GS. Konstatin Tkachenko: Hãy gìn giữ ốc đảo san hô cuối cùng trước khi quá muộn
Ngay lúc này, điều quan trọng là cần phản ứng kịp thời trước những rủi ro được các nhà khoa học cảnh báo trong các công bố đã đăng tải.
Sau khi một loạt các báo Việt Nam đưa tin về tình trạng san hô chết trắng ở Nha Trang, ban quản lý vịnh Nha Trang đã phản hồi nguyên nhân chủ yếu là do cơn bão số 12 Damrey tháng 11/2017 và cơn bão số 9/2021 làm một số khu vực có rạn san hô phong phú đa dạng như Hòn Mun, Hòn Một, Hòn Tằm và Đông Bắc Hòn Tre bị thiệt hại đến 70-80%.
Tuy nhiên GS. Konstatin Tkachenko, Đại học Sư phạm và Xã hội Quốc gia Samara, Nga, người nghiên cứu về san hô ở Nha Trang và dọc vùng biển miền Trung trong suốt thập niên qua cho rằng, rạn san hô bị “bức tử” chủ yếu do nhân tai trong một thời gian dài.
Ai cũng sững sờ trước thông tin san hô ở vịnh Nha Trang bị hủy hoại trên diện rộng. Mọi người nghĩ, sau hai năm COVID không có du lịch, biển sẽ dễ tự phục hồi...
GS. Konstatin Tkachenko: Các bạn nghĩ thời gian hai năm vừa qua là đủ để phục hồi một rạn san hô? Tôi phải nhấn mạnh lại là tốc độ sinh trưởng trung bình của san hô cành hoặc san hô phiến là 10 cm mỗi năm, còn đối với san hô khối thì chỉ nhích 1-2 cm mỗi năm. Đây là tốc độ phát triển trong điều kiện lý tưởng, nếu không có bất kỳ xáo trộn nào xảy ra trong suốt một năm. Vì vậy, các bạn có thể đếm xem mất bao lâu để phục hồi của các rạn san hô trong bối cảnh có đầy đủ (nhấn mạnh) các điều kiện phù hợp với sự sinh trưởng tự nhiên của san hô trong vịnh.
Rất tiếc đây không phải là trường hợp của Vịnh Nha Trang nói riêng và vùng biển của tỉnh Khánh Hòa nói chung. Tôi cùng nhóm nghiên cứu đã nhấn mạnh về tình trạng thảm họa đang xảy ra với san hô ở Vịnh Nha Trang năm ngoái (xem KHPT số 10/2021). Trước đó, nhóm chúng tôi (cùng nhóm khác của TS. Nguyễn Đức Ái -PV) cũng đã đưa ra các báo cáo khoa học cảnh báo nhiều lần, nhưng tiếc là chính quyền Nha Trang không đọc các bài báo khoa học và chỉ thức tỉnh khi đã quá muộn.
Theo đánh giá của tôi, sự suy giảm san hô trong thời gian dài chắc chắn liên quan đến các hoạt động của con người như cải tạo, nạo vét, đánh bắt quá mức và phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản ở mức bùng nổ. Trong năm 2016 - 2019 có lý do chính dẫn đến sự suy giảm mạnh san hô ở Vịnh Nha Trang và tỉnh Ninh Thuận lân cận là sự bùng phát của loài sao biển gai (corallivorous crown-of-thorns starfish). Sau đó, tốc độ suy giảm tiếp tục trầm trọng hơn nhiều do có một đợt sốc nhiệt bất thường nghiêm trọng vào tháng 6/2019. Nó cũng được nêu trong bài báo của tôi.
Trả lời báo chí, ban quản lý vịnh đã liệt kê ra một số nguyên nhân chủ yếu là do thiên tai (biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của cơn bão Damrey năm 2017 và cơn bão số 9 năm 2021, mưa bão, sự bùng phát của các loài dịch hại). Ông đánh giá gì về nguyên nhân này?
Tôi nghi ngờ giả thuyết cho rằng cơn bão Damrey năm 2017 và cơn bão số 9 vào năm 2021 có thể ảnh hưởng lớn đến các rạn san hô ở Vịnh Nha Trang. Vì trước tiên, kích thước các cụm san hô biển khỏe mạnh trước năm 2017 cho phép áng tuổi ít nhất 30 năm. Bạn có nghĩ rằng Vịnh Nha Trang không gặp phải những cơn bão như Damrey trong 30 năm qua không? [Những cơn bão tương tự] chắc chắn đã xảy ra mà san hô vẫn tiếp tục sống.
Thứ hai, cơn bão số 9 năm 2021 xảy ra vào thời điểm khi mà hầu hết các rạn san hô ở Vịnh Nha Trang đã chết theo khảo sát của chúng tôi (1). Vì vậy, cơn bão số 9 không thể ảnh hưởng gì tới tình hình chung.
Nếu chính quyền Nha Trang thường xuyên đánh giá sức khỏe rạn san hô, tham khảo ý kiến các nhà khoa học kịp thời để bố trí các công ty và ngư dân thu gom sao biển gai từ trước đó thì còn có thể cứu vãn. Nhưng ngay cả bây giờ, việc đi thu gom sao biển gai cũng không có ích nữa vì đã không còn san hô và cũng không còn cả sao biển gai.
Chúng ta hãy kết chuỗi sự kiện như sau: ít nhất một nửa rạn san hô ở Vịnh Nha Trang đã bị phá hủy do nguyên nhân con người gây ra – là kết quả của nạo vét, cải tạo đất và đánh bắt quá mức trước khi bùng phát sao biển gai (2016-2019 và hiện tượng dị thường nhiệt năm 2019). Vịnh Nha Trang đã bị nạo vét cải tạo trên một khu vực rất rộng lớn. Bạn có thể theo dõi cách các khu vui chơi nghỉ dưỡng cải tạo đảo lớn nhất là Hòn Tre: ít nhất 1/3 ven hòn đảo đã bị đào bới, nạo vét, tương ứng theo hoạt động này là đất đá bị rửa trôi ra biển sau mỗi trận bão và vào mùa mưa. Nồng độ trầm tích cao rất có hại cho san hô vì đất đá làm chôn vùi san hô và làm giảm ánh sáng mặt trời, thứ mà san hô cần cho sự phát triển và trao đổi chất.
Phần còn lại của rạn san hô đã chết trong năm 2017 đến năm 2019 do tác động kép bùng phát sao biển gai và dị thường nhiệt của năm 2019.
Vậy trong vài năm tới thì tình hình san hô ở đây sẽ như thế nào? Liệu có còn hy vọng cứu vãn nào không?
Dự báo về rạn san hô ở Vịnh Nha Trang trong vài năm tới chắc chắn là hoàn toàn tệ (definitely negative). Không còn gì nữa. Như tôi đã nhấn mạnh ở trên, phải mất nhiều thập kỷ để phục hồi san hô với điều kiện các yếu tố phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của san hô vẫn còn được gìn giữ. Tất nhiên là chúng ta có quyền hy vọng, hy vọng là một cách thú vị do con người tạo ra để giảm bớt sự phức tạp của cuộc sống.
Nhưng tôi muốn nói nhiều về cả thực tại mà chúng ta phải đối diện. Các khu du lịch vẫn không ngừng mở rộng diện tích trên các đảo của Vịnh Nha Trang, cùng với đó là cải tạo vùng ven biển, chất lượng nước suy giảm, đánh bắt quá mức trong vịnh. Rất nhiều tàu đánh cá vẫn đang đi đánh bắt mỗi ngày, tất cả các loài săn mồi tự nhiên là thiên địch của sao biển gai đã bị ngư dân đánh bắt khỏi hệ sinh thái. Nuôi trồng thủy sản đang phát triển bùng nổ và làm tăng phú dưỡng của nước biển. Các chất thải, nước thải đô thị chưa được xử lý cũng thải ra biển, đặc biệt là phân bón từ các cánh đồng, v.v ... Quá nhiều yếu tố tiêu cực được kết hợp để ngăn cản sự phục hồi của san hô trong khu vực vịnh này.
Vậy theo ông, san hô chết trắng như thế này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới hệ sinh thái biển?
Đây là vấn đề phức tạp bởi trong một hệ sinh thái phong phú ở biển có nhiều mối liên hệ qua lại với nhau. Các rạn san hô là mái nhà của hàng ngàn sinh vật biển và sự biến mất của một môi trường sống đặc biệt như vậy sẽ dẫn đến sự biến mất của những loài khác phụ thuộc vào chúng. Cuối cùng thì bạn tưởng tượng ra là sẽ chỉ còn vùng biển trống rỗng, chỉ có nước và rác thải sinh hoạt nổi trên bề mặt. Chuyện này đã xảy ra rồi, gần đây tôi lặn ở phía đảo Hòn Tre và khi bay lên nhìn từ trên cao xuống, tôi chỉ thấy xung quanh đầy nhựa. Thật thảm họa, nhựa ở khắp mọi nơi. Không có gì khác nữa.
Chính quyền Nha Trang cho biết ngay trong ngắn hạn, giải pháp để phục hồi rạn san hô sẽ là nuôi trồng nhân tạo và khoanh vùng san hô, không cho khách du lịch tới tham quan nữa. Theo ông, hai biện pháp này có đủ?
Ý định trồng nhân tạo san hô ở Vịnh Nha Trang nghe rất ngây thơ, ít ra là như vậy. Để “nuôi trồng” thì sẽ phải lấy bao nhiêu san hô từ những rạn khác để mang về đây? Sẽ phải mang máy bay ra Côn Đảo, Phú Quốc hay ở đâu để lấy san hô về trồng? Người ta chưa hiểu rằng với quy mô của cả vịnh san hô bị tàn phá thì những điểm trồng nhân tạo nhỏ nhoi nơi đáy biển không thấm tháp gì. Việc nuôi cấy các mảnh san hô trên một số (thậm chí hàng chục) công trình nhân tạo không bao giờ có thể tiến tới quy mô lớn hàng km2 dưới biển được. Tôi chỉ biết một khu vực san hô rất nhỏ còn sống sót ở Vịnh Nha Trang nhưng thật dại dột khi “chặt phá” san hô từ chỗ này để trồng san hô ở chỗ khác trong vịnh.
