Libya: Tổng công tố bắt giữ 8 quan chức sau thảm họa lũ lụt
Ngày 25/9, Tổng công tố Libya đã ra lệnh bắt giữ 8 quan chức trong khuôn khổ cuộc điều tra về thảm họa lũ lụt làm hàng chục nghìn người thiệt mạng tại nước này.
Văn phòng Tổng công tố Libya cho biết các quan chức nói trên bị buộc tội “quản lý kém” và bất cẩn, cùng một số tội danh khác. 7 người trong số này đang hoặc từng đảm trách các vị trí về quản lý nguồn nước và đập ngăn nước. Trong số những người bị bắt giữ có Thị trưởng Derna, ông Abdulmonem al-Ghaithi, người đã bị cách chức ngay sau thảm họa.
Thảm họa ngày 10/9 mà nhiều nhân chứng ví như trận đại hồng thủy khi mưa lớn do ảnh hưởng của bão đã làm vỡ hai con đập vốn bị nứt từ hàng chục năm nay mà không được tu sửa. Nước ào về thành phố, cuốn trôi con người, nhà cửa, mọi thứ trên đường đi.
Vụ việc xảy ra sau khi một trận bão nhiệt đới quét qua khu vực quanh Derna, thành phố cảng miền Đông Libya. Theo các số liệu thống kê, hàng chục nghìn người đã thiệt mạng và mất tích.

Một báo cáo của cơ quan kiểm toán nhà nước vào năm 2021 cho biết, 2 con đập được xây dựng từ những năm 1970 đã không được bảo trì trong thời gian dài mặc dù ngân sách đã phân bổ hơn 2 triệu USD cho việc này vào năm 2012 và 2013. Hội đồng Nhà nước tối cao Libya, có trụ sở tại Tripoli, đã kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế toàn diện về vụ vỡ đập.
Sau khi mở điều tra, Tổng công tố al-Sur cho biết hai con đập ở thượng nguồn ở Derna đã bị nứt từ năm 1998. Tuy nhiên, việc sửa chữa do một công ty của Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành vào năm 2010 đã phải dừng lại sau một vài tháng vì xảy ra cuộc xung đột tại Libya năm 2011. Sau đó, việc sửa chữa không được nối lại.
Theo Văn phòng Tổng công tố, cuộc điều tra tập trung vào hợp đồng bảo dưỡng đập giữa công ty của Thổ Nhĩ Kỳ với cơ quan phụ trách nguồn nước của Libya.
Con đập đầu tiên bị vỡ trong thảm họa này là đập Abu Mansur, cách Derna 13km, nơi có thể trữ 22,5 triệu m3 nước. Nước lũ sau đó đã làm vỡ đập thứ hai là Al Bidlad, có sức chứa 1,5 triệu m3 nước và chỉ cách thành phố này 1km. Hai đập này đều do công ty Yugoslav xây dựng
Hiện ngoài nhu cầu về nhu yếu phẩm hàng ngày và nơi trú ẩn tạm thời, một vấn đề ưu tiên khác là cần cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản để ngăn chặn nguy cơ bùng phát bệnh tả do nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm.