Thứ sáu, 26/04/2024 18:22 (GMT+7)

Dùng nước thải của thành phố trực tiếp tưới ruộng được không?

MTĐT -  Thứ ba, 28/09/2021 09:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng ngày, các thành phố, thị xã lớn nhỏ đều xả ra môi trường một lượng lớn nước thải. Vậy có thể dùng nước thải đó trực tiếp tưới cho đồng ruộng được không?

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. 

Nước thải của các thành phố, thị xã xả ra môi trường bao gồm cả nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt. Trong nguồn nước thải đó có chứa nhiều nguyên tố dinh dưỡng như nitơ, phốt-pho,... rất cần cho cây trồng.  

Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo không được dùng nước thải của thành phố trực tiếp tưới ruộng. Bởi vì trong nguồn nước thải đó có chứa rất nhiều nguyên tố kim loại nặng có hại cho cơ thể con người như cađimi, kẽm, chì, thuỷ ngân...và có các chất hữu cơ độc hại khó phân hủy, các loại vi trùng gây bệnh... Những chất độc hại trên đều trực tiếp gây ô nhiễm cho cây lương thực, rau quả và sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng cho con người nếu ăn phải.

Ngày nay, với công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, nhiều nơi đã tận dụng được nguồn nước thải dồi dào của thành phố bằng cách khử các nguyên tố kim loại nặng, các chất hữu cơ độc hại và các loại vi trùng gây bệnh, sau đó mới tưới cho đồng ruộng. Ðây là phương pháp sử dụng nước thải được nhiều nước thực hiện.

Tuy nhiên kể cả sử dụng nước thải đã xử lý đạt chuẩn theo quy định cũng cần phải được đăng ký và tuân thủ theo các quy định của pháp luật.

Theo khoản 3 Điều 9 Luật Tài nguyên nước của Việt Nam (ra đời từ năm 2012) quy định: ‘‘Nghiêm cấm các hành thức xả thải vào lòng đất thông qua giếng khoan, giếng đào và các hình thức đưa nước thải vào lòng đất’’. Vì vậy, việc xả nước thải chưa qua xử lý hoặc sau khi đã được xử lý đạt quy chuẩn vào lòng đất dưới bất kỳ hình thức nào đều là trái quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

Để tiết kiệm nước và tái sử dụng các nguồn nước thải đã được xử lý và kiểm soát, Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn cụ thể. Theo đó, chỉ xem xét cho phép tái sử dụng nước thải sinh hoạt đã được xử lý bảo đảm đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt cột A (QCVN 14: 2008/BTNMT) và bảo đảm đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước phù hợp cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi cột B1 (QCVN 08-MT:2015/BTNMT) để tưới cây trong phạm vi của chính cơ sở đó.

Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các cơ sở xả nước thải có nhu cầu tái sử dụng nước để tưới cây xây dựng phương án xử lý nước thải đạt yêu cầu nêu trên. Đồng thời, xây dựng phương án tái sử dụng nước để tưới cây, trong đó nêu rõ yêu cầu sử dụng nước để tưới cây cụ thể trong từng thời gian, cân bằng lượng nước tưới với lượng nước thải phát sinh hằng ngày, có phương án tiêu thoát hoặc vận chuyển lượng nước thải còn dư để xả vào các nguồn nước mặt, nước biển, không được xả vào lòng đất dưới bất kỳ hình thức nào. Phương án tái sử dụng nước phải được thẩm định và kiểm soát chặt chẽ, tránh việc lợi dụng tái sử dụng nước để đưa nước thải vào các tầng chứa nước dưới đất.

Về nguyên tắc, việc tưới cây thực hiện theo thời vụ và tùy thuộc tình hình thời tiết nên không có trường hợp tái sử dụng toàn bộ nước thải trong mọi thời gian. Vì vậy, để kiểm soát chặt chẽ hoạt động này, cần yêu cầu các cơ sở xả thải có nhu cầu tái sử dụng nước để tưới cây lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xả nước thải, trong đó phải có phương án tái sử dụng nước nêu trên để thẩm định, cấp giấy phép xả nước thải theo quy định, trong đó ghi rõ các yêu cầu cụ thể đối với hoạt động tái sử dụng nước.

Bạn đang đọc bài viết Dùng nước thải của thành phố trực tiếp tưới ruộng được không?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Quản lý rác thải điện tử - Bài học từ thế giới
Rác thải điện tử khó tái chế, xử lý với chi phí cao nên việc xử lý ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có thể là bài học hữu ích cho cơ quan quản lý môi trường Việt Nam trong xử lý loại chất thải này.

Tin mới