Thứ sáu, 26/04/2024 19:00 (GMT+7)

Một tuần giãn cách xã hội ở Hà Nội

MTĐT -  Thứ tư, 04/08/2021 17:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những giao lộ thông thoáng trong giờ cao điểm, trung tâm thương mại vắng lặng, các chốt kiểm dịch Covid-19 thiết lập trên phố, người dân nhận phiếu đi chợ ...

Hà Nội đang dần thích ứng với nhịp sống “giãn cách xã hội” trong nỗ lực khống chế dịch Covid-19.

ĐƯỜNG PHỐ TĨNH LẶNG

Từ 6 giờ ngày 24/7, UBND Hà Nội quyết định thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc giãn cách xã hội trên địa bàn để phòng, chống dịch Covid-19. Các tuyến đường chính dẫn vào trung tâm thành phố như: Giải Phóng, Nguyễn Trãi, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Láng… hằng ngày thường xuyên ùn tắc nay trở nên vắng lặng. Bến xe Nước ngầm, Giáp Bát, Mỹ Đình; ga Hà Nội… đông đúc, ồn ào là vậy, giờ cửa đóng then cài.

Các tuyến phố kinh doanh náo nhiệt trở nên yên ả, trung tâm thương mại vắng lặng. Người Hà Nội dần thích ứng với cuộc sống học tập, làm việc và sinh hoạt tại nhà. “Gia đình tôi có hai trẻ nhỏ, ở nhà lâu bọn trẻ bức bối nhưng trong hoàn cảnh hiện nay thì cả gia đình bảo nhau để thực hiện tốt việc giãn cách. Đây là biện pháp bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng cần thiết khi thành phố có nhiều ổ dịch không rõ nguồn gốc”, chị Nguyễn Thanh Thúy (phố Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ.

NHỊP SỐNG THAY ĐỔI

Nhờ việc chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng, thị trường hàng hóa tại Hà Nội những ngày giãn cách vẫn ổn định, lượng hàng dự trữ tăng lên gấp ba lần bình thường. Tại một số siêu thị như Hapro, Big C Thăng Long, VinMart, Intimex… lượng người tới mua tăng nhẹ, hàng hóa đa dạng. Người Hà Nội không còn đổ xô tích trữ lương thực, thực phẩm như năm 2020.

Người dân ở 8 phường trên địa