Thứ hai, 06/05/2024 15:15 (GMT+7)

Kỷ niệm 75 năm thành lập WHO: Những thành công và thách thức

Đại Phong -  Thứ bảy, 08/04/2023 08:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trải qua 75 năm hoạt động, WHO đã giành được nhiều thành công lớn. Dù vẫn còn một số hạn chế và thách thức, song vai trò của tổ chức y tế toàn cầu này thậm chí còn đang cần thiết hơn bao giờ hết.

Vào tháng 4 năm 1945, các chính trị gia từ khắp nơi trên thế giới đã tập trung tại San Francisco để thành lập Liên hợp quốc. Và tại cuộc họp, các nhà lãnh đạo từ Brazil và Trung Quốc đã đề xuất thành lập một tổ chức toàn cầu khác: một tổ chức đặc biệt dành cho sức khỏe toàn cầu.

Từ đề xuất đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ra đời ba năm sau, khi hiến chương của cơ quan này có hiệu lực vào ngày 7 tháng 4 năm 1948. Nó tuyên bố rằng sức khỏe là một quyền của con người mà mọi người đều được hưởng, "không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, quan điểm chính trị, điều kiện kinh tế hay xã hội" và rằng "sức khỏe của tất cả các dân tộc là nền tảng để đạt được hòa bình và an ninh". Liên hợp quốc cũng lấy ngày 7/4 là Ngày Sức khỏe Thế giới.

Bên cạnh đó, WHO đóng vai trò hỗ trợ các quốc gia thành viên. Hiến chương của WHO nhấn mạnh mục tiêu lý tưởng "tất cả các dân tộc có được mức độ sức khỏe cao nhất có thể", được định nghĩa là "trạng thái hoàn toàn thoải mái về thể chất và tinh thần chứ không chỉ đơn thuần là không có bệnh tật hay thương tật". Theo lời kêu gọi này, WHO phối hợp với tất cả các quốc gia thành viên để hỗ trợ quá trình phát triển y tế quốc gia. Một trong những dấu mốc quan trọng toàn cầu trong đại dịch, đó là việc thành lập cơ chế Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó COVID-19 do Tổng Giám đốc WHO cùng Tổng thống Pháp và Quỹ Bill & Melinda Gates khởi xướng, giúp thúc đẩy hợp tác trên toàn cầu tăng tốc phát triển, sản xuất và tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm, điều trị và vaccine ngừa COVID-19.

Trụ sở chính của WHO có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, với 6 văn phòng khu vực và 150 quốc gia trên khắp thế giới. Trong lịch sử 75 năm, WHO, hiện dưới sự lãnh đạo của Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus kể từ năm 2017, đã đạt được một số thành công lớn, song cũng còn nhiều sứ mệnh lớn cần hoàn thành.

Những triển vọng và thách thức

Trong cuộc họp báo ngày 6/4, Tổng Giám đốc WHO – Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus nhắc lại, 75 năm về trước, sau giai đoạn chiến tranh, các nước trên thế giới đã đồng ý thành lập một tổ chức mới và "tranh luận để đi đến thống nhất tổ chức này sẽ là gì và làm gì trong một tài liệu gọi là Hiến pháp của Tổ chức Y tế Thế giới".

“Ngày 7/4 đánh dấu kỷ niệm 75 năm ngày Hiến pháp có hiệu lực. Nó đã và đang là một văn kiện mang tính bước ngoặt” – Tiến sĩ Ghebreyesus nhấn mạnh.

tm-img-alt
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus . (Ảnh: Reuters) 

Theo người đứng đầu WHO, trong những thập kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến những tiến bộ phi thường trong việc bảo vệ con người khỏi bệnh tật và sự tàn phá, bao gồm cả việc đẩy lùi bệnh đậu mùa, giảm 99% tỷ lệ mắc bệnh bại liệt, cứu sống hàng triệu người thông qua tiêm chủng cho trẻ em, giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ, cải thiện sức khỏe cho hàng triệu người.

“Và trong ba năm qua, WHO đã điều phối phản ứng toàn cầu để chống lại đại dịch COVID-19 - cuộc khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ. Chúng tôi không thể khẳng định công lao duy nhất cho những thành tựu này, nhưng chúng tôi đã đóng vai trò đi đầu nhằm mang lại những thành tựu đó” – ông Ghebreyesus nói.

Bất chấp những thành tựu đã đạt được, người đứng đầu WHO cho rằng thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức cũ và mới, đặc biệt là tình trạng bất bình đẳng sâu sắc trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế; những lỗ hổng lớn trong việc phòng thủ trước các tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cùng các mối đe dọa từ các sản phẩm gây hại cho sức khỏe và khủng hoảng khí hậu.

Theo thống kê của WHO, hiện 30% dân số toàn cầu vẫn không thể tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu, gần 2 tỷ người chi tiêu ít ỏi cho y tế. Đặc biệt, đại dịch COVID-19, các tình huống y tế khẩn cấp, các cuộc khủng hoảng khí hậu và nhân đạo đan xen, khó khăn kinh tế và chiến tranh càng khiến sự mất công bằng trong y tế trở nên trầm trọng.

Để giải quyết những thách thức này, WHO kêu gọi các quốc gia hành động khẩn cấp để bảo vệ, hỗ trợ và mở rộng lực lượng lao động y tế như một ưu tiên chiến lược. Để tránh tình trạng thiếu 10 triệu nhân viên y tế trên toàn cầu vào năm 2030, chủ yếu ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, WHO khuyến nghị nên ưu tiên đầu tư vào giáo dục, kỹ năng và việc làm bền vững cho y tế.

Và trước những bất ổn hiện tại trên toàn cầu, gồm cả việc thông tin khoa học đang bị tấn công liên tục mỗi ngày, WHO đưa ra khuyến cáo tới các quốc gia phải bảo vệ công chúng khỏi thông tin sai lệch; tăng cường sức khỏe thông qua khoa học, nghiên cứu, đổi mới, dữ liệu, công nghệ kỹ thuật số và quan hệ đối tác.

Mới đây, WHO đã khởi xướng một chương trình giáo dục toàn cầu về chăm sóc cấp cứu cơ bản nhắm tới 25% y tá và nữ hộ sinh ở 25 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vào cuối năm 2025. Chương trình này sẽ cung cấp cho các y tá và nữ hộ sinh những kỹ năng và năng lực cần thiết để có thể tạo nên những khác biệt to lớn trong nỗ lực cứu lấy sinh mạng con người.

WHO viết tiếp câu chuyện sau 75 năm thành lập

Hướng tới 75 năm tiếp theo và đứng trước ngưỡng cửa của thế kỷ mới, một cam kết đổi mới về công bằng sức khỏe sẽ là chìa khóa để giải quyết các thách thức về sức khỏe trong tương lai. Trong bóng tối của đại dịch COVID-19, lộ trình phục hồi của WHO bao gồm một sự thay đổi mô hình khẩn cấp hướng tới tăng cường sức khỏe và hạnh phúc cũng như ngăn ngừa bệnh tật bằng cách giải quyết các nguyên nhân gốc rễ và tạo điều kiện cho sức khỏe phát triển. WHO đang kêu gọi các quốc gia cung cấp dịch vụ y tế bằng cách ưu tiên chăm sóc sức khỏe ban đầu, coi đây là nền tảng cho bảo hiểm y tế toàn cầu.

tm-img-alt
Hình ảnh cổ động Chiến dịch lần thứ 75 của WHO. Ngày 7/4 cũng được gọi là Ngày Sức khỏe Thế giới. Ảnh: WHO 

Đại dịch COVID-19 đã chỉ ra rằng bảo vệ sức khỏe là nền tảng cho nền kinh tế, xã hội, an ninh và sự ổn định của chúng ta. Rút kinh nghiệm từ đại dịch tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây, WHO sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia trên thế giới khi họ đàm phán về các Hiệp định liên quan tới đại dịch, sửa đổi Điều lệ Y tế Quốc tế và các sáng kiến tài chính, quản trị và hoạt động khác để chuẩn bị tâm thế đối phó với các đại dịch trong tương lai.

"Câu chuyện của WHO đã bắt đầu từ 75 năm trước và vẫn đang được viết tiếp. Những thách thức mà chúng ta phải đối mặt ngày nay rất khác so với những năm 1948, nhưng tầm nhìn của chúng ta vẫn không thay đổi, đó là tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất có thể cho tất cả mọi người" - ông Ghebreyesus nhấn mạnh.

Trước thềm lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập WHO, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ, lịch sử của WHO cho thấy điều gì có thể xảy ra khi các quốc gia đoàn kết với nhau vì một mục tiêu chung.

Theo ông Ghebreyesus, chúng ta có nhiều điều để tự hào, nhưng còn nhiều việc phải làm để hiện thực hóa tầm nhìn sáng lập của chúng ta về tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất có thể đạt được cho tất cả mọi người. Chúng ta chỉ có thể giải quyết những thách thức toàn cầu này bằng sự hợp tác toàn cầu.

Các hoạt động bên lề kỷ niệm 75 năm thành lập WHO

Tại Geneva, từ ngày 3/4-1/5/2023, WHO cùng với chính quyền thành phố Geneva đã tổ chức cuộc Triển lãm ảnh về sức khỏe, trưng bày 59 bức ảnh thể hiện 75 năm tiến bộ và thách thức trong lĩnh vực y tế, trong đó có bức ảnh về Việt Nam trong nỗ lực tăng cường an toàn đường bộ để bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Ngày 6/4, phát biểu tại lễ khai mạc cuộc Triển lãm ảnh, Thị trưởng thành phố Geneva, bà Marie Barbey-Chappuis, đã điểm lại những thành tựu quan trọng mà WHO đã đạt được trong 75 năm qua, ví dụ như nhờ chiến dịch tiêm chủng 12 năm do WHO lãnh đạo, thế giới đã ngăn chặn được bệnh đậu mùa từ năm 1980, một bệnh dịch do virus đã từng khiến hàng triệu người chết.

Cũng trong bài phát biểu khai mạc Triển lãm ảnh nêu trên, Tổng Giám đốc WHO, Tiến sỹ Tedros Adhanom Ghebreyesus, khẳng định “Lịch sử của WHO cho thấy chúng ta có thể đạt được nhiều kết quả quan trọng khi các quốc gia đoàn kết với nhau vì một mục tiêu chung”.

Bạn đang đọc bài viết Kỷ niệm 75 năm thành lập WHO: Những thành công và thách thức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Nước” với những giá trị phong thủy trong kiến trúc
Yếu tố “nước” trong phong thủy đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giữ gìn nguồn năng lượng, là cội nguồn cho sự phát triển, sinh sôi, hưng thịnh về sức khỏe và tài lộc. Yếu tố nước – giá trị biểu trưng trong văn hóa và phong thủy Cây đa
Bài thơ: Em thương anh...
Em thương anh! Thương mọi điều anh ạ///Cả tiếng cười, cả giọng nói ấm êm//Cả những chuyện anh vẫn kể hàng đêm///Từng câu chữ nhát gừng nhưng mộc mạc