Mặt khác, việc nuôi trồng san hô không phải lúc nào cũng thành công, đặc biệt là trong điều kiện hiện nay, khi chất lượng nước ở Vịnh Nha Trang chưa được cải thiện. Tỷ lệ chết của các mầm san hô trên các công trình nhân tạo có thể rất cao, đặc biệt là trong năm đầu tiên nuôi trồng. Bảo vệ tuyệt đối một khu vực mà san hô sống sót có lẽ là hoạt động đáng giá duy nhất nhưng tôi cho rằng không chỉ là bảo vệ tuyệt đối san hô khỏi sự ảnh hưởng của du lịch mà trước hết nên từ các hoạt động đánh bắt cá và nuôi trồng hải sản bởi có thể ảnh hưởng tới khu vực quý giá còn lại này.
Theo đánh giá của ông, cần đầu tư cho nghiên cứu san hô và nghiên cứu sinh thái biển, môi trường biển nói chung như thế nào để Nha Trang, và nhìn rộng ra là Việt Nam, có thể gìn giữ hệ sinh thái biển?
Về lâu dài chính phủ phải đầu tư vào nghiên cứu san hô và môi trường biển bài bản. Còn ngay lúc này, điều quan trọng là cần phản ứng kịp thời trước những rủi ro được các nhà khoa học cảnh báo trong các công bố đã đăng tải. Hôm nay, tôi đang khảo sát ở Côn Đảo, ốc đảo cuối cùng có rạn san hô tương đối khỏe mạnh ở Việt Nam. Tôi đã so sánh sơ bộ ba vùng ven biển miền Trung của Việt Nam, gồm Vịnh Nha Trang, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận (vùng ven biển Vườn quốc gia Núi Chúa) và Côn Đảo, ở phía Nam gồm các khu vực quần đảo An Thới ở phía Nam quần đảo Phú Quốc và Thổ Chu, thì chỉ còn Côn Đảo vẫn giữ được các rạn san hô trong tình trạng gần như nguyên sinh. Nhưng tôi cũng phát hiện khả năng suy giảm san hô ở đây cũng bắt đầu xuất hiện. Các nhà hàng địa phương bán rất nhiều cá hô, thậm chí cả những con trai khổng lồ được khai thác bất hợp pháp, nhưng tôi thấy không ai quan tâm.
Tôi không muốn Côn Đảo bị biến thành một Nha Trang thứ hai với sự bùng nổ phát triển du lịch và xây dựng các khu nghỉ dưỡng.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Kết quả công bố năm ngoái, phân tích ở 20 điểm cố định, khảo sát từ năm 2013 tới năm 2019, kết hợp với sử dụng công cụ lập bản đồ rạn và phân tích hệ thống thông tin địa lý GIS của GS Konstantin và cộng sự cho thấy mức độ mất san hô của Nha Trang: Độ che phủ san hô trung bình giảm 64,4% (tỉ lệ san hô biến mất dao động từ 43% đến 95%), trong đó, mức giảm mạnh nhất là hai chi san hô Acropora và Montipora, vốn là thành phần chủ yếu của rạn san hô ở vịnh Nha Trang, nay suy giảm lần lượt ở mức 80,6% và 82,3%. Mức độ suy giảm của san hô ở các điểm khảo sát trên đều nghiêm trọng, chẳng hạn tại điểm quan sát gần đảo Hòn Một, các loài san hô này đã mất hoàn toàn hoặc độ che phủ giảm bốn lần, thậm chí có chỗ giảm tới tám lần. Tình trạng suy giảm đặc biệt nghiêm trọng ở điểm khảo sát phía bắc đảo Hòn Tre, độ che phủ san hô bị mất 98% (giảm 54 lần).
Tổng diện tích rạn san hô phong phú và khỏe mạnh ở vịnh Nha Trang đã giảm từ 6,65 km2 trước những năm 1980 xuống còn 0,74 km2 vào năm 2019. Điều đó cho thấy, Nha Trang đã mất 90% san hô trong vòng chưa đầy 40 năm. 10% còn lại của quần xã san hô đang trong hai tình trạng: một số vẫn ổn định và một số tiếp tục suy giảm, mức độ che phủ của quần xã còn lại dao động từ 13 đến 50% và tính phong phú đa dạng loài giờ đây cũng suy giảm nhiều.
(1) Konstantin S. Tkachenko, Nguyen H. Huan, Nguyen H. Thanh, Temir A. Britayev, Extensive coral reef decline in Nha Trang Bay, Vietnam: Acanthaster planci outbreak: the final event in a sequence of chronic disturbances,Marine and Freshwater Research, https://doi.org/10.1071/MF20005
Theo KH&PT