Thứ bảy, 27/04/2024 04:02 (GMT+7)

Sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào: Mối quan tâm của xã hội hiện nay

MTĐT -  Thứ tư, 25/07/2018 11:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, thực trạng xây dựng hàng nghìn thuỷ điện nhỏ ở Việt Nam đang là mối quan tâm của xã hội hiện nay.

Bước đầu, đại diện các công ty xây dựng đã lên tiếng giải thích gây ra sự cố. Công ty điện lực Ratchaburi của Thái Lan, một trong ba nhà đầu tư vào dự án thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy nói mưa lớn bất ngờ đã khiến mực nước dâng cao, vượt quá khả năng chịu đựng của con đập đang thi công.

Khu vực bị vỡ được cho là đập phụ có chức năng giữ nước khi các con đập chính bị quá tải. Đập phụ không chịu được lượng nước quá lớn từ các sông đổ về.

Còn Công ty SK Engineering & Construction của Hàn Quốc có cổ phần trong dự án xây dựng tại đập thủy điện này cho biết, đã phát hiện vết nứt vỡ đầu tiên tại đập này từ 21h tối 22/7. Giới chức đã phát cảnh báo và các dân làng quanh đập bắt đầu sơ tán từ thời điểm này.

Hàng ngàn người dân Lào bị ảnh hưởng bởi thảm họa vỡ đập thủy điện. 

Đồng thời, một đội đã được cử đến để sửa chữa đập. Tuy nhiên, mưa lớn đã cản trở công tác khắc phục vết nứt vỡ.

Thảm họa vỡ đập thủy điện tại Lào lần này cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các nhà máy thủy điện thi nhau được xây lên.

Với lợi thế về địa hình, số lượng sông suối nhiều, độ dốc cao… từ năm 2005 đến nay, nhiều tỉnh miền núi đã coi phát triển thủy điện nhỏ là “con gà đẻ trứng vàng.” Từ đó khởi nguồn cho phong trào phát triển ồ ạt nhằm khai thác tối đa nguồn “vàng trắng” giàu tiềm năng.

Theo thông tin trên TTXVN, trong vòng 10 năm qua, tỉnh Hà Giang và Cao Bằng đã được quy hoạch trên 100 dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy khi quy hoạch lên đến hơn 1.000MW. Đến nay, mặc dù hai tỉnh này đã loạt bỏ 37 dự án yếu kém, nhưng trung bình mỗi dòng sông vẫn phải “cõng” từ 3-6 nhà máy thủy điện.

Hồ thuỷ điện sông Tranh. Ảnh: Internet. 

Hay như các tỉnh Duyên hải miền Trung-Tây Nguyên, Quảng Nam hiện đứng đầu về số lượng công trình thủy điện. Trong số đó, có những công trình báo động về mức độ hủy hoại môi trường và nguy cơ đe dọa cuộc sống của người dân. Đó là Thủy điện Sông Tranh liên tiếp xảy ra động đất, còn Thủy điện A Vương gây ra thảm họa mất rừng và xả lũ chồng lên lũ.

Theo thống kê, hiện cả nước có tổng số 6.648 hồ chứa thủy lợi, được phân bố tại 45/63 tỉnh, TP. Trong đó, có 702 hồ chứa lớn và 5.946 hồ chứa nhỏ. Đặc biệt, có 3 hồ chứa quan trọng liên quan tới an ninh Quốc gia.

Đối với chất lượng công trình, hiện có 1.200 hồ chứa thủy lợi đang bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, hoặc thiếu khả năng xả lũ theo quy định. Các hình thái xuống cấp của các hồ chứa thủy lợi chủ yếu là thấm thân đập, nứt tràn xả lũ, hư hỏng cống lấy nước, xói lở tiêu năng… Từ năm 2008 đến nay, cả nước đã xảy ra 50 sự cố gây mất an toàn cố đập, hồ chứa thủy lợi, trong đó, riêng năm 2017, có tới 23 sự cố.

Thực tế, tại Việt Nam dù chưa có thảm họa nào tương tự như Lào nhưng những trận lũ xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc hay miền Trung những năm qua đã phần nào cho thấy mặt trái của việc phát triển nhà máy thủy điện ồ ạt.

Trao đổi với báo Nông nghiệp VN, GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, thực trạng xây dựng hàng nghìn thuỷ điện nhỏ ở Việt Nam đang là mối quan tâm của xã hội hiện nay.

Ngoài những điểm yếu nêu trên đối với thuỷ điện nhỏ, thì còn vấn đề lớn là chúng ta không thể dự báo lũ cho thuỷ điện nhỏ được. Lý do, không thể xác định đường lũ đến cho các thuỷ điện đó là đâu? Ví dụ, như thuỷ điện Hoà Bình, thuỷ điện sông Đà, thì đường lũ đến là sông Đà, nên chúng ta đặt trạm đo dòng chảy trên sông là có thể dự báo lũ. Còn thuỷ điện nhỏ chủ yếu xây dựng trên các suối, đan xen nhau (chúng ta có tới trên 3.400 dòng suối), nên rất khó xác định đường lũ đến đâu là chính. Điều này gây khó khăn cho việc phòng, tránh lũ.

Hiện nay chúng ta đã xây dựng nhiều bậc thang cho các thuỷ điện nhỏ, lại ở quá gần nhau (ví dụ thuỷ điện Sông Tranh ở Quảng Nam, trên một dòng sông có tới 3 thuỷ điện, chỉ cách nhau không tới hàng chục km), sẽ dẫn đến đổ vỡ hàng loạt, khi thuỷ điện trên bị vỡ, giống như thuỷ điện XePian vỡ, dẫn đến thuỷ điện XeNamnoy vỡ.

Tại sao gần nhau quá lại dễ vỡ? Lý do, khi lượng nước lũ của thuỷ điện bậc thang trên vỡ, nhưng cách xa thuỷ điện bậc dưới, thì lượng lũ đó sẽ phân vào các lưu vực xung quanh để chứa, không dồn ngay về cho thuỷ điện bậc dưới.

Đó là chưa kể quy trình vận hành hồ chứa thuỷ điện vẫn theo mục tiêu về kinh tế, là làm sao một khối nước, có thể cho phát điện nhiều lần. Chính vì vậy, luôn cho thuỷ điện bậc thang trên cùng tích nước trước, rồi đến bậc dưới.

Như vậy khi lũ về lớn hơn, thì buộc hồ dưới phải xả gấp, bởi hồ trên đã đầy. Chúng ta phải xả hồ Hoà Bình cấp tập 4 cửa, cũng do hồ Sơn La đầy, mà lũ lại về lớn.

Quy trình trái với yêu cầu dung tích phòng lũ như nêu trên, dễ mất an toàn, nếu cửa xả của hồ dưới không mở được, thì vỡ cả hai hồ.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào: Mối quan tâm của xã hội hiện nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới