Chủ nhật, 05/05/2024 06:43 (GMT+7)

Hà Nội bỏ đề xuất quy hoạch sân bay tại huyện Ứng Hòa

MTĐT -  Thứ hai, 27/12/2021 16:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đề xuất quy hoạch sân bay tai huyện Ứng Hòa đã bị hủy bỏ, hiện Hà Nội đang nghiên cứu vị trí quy hoạch sân bay thứ hai của thành phố trước năm 2030.

Thông tin trên được ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch Hà Nội đưa ra tại khi trả lời báo chí vào sáng 25/12. Ông Tuấn cho biết, Hà Nội cần có thêm một sân bay nữa hỗ trợ cho sân bay Nội Bài. Thực tế ở các thành phố hơn 10 triệu dân trên thế giới cũng thuồng có từ hai sân bay quốc tế. Thành phố đang nghiên cứu quy hoạch xác định vị trí sân bay thứ hai của Hà Nội trước năm 2030. Theo đó, quỹ đất dành cho sân bay khoảng hơn 1.000 ha, xây dựng trong giai đoạn 2030-2050.

Liên quan đến hạ tầng giao thông, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin thêm: Hà Nội tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại để khởi công giai đoạn 2025 - 2030; tập trung đầu tư các tuyến đường, công trình giao thông kết nối khu vực đô thị trung tâm với 5 đô thị vệ tinh là Sóc Sơn; Sơn Tây; Hòa Lạc; Xuân Mai; Phú Xuyên. Đồng thời kết nối Thủ đô với các tỉnh, thành thuộc vùng Thủ đô, thông qua các tuyến đường hướng tâm như quốc lộ 1, 3, 6, 21; 21B.

Hà Nội cũng đang chú trọng đến đầu tư các trục đường Tây Thăng Long, Ngọc Hồi - Phú Xuyên, đường trục phía Nam, các đường vành đai gồm Vành đai 3,5, Vành đai 4 và Vành đai 5, hệ thống cầu vượt sông gồm: Tứ Liên, Hồng Hà, Mễ Sở (Vành đai 4); cầu Đuống 2 (trên quốc lộ 1A cũ)... Tuyến Vành đai 4 được hình thành sẽ có ý nghĩa rất quan trọng góp phần cải thiện giao thông quá cảnh qua TP để thay thế cho Vành đai 3 và cầu Thanh Trì đang quá tải.

Hà Nội cũng sẽ đầu tư các nút giao thông trọng điểm giao cắt giữa đường hướng tâm và đường vành đai; các nút giao thông trọng yếu; các tuyến đường trục chính đô thị, liên khu vực, có tính kết nối.

tm-img-alt
Đề xuất quy hoạch sân bay tai huyện Ứng Hòa đã bị hủy bỏ. (Ảnh:Internet)

Tại 5 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì chuẩn bị lên quận trong thời gian tới, TP sẽ từng bước đầu tư đồng bộ mạng lưới giao thông tại những khu vực còn yếu kém.

Cùng với đó, Hà Nội tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại để khởi công giai đoạn 2025 - 2030. Cụ thể, tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi đang lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật. Dự án được nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng vào cuối năm 2002 với tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng, phân kỳ thành 3 giai đoạn. Sau gần 20 năm, dự án đã nhiều lần điều chỉnh phân kỳ đầu tư và tổng mức đầu tư.

Tuyến số 3 đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai dài 8,7km đi ngầm toàn bộ theo hành lang Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Tam Trinh. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2023 đến 2028.

Tuyến metro số 5 Văn Cao - Hòa Lạc là đường sắt đô thị tiêu chuẩn đường đôi, điện khí hóa, gồm 6,5km đi ngầm, 2km đi trên cao và 29km đi trên mặt đất. Tuyến đi qua các quận: Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và các huyện: Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất. Dự án đang được Hội đồng thẩm định nhà nước đánh giá, nếu được thông qua chủ trương đầu tư, sẽ khởi công vào năm 2022 và dự kiến vận hành 2026.

Trước đó, huyện Ứng Hòa từng được đề xuất là vị trí quy hoạch sân bay thứ hai của Hà Nội. Trong quy hoạch vùng thủ đô, đây cũng là một trong bốn địa điểm sân bay đã được xác định. Song hiện nay, thành phố đã bỏ đề xuất quy hoạch sân bay tại Ứng Hòa sau khi xác định sơ bộ khu vực này không phù hợp do điều kiện vùng trời không đảm bảo hoạt động bay.

Các vị trí khác mà thành phố đang nghiên cứu thay thế Ứng Hòa nằm tại một số huyện phía Đông và Đông Nam như Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Oai...

Lãnh đạo Hà Nội cũng xác nhận, Hà Nội sẽ đồng tình nếu quy hoạch ngành xác định vị trí sân bay thứ hai nằm ở các tỉnh bên ngoài Hà Nội. Bởi mục tiêu của sân bay thứ hai là phục vụ nhu cầu người dân cả các tỉnh lân cận như Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình...

Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho biết, dự kiến công suất của sân bay Nội Bài sẽ nâng lên 60-65 triệu hành khách đến năm 2030 và đạt 100 triệu hành khách đến năm 2050. Để đáp ứng dự thảo này, Hà Nội sẽ phải thu hồi đất, mở rộng diện tích đất sân bay gấp đôi quy mô hiện nay. Thành phố sẽ quyết tâm thực hiện mục tiêu này.

Trước đó, khi trình Chính phủ quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất quy hoạch sân bay thứ hai hỗ trợ cho Nội Bài về phía đông nam Hà Nội. Theo đó, công suất của sân bay này là 50 triệu hành khách/năm đến 2050.

Hoài Thu (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội bỏ đề xuất quy hoạch sân bay tại huyện Ứng Hòa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khu công nghiệp trước sức ép "nâng tầm"
Việc chuyển đổi dần từ khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái không chỉ khắc phục được những hạn chế về môi trường, mà còn gia tăng chuỗi giá trị và thu hút được dòng vốn đầu tư bền vững.