Thứ năm, 02/05/2024 19:10 (GMT+7)

Hoạt động 6 tháng năm 2021 của Hội Môi trường KV miền Trung-TN

MTĐT -  Thứ ba, 06/07/2021 17:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thời gian qua Hội Môi trường Đô thị và KCN Khu vực miền Trung - Tây Nguyên (Hội Khu vực) đã giữ vững được sự kết nối giữa các địa phương, các đơn vị hội viên, liên kết cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ.

Quá trình đô thị hóa, đi kèm với sự phát triển cơ sở hạ tầng, gia tăng dân số ở các thị trấn, thị xã, thành phố và yêu cầu xây dựng nông thôn mới, kết hợp nâng cao chất lượng cuộc sống ở vùng ven, vùng nông thôn đã làm cho công tác môi trường đô thị gặp nhiều khó khăn, chịu nhiều áp lực của xã hội.

Trong khi yêu cầu nguồn lực cho đổi mới công nghệ thu gom, xử lý chất thải, cơ chế đấu thầu thực hiện đúng quy định của nhà nước; công tác xã hội hóa về môi trường; đặc biệt đại dịch COVID-19 xảy ra từ cuối năm 2019 đến nay trên phạm vi toàn cầu với nhiều diễn biến vô cùng phức tạp chưa có điểm dừng là những thách thức lớn đặt ra cho các đơn vị trong ngành, đồng thời cũng là cơ hội để các đơn vị thể hiện được vai trò của mình với cộng đồng và chính quyền địa phương.

Trong thời gian qua Hội Môi trường Đô thị và KCN Khu vực miền Trung - Tây Nguyên (Hội Khu vực) đã giữ vững được sự kết nối giữa các địa phương, giữa các đơn vị hội viên, tạo quan hệ, liên kết hợp tác, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm theo ngành nghề cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ.

I. Một số kết quả đạt được 6 tháng đầu năm 2021

1. Công tác tổ chức Hội

Tháng 4 năm 2021, Hội khu vực đã kết nạp thêm 01 Hội viên: Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Môi trường MD, Quảng Ngãi. Hiện nay số lượng hội viên là 28 đơn vị với gần 9000 CBCNV. Trong quá trình hoạt động của Hội, Thường trực Hội đã thực hiện đúng Điều lệ của Hiệp Hội và Quy chế hoạt động của Hội Khu vực về phát triển hội viên và các quy định về sinh hoạt. Thường trực Hội gồm 9 đồng chí duy trì sinh hoạt thường xuyên, thay mặt BCH điều hành các hoạt động Hội.

Các đơn vị chi hội được sinh hoạt thành 4 cụm gồm: Cụm 1: các đơn vị Bắc Trung bộ; Cụm 2: các đơn vị Trung Trung bộ; Cụm 3: các đơn vị Nam Trung bộ; Cụm 4: các đơn vị Tây Nguyên. Các đơn vị luôn giữ mối quan hệ thường xuyên, luôn trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn trong lĩnh vực môi trường đô thị; hỗ trợ nhau về thiết bị, nhân lực để hoàn thành nhiệm vụ, nhất là những thời điểm khắc phục hậu quả bão lụt, ứng phó với đại dịch COVID-19.

Các đơn vị hội viên thuộc Khu vực đã chủ động tham mưu cho Cấp ủy, chính quyền đề ra các chủ trương, nghị quyết và biện pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ môi trường đô thị ở từng địa phương để đạt được hiệu quả cao. Đồng thời đã chủ động lập kế hoạch và biện pháp cụ thể về các phong trào vệ sinh môi trường của địa phương mình để tuyên truyền trong nhân dân cùng tham gia làm sạch và bảo vệ môi trường.

2. Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021 của các đơn vị Hội viên

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tuy còn nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác nhưng các đơn vị Hội viên Hội Miền Trung- Tây Nguyên đã có nhiều nỗ lực, thực hiện thắng lợi Kế hoạch sản xuất kinh doanh đã đề ra. Các chỉ tiêu cơ bản như Doanh thu, Đóng góp ngân sách, Lợi nhuận đều đạt và vượt so với cùng kỳ năm trước, đạt Kế hoạch đã đề ra. Thu nhập của người lao động cơ bản năm nay cao hơn năm trước.

3. Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải

- Về công tác thu gom rác thải

Nhiều đơn vị đã thực hiện cơ giới hóa, đầu tư xe tải nhỏ để thu gom rác; xe đạp có trợ lực bằng điện đối với công nhân nhặt rác ngày (Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế). Hình thức thu gom bằng cơ giới đã góp phần cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, tăng năng suất lao động. Tùy đặc thù mỗi địa phương, các đơn vị đã điều chỉnh thời gian thu gom rác hợp lý nhằm giảm thiểu sự phát sinh ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

Từ tháng 6/2021, Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế tiến hành triển khai thí điểm mô hình nhặt rác ban ngày tại các tuyến đường trung tâm thành phố Huế bằng xe đạp điện trợ lực

Tại một số đơn vị, các trạm trung chuyển rác đang dần bị thu hẹp và sẽ bị xóa toàn bộ đã ảnh hưởng lớn đến quá trình thu gom vận chuyển rác tại các khu dân cư; thay vào đó nhiều đơn vị đã tạo các điểm tập kết tạm thời trên đường phố để chờ xe đến nâng (gọi là điểm chờ), 1 số điểm được che chắn bằng các bảng pa – nô có các hình tượng, phong cảnh bảo vệ môi trường tạo nên cảnh quan đẹp và góp phần tuyên tuyền trong nhân dân; còn hầu hết vẫn còn nhếch nhác.

Từ ngày 01/7/2021, địa giới hành chính của thành phố Huế mở rộng gấp 3 lần, nhiều đơn vị hành chính cấp xã từ các huyện và thị xã lân cận thành phố trở về trực thuộc thành phố Huế. Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế đã chủ động nắm bắt địa bàn, mạng lưới; điều chính, bổ sung nhân lực và đã bổ sung nhiều phương tiện, thiết bị chuyên dùng để có thể nắm bắt, đáp ứng đầy đủ, kịp thời những yêu cầu của chính quyền địa phương trong công tác đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường.

- Công tác thu tiền thu gom và vận chuyển rác thải

Hiện nay, các đơn vị đã và đang tập trung chuyển đổi sang sử dụng Hóa đơn điện tử theo quy định trong năm 2021. Bên cạnh đó, một số đơn vị đã triển khai liên kết thu qua Ngân hàng thông qua các ví điện tử như Momo, VNPT pay, Viettel pay… như Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế.

- Về phân loại rác tại nguồn: Trong thời gian qua, trong khu vực đã có nhiều đề án phân loại rác được phê duyệt và triển khai thực hiện thí điểm tại nhiều địa phương như tại thành phố Huế, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quy Nhơn, Pleiku, Buôn Ma Thuột… Trong quá trình triển khai thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn tại một số địa phương, nhìn chung các đơn vị hội viên còn nhiều vướng mắc, khó khăn như chính quyền địa phương tập trung cho công tác phòng chống dịch COVID-19 khiến công tác chỉ đạo và các chế tài đi kèm với công tác phân loại rác còn thiếu tập trung, nhất quán; chưa thay đổi được thói quen, tập quán sinh hoạt của người dân; chưa có chế tài hoặc không áp dụng triệt để chế tài đối với các đơn vị, cá nhân không thực hiện phân loại rác tại nguồn, chưa có chính sách khuyến khích đối với các đơn vị, cá nhân thực hiện phân loại rác tại nguồn; chưa có công nghệ tái chế sau phân loại; đơn giá thu gom, vận chuyển chất thải rắn chưa được chính quyền địa phương quan tâm điều chỉnh phù hợp gây áp lực không nhỏ đến phương án tổ chức sản xuất kinh doanh của các đơn vị…

Công nhân Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng miệt mài làm việc thu gom rác trong thời gian toàn thành phố Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội

- Công tác xử lý rác thải: Hiện nay, tại khu vực Miền Trung- Tây Nguyên, phần lớn khối lượng chất thải rắn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh (Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế, Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Quảng Nam…) và xử lý nước rỉ rác bằng phương pháp cơ sinh học. Quá trình chôn lấp rác thải đều có sử dụng chế phẩm sinh học giảm thiểu tối đa sự phát tán ô nhiễm và vận hành bãi rác hợp vệ sinh theo đúng các quy định đối với công tác quản lý chất thải rắn.

Tháng 5 năm 2021, Công ty Cổ phần và Công trình Đô thị Huế đã Khởi công công trình Mở rộng, cải tạo bãi chôn lấp rác Thủy Phương phấn đấu hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2021 để kịp gối đầu khi Bãi rác số 2 lấp đầy nhằm đảm bảo công tác xử lý rác liên tục của Tỉnh. Việc thực hiện dự án Mở rộng, cải tạo bãi chôn lấp rác Thủy Phương cùng với việc nâng cấp hệ thống xử lý nước rỉ rác khi hoàn thành sẽ giải quyết được nhu cầu cấp bách cho công tác xử lý rác trên địa bàn Tỉnh, đảm bảo các yêu cầu về môi trường.

Nhiều địa phương trong thời gian qua đã và đang tiến hành quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch nhà máy xử lý, Bãi chôn lấp hợp vệ sinh, các trạm thu gom, khu vực xử lý rác công nghiệp nguy hại phù hợp với quy hoạch chung của từng địa phương.

4. Công tác truyền thông và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng

Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn các tỉnh thành trực thuộc Hội luôn được các đơn vị, ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện; các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường ngày càng cụ thể, nghiêm minh, từng bước đi vào cuộc sống và phát huy hiệu lực; nhận thức về bảo vệ môi trường của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân của các Tỉnh, Thành ngày càng được nâng cao; môi trường đô thị tại các khu dân cư tập trung, các khu đô thị mới từng bước được cải thiện.

Công tác vận động tuyên truyền giữ gìn vệ sinh Môi trường đến người dân được các Công ty luôn chú trọng nhằm huy động thường xuyên sức mạnh của cộng đồng góp phần chung tay bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức như tuyên truyền và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng về đổ chất thải xây dựng, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định không rãi vàng mã khi đưa tang... đã từng bước nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường cho toàn thể nhân dân góp phần vào sự nghiệp bảo vệ môi trường trong khu dân cư. Nhờ công tác tuyên truyền tốt nên công tác vệ sinh môi trường các đợt phục vụ Tết Nguyên đán, các Lễ hội nhân các sự kiện chính trị văn hóa lớn của tỉnh, thành phố và của đất nước các đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Phong trào “Ngày Chủ nhật Xanh – Sạch – Đẹp” được các địa phương duy trì thường xuyên, đã được mọi tầng lớp nhân dân, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội tham gia, các Công ty môi trường luôn là đơn vị nòng cốt mỗi khi chính quyền địa phương phát động. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã đề ra chủ trương thiết thực về “thực hiện nếp sống văn minh đô thị”, xây dựng các chương trình “Phường không rác, Tổ Dân phố không rác, Đường phố văn minh kiểu mẫu”, ….

5. Công tác chăm lo đời sống người lao động

Nhằm thực hiện có kết quả công tác chăm lo đời sống cho người lao động, các đơn vị Hội viên Hội viên Hội khu vực đã bảo đảm được việc làm và ổn định được đời sống của người lao động.

Do điều kiện đặc thù trong lĩnh vực vệ sinh đô thị, người lao động phải thường xuyên tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm bệnh tật, tai nạn lao động cũng như tai nạn giao thông nên việc cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động là hết sức cần thiết. Nhận thức rõ vấn đề này trong 6 tháng đầu năm 2021, các đơn vị hội viên thuộc khu vực miền Trung- Tây Nguyên luôn có những chính sách, chế độ đãi ngộ với người lao động như:

- Hàng tháng có chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động (đường, sữa);

- Khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, đảm bảo ít nhất 1 lần/năm, có đơn vị tổ chức 2 lần trong năm.

- Trang bị bảo hộ lao động đúng và đủ theo đặc thù công việc, luôn cải tiến về mẫu mã, nâng cao chất lượng để giảm thiểu tối đa mức độ tác động của ô nhiễm môi trường đến người lao động.

- Xây dựng lại các định mức lao động hợp lý để làm căn cứ định mức công việc cho người lao động, đơn giá tiền lương được điều chỉnh kịp thời theo mức lương tối thiểu vùng để đảm bảo chế độ cho người lao động. Tiền lương bình quân của công nhân thuộc Hội Khu vực trên 5 triệu đồng/ người/tháng. Thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động như BHXH, BHYT, BHTN.

6. Về công tác tài chính của Hội

Các Chi hội về cơ bản đã nộp Hội phí đầy đủ về Hội Khu vực và Hiệp Hội, vấn đề chi tiêu của Hội luôn bảo đảm đúng nguyên tắc tài chính, sử dụng đúng mục đích. Tuy nhiên, vẫn còn một số Chi hội chưa thật sự quan tâm đến việc đóng hội phí, chưa xem đây là nhiệm vụ đóng góp của Chi hội vào hoạt động chung của Hội khu vực và Hiệp Hội.

7. Công tác xã hội, tương thân tương ái

Trong những tháng cuối năm 2020, khu vực Miền Trung- Tây Nguyên liên tục gánh chịu những đợt lụt, bão lớn, trên diện rộng. Hiệp Hội Trung ương, Hội khu vực Miền Nam, Hội khu vực Miền Bắc, các đơn vị bạn... đã giành nhiều sự quan tâm cho Hội Miền Trung- Tây Nguyên. Nhiều lời động viên, hỏi thăm; nhiều phần quà bằng hiện kim đã gửi về ủng hộ CBCNV trong Hội Miền Trung- Tây Nguyên khắc phục hoàn cảnh khó khăn do bão lụt. BCH Hội Miền Trung- Tây Nguyên đã kịp thời phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ này đến 09 đơn vị Hội viên chịu ảnh hưởng nặng do lụt bão trong Đợt 1. Trong 6 tháng đầu năm 2021, BCH Hội khu vực tiếp tục phân bổ kinh phí hỗ trợ còn lại đến 03 CBCNV các đơn vị Hội viên trong Đợt 2 để sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng do lụt bão năm 2020.

Bên cạnh đó, với tinh thần chung tay vì cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, bên cạnh tăng cường công tác tuyên tuyền vận động cán bộ, người lao động nhận thức đầy đủ nguy cơ và cách thức phòng ngừa dịch bệnh, nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng, các đơn vị tích cực hưởng ứng vận động cán bộ và người lao động tham gia ủng hộ, quyên góp, hiến máu tình nguyện góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Các đơn vị Hội viên đã vận động CBCNV-NLĐ của đơn vị mình ủng hộ Quỹ phòng chống COVID-19 với nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh việc tự nguyện đóng góp của CBCNV-NLĐ, một số đơn vị đã chủ động ủng hộ Quỹ bằng hình thức đóng góp trực tiếp qua chính quyền địa phương, Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp, các Hội nghề nghiệp... như Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế: 50.000.000 đồng, Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Đông Hà: 30.000.000 đồng, Công ty Cổ phần Cơ điện Lilama: 22.000.000 đồng, Công ty Cổ phần Công trình Môi trường Quảng Trị: 5.000.000 đồng, Công ty Cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai: 15.000.000 đồng, Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường Đaklak: 30.000.000 đồng, Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị KonTum: 111.800.000 đồng...

II. Nâng cao chất lượng công tác, đảm báo vệ sinh môi trường, phòng chống lây lan dịch bệnh Covid-19:

Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Hội viên Hội khu vực hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường là những đơn vị duy nhất trên địa bàn các tỉnh Miền Trung - Tây Nguyên đủ điều kiện, năng lực về con người, phương tiện, thiết bị, máy móc, công nghệ để thực hiện công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, chất thải y tế có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 theo đúng quy trình, quy định của các cơ quan chức năng.

1. Công tác thu gom chất thải rắn có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19

Hiện nay, bên cạnh công tác thường xuyên, các đơn vị Hội viên đang thực hiện công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao tại tất cả các khu cách ly tập trung, các Trung tâm Y tế...

Các đơn vị Hội viên Hội Khu vực đã chủ động nắm bắt tình huống, xây dựng phương án tổ chức sản xuất kinh doanh, nhất là trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTR có nguy cơ lây nhiễm COVID-19; đã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng tổng vệ sinh các khu vực đón người về cách ly; đặt các thùng chuyên dụng thu gom CTR có nguy cơ lây nhiễm COVID-19, thùng được bọc bằng bao nilong, phun khử trùng trước khi bàn giao cho các khu cách ly.

Ngày thường, công việc của những công nhân vệ sinh môi trường đã rất vất vả. Mùa dịch bệnh, họ còn phải đối mặt với những rủi ro lớn hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.. Ảnh : Chị Cù Thị Bích Vân, công nhân Công ty cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai cẩn trọng thu gom mỗi bì rác thải. Ảnh: Đ.Y

Các đơn vị cũng đã chủ động hướng dẫn quy trình thu gom, vận chuyển CTR có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 đến các đơn vị quản lý các khu cách ly để thống nhất phương án thực hiện, nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho công nhân thu gom và tuyệt đối không để mầm bệnh lan ra cộng đồng; công tác xử lý chất thải có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 được thực hiện theo quy trình xử lý chất thải y tế nguy hại.

Trong thời gian dịch COVID-19 xảy ra tại Việt Nam, các đơn vị đã tăng cường Bảo hộ lao động cho CBCNV như cấp phát thêm khẩu trang, dung dịch rửa tay diệt khuẩn; đặc biệt đối với công nhân tiếp xúc với môi trường có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao, các đơn vị đã cấp phát Bảo hộ sử dụng 01 lần cho công nhân.

2. Công tác thu nhặt khẩu trang đã qua sử dụng

Hiện nay, hiện tượng khẩu trang đã qua sử dụng bị người dân vứt bừa bãi gây mất gây mất mỹ quan đô thị, mất vệ sinh môi trường và đồng thời có thể là nguồn lây nhiễm dịch bệnh nếu đối tượng gây ra là người tiếp xúc gần với F0/F1 khi chưa có kết quả giám định kịp thời hoặc chưa được khoanh vùng, thực hiện cách ly.

Trước tình hình trên, các đơn vị Hội viên Hội khu vực đã tổ chức thu nhặt khẩu trang đã qua sử dụng theo quy trình riêng, trang bị các phương tiện, thiết bị chuyên dụng riêng cho công tác thu nhặt khẩu trang (xe máy, thùng 20 lit, kẹp gắp…). Khẩu trang được thu nhặt về sẽ được phun khử trùng và được vận chuyển, xử lý theo quy trình của chất thải y tế, nguy hại.

3. Công tác tiêm phòng vắc xin phòng COVID-19

CBCNV- Người lao động trong ngành vệ sinh môi trường là một trong những lực lượng đi đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh, thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn khuẩn có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19; nguy cơ mắc COVID-19 là hiện hữu thường trực. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, để đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, CBCNV một số đơn vị trong Hội khu vực đã được tiêm vắcxin phòng COVID-19 như Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế: 537 mũi; Công ty Cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai: 220 mũi; Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị KonTum: 282 mũi; Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Nha Trang: 250 mũi; Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Ninh Hòa: 200 mũi.

III. Một số khó khăn, vướng mắc:

- Ý thức người dân chưa cao trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường chung, tự ý chôn rác, đốt rác trong khu vực đô thị; thường xuyên bỏ rác không đúng thời gian và đúng nơi quy định nên khó khăn cho công tác thu gom và gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.

- Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh COVID-19, các đơn vị đã chủ động phòng, chống lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, mà trước hết là phòng, chống lây lan trong đội ngũ CBCNV trực tiếp thực hiện công tác thu gom, vận chuyển chất thải. Các đơn vị đã chủ động bổ sung bảo hộ lao động cho công nhân, thực hiện công tác thêm đặt thùng thu gom phát sinh tại các khu cách ly, mua thêm hóa chất, dụng cụ phun khử trùng… không được chính quyền quan tâm hỗ trợ về kinh phí nên gây áp lực không nhỏ lên kinh phí hoạt động của các đơn vị.

Công nhân vệ sinh môi trường Công ty TNHH MTV Quản lý đô thị và môi trường Đắk Lắk phun thuốc khử trùng trước khi đưa rác lên xe tại khu phong tỏa đường Hoàng Diệu, TP Buôn Ma Thuột

- Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lan rộng, các đơn vị Hội viên hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường của Hội Khu vực được phân công thêm nhiệm vụ thu gom chất thải có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại các điểm cách ly, phong tõa. Một số đơn vị Hội viên Hội khu vực chỉ có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt thông thường; không có chức năng để thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý đối với các loại rác thải khác như: rác thải y tế, rác thải nguy hại … Việc bố trí phương tiện, nhân công thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tại các khu cách ly tập trung cần phải xem xét, tính toán kỹ về yếu tố lây nhiễm đến công nhân lao động cũng như lây lan cho cộng đồng vì trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải đều có nguy cơ lây nhiễm cao.

Bên cạnh lực lượng công an; y tế; quân đội, CBCNV thực hiện công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTR có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 là lực lượng xung phong đi đầu trong công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên ở nhiều đơn vị, các đối tượng này chưa được ưu tiên tiêm phòng vắc xin phòng chống COVID-19 như tinh thần của Nghị quyết 21/NQ-CP về việc mua và sử dụng vắc xin phòng COVID 19 của Chính phủ.

- Dịch bệnh COVID-19 làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp; phần lớn nhà hàng, quán ăn... đóng cửa nên tiền thu Dịch vụ vệ sinh môi trường của các đơn vị Hội viên giảm trong khi kinh phí (từ ngân sách) bố trí cho lĩnh vực môi trường đô thị còn hạn chế nên chất lượng cho công tác vệ sinh môi trường chưa được đảm bảo.

- Trong hoàn cảnh chung, một số đơn vị có CBCNV là đối tượng tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19 (đối tượng F1, F2, F3) buộc phải cách ly, điều này cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị.

IV. Kiến nghị, đề xuất:

Trước các khó khăn gặp phải khi thực hiện công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt nói chung và CTR có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 nói riêng, Hội Khu vực kính đề nghị Hiệp Hội Môi trường Đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam (Hiệp Hội Trung ương) có văn bản đề xuất các Bộ, Ngành chuyên môn tham mưu cho Chính phủ ban hành các hướng dẫn, giải pháp thực hiện đồng bộ công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTR có nguy cơ lây nhiễm COVID-19, tập trung vào một số nội dung như sau:

1. Kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chuyên môn đánh giá đúng vai trò, vị trí quan trọng của ngành môi trường trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống lây lan của dịch bệnh COVID-19 và phải được thể hiện qua văn bản của các cơ quan chuyên môn; đây là động lực để các đơn vị trong ngành tiếp tục hi sinh, cống hiến vì sự nghiệp chung.

2.Kiến nghị các Bộ, Ngành chuyên môn đề xuất Chính phủ bổ sung quy định chế độ đối với người lao động làm công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTR có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại các khu cách ly tập trung và phải làm việc 24/7 khi cả nước thực hiện cách ly xã hội.

3. Kiến nghị chính quyền các địa phương cấp thêm kinh phí cho hoạt động thu gom, xử lý chất thải có nguy cơ lây nhiễm COVID-19; đồng thời có các chế tài mạnh mẽ hơn để hạn chế tình trạng người dân xả rác bừa bãi; đẩy mạnh công tác phân loại rác tại nguồn; chấm dứt tình trạng người dân, tổ chức, hộ gia đình lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để chây ỳ, chậm đóng tiền Dịch vụ vệ sinh môi trường.

4. Kiến nghị chính quyền địa phương quan tâm đến đối tượng CBCNV các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường được tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo đúng tinh thần Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ.

V. Phương hướng hoạt động 6 tháng cuối năm 2021:

Tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và chưa dự đoán được điểm dừng, nhiệm vụ đảm bảo vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh của các đơn vị trong ngành vẫn còn hết sức cam go. Trong thời gian đến, các đơn vị Hội viên Hội Khu vực tiếp tục thực hiện công tác với các nhiệm vụ trọng tâm như sau:

1. Các đơn vị hội viên phát huy truyền thống, tiếp tục phát huy vai trò vị trí và năng lực của mình trong công tác đảm bảo vệ sinh đô thị tại các địa phương và luôn quan tâm, bảo vệ lợi ích của người lao động. Tiếp tục công tác trong tình hình mới với yêu cầu đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường phòng, chống lây nhiễm COVID-19 và đảm bảo tuyệt đối an toàn cho đội ngũ công nhân trực tiếp thực hiện công tác tại nơi có nguy cơ lây nhiễm COVID-19;

2.Thường xuyên nắm bắt, cập nhật thông tin về diễn biến và ứng phó dịch COVID-19 của chính quyền và các đơn vị chuyên môn để điều chỉnh các phương án sản xuất kinh doanh phù hợp yêu cầu trong tình hình mới.

3. Thường xuyên, chủ động tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm phòng chống sự lây nhiễm của COVID-19 đến CBCNV đơn vị mình. Thường xuyên nhắc nhở công nhân lao động trực tiếp phải mang đầy đủ bảo hộ lao động đã được trang cấp khi làm việc.

4. Các đơn vị hội tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ các đơn vị, địa phương trong và ngoài khu vực về phương tiện, nhân lực khi khắc phục bão, lụt; ủng hộ phòng chống COVID-19. Phát huy tinh thần ‘tương thân tương ái’, “lá lành đùm lá rách” giúp đỡ cho công nhân viên của các đơn vị hội viên khi gặp khó khăn.

5. Tiếp tục duy trì công tác thi đua-khen thưởng nhằm động viên tinh thần hăng hái lao động sản xuất, tham gia tích cực hoạt động Hội; phát động rộng rãi để công nhân trực tiếp sản xuất được tham gia các phong trào thi đua.

Nguyễn Hồng Sơn

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế

Chủ tịch Hội Môi trường Đô thị và KCN KV miền Trung –Tây Nguyên

Bạn đang đọc bài viết Hoạt động 6 tháng năm 2021 của Hội Môi trường KV miền Trung-TN. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đội phản ứng nhanh về vệ sinh môi trường
Biệt danh ấy được anh em trong công ty gọi thân mật như đã nêu bật sự năng động, trách nhiệm trong công việc; có việc là lên đường bất kể thời tiết… của các thành viên Tổ xe 2 thuộc Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội.