Thứ bảy, 27/04/2024 13:25 (GMT+7)

Lễ hội vía Bà Thủy Long là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Song Lam -  Thứ tư, 27/03/2024 17:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vừa qua, tỉnh Cà Mau long trọng tổ chức lễ trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch lễ hội "Vía bà Thủy Long" tại xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi.

tm-img-alt
Lễ hội Vía bà Thủy Long ở ngã ba Vạn, ấp Thanh Tùng, xã Thanh Tùng huyện Đầm Dơi tỉnh Cà Mau. Cổng thông tin Cà Mau.

Miếu Bà Thủy Long nằm trên phần đất rộng 1.200m², tọa lạc tại ngã ba Thị Vạn, thuộc ấp Thanh Tùng, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi. Theo tài liệu được lưu lại và qua lời kể của Ban Trị sự miếu thì ngôi miếu Bà Thủy Long (Thủy Long Cung Thần nữ) tại ấp Thanh Tùng, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi được lập vào khoảng đầu thế kỷ XIX.

Ngôi miếu thờ Bà Thủy Long trở thành nơi ghi dấu của quá trình khai hoang, mở cõi của cộng đồng người Việt trên vùng đất mới, nay thuộc xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi. Từ hai kiến họ ban đầu (họ Tô và họ Nguyễn), trải qua hơn 200 năm đã phát triển cộng đồng dân cư đông đúc với hơn 60 kiến họ, hơn 200 năm qua người dân xã Thanh Tùng và Nhân dân các vùng lân cận đã duy trì việc thờ cúng Bà Thủy Long, mà ngày nay trở thành tín ngưỡng đặc trưng của cư dân vùng sông nước Cà Mau.

Hằng năm, vào ngày 15 đến ngày 17 tháng 2 (Âm lịch), người dân xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi tổ chức lễ hội vía Bà rất trang nghiêm, thành kính và nhộn nhịp, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đến tham gia. Lễ cúng miếu Bà Thủy Long cũng được Nhân dân gọi là Lễ Kỳ Yên (cầu an) với mục đích cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Đây là một trong những lễ hội lớn và lâu đời của tỉnh Cà Mau, đặc biệt là lễ hội gắn liền với tín ngưỡng thờ “Thủy Long thần nữ” của người dân sinh sống tại vùng đất xã Thanh Tùng và các vùng lân cận.

Lễ cúng thường phải có thịt vịt và các loại bánh trái, hương - đăng - trà - quả, ngày cúng được tổ chức tùy theo điều kiện của từng địa phương, năm trúng mùa thì cúng lớn, năm thất mùa thì cúng gọn nhẹ.

Lễ hội vía Bà Thủy Long được tổ chức chu đáo và bài bản, đảm bảo an ninh, trật tự trong việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian và có ý nghĩa giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, nhắc nhở con cháu gìn giữ đạo đức, lối sống, đoàn kết, yêu thương nhau.

Thủy Long thần nữ hay còn gọi bà Thủy Long, là vị nữ thần được thờ ở khắp các địa phương đồng bằng Nam Bộ, đặc biệt là vùng sông nước Cà Mau. Hình thức thờ chủ yếu tại các miếu thờ cộng đồng. Có miếu thờ đi đôi với đình thần, nằm trong khu vực quần thể kiến trúc của đình thần; có miếu được lập riêng biệt với gian chính diện thờ Thủy Long thần nữ. Theo thống kê bước đầu, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có đến hàng chục miếu thờ Thủy Long thần nữ với nhiều quy mô khác nhau.

tm-img-alt
Lễ hội "Vía bà Thủy Long" ở Thanh Tùng Đầm Dơi là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Tại Lễ công bố Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Miếu bà Thủy Long Thanh Tùng, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Cà Mau, bày tỏ mong muốn cộng đồng dân cư, các chủ sở hữu di sản cùng chính quyền, tổ chức, đoàn thể địa phương tiếp tục quan tâm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Cần có nhiều hoạt động phối hợp giữa các đơn vị, tổ chức, đoàn thể nhằm tuyên truyền, quảng bá di sản, phục vụ du lịch.

Bạn đang đọc bài viết Lễ hội vía Bà Thủy Long là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề 

Tin mới

Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề