Thứ năm, 02/05/2024 04:43 (GMT+7)

Hải Dương khẩn trương ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp

MTĐT -  Thứ bảy, 29/10/2022 15:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc thu hút các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh phải đảm bảo các dự án có công nghệ tiên tiến, hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Ngày 28/10, tại phiên họp thường kỳ tháng 10/2022 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản đề nghị Sở Công Thương khẩn trương tiếp thu ý kiến các sở, ngành, địa phương để hoàn thiện dự thảo Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, muộn nhất ngày 15/11 phải ban hành quy chế này.

Các ý kiến tại cuộc họp đều nhất trí về sự cấp thiết phải ban hành quy chế nhằm khắc phục bất cập trong quản lý nhà nước và nâng cao hiệu quả quản lý đối với các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Dự thảo có 5 chương, 24 điều. Theo đó, sẽ quy định việc xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phát triển cụm công nghiệp, quy định, quy chế, đề án, các chính sách liên quan đến cụm công nghiệp và chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoặc nguy cơ ô nhiễm trong làng nghề di dời vào cụm công nghiệp.

Sở Công Thương Hải Dương đề xuất đối với các cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Nếu chủ đầu tư không triển khai các bước theo kế hoạch hoặc chậm so với tiến độ thì Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan phân tích nguyên nhân và báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét xử lý theo quy định.

Việc thu hút các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh phải đảm bảo các dự án có công nghệ tiên tiến, hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao, thân thiện với môi trường và phải đảm bảo đồng bộ, thống nhất với việc triển khai, thực hiện phát triển tổng thể ngành công nghiệp, thương mại của tỉnh và Đề án “Phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo dự thảo, đối với các cụm công nghiệp chưa có chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt; đề xuất điều chỉnh quy mô, diện tích và quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp cho phù hợp với tình hình thực tế; kịp thời ngăn chặn và xử lý vi phạm, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm của các nhà đầu tư thứ cấp trong cụm công nghiệp.

Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp xã có cụm công nghiệp bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án trong cụm công nghiệp; kiểm tra các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh trong việc chấp hành, thực hiện các quy định của pháp luật; kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm…

Sở Công Thương phối hợp với cơ quan liên quan thẩm định trình Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và điều chỉnh, thu hồi quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp theo quy định; phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện thực hiện quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn, hướng dẫn việc quản lý, thu phí hạ tầng kỹ thuật.

Cùng đó, Sở Công Thương cũng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và đơn vị có liên quan tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp không có chủ đầu tư; phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn thực hiện đầu tư, hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, quản lý các dự án sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp theo quy định.

Sở Công Thương Hải Dương cũng đề xuất, đối với các cụm công nghiệp có thể mở rộng để thu hút nhà đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp huyện phối hợp với Sở Công Thương, các sở ngành điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện kêu gọi đầu tư, tham mưu cho tỉnh lựa chọn, giao chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Với các cụm công nghiệp không còn quỹ đất mở rộng, Ủy ban nhân dân cấp huyện phối hợp với Sở Công Thương và các ngành đánh giá đề xuất: Trường hợp cụm công nghiệp ở gần trung tâm, gây ô nhiễm môi trường, không còn quỹ đất để xây dựng hệ thống xử lý nước thải và hạ tầng kỹ thuật, cần xây dựng kế hoạch di dời các doanh nghiệp này đến các cụm công nghiệp khác có chủ đầu tư hạ tầng.

Nếu cụm công nghiệp còn quỹ đất để xây dựng hệ thống xử lý nước thải và hạ tầng kỹ thuật, Sở Công Thương phối hợp với Ủy ban cấp huyện, các sở ngành liên quan đề nghị điều chỉnh quy mô diện tích, quy hoạch chi tiết và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải và hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản giao Sở Công Thương và Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh tiếp thu các ý kiến, chỉnh sửa dự thảo quy chế, gửi lấy các ý kiến thành viên ủy ban, lấy ý kiến các địa phương, chậm nhất ngày 15/11 phải ban hành quy chế này.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng nhấn mạnh trong quy chế cần nêu rõ từng sở ngành chủ trì quản lý từng lĩnh vực, Sở Công Thương là cơ quan đầu mối. Các quy định cần chia 2 nhóm gồm: Cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư hạ tầng và cụm công nghiệp chưa có chủ đầu tư hạ tầng. Những vấn đề không nêu trong quy chế thì thực hiện theo các quy định của pháp luật./.

Bạn đang đọc bài viết Hải Dương khẩn trương ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Mạnh Minh/TTXVN

Cùng chuyên mục

Tin mới