Thứ sáu, 26/04/2024 16:23 (GMT+7)

Lũ quét ở Hà Giang: Thiệt hại nặng do “vỡ trận quy hoạch” thủy điện?

MTĐT -  Thứ ba, 26/06/2018 12:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trận mưa lũ lịch sử chưa từng có đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho tỉnh Hà Giang. Trong đó, có 3 nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất là Hà Giang, Quản Bạ và Vị Xuyên.

Tính đến nay, mưa lũ tại Hà Giang đã khiến 3 người chết, gần 1.000 căn nhà bị ngập, hư hỏng và nhiều tài sản giá trị bị nhấn chìm trong biển nước, thiệt hại về kinh tế ban đầu ước tính lên tới 25 tỷ đồng.

Theo một số người dân, nguyên nhân khiến Hà Giang chìm trong biển nước như những ngày qua một phần là do tỉnh này đã ồ ạt cho xây dựng hàng loạt các dự án nhà máy thủy điện trên địa bàn.

Cụ thể, theo VOV đưa tin, do nước từ đầu nguồn đổ về với lưu lượng nước lớn, các Nhà máy Thủy điện Sông Lô 2 trên địa bàn xã Đạo Đức (Vị Xuyên) và Sông Lô 4 trên địa bàn xã Tân Thành (Bắc Quang) đồng loạt mở các cửa xả để hạn chế mức thấp nhất việc ngập úng cục bộ ở phía trên thượng lưu.

Nhà máy Thủy điện Sông Miện đã tiến hành mở các cửa xả, lưu lượng nước giao động từ 1.000 - 1.400m3/s.

Huyện Quản Bạ, Hà Giang ngập sâu, thiệt hại nặng sau cơn lũ dữ - Ảnh: Nguyễn Tiệp. 

Ông Nguyễn Khắc Quyền, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hà Giang cho rằng, việc xả lũ các hồ thủy điện là đúng quy trình và chỉ “hơi bị động” vì nước lũ lên quá cao.

“Công tác vận hành thủy điện hiện nay đang diễn ra theo quy trình vận hành hồ chứa. Tuy nhiên, năm nay lũ lớn bất ngờ nên thông tin phối hợp giữa các thủy điện chưa tốt. Hiện nay, ngành công thương đang tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh có quy chế cung cấp thông tin trong quá trình quản lý vận hành các thủy điện cho đồng bộ. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để vận hành tốt hơn”, ông Quyền giải thích.

Tính đến năm 2017, trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện có 46 dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy gần 900 MW, trong đó đã có 24 nhà máy thủy điện đang phát điện với tổng công suất lắp máy 473 MW. Sản lượng điện phát lên hệ thống lưới điện Quốc gia trong năm 2017 ước đạt trên 1,4 tỷ KWh, doanh thu đạt gần 2.000 tỷ đồng.

Đầu năm nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đã tổ chức kiểm tra và ban hành thông báo nêu rõ từng sai phạm của hàng loạt nhà máy thủy điện trên địa bàn. Hồ chứa một số nhà máy thủy điện đã tích nước nhưng chưa có quy trình vận hành hồ chứa chưa được Bộ Công Thương phê duyệt; chưa thực hiện quan trắc, giám sát môi trường định kỳ.

Đặc biệt một số công trình đã đưa vào vận hành nhưng chưa được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế. Thông báo này cũng chỉ ra một loạt nội dung tồn tại, yêu cầu khắc phục của thủy điện Sông Lô 2, thủy điện Suối Sửu 2, thủy điện Hạ Thành, thủy điện Thái An, thủy điện thanh thủy 2, thủy điện Sông Chảy 5, thủy điện Nậm Mạ 1, thủy điện Nậm Má, thủy điện Nho Quế 1, thủy điện Nho Quế 2, thủy điện Nho Quế 3…

Công tác quản lý nhà nước về thủy điện thời gian qua còn chưa tốt làm nảy sinh nhiều tiêu cực ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, gây ảnh hưởng các công trình hạ tầng giao thông, hủy hoại môi trường sinh thái vùng hạ du.

Ông Phạm Bá Khoát, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Giang cho rằng: “Chúng tôi thông báo cho TP Hà Giang đến huyện Vị Xuyên và các trạm thủy điện đồng loạt xả lũ. Các thủy điện lòng sông đã được mở hoàn toàn không phát điện, mực nước đằng trước đằng sau bằng nhau. Như tại TP Hà Giang có nhiều vùng thấp trũng vẫn bị ngập nhưng năm nay bị ngập là do thủy điện một phần. Thủy điện lòng sông không có tác dụng cắt lũ cho vùng hạ du, vì không có lòng hồ. Nếu mở van đằng trước, đằng sau như nhau, không có lòng hồ trữ được lũ lại”.

Theo TTXVN đưa tin, từ năm 2005 đến nay, tỉnh Hà Giang đã quy hoạch 72 dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy khi quy hoạch là 768,8MW. Trong giai đoạn đầu, từ năm 2005-2010 và xét đến năm 2015 tại Quyết định 216/QĐ-UBND ngày 19/5/2005 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang, trên địa bàn tỉnh này được quy hoạch 26 dự án, với tổng công suất lắp máy 474,9MW.

Cũng trong giai đoạn này, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) đã phê duyệt một dự án thủy điện trên sông Gâm, với công suất 45MW.

Trong khi đó, tại Quyết định số 2737/QĐ-UBND ngày 22/8/2008 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang về việc phê duyệt quy hoạch phát triển thủy điện vừa và nhỏ, thì số lượng dự án thủy điện nhỏ trong giai đoạn hai được điều chỉnh thêm… 34 dự án. Vì đây chủ yếu là thủy điện nhỏ nên tổng công suất lắp máy của 34 dự án chỉ có 80MW.

Những tưởng với hệ thống thủy điện dày đặc được quy hoạch trên hầu hết các con sông ở Hà Giang sẽ dừng lại ở đó. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 2 năm (từ cuối 2009-2011), Hà Giang tiếp tục quy hoạch thêm 11 thủy điện trên hệ thống sông Lô, sông Chảy, sông Gâm với tổng công suất lắp máy hơn 160MW.

Mãi đến tháng 4/2013, sau khi cùng Bộ Công Thương rà soát các dự án thủy điện, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang mới loại bỏ 27 trong tổng số 72 dự án ra khỏi quy hoạch vì năng lực yếu, không khả thi như: Thủy điện Sông Miện 2, Thanh Thủy 1A, Lũng Phìn, Cốc Rế, Sông Con 1, Ngòi Thàn, Ngòi Hít, Nậm Mu 1A, Nậm Khiêu...

Ông Hoàng Văn Nhu - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang từng trao đổi với TTXVN rằng: Trước đây công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch dự án thủy điện chưa sát với thực tế, thiếu sàng lọc ngay từ khi kêu gọi. Vì thế, không ít chủ đầu tư thiếu năng lực và kinh nghiệm đã nhảy vào đầu tư, dẫn đến việc phải thường xuyên điều chỉnh, loại bỏ nhiều dự án khỏi quy hoạch.

Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển thủy điện ở Hà Giang cũng xuất hiện những bất cập như chiếm dụng đất đai (đất nông nghiệp, đất rừng), đồng ruộng để làm hồ chứa. Thủy điện hình thành các bậc thang từ thượng nguồn làm thay đổi dòng chảy, chế độ thủy văn, ảnh hưởng môi trường sinh thái, tiềm ẩn nguy cơ gây thảm họa cho con người.

Thủy điện Hà Giang xả lũ. Ảnh: VOV.

Cho đến nay, mặc dù đã bị loại bớt dự án (chỉ còn lại hơn 40 dự án với tổng công suất lắp máy gần 800 MW) nhưng mỗi con sông ở Hà Giang vẫn phải “cõng” từ 3 - 6 thủy điện. Đơn cử, dù chỉ là một phụ lưu của sông Lô, nhưng sông Miện hiện đang phải “cõng” 6 thủy điện là: Sông Miện 5, Sông Miện 5A, Thái An, Sông Miện (Bát Đại Sơn), Sông Miện 6, và Thuận Hòa.

Trên sông Nho Quế (dòng sông giải khát cho người dân vùng cao) chảy qua địa phận huyện Mèo Vạc, hiện cũng đã được quy hoạch ít nhất 3 nhà máy thủy điện bậc thang. Trong đó, thủy điện Nho Quế 3 đã vận hành từ năm 2012, thủy điện Nho Quế 2 đã phát điện hồi tháng 8/2016. Còn thủy điện Nho Quế 1 đang trong quá trình thi công.

Thực tế nhiều năm qua, không ít lần xảy ra trường hợp nhà máy thủy điện xả lũ bất ngờ, gây thiệt hại lớn cho người dân vùng hạ du, nhưng các chủ đầu tư đều cho rằng: họ đã vận hành đúng quy trình. Đúng – sai chưa phân định rõ, nhưng thiệt hại về tính mạng và tài sản cho người dân thì đã hiện hữu.

 P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Lũ quét ở Hà Giang: Thiệt hại nặng do “vỡ trận quy hoạch” thủy điện?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới