Thứ năm, 02/05/2024 14:08 (GMT+7)

Hải Dương: Tổ chức Lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc

Đồng Diệp Anh -  Thứ năm, 17/02/2022 16:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng 17.2 ( tức 17 tháng giêng), Ban Tổ chức các nghi lễ mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2022 tổ chức Lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc.

Lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc - BaoHaiDuong
Ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng một số lãnh đạo Sở ban ngành tỉnh Hải Dương dâng hương tại Trung Nhạc miếu

Buổi lễ được thực hiện trang nghiêm, đúng nghi thức truyền thống và bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19. Trước đó, việc trang trí khánh tiết được Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc chuẩn bị chu đáo.

7 giờ 30, đoàn tế lên núi Ngũ Nhạc. Do không tổ chức các phần hội để bảo đảm an toàn dịch bệnh nên một số nghi thức đã được rút gọn. Đoàn tế dâng hương tại núi Ngũ Nhạc, Bắc Nhạc miếu. Tại Trung Nhạc miếu, đoàn cử hành nghi lễ tế trời đất, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bệnh tật tiêu trừ.

Kết thúc lễ tế, lãnh đạo tỉnh Hải Dương phát ngũ cốc cho đại diện các sở, ban, ngành, địa phương và du khách. Ngũ cốc gồm 5 loại hạt do Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc chuẩn bị gồm: thóc, ngô, đỗ, lạc, vừng, ứng với thổ, kim, mộc, hỏa, thủy trong ngũ hành.

Lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc - BaoHaiDuong
Ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát ngũ cốc cho lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh

Thượng tọa Thích Thanh Vân, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương cho biết, ngũ cốc là tinh túy, cao quý nhất trong các loại hạt để nuôi sống muôn loài. Ngũ cốc là vật phẩm linh thiêng dâng cúng tế Phật, lễ thánh, trời đất.

Sau lễ tế trời đất tại Trung cung, đoàn tế dâng hương tại Tây Nhạc miếu, Đông Nhạc miếu, Nam Nhạc miếu và kết thúc bằng lễ dâng hương tại đền thờ Trần Nguyên Đán, đền thờ Nguyễn Trãi.

Núi Ngũ Nhạc nằm ở phía đông bắc chùa Côn Sơn cao 238 m, trải dài từ bắc xuống nam. Ngũ Nhạc có 5 đỉnh, mỗi đỉnh có 1 miếu thờ thần tự nhiên là Ngũ Phương Ngũ Lão Quân (Thanh Đế ở phương đông, Bạch Đế ở phương tây, Hắc Đế ở phương bắc, Xích Đế ở phương nam và Hoàng Đế ở trung tâm). Các miếu mang chức năng quản việc cát, hung, họa, phúc, thống lĩnh muôn loài và chủ quản cây cối, núi rừng, khe vực. Trong tín ngưỡng dân gian, tế trời đất tại núi Ngũ Nhạc là để cầu phúc, tránh họa, mong cho phong đăng, hòa cốc, quốc thái dân an.

Lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc - BaoHaiDuong
Nhân dân thắp hương tại Nam Nhạc miếu

Tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc là một nghi lễ đặc biệt quan trọng, đặc trưng của các nghi lễ mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc. Bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết nghi lễ được phục dựng từ năm 2006 và tạo được ấn tượng sâu sắc trong nhân dân cùng du khách thập phương.

Từ thế kỷ XIV, Côn Sơn đã trở thành một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Thiền phái Trúc Lâm - một Thiền phái của người Việt góp phần làm nên sức mạnh Đông A - điểm tựa tinh thần cho quân dân Đại Việt giữ vững nền độc lập chủ quyền trước âm mưu xâm lược của các thế lực ngoại xâm phương Bắc. Nơi đây, cứ mỗi độ xuân về, đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài lại nô nức về trẩy hội, thắp nén tâm hương.

Chính vì giá trị đặc biệt, năm 1962, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia . Năm 2012, khu di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Lễ hội chùa Côn Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc - BaoHaiDuong
Phong cảnh Côn Sơn nhìn từ núi Ngũ Nhạc

Côn Sơn, Kiếp Bạc là hai di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của quốc gia; thời Trần thuộc huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang, thời Lê đổi thành huyện Phượng Nhỡn, thuộc thừa tuyên Bắc Giang, sau là trấn Kinh Bắc. Khu Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc nay thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Sách Cao Biền di cảo và Chí Linh phong vật chí chép rằng: Côn Sơn, Kiếp Bạc mạch tự Huyền Đinh, thế ngăn Đông Bắc, bốn phương quy phục, núi sông kỳ hình kỳ dạng, long bàn, hổ cứ, như muôn quân nghìn tướng chầu về… ở đất này sẽ được hưởng phúc muôn đời… Khu Di tích danh thắng Côn Sơn bao gồm cả núi Kỳ Lân liền kề; đền Kiếp Bạc tựa lưng vào núi Trán Rồng, trước mặt là sông Lục Đầu. Côn Sơn - Kiếp Bạc lại tiếp giáp với dãy núi Phượng Hoàng và núi Rùa (phía Tây Bắc), tạo thành một vùng đất quần tụ đủ tứ linh, ngũ nhạc, lục đầu giang. Đó là sự sắp đặt kỳ diệu của tạo hóa đối với Khu Di tích danh thắng Côn Sơn - Kiếp Bạc - Phượng Hoàng với sông núi thị xã Chí Linh

Đây là vùng đất lịch sử còn mãi âm vang những chiến công lừng lẫy trong ba lần quân dân Nhà Trần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII. Côn Sơn, Kiếp Bạc còn là vùng danh sơn huyền thoại, với những thắng cảnh tuyệt vời, những di tích cổ kính, gắn liền với thân thế, sự nghiệp của Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi, hai vị anh hùng dân tộc kiệt xuất đã làm rạng rỡ cho non sông đất nước, cùng với nhiều danh nhân văn hóa của dân tộc: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, Trần Nguyên Đán...

Nếu như Khu Di tích lịch sử Kiếp Bạc là một trung tâm nội đạo thờ Đức thánh Trần thì Khu Di tích Côn Sơn là một trong những trung tâm Phật giáo của dòng thiền phái Trúc Lâm Đại Việt mà Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông  sáng lập ở thế kỷ XIV. Côn Sơn còn là nơi thờ quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán và Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Côn Sơn, Kiếp Bạc là một trong những khu di tích tiêu biểu kết tinh tư tưởng tam giáo đồng nguyên: Phật giáo - Đạo giáo - Nho giáo cùng hòa đồng, mục đích là quy tụ nhân tâm, lấy thần quyền phục vụ cho vương quyền, củng cố tư tưởng độc lập tự chủ của dân tộc.

Côn Sơn là mảnh đất lịch sử lâu đời. Hơn một ngàn năm trước, Định Quốc Công Nguyễn Bặc, thủy tổ của dòng họ Nguyễn Trãi đã lập căn cứ ở đây để đánh sứ quân Phạm Phòng Át, giúp Đinh Tiên Hoàng thống nhất đất nước vào năm 968.

Cùng với Yên Tử, Quỳnh Lâm và Thanh Mai, Côn Sơn là chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm, một thiền phái mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Đệ nhất tổ - Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, Đệ nhị tổ - Pháp Loa tôn giả và Đệ tam tổ - Huyền Quang tôn giả đã về đây hoằng dương thuyết pháp, xây dựng chùa Hun thành chốn tổ đình gọi là liêu Kỳ Lân, một thiền viện lớn nổi tiếng của Triều Trần.

Côn Sơn là mảnh đất có bề dày văn hóa hiếm có. Ở đây, văn hóa Phật giáo, văn hóa Nho giáo và văn hóa Lão giáo cùng tồn tại và phát triển qua nhiều thế kỷ, nhưng tất cả đều thấm đẫm bản sắc văn hóa Việt, đều để lại dấu ấn qua mỗi công trình xây dựng, qua từng chi tiết kiến trúc trên các bia đá, tượng thờ, hoành phi, câu đối…Văn hóa Lý - Trần, văn hóa Lê - Nguyễn được bảo tồn khá nguyên vẹn ở các tầng văn hóa dưới lòng đất. Di sản văn hóa phi vật thể quý giá ở Côn Sơn lưu giữ trong sách vở, trong các truyền thuyết và các nghi thức cúng tế, trong các hoạt động lễ hội vô cùng phong phú. Hiếm ở đâu có nhiều trí thức, những nhà văn hóa đến thăm viếng như ở Côn Sơn. Trần Nguyên Đán - quan Đại tư đồ phụ chính, nhà thơ, nhà lịch pháp lớn thời Hậu Trần đã về Côn Sơn dựng Thanh Hư động để lui nghỉ những năm tháng cuối đời. Thời Lê sơ, Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi đã gắn bó cả cuộc đời, sự nghiệp với Côn Sơn. Lê Thánh Tông, vị minh quân và là Tao Đàn nguyên súy (thời Lê sơ); Thánh thơ Cao Bá Quát (thời Nguyễn)... đều đã đến đây vãng cảnh, làm thơ, để lại những thi phẩm giá trị. Tháng 2 năm 1965, Hồ Chủ tịch về thăm Côn Sơn. Người đã lên thăm Thạch Bàn, Thanh Hư động và đọc văn bia trước cửa chùa Hun, bằng sự trân trọng thiêng liêng và niềm giao cảm đặc biệt với cổ nhân.

Người xưa từng đúc kết: “Núi chẳng cần cao có tiên ắt nổi tiếng. Nước chẳng cần sâu có rồng ắt thiêng”. Mỗi sự vật, di tích ở Côn Sơn đều lấp lánh ánh sáng của Nguyễn Trãi - Sao Khuê; mỗi địa danh ở Côn Sơn đều in đậm dấu ấn thiêng liêng, áng thi văn, cổ thoại, truyền thuyết ly kỳ và những sự tích bất hủ của những danh nhân kim cổ. Những di tích và tên tuổi các danh nhân, của Trúc Lâm Tam Tổ, đặc biệt là của Nguyễn Trãi, đã nâng tầm vóc Côn Sơn trở thành quốc tự, thành di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia, thành “một cõi đi về” trong đời sống tâm hồn của muôn triệu người dân Việt.

Cảnh sắc thiên nhiên và con người tạo dựng đã làm cho Côn Sơn thành một “Đại thắng tích”. Ở đây, có núi Kỳ Lân và Ngũ Nhạc, với rừng thông bát ngát, suối chảy rì rầm, nước hồ trong mát; có Bàn Cờ Tiên, Thạch Bàn, Giếng Ngọc, có Ngũ Nhạc linh từ... Cũng vì Côn Sơn cảnh vật tốt tươi, “sắc ngàn ráng đỏ, rừng gấm cuốn, cỏ lụa giăng”, chùa chiền cổ bích, am pháp thâm nghiêm, u tịch và tao nhã, nước biếc, non xanh, hữu tình và hoà hợp, thành miền thắng cảnh làm say đắm hồn người, là nơi con người có thể gửi gắm ước nguyện tâm linh, thoả chí hướng và rung động tâm hồn. Cho nên, từ bao đời nay, mùa trảy hội, “trai thanh gái lịch đi lại đông như mắc cửi”; bao thi nhân, trí giả tìm về  rồi ở đó, nghiền ngẫm và xúc cảm viết lên những trước tác có giá trị sâu sắc, những áng thơ văn tuyệt đẹp. Ở đây, Huyền Quang viết kinh, thuyết pháp, làm thơ; Trần Nguyên Đán nghiên cứu nông lịch và viết “Băng Hồ ngọc hác tập”, Nguyễn Phi Khanh viết “Thanh Hư động ký” và Nguyễn Trãi viết “Côn Sơn ca” cùng nhiều thi ca xứng là kiệt tác./.

Bạn đang đọc bài viết Hải Dương: Tổ chức Lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh

Tin mới