đổi với Môi trường và Đô thị Việt Nam, ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Reenco Sông Hồng) và GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đều cho rằng cần phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương bên cạnh việc truy cứu trách nhiệm của Chủ đầu tư.
“Chủ đầu tư vi phạm đương nhiên phải xử lý theo quy định, tuy nhiên, các cơ quan chức năng tại địa phương buông lỏng công tác quản lý, giám sát, để một công trình lớn ngang nhiên mắc nhiều sai phạm nghiêm trọng thì phải bị kỷ luật”, ông Điệp nói.
Ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Reenco Sông Hồng. |
Đối với chủ đầu tư, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, biện pháp có tác dụng nhất là yêu cầu doanh nghiệp nộp lại số lợi bất chính từ việc bán 78 căn hộ sai phép nêu trên.
“Nếu doanh nghiệp thấy việc vi phạm không thu lại được lợi lộc gì, hơn nữa lại còn bị phạt thì sẽ chẳng ai còn dám vi phạm”, ông Võ giải thích.
Đồng thời, GS. Đặng Hùng Võ nói thêm, thành phố Hà Nội nên xem xét việc không cho phép doanh nghiệp triển khai các dự án mới trên địa bàn nếu như trước đó đã để xảy ra sai phạm.
GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. |
Dưới góc độ pháp lý, giới luật sư cho rằng người mua nhà tại dự án có quyền khởi kiện chủ đầu tư ra tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình khi Chủ đầu tư không thực hiện việc làm thủ tục và đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn làm thủ tục cấp sổ hồng. Theo đó, hợp đồng mua bán chính là căn cứ pháp lý để người dân đòi quyền lợi.
Tuy nhiên, chia sẻ với phóng viên, Luật sư Lê Văn Lộc – Chủ tịch Tập đoàn LP Group cho rằng, việc khởi kiện Chủ đầu tư ra tòa mất khá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, tuy nhiên, khả năng thắng kiện lại không ở mức cao do các hợp đồng mua bán có nhiều điều khoản đã được chủ đầu tư cân nhắc kỹ lưỡng.
Luật sư Lê Văn Lộc – Chủ tịch Tập đoàn LP Group. |
Đáng chú ý, từ năm 2014, Công ty Hùng Tiến Kim Sơn đã tuyên bố sau khi hoàn thành xong trách nhiệm và nghĩa vụ của mình tại dự án, công ty sẽ tự giải thể và ngừng hoạt động theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, tra cứu trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp không hề có tên Công ty Cổ phần Đầu tư Hùng Tiến Kim Sơn.
Được biết, Tập đoàn Alphanam từng là “công ty mẹ” của Hùng Tiến Kim Sơn tại Dự án Sakura, Alphanam từng “mua” CTCP Đầu tư Hùng Tiến Kim Sơn để thực hiện Dự án Sakura. Tuy nhiên, từ năm 2013, Alphanam đã thoái vốn khỏi doanh nghiệp này. Hiện đơn vị trên cũng chỉ là khách hàng của Chủ đầu tư giống như các cư dân và không còn vai trò gì tại CTCP đầu tư Hùng Tiến Kim Sơn.
Vậy cơ quan, tổ chức, cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm về những sai phạm nêu trên? Quyền và lợi ích của 78 hộ dân đã mua căn hộ tại dự án sẽ đi về đâu? Môi trường và Đô thị Việt Nam đề nghị UBND quận Thanh Xuân, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội vào cuộc xác minh làm rõ những nội dung trên để tránh tạo tiền lệ xấu trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, gây bức xúc dư luận!