Hà Nội thiệt hại hàng trăm tỷ sau trận mưa ngập nửa tháng
Sau hơn nửa tháng, một số nơi ở ngoại thành Hà Nội vẫn ngập lụt. Hơn 10 tuyến đê xung yếu cần hàng trăm tỷ để xử lý khẩn cấp.
Tại cuộc họp giao ban báo chí Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chiều 7/8, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ tiếp tục khẳng định một số huyện của Hà Nội ngập lụt không phải do hồ thủy điện Hòa Bình xả lũ.
Theo báo cáo, tình hình ngập úng gây ảnh hưởng hơn 4.600 hộ (hơn 22.400 người dân). Riêng huyện Chương Mỹ ước tính tổng thiệt hại hơn 264 tỷ đồng. Tình trạng gập lụt vẫn còn khá nghiêm trọng ở một số nơi.
Nhiều nguyên nhân ngập lụt kéo dài ở các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức... của Hà Nội được cơ quan chức năng đưa ra như mưa lũ lớn, khả năng thoát nước của các sông kém, một số sông liên kết cũng bị lũ dâng, cơ sở hạ tầng lấn chiếm hành lang thoát nước...
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, trả lời báo chí chiều 7/8. Ảnh: Thắng Quang. |
Khả năng thoát nước của sông chính hạn chế
Theo ông Chu Phú Mỹ, lượng mưa lũ lớn từ huyện Kim Bôi (Hòa Bình) tràn về huyện Mỹ Đức; từ huyện Lương Sơn (Hòa Bình) tràn về huyện Chương Mỹ dẫn đến tình trạng ngập lụt nghiêm trọng như nhiều ngày qua.
Bên cạnh đó, khả năng thoát nước của các sông chính kém. Theo hệ thống sông này, sông Bùi đổ ra sông Tích, sau đó ra sông Đáy. Do vậy, khả năng thoát nước sông Bùi phụ thuộc vào khả năng thoát nước của sông Đáy.
Tuy nhiên, sông Đáy là đổ ra sông Hồng qua sông Đào, sông Đáy còn đổ ra sông Hoàng Long (Ninh Bình). Trong khi đó, một phần lũ ở sông Hoàng Long dâng cao nên cửa thoát của sông Đáy bị hạn chế.
“Một vấn đề nữa là trong quá trình phát triển, hệ thống cơ sở hạ tầng đã lấn ra hành lang thoát nước của các sông, làm giảm khả năng thoát lũ. Việc này không chỉ xảy ra ở sông Bùi mà ở nhiều sông khác trên cả nước”, ông Mỹ nói.
Trả lời báo chí về phương án khắc phục, lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội cho hay nâng cấp đê tả và hữu Bùi để bảo vệ người dân đã được UBND Hà Nội, Sở Nông nghiệp, các cơ quan liên quan thông qua nhưng cần nghiên cứu đánh giá chi tiết để thực hiện.
Cần 447 tỷ nâng cấp đê sông Bùi
Tại cuộc họp báo, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho hay khu vực hữu Bùi phần lớn diện tích nằm trong vùng trũng thấp, bị ảnh hưởng nặng nề của lũ. Nhiều năm qua chưa có giải pháp nào để giải quyết triệt để.
UBND huyện Chương Mỹ kiến nghị TP cần có giải pháp để người dân 4 xã sống bên đê hữu Bùi là Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Thủy Xuân ổn định sinh sống yên tâm sản xuất, sinh hoạt trong điều kiện buộc phải "sống chung với lũ".
Huyện Chương Mỹ cần hơn 447 tỷ đồng để xử lý khẩn cấp 11 tuyến đê xung yếu bị tràn và lở. Đầu tư xây dựng trụ sở UBND xã Nam Phương Tiến; tu bổ 5 di tích lịch sử văn hóa và nhà văn hóa bị xuống cấp.
Huyện Chương Mỹ cần hơn 447 tỷ đồng nâng cấp đê chống lũ. Ảnh: Quỳnh Trang - Phạm Thắng. |
Về lâu dài, ông Hùng chia sẻ địa phương cùng với thành phố đang tính toán cải tạo, nâng cấp cả đê tả Bùi và hữu Bùi bằng cừ bê-tông dự ứng lực. Từ nay đến năm 2019, Hà Nội thí điểm đầu tư một đoạn đê xung yếu nhất của đê tả Bùi có chiều dài khoảng 1.500 m, từ cầu Bến Cốc đến hết tràn Thanh Bình.
“Việc di dời hàng chục nghìn hộ dân trong vùng lũ này là phương án tốt nhất cũng đã được tính đến. Tuy nhiên, di dân cũng cần tính tới tâm lý, phong tục tập quán sinh sống, sản xuất cho người, tìm khu vực mới để dân ổng định”, ông Hùng nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Đỗ Đức Thịnh, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội, thông tin thêm hiện mực nước trên sông Tích, sông Bùi đang ở mức cao. Để hạn chế mức thấp nhất về người và tài sản của nhân dân khi tình huống xấu nhất có thể xảy ra, các huyện trong khu vực sông nói trên cần chủ động thực hiện phương án di dời người dân ra khỏi các khu vực vùng trũng, thấp, các vị trí nguy hiểm để đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Theo Zing