Thứ ba, 19/03/2024 13:17 (GMT+7)

Năng lượng sạch: Lựa chọn nào cho Việt Nam

MTĐT -  Thứ ba, 03/04/2018 15:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo báo cáo mới nhất, Việt Nam tiếp tục là một trong 12 "điểm nóng" về nhiệt điện than trên thế giới dù luôn được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Giảm nhiệt điện than

Xu hướng đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than cũ trên toàn cầu đang tăng mạnh, với tổng công suất khoảng 206.000MW (2009 - 2017). Theo thống kê, hiện có 290.130MW công suất của các nhà máy điện than đã vận hành quá tuổi thọ trung bình (39 năm), và vào năm 2030, con số này sẽ tăng thêm 315.580MW. Dự báo năm 2022, số nhà máy cũ bị đóng cửa sẽ vượt số lượng nhà máy mới vận hành. Đến lúc đó, phát triển điện than toàn cầu bắt đầu đi xuống.

Nhà máy điện than và dòng khói ô nhiễm

Tại Trung Quốc, giai đoạn 2016 - 2017, hàng trăm dự án bị đình chỉ, chiếm khoảng 444GW công suất điện than của các dự án ở các giai đoạn phát triển (trong tổng 692GW công suất điện than đã cấp phép, gấp 2 lần tổng công suất còn lại của thế giới).

Mặc dù sự phát triển điện than tạm thời chững lại, quốc gia này vẫn tiếp tục dẫn đầu thế giới về công suất điện than, với 116GW công suất giai đoạn tiền xây dựng và 95GW đang xây dựng. Phân tích của Greenpeace và Carbon Tracker, các nhà máy điện than đang vận hành của Trung Quốc đã vượt quá nhu cầu điện trong nước, vì vậy việc phát triển các nhà máy mới sẽ gây lãng phí hàng tỷ USD tiền vốn.

Ở Ấn Độ, 2 năm qua, giá năng lượng tái tạo giảm 50% do công suất lớn hơn điện than, 6.920MW đưa vào xây dựng năm 2017 đều từ nguồn tài chính công. Đối mặt với áp lực kinh tế, khoảng 16GW nhà máy điện than ở Ấn Độ hiện không có hợp đồng mua bán điện, trong khi hơn 17GW bị đóng băng tại các công trường xây dựng, chủ yếu do thiếu nguồn tài chính.

Tỷ trọng nhiệt điện than chiếm khá cao trong cơ cấu nguồn điện Việt Nam với 43% và nguồn năng lượng tái tạo là 21% vào năm 2030. Các chuyên gia trong ngành cho rằng, quy hoạch phát triển điện của Việt Nam cần phải được cập nhật. Một nghiên cứu của GreenID về các kịch bản phát triển nguồn điện tại Việt Nam công bố cuối 2017, kết quả mô hình hóa chỉ ra rằng tỷ lệ công suất năng lượng tái tạo có thể đạt 27,8% vào năm 2030. Đồng thời, Việt Nam có thể giảm được 17GW, tương đương 14 nhà máy điện than, bằng việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Một áp lực khác đối với các nhà máy điện than là do gây ô nhiễm. Năm 2017, Bộ Năng lượng Ấn Độ báo cáo 89% trong số 166GW công suất điện than không tuân thủ giới hạn phát thải SO2 và hơn 300 nhà máy không lắp đặt thiết bị kiểm soát ô nhiễm theo hạn định.

Báo cáo cũng cho thấy, tại Mỹ, tính đến cuối năm 2017, có 266 nhà máy điện than đã dừng hoặc cam kết dừng hoạt động, Mỹ còn lại 264 nhà máy điện than đang vận hành. Việc không có dự án điện than nào đang xây dựng và phát triển thêm, cùng với sự hủy bỏ 74GW điện than từ năm 2010, Mỹ đang dần tiến tới không sử dụng than. 

Tăng năng lượng tái tạo

Điện gió

Trong khi đó, xu hướng tài chính ngày càng mở rộng với hàng loạt ký kết đối tác tài chính giữa các ngân hàng và tổ chức phát triển để hỗ trợ cho năng lượng tái tạo. Liên minh Năng lượng mặt trời Quốc tế đang triển khai hơn 1.000GW năng lượng điện mặt trời và huy động hơn 1.000 tỷ USD đầu tư vào nguồn năng lượng này trước năm 2030.

Ngân hàng Phát triển Châu Phi cũng ban hành chiến lược mới về năng lượng để sử dụng ở châu lục năm 2025. Sáng kiến "Sa mạc năng lượng" sẽ được áp dụng tại Sahel và Sahara của châu Phi, dự kiến sẽ tạo ra 10GW năng lượng điện mặt trời và cung cấp năng lượng sạch cho 90 triệu người.

Theo báo cáo, trên toàn cầu ít nhất 34 quốc gia và các tổ chức địa phương đã cam kết đóng cửa các nhà máy điện than và không xây dựng các nhà máy mới nếu không có hệ thống lưu trữ và thu hồi carbon. Bên cạnh đó, từ năm 2015 đến nay đã có 719 tổ chức thuộc 76 quốc gia cam kết thoái vốn khỏi các khoản đầu tư liên quan đến nhiên liệu hóa thạch lên gần 5.500 tỷ USD; và hơn 58.000 cá nhân tham gia thoái vốn với tổng số tiền ước 5,2 tỷ USD.

Điện mặt trời

Chọn lựa nào cho Việt Nam?

Báo cáo khảo sát lần 4 của Greenpeace, Sierra Club và CoalSwarm về giám sát hệ thống nhà máy nhiệt điện than toàn cầu 2018 cho thấy, Việt Nam tiếp tục là một trong 12 điểm nóng của điện than toàn cầu. Dù không có nhà máy điện than nào được xây dựng năm 2017, nhưng nhiều dự án vẫn được đề xuất. 

Theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh năm 2016, Việt Nam có 12.100MW đã công bố, 15.040MW chuẩn bị được cấp phép, 8.750MW đã được cấp phép, và 10.635MW đang xây dựng. Báo cáo GreenID 2017 cho thấy các dự án này phần lớn từ nguồn đầu tư tài chính của nước ngoài, nhiều nhất là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. 3 quốc gia này cũng đang là những nhà tài trợ lớn nhất cho các nhà máy điện than ở nước ngoài.

Trung Quốc đã đầu tư 15 tỷ USD cho các nhà máy điện than thông qua các quỹ phát triển quốc tế và 13 tỷ USD đang được đề xuất cho các dự án tương lai. Nhật là nhà cấp vốn cho các dự án điện than nước ngoài lớn thứ hai trên thế giới, với 10 tỷ USD và hiện đang xem xét cấp 9 tỷ USD cho các dự án điện than. Còn Hàn Quốc đầu tư khoảng 8 tỷ USD cho các dự án nhiệt điện đốt than nằm ngoài đất nước này.

Là quốc gia có 3 dự án lọt vào top 10 dự án đầu tư vào Việt Nam năm 2017, Nhật Bản có 2 dự án nhiệt điện than là Nghi Sơn 2 (vốn cấp phép 2.793 triệu USD) và Vân Phong 1 (2.581 triệu USD). Trao đổi với PV, ông Takimoto Koji - Trưởng đại diện Văn phòng JETRO TP.HCM cho biết, đã có nhiều nhà đầu tư Nhật Bản tìm tới Việt Nam đầu tư vào năng lượng tái tạo nhưng quá khó. Ông cho rằng, nguyên nhân lớn nhất khiến năng lượng tái tạo vẫn còn bị "bịt lối" là do cơ chế thu mua điện với mức giá còn thấp.

Nếu giá thu mua điện của EVN đủ cao, doanh nghiệp mới thu hồi được vốn và có lãi. Nhưng nếu giá thu mua cao, giá bán cũng phải cao - là điều rất khó giải thích với người tiêu dùng Việt Nam. Trả lời về việc sắp tới Nhật sẽ có một số dự án mới đầu tư vào nhiệt điện Việt Nam, ông Takimoto Koji nói: "Lý do tiếp tục đầu tư vào nhiệt điện Việt Nam là rất rõ ràng vì Việt Nam vẫn đang thiếu điện"

PV (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Năng lượng sạch: Lựa chọn nào cho Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tái tạo rừng sau động đất: Một quá trình đầy thách thức
Sau mỗi trận động đất, các khu vực rừng phải mất thời gian lên tới hàng thập kỷ để phục hồi hoàn toàn. Vì vậy cần thiết phải quản lý rủi ro để bảo vệ môi trường, tài nguyên rừng hiệu quả sau trước và sau các thảm hoạ địa chất.

Tin mới