Chủ nhật, 19/05/2024 15:18 (GMT+7)

Kỳ cuối: Giải bài toán nguồn nhân lực hậu Covid-19 ra sao?

MTĐT -  Thứ hai, 16/08/2021 10:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Người lao động trở về quê sẽ khó quay trở lại các đô thị công nghiệp sau khi dịch ổn định, vì vậy các doanh nghiệp sản xuất có thể rơi vào nguy cơ thiếu hụt lao động trầm trọng.

Các tỉnh tạo việc làm cho lao động về quê tránh dịch

Người lao động phía Nam đa số là người miền Trung, Tây Nguyên và miền Tây. Thực tế hiện các tỉnh này cũng đang phát triển kinh tế mạnh mẽ, khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất mọc lên nhiều, cần người lao động. Đặc biệt, sau khi đón người dân về quê, các địa phương đều khẳng định sẽ tạo điều kiện việc làm cho người lao động.

Điển hình, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết sau khi người dân hoàn thành việc cách ly, ổn định lại đời sống, tỉnh sẽ đánh giá lại, xem nguyện vọng của người dân. Những người trong độ tuổi lao động, có các ngành nghề phù hợp có thể chuyển đổi được thì thực hiện việc chuyển đổi. Những ngành nghề nào có thể vào được các nhà máy, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ ở tỉnh phù hợp thì tỉnh sẽ xem xét làm việc với các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người lao động vào làm việc.

Hiện, Sở Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam đang yêu cầu các Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội trên địa bàn nơi người dân đăng ký hộ khẩu thường trú tổng hợp danh sách, nhu cầu để Sở có phương án cuối cùng trong thời gian sớm nhất.

Nhiều tỉnh cho biết sau khi người dân hoàn thành thời gian cách ly sẽ được bố trí việc làm tùy theo nhu cầu.

Tại Kỳ họp thứ hai, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVIII, diễn ra chiều 12/8, các đại biểu của tỉnh Nghệ An cũng đề xuất phải tạo việc làm lâu dài cho người lao động hồi hương, đặc biệt là người dân miền núi. Được biết, theo đề án 5 năm tới, tỉnh Nghệ An sẽ tăng lao động nội tỉnh từ 37% lên 66%, giảm lao động ngoại tỉnh; xuất khẩu lao động giảm một phần, tăng cường giải quyết việc làm tại chỗ. Như vậy, tỉnh Nghệ An cũng đang chú trọng việc giữ chân người lao động ở lại quê hương.

Nhu cầu việc làm các tỉnh phía Nam sau dịch sẽ tăng cao

Trung tâm dự báo nguồn nhân lực thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra 2 kịch bản về nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2021.

Theo đó, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tiêu cực tác động, dự kiến nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2021 cần khoảng 127.000 chỗ làm việc.

Trong khi đó, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tích cực tác động tốt đến tăng trưởng kinh tế - xã hội, với việc triển khai tiêm chủng vắc xin và kiểm soát tốt dịch tễ, tình hình doanh nghiệp khởi sắc trong những tháng cuối năm 2021, đặc biệt là thời điểm gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ nhu cầu dịp lễ Tết, sẽ giúp hạn chế tình trạng lao động ngừng việc, mất việc. Lúc này, nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2021 cần khoảng 147.000 chỗ làm việc.

Xu hướng việc làm trong 6 tháng cuối năm 2021 tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề như: Kinh doanh thương mại; công nghệ thông tin - điện tử; dịch vụ cá nhân - chăm sóc sức khỏe và y tế; dệt may - da giày;…

Theo Trung tâm dự báo nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương, trong 6 tháng tới, thị trường lao động Bình Dương cần ít nhất 40.000 lao động phục vụ sản xuất. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt nhu cầu có thể lên đến 60.000 lao động, do phải đáp ứng các đơn hàng sản xuất phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp lễ tết. Thu hút nhiều nhân lực nhất vẫn là ngành chế biến chế tạo, chủ yếu trong các lĩnh vực: thực phẩm, may mặc, da giày, điện tử,…

Giải bài toán nguồn nhân lực hậu Covid-19

Hiện tại các tỉnh phía Nam tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, như vậy rất khó để người lao động ở quê quay trở lại thành phố ngay. Tình hình này sẽ đẩy các doanh nghiệp sản xuất, các xí nghiệp, nhà máy phía Nam vào tình trạng thiếu hụt lao động sau dịch.

Bên cạnh việc đảm bảo công tác phòng dịch, việc làm thế nào để đảm bảo nguồn nhân lực sau dịch, phục vụ sản xuất cần được các địa phương, doanh nghiệp chú trọng.

Theo ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may thêu đan thành phố Hồ Chí Minh cho biết, doanh nghiệp của ông mất gần một nửa nhân lực vì dịch Covid-19.

“Tại Bình Dương, chúng tôi mất 1/3 lao động, thành phố Hồ Chí Minh mất thêm 10%. Tại Đồng Nai, chúng tôi thực hiện sản xuất tại chỗ nhưng số lượng người lao động không vào công ty khoảng 20%, nên sau dịch có thể mất 10% nhân lực”, ông Việt cho biết.

Nỗi lo lớn nhất của người lao động chính là vấn đề lương thực hàng ngày.

Cũng theo ông Việt, ngành dệt may ước tính mất khoảng 30 - 40% người lao động do dịch. Hiện nay, để giữ chân người lao động làm việc, công ty đã phải trả cao hơn mức lương cơ bản, cộng thêm các chi phí để duy trì “3 tại chỗ” khiến doanh nghiệp “bở hơi tai”.

“Ngành may chưa sử dụng được công nghệ cao, vẫn còn sử dụng công nghệ truyền thống vì vậy lực lượng lao động phổ thông còn cần nhiều. Hiện tại chúng tôi chưa có giải pháp gì cụ thể, chỉ duy trì sản xuất để tình hình dịch được khống chế”, ông Việt nói.

Bên cạnh doanh nghiệp, chính quyền các tỉnh Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai cũng đang đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ để cùng kêu gọi người dân ở lại.

Trong khi đó, ông Vương Siêu Tín - Giám đốc Công ty TNHH Phước Dũ Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ Bình Dương cho biết, trước khi dịch bệnh bùng phát, doanh nghiệp của ông có khoảng hơn 300 lao động cơ hữu và 200 lao động gia công bên ngoài.

Khi dịch xảy ra, doanh nghiệp chuyển sang hình thức “3 tại chỗ” và duy trì được khoảng 70 - 80% lực lượng lao động.

Theo ông Tín, ban đầu Công ty Phước Dũ Long chỉ dự định duy trì “3 tại chỗ” từ 2 - 3 tuần để qua cao điểm dịch bệnh, nhưng không ngờ dịch kéo dài. Đến nay, chi phí ăn ở, test Covid-19 của công ty đã đội lên hơn 1 tỷ đồng. Trong khi đó, việc sản xuất đang đứt quãng vì nguồn cung cấp các nguyên vật liệu khó khăn. “Lúc đầu có hơn 200 người ở lại làm việc, nhưng cứ qua mỗi tuần lại giảm dần, giờ chỉ còn hơn 100 người. Sắp tới chúng tôi sẽ lấy ý kiến người lao động, nếu ai ở lại làm tiếp thì chỉ làm các khâu bao bì chứ không sản xuất nữa”, ông Tín cho biết. Đối với những người trở về quê, công ty sẽ lấy số điện thoại, khi dịch qua đi thì gọi công nhân quay lại làm việc. “Ai khó khăn quá thì công ty có thể hỗ trợ thêm tiền xe, chi phí xét nghiệm hoặc đăng ký tiêm vắc xin để quay lại làm việc”, ông Tín nói thêm.

Tại Hội nghị Ban Thường vụ mở rộng tối 31/7, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đề nghị các quận, huyện cần chăm lo cho đời sống của người dân. Bí thư Nên yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê để có biện pháp hỗ trợ, chia sẻ tạo điều kiện để người dân bám trụ, nếu người dân ngoại tỉnh có nguyện vọng về quê thì đăng ký với địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm và tạo điều kiện để được trở về một cách chính thức.

"Thành phố Hồ Chí Minh mời bà con ngoại tỉnh ở lại tiêm vắc xin. Ai gặp khó khăn thì chịu khó liên lạc với địa phương, chúng tôi đã có kế hoạch hỗ trợ, chia sẻ”, Bí thư Nguyễn Văn Nên kêu gọi.

Ngay sau đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định hỗ trợ đợt 2 với tổng kinh phí hơn 900 tỷ đồng từ ngân sách. Các đối tượng được thụ hưởng gồm: Người lao động tự do, hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ lao động nghèo sống trong nhà trọ, khu lưu trú công nhân,… được nhận 1,5 triệu đồng hoặc phần quà tương đương.

Việc sớm miễn dịch cộng đồng sẽ giúp các doanh nghiệp nhanh chóng hồi phục sản xuất.

Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cũng yêu cầu mỗi doanh nghiệp có ý thức giữ chân người lao động.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương có văn bản yêu cầu giảm tiền nước cho toàn bộ người dân đang sử dụng nước sạch trên địa bàn trong tháng 8 và tháng 9/2021. Trước đó, tỉnh cũng triển khai gói hỗ trợ 260 tỷ đồng cho khoảng 500.000 công nhân nhà trọ ở lại Bình Dương trong thời gian giãn cách xã hội.

Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cũng chi tiền hỗ trợ cho công nhân bị F0 1,5 triệu đồng/người, công nhân F1 là 1 triệu đồng/người và F2 là 500.000 đồng/người. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương cũng chi tiền hỗ trợ cho 93.825 người theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.

Còn tại Đồng Nai, Liên đoàn Lao động tỉnh đã triển khai chương trình “Nghĩa tình công đoàn” (từ ngày 20/7) để hỗ trợ miễn phí thực phẩm thiết yếu cho công nhân trong các khu vực bị phong tỏa. Mỗi phòng một phần thực phẩm gồm 5 kg gạo, 1 thùng mì và thực phẩm.

Các tỉnh, thành phố đang tích cực chăm lo cuộc sống để giữ chân người lao động.

Đồng thời, các tỉnh thành cũng tổng lực tổ chức tiêm vắc xin cho công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp để đảm bảo miễn dịch cộng đồng.

Dự báo từ nay đến cuối năm, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát và các tỉnh đạt được miễn dịch cộng đồng, số doanh nghiệp được thành lập mới và quay trở lại sản xuất sẽ tăng hơn so với nửa đầu năm. Chính vì vậy, người lao động cần được đảm bảo an sinh trong thời gian giãn cách để yên tâm ở lại địa phương. Sau khi hoạt động kinh tế được phục hồi, người lao động sẽ trở lại làm việc, đảm bảo các đô thị công nghiệp phía Nam không bị đứt gãy nhân lực sau dịch.

Theo Tân Nguyên/ Lao động thủ đô

Bạn đang đọc bài viết Kỳ cuối: Giải bài toán nguồn nhân lực hậu Covid-19 ra sao?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Yêu...!
Cứ mỗi độ hạ về rưng rưng nhớ ///Một người thương… thương lắm… đến ngây khờ///Từng gặp gỡ chớm mùa hoa Phượng nở///Ánh mắt người … vừa chạm … đã ngẩn ngơ !