Chủ nhật, 05/05/2024 16:54 (GMT+7)

F0 tăng cao, miền Tây Nam bộ đang “đổi màu” bản đồ chống dịch

Thiên Sách -  Thứ tư, 03/11/2021 06:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các ca F0 đột ngột tăng cao đã khiến chính quyền các tỉnh miền Tây Nam bộ khẩn trương đưa ra hàng loạt biện pháp mạnh nhằm kiểm soát tình hình. Nhiều tỉnh đã “đổi màu” bản đồ phòng chống dịch lên 1-2 cấp để cảnh báo cho người dân.

Tăng cấp độ để nâng cao cảnh giác

Bạc Liêu là tỉnh đầu tiên trong 13 tỉnh thành ĐBSCL nâng cấp một lúc 2 cấp độ, từ cấp độ 2 lên cấp độ 4 từ trưa ngày 2/11/2021. Theo đó, cấp độ dịch toàn tỉnh là cấp 4 - nguy cơ rất cao (vùng đỏ). Thị xã Giá Rai và TP. Bạc Liêu ở cấp 4 (vùng đỏ); Cấp độ 3 gồm 3 huyện: Đông Hải, Phước Long, Hồng Dân; cấp độ 2 gồm các huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình. Ở tuyến: 20 xã thuộc 7 đơn vị cấp huyện được xác định có nguy cơ rất cao (cấp 4, vùng đỏ). Các địa bàn thuộc “vùng đỏ” nhanh chóng thiết lập, vận hành các chốt kiểm soát dịch COVID-19.

UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu tất cả lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch tập trung nhân lực thực hiện nhiệm vụ được phân công; Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, tuân thủ hướng dẫn của Tổ công tác đặc biệt do Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM chi viện.

tm-img-alt
Test Covid-19 tại TP Cần Thơ

Tình hình dịch Covid-19 tại Bạc Liêu trong 3 ngày gần đây nhất (30/10-1/11) diễn biến phức tạp, tăng nhanh số F0 với hàng trăm ca mắc Covid-19 mỗi ngày. Cụ thể, ngày 30/10, tỉnh ghi nhận 404 ca mắc, trong đó có 149 ca cộng đồng. Ngày 31/10, ghi nhận 414 trường hợp, trong đó có 143 ca cộng đồng. Ngày 1/11, ghi nhận 382 ca mắc, trong đó có 167 ca cộng đồng.

Tại TP Cần Thơ, ngày 1/11, số ca nhiễm Covid-19 trong ngày với 434 F0 (tăng 152 ca so với ngày 31/10), tăng cao nhất trong các tỉnh miền Tây Nam bộ. Trong số này có 332 ca trong khu cách ly và cách ly tại nhà, 82 ca trong khu phong tỏa và 20 ca qua xét nghiệm sàng lọc tại cơ sở y tế. Cạnh đó, trong ngày TP có thêm 38 ca được điều trị khỏi, hai ca tử vong. Hiện TP đang điều trị 1.402 ca (chiếm hơn 50% tổng số giường trong khả năng điều trị), gồm 1.003 ca tầng 1; 371 ca tầng 2 và 46 ca tầng 3. Trong số các bệnh nhân nặng, nguy kịch đang điều trị có 25 người thở oxy qua mặt nạ, 7 người thở HFNC (oxy dòng cao), hai người thở máy không xâm lấn và 6 người thở máy xâm lấn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển đã ký ban hành công văn cập nhật đánh giá cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn. Theo đó, từ 9h00 ngày 1/11, cấp độ dịch tại TP. Cần Thơ là cấp 2-nguy cơ trung bình (vùng vàng). Với cấp quận, huyện, trong số 9 đơn vị, chỉ có quận Cái Răng ở cấp độ 1; 8 quận, huyện còn lại cấp độ 2. Với xã, phường, thị trấn, có 29 đơn vị cấp độ 1; 43 đơn vị cấp độ 2; 10 đơn vị cấp độ 3 và 1 đơn vị cấp độ 4 (phường An Nghiệp). Cùng ngày, Sở Y tế TP Cần Thơ đã có văn bản trình Sở Nội vụ về việc thành lập bệnh viện điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Quân dân y TP và Trung tâm y tế huyện Thới Lai.

Tại tỉnh Sóc Trăng, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Sóc Trăng cũng ban hành thông báo về việc chuyển cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh. Theo đó, kể từ 12h ngày 2/11, tỉnh Sóc Trăng chuyển cấp độ dịch từ cấp độ 1 - nguy cơ thấp (vùng xanh) sang cấp độ 2 - nguy cơ trung bình (vùng vàng). Với cấp huyện, Sóc Trăng có 1 đơn vị nguy cơ cao (vùng cam), 8 đơn vị nguy cơ trung bình (vùng vàng) và 2 đơn vị nguy cơ thấp (vùng xanh). Với cấp xã, có 79 xã vùng xanh, 20 xã vùng vàng và 10 xã vùng cam. UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành căn cứ thông báo về cấp độ dịch trên địa bàn phụ trách để triển khai các biện pháp ứng phó tương ứng.

Theo Trung tâm chỉ huy phòng chống Covid-19 tỉnh Sóc Trăng, tính từ ngày 27/4 đến nay, Sóc Trăng ghi nhận 5.384 ca dương tính Covid-19. Các địa phương có số ca nhiễm nhiều nhất là H.Trần Đề 1.869 ca, TX.Vĩnh Châu 969 ca, H.Mỹ Xuyên 668 ca… trong ngày 31/10, Sóc Trăng ghi nhận 193 ca dương tính mới, trong đó có 98 ca cộng đồng, nâng số ca mắc COVID-19 trong tỉnh đến nay lên 5.577, trong đó, số khỏi bệnh là 3.596 trường hợp.

Hiệu ứng domimo toàn vùng

Tính từ đầu đợt bùng phát thứ tư vào cuối tháng 4/2021, Tiền Giang là tỉnh có số ca dương tính cao nhất miền Tây Nam bộ. Đến ngày 1/11, toàn tỉnh Tiền Giang đã ghi nhận tổng số 16.807 ca nhiễm, trong số này có 14.721 ca được điều trị khỏi, 403 ca tử vong. Tuy nhiên, những ngày cuối tháng 10/2021, tình hình diễn biến dịch của tỉnh không có sự đột biến như một số tỉnh khác, dù số ca F0 cũng tăng. Theo báo cáo của Sở Y tế Tiền Giang, từ ngày 1/10 đến nay, số ca mắc trong ngày tăng dần, ngày ghi nhận cao nhất là 30-10 với 223 ca. Số ca mắc trung bình 7 ngày tăng liên tục từ 48 ca/ngày lên 145 ca/ngày, tăng 202,1%. Các huyện như Châu Thành, Cái Bè, Gò Công Đông, TP Mỹ Tho tình hình dịch diễn biến còn rất phức tạp.

tm-img-alt
Hướng dẫn phòng chống Covid-19 cho người về từ các tỉnh tại Kiên Giang

Đáng lo ngại là một số tỉnh có số ca dương tính tăng đột ngột trong vài ngày gần đây. Chẳng hạn, tại Kiên Giang, chỉ trong 4 ngày, từ ngày 27 đến 30/10, số ca nhiễm ở Kiên Giang đã tăng gần gấp ba lần. Ngày 30/10, số ca mắc mới trong toàn tỉnh là 469 ca, trong đó các ca mắc mới trong tỉnh là 462 trường hợp, 7 trường hợp mắc mới từ TP.HCM và các tỉnh trở về. Trong khi trước đó, ngày 27/10 chỉ có 160 ca, ngày 28, 29/10, số ca mắc mới dao động gần 300 ca. Đặc biệt rất nhiều ca phát hiện trong cộng đồng qua thực hiện test nhanh tại các phòng khám.

Tại An Giang, trong ngày 1/11/2021, phát hiện 315 trường hợp mắc COVID-19, đưa tổng số trường hợp mắc COVID-19 từ ngày 15/4 đến nay là 11.508 trường hợp (có 19 trường hợp tái dương tính). An Giang là địa phương có số người về từ vùng dịch các tỉnh thành miền Đông Nam bộ cao nhất khu vực, nên việc quản lý người cách ly tại nhà đối với địa phương rất phức tạp. Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết sau khi thực hiện phân vùng, bỏ các chốt nên người dân đi lại nhiều hơn và đã phát hiện nhiều chùm lây bệnh trên địa bàn tỉnh từ các trường hợp người về cách ly.

“Hiệu ứng domino” đang lan ra toàn vùng từ sau khi dòng lao động từ các tỉnh miền Đông Nam bộ trở về quê chống dịch. Theo một chuyên gia y tế, mầm bệnh đang tồn tại ở các tỉnh miền Tây Nam bộ có thể một phần bắt nguồn từ các đợt người dân từ các vùng dịch như Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM trở về và có thể đã bùng phát, hoặc đang tồn tại âm thầm trong cộng đồng. Do đó, khái niệm về vùng "xanh, đỏ, vàng" chỉ mang tính chất tạm thời và cần phải quyết liệt có các giải pháp khống chế ngăn chặn một đợt dịch lớn có thể bùng phát.

Một nguyên nhân khác là tỉ lệ tiêm vaccine trong khu vực hiện vẫn chưa cao. Đến nay, số người trên 18 tuổi được tiêm vắc xin tại một số tỉnh thành ĐBSCL: TP Cần Thơ có 94,1% (trên 65 tuổi đạt gần 100%) mũi 1, 27% mũi 2 (người trên 65 tuổi đạt trên 37%); An Giang: trên 91% mũi 1, 14% mũi 2; Sóc Trăng: 84,29% mũi 1, 16,34% mũi 2; Kiên Giang: 76,59% mũi 1, 25,78% mũi 2…

Bạn đang đọc bài viết F0 tăng cao, miền Tây Nam bộ đang “đổi màu” bản đồ chống dịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới