Thứ bảy, 27/04/2024 09:46 (GMT+7)

Hội nghị khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt

MTĐT -  Thứ sáu, 08/07/2022 09:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 7.7, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

tm-img-alt
Quang cảnh Hội nghị

Cùng dự có đại diện bộ, ban ngành Trung ương và đại diện lãnh đạo sở, ngành thành phố Hà Nội…

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, công tác quản lý chất thải luôn được Thành phố quan tâm, là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp chính quyền cần tập trung chỉ đạo thực hiện. Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách nhằm tăng cường công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt; tăng cường giữ gìn bảo vệ môi trường qua việc tăng cường nhân lực, vật lực, cải thiện hiện đại hóa, đưa cơ giới hóa vào việc vận chuyển, xây dựng lộ trình, thời gian thu gom rác thải thích hợp, thay đổi phương thức quản lý duy trì vệ sinh môi trường (VSMT) từ cơ chế đặt hàng sang cơ chế tổ chức đấu thầu tập trung lựa chọn nhà thầu đủ năng lực thực hiện. Đến nay, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn tại khu vực đô thị đạt xấp xỉ 100%, tại khu vực nông thôn đạt 90%.

Tuy nhiên, việc quản lý chất thải còn gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa có cơ chế chính sách thúc đẩy các hoạt động phân loại CTRSH tại nguồn dẫn đến khối lượng chất thải phát sinh ngày một nhiều và chưa tận dụng được các thành phần có ích trong chất thải. Hệ thống thu gom chất thải rắn vẫn chủ yếu là thủ công; việc đầu tư xây dựng các trạm trung chuyển chất thải theo quy hoạch đến nay chưa đáp ứng theo yêu cầu thực tế. Bên cạnh đó, phương pháp xử lý chất rác thải hiện nay chủ yếu là chôn lấp. Các khu xử lý chất thải Nam Sơn, Xuân Sơn đều được đưa vào vận hành từ năm 1999, hiện nay hạ tầng kỹ thuật xuống cấp gây khó khăn cho công tác xử lý. Mặt khác, công tác quy hoạch các khu xử lý chất thải còn gặp nhiều vướng mắc…

Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đầu tư nhà máy xử lý rác cho rằng: Hiện các thủ tục để đầu tư, xây dựng và nghiệm thu một dự án đốt rác phát điện còn nhiều, phức tạp, trên cả 3 phương diện xây dựng, môi trường và điện. Do đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét phân công cơ quan đầu mối để chủ trì việc phê duyệt thực hiện các thủ tục đầu tư và triển khai dự án điện rác; cho phép thực hiện cùng lúc các thủ tục để rút ngắn thời gian, hỗ trợ nhà đầu tư; có chính sách hỗ trợ một phần tiền điện đối với các dự án điện rác trong quá trình chạy thử tổ máy và phát điện lên lưới…

Bàn về các giải pháp nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý CTRSH, các đại biểu cho rằng: Cần xây dựng mới hoặc ban hành sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chất thải rắn, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn không phù hợp theo thẩm quyền.

Liên quan đến đầu tư công cho xử lý CTRSH cũng cần xây dựng mô hình thu gom, vận chuyển rác thải bảo đảm vệ sinh môi trường theo các hướng tuyến vận chuyển phù hợp, kết hợp với quy hoạch mạng lưới các bãi chôn lấp. Cùng với đó, kết hợp nhiều loại hình công nghệ xử lý rác thải như: Chôn lấp, đốt, ủ phân compost... để xử lý rác thải tại các huyện phù hợp với đặc thù của địa phương và khả năng bố trí ngân sách. Khuyến khích nghiên cứu khoa học - công nghệ, đầu tư cho tái chế chất thải nhằm tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng chất thải và coi chất thải là một nguồn tài nguyên để giải quyết triệt để vấn đề rác thải.

Ở góc độ khác, một số đại biểu kiến nghị Chính phủ cần có chính sách phân cấp mạnh hơn nữa cho UBND Thành phố trong việc chủ động kêu gọi đầu tư, điều chỉnh cục bộ quy hoạch xử lý chất thải rắn, phê duyệt về đánh giá tác động môi trường, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH. Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về yêu cầu, quy trình kỹ thuật trong việc thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải rắn. Đặc biệt, cần hướng dẫn xây dựng định mức, đơn giá, giá dịch vụ với từng phương pháp xử lý chất thải rắn.

Cùng với đó, Bộ Xây dựng cần có hướng dẫn và phân cấp cho UBND Thành phố trong việc rà soát điều chỉnh cục bộ Quy hoạch hoặc cập nhật song song với quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh, quy hoạch chung của Thành phố. Qua đó, có thể kịp thời triển khai ngay một số dự án xử lý chất thải rắn có vị trí phù hợp quy hoạch nhưng cần thiết thực hiện nâng cấp công nghệ, công suất, phạm vi phục vụ để giải quyết bức xúc môi trường, khủng hoảng rác thải…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu, doanh nghiệp. Đối với những khó khăn, vướng mắc, Ủy ban sẽ tiếp thu, gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Các ý kiến sẽ được tổng hợp để làm rõ tại phiên giải trình về thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sắp tới - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh khẳng định.

Tuấn Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Hội nghị khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghĩa Lộ (Yên Bái) khắc phục hạn hán do khô hanh kéo dài
Trong thời gian qua, do thời tiết khô hanh kéo dài, lượng mưa ít dẫn đến mực nước nhiều sông, suối và hồ, đập trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong đó có thị xã Nghĩa Lộ xuống thấp gây khó khăn trong việc dẫn nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp.
Cảnh báo tần suất La Nina và El Nino gia tăng
Ngày 25/4, các chuyên gia khí tượng cho biết hiện tượng thời tiết El Nino và La Nina - kéo theo những đợt nóng, lạnh, mưa hoặc hạn hán - sẽ diễn ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn trong những năm tới.

Tin mới