Thứ sáu, 26/04/2024 13:07 (GMT+7)

Lâm Đồng: Giải pháp để dễ tiêu thụ nông sản

MTĐT -  Thứ tư, 08/09/2021 15:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Là tỉnh có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, nhưng thời gian qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến đầu ra nhiều loại nông sản của Lâm Đồng gặp khó khăn...

Để giảm bớt rủi ro, rơi vào cảnh cần “giải cứu”, một trong những giải pháp hiệu quả được người nông dân thực hiện là sản xuất rải vụ.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, tính đến hết tháng 8/2021, tổng diện tích gieo trồng lũy kế toàn tỉnh trong năm 2021 ước đạt 356.648,8 ha/389.365,1 ha, đạt 91,6% kế hoạch. Trong đó, cây hàng năm 93.633,2 ha; cây lâu năm 263.015,6 ha. Thời điểm này, hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân đều rất thuận lợi bởi yếu tố thời tiết, hầu hết các loại nông sản của người dân đều cho sản lượng tốt. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh trong nước khiến nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh hiện đang tiêu thụ khó khăn.

Theo đó, nông dân trong tỉnh cũng đang tập trung điều chỉnh mùa vụ, tăng cường rải vụ nhằm giảm bớt áp lực thu hoạch rộ vào một thời điểm, hạn chế rủi ro về đầu ra do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Về lâu dài, nông dân cũng cần thay đổi tư duy sản xuất để đáp ứng đúng, đủ nhu cầu của thị trường.

tm-img-alt
Giải pháp tăng cường rải vụ và sản xuất theo các đơn đặt hàng dựa theo chủng loại, số lượng cũng được người dân và các doanh nghiệp tích cực thực hiện. Ảnh minh họa

Anh Cao Bá Quát ở Phường 12, TP Đà Lạt có 4 ha chuyên sản xuất các loại rau, củ, quả như: cà chua, rau cải, dưa leo Nhật, ớt chuông theo các tiêu chuẩn sạch trong nhà kính để cung cấp cho các đơn vị cung ứng tại TP Hồ Chí Minh. Trước đây, trên mỗi khu vực sản xuất rộng 1 ha, anh thực hiện xuống giống đồng loạt một loại nông sản nhất định. Tuy nhiên, kể từ thời điểm tháng 4/2020, anh thực hiện chia nhỏ diện tích sản xuất từ 2.000-3.000 m2, xuống giống từng đợt, mỗi đợt cách nhau từ 15-20 ngày. Bên cạnh đó, anh cũng đa dạng thêm các loại cây trồng mới như: bí baby, bù lù... Với cách làm này, anh Quát chủ động được nguồn cung cho thị trường.

Theo anh Quát, trong điều kiện lưu thông hàng hóa bình thường, với cách làm mùa vụ như trước, khi đến thời kỳ thu hoạch, mỗi ngày trang trại của anh thu hoạch hàng tấn các loại nông sản. Sau đó, các đối tác sẽ đưa xe đến tận vườn để thực hiện thu mua. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong hai năm gần đây, việc tiêu thụ nông sản liên tục bị gián đoạn. Do đó, cách sản xuất chia nhỏ sản lượng trong cùng một thời điểm giúp anh dễ dàng hơn trong việc tiêu thụ, nông sản không còn cảnh tồn đọng.

Minh chứng rõ nhất là trong bối cảnh các tỉnh, thành như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đang thực hiện giãn cách xã hội, lượng nông sản của trang trại được chia nhỏ, đều đặn cung ứng cho đối tác để cung cấp cho người tiêu dùng.

Trong khi đó, tại huyện Lạc Dương, bên cạnh giải pháp tăng cường rải vụ thì việc sản xuất theo các đơn đặt hàng dựa theo chủng loại, số lượng cũng được người dân và các doanh nghiệp tích cực thực hiện. Ông Hoàng Xuân Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lạc Dương cho biết: Nếu dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng, các tỉnh, thành thực hiện áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thì việc tiêu thụ nông sản của người dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, một số đơn vị sản xuất nông nghiệp lớn trên địa bàn như Công ty Trường Phúc, Mai Khôi Farm, Jan’s... đang tổ chức liên kết sản xuất với nông dân theo các đơn đặt hàng. Với cách làm này, sản phẩm của các đơn vị sẽ được bao tiêu thu mua 100%, tránh tình trạng bị dư thừa.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp địa phương cũng đang tích cực tuyên truyền cho người dân đẩy mạnh thực hiện đa dạng hóa các loại cây trồng, giảm thiểu tối đa tình trạng độc canh.

Ông Hà Ngọc Chiến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho biết: Hiện tại, đa phần các loại cây trồng có quy mô lớn, mang tính hàng hóa đều được người dân trong tỉnh sản xuất rải vụ. Tuy nhiên, việc sản xuất rải vụ cũng gặp những khó khăn do người sản xuất thiếu quy trình kỹ thuật cho từng loại cây, phù hợp cho từng vùng.

Đơn cử như là cây ăn trái. Tính đến hết tháng 8/2021, toàn tỉnh có tổng diện tích cây ăn trái đạt 27.855,3 ha; trong đó, diện tích kinh doanh 13.434,3 ha, ước sản lượng 121.469,4 tấn. Tuy nhiên, có một thực tế là những năm gần đây, nông dân trong tỉnh ồ ạt mở rộng diện tích một số cây ăn quả như: sầu riêng, bơ... không theo quy hoạch dẫn đến giá thành cây ăn quả của tỉnh lên xuống thất thường, khiến nhiều hộ dân thu nhập không ổn định.

Một trong những biện pháp kỹ thuật cơ bản của sản xuất rải vụ là sử dụng chất kích thích nhưng việc sử dụng nhiều sẽ làm cây mất cân bằng về sinh lý, dinh dưỡng, suy kiệt, giảm sức chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường, tăng nguy cơ sâu, bệnh gây hại... Do đó, nhằm đẩy mạnh, bảo đảm hiệu quả kinh tế trong sản xuất rải vụ cây trồng, thời gian tới, các địa phương cần xây dựng, chỉ đạo, điều phối thực hiện tốt lịch thời vụ; có sự liên kết giữa các địa phương, đơn vị liên quan bảo đảm đầu ra cũng như hiệu quả mà sản phẩm nông sản mang lại.

PV (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Lâm Đồng: Giải pháp để dễ tiêu thụ nông sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.