Thứ sáu, 26/04/2024 07:19 (GMT+7)

Hậu Giang: Tăng cường phòng chống, tích cực ứng phó hạn, mặn

Song Lam -  Thứ bảy, 25/02/2023 14:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước mùa khô năm nay, Hậu Giang đã lên phương án để chủ động ứng phó nguy cơ hạn hán, mặn xâm nhập. Cùng với hệ thống thủy lợi được đưa vào khai thác, vận hành thời gian qua, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

tm-img-alt
Hệ thống cống ngăn mặn tuyến đê bao Ô Môn - Xà No và Long Mỹ - Vị Thanh sẵn sàng vận hành đóng lại khi có nước mặn xâm nhập.

Theo Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Hậu Giang, lưu lượng dòng chảy từ sông Hậu vào tỉnh Hậu Giang từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 2-2023 ở mức cao hơn cùng kỳ năm ngoái từ 3-5%, cao hơn trung bình nhiều năm từ 6-12% và giảm so đầu tháng 2 từ 3-5%.

Xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng tới huyện Long Mỹ và xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, do đó khả năng cung cấp nước mặt cho sinh hoạt, công nghiệp dịch vụ, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản sẽ thiếu nhẹ ở huyện Long Mỹ từ 1,5-3,5% và thành phố Vị Thanh từ 0,5-1,5%.

Theo nhận định của các chuyên gia ngành khí tượng thủy văn, do tác động của biến đổi khí hậu nên mùa khô kết hợp với nước mặn xâm nhập ở đồng bằng sông Cửu Long có thể đến sớm và gay gắt hơn mọi năm.

Tại huyện Phụng Hiệp, qua rà soát năm nay huyện có gần 20.000ha đất sản xuất có nguy cơ bị hạn và mặn đe dọa. Chính vì thế thời gian qua, chính quyền địa phương và người dân nơi đây đã triển khai nhiều giải pháp để chủ động ứng phó.

Để chủ động ứng phó với tình hình hạn và mặn xâm nhập, năm 2023 từ nguồn thủy lợi phí tỉnh phân bổ, huyện Phụng Hiệp sẽ đầu tư khoảng 16 tỉ đồng để xây dựng 4 trạm bơm, 4 cống hở, nạo vét 2 tuyến kênh thủy lợi tạo nguồn và sửa chữa nâng cấp các trạm bơm, cống hở ở các địa bàn: Xã Phương Phú, Phương Bình, Tân Phước Hưng, Hiệp Hưng và thị trấn Búng Tàu. Các công trình được đầu tư trong năm nay kết hợp với các công trình được đầu tư trước đó sẽ khép kín khoảng 46,5% diện tích đất sản xuất của huyện.

Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Các công trình thủy lợi được đầu tư trong những năm gần đây sẽ đảm bảo cho khoảng 22.000ha đất sản xuất của huyện. Số còn lại khoảng 20.000ha đất sản xuất khả năng sẽ bị hạn và mặn đe dọa nếu mùa khô diễn ra cực đoan.

Chính vì thế, thời gian qua ngành nông nghiệp huyện cũng đã tham mưu cho UBND huyện giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn thực hiện nạo vét thủy lợi nội đồng. Bên cạnh đó vận động người dân chủ động gia cố các bờ bao cá thể để tích trữ nước ngọt vượt qua mùa khô năm nay.

Bên cạnh các giải pháp về công trình thì thời gian qua huyện Phụng Hiệp đã củng cố lại Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện, phân công cán bộ trực và quan trắc nồng độ mặn 3 ngày/lần tại các điểm cố định.

Thường xuyên theo dõi App cảnh giác mặn của tỉnh để nắm bắt tình hình nước mặn tại các cống trên địa bàn tỉnh để dự báo ranh mặn từ xa, thông báo kịp thời cho nông dân khi có mặn xâm nhập vào địa bàn để chủ động lấy nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Hiện nay, mặc dù nồng độ mặn trên địa bàn huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh đối với khu vực sản xuất trong đê bao chưa đáng lo ngại, nhưng theo dự báo của cơ quan chức năng tỉnh thì tình hình xâm nhập mặn từ nay đến cuối tháng 2 này sẽ diễn biến rất phức tạp.

Vì vậy, ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động người dân phòng, chống xâm nhập mặn có hiệu quả vào từng thời điểm cụ thể. Bên cạnh vận hành các cống tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh, Ô Môn - Xà No, ngành chức năng cũng sẽ tính toán đến việc đắp đập thời vụ khi độ mặn ngoài sông, kênh đạt mức 1,5‰ để đảm bảo nước mặn không làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Theo UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết: Để ứng phó với mùa khô năm nay, thời gian qua huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời có công văn gửi các địa phương dọc các tuyến Quản Lộ Phụng Hiệp tổ chức kiểm tra lại các cống đập, vận động người dân có giải pháp tích trữ nước ngọt trong các ao mương cá thể để phục vụ sản xuất.

Song song đó, cử cán bộ quan trắc nồng độ mặn tại các khu vực nhất định, khi nồng độ mặn vượt ngưỡng cho phép sẽ tiến hành đóng các cống ngăn mặn để bảo vệ tốt diện tích đất sản xuất.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, dự báo dòng chảy về đồng bằng giảm nhanh các tháng đầu mùa kiệt, mặn đã lên sớm ở tháng 12/2022 và tiếp tục tăng cao trong tháng 2/2023. Cụ thể, vùng thượng ĐBSCL, bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ có thuận lợi hơn về nguồn nước so với các vùng khác trên đồng bằng. Dự báo tháng 2/2023, mực nước bình quân có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều năm trên dưới 10cm.

Vùng giữa ĐBSCL, bao gồm phần đất thuộc thành phố Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre.

Các vùng ven sông Tiền và sông Hậu có thể còn bị ảnh hưởng bởi triều cường từ ngày 19 đến 23-2-2023. Tháng 2 mặn với nồng độ 4‰ có thể xâm nhập sâu 45-60km; nếu thượng lưu vận hành xả nước bất thường có thể làm mặn vào sâu 50-65km làm ảnh hưởng đến việc lấy nước của các cống lấy nước.

Vùng ven biển ĐBSCL bao gồm ven biển các tỉnh ven biển ĐBSCL (Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang) được xem là có thể bị ảnh hưởng đến sản xuất cả mặn và ngọt ở vùng này. Mặn bất thường, hạn hán thiếu nước có thể xảy ra ở các vùng chưa có hoàn chỉnh hệ thống kiểm soát mặn. Tháng 2 mặn vào sâu 45-60km; từ tháng 3 mặn gia tăng chủ yếu khu vực sông Vàm Cỏ, mặn có thể xâm nhập 65-75km. Vì vậy, cần tăng cường công tác giám sát mặn và cần cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên.

Từ ngày 16 đến 23/2/2023, mặn có xu thế cao hơn so với tuần trước, các địa phương cần chú ý vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn, kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước tưới, sử dụng nước tiết kiệm và tranh thủ tích ngọt khi có thể đề phòng mặn còn tiếp tục dâng cao hơn ở các kỳ triều cường giai đoạn từ ngày 5 đến 9/3 và 21 đến 25/3.

Bạn đang đọc bài viết Hậu Giang: Tăng cường phòng chống, tích cực ứng phó hạn, mặn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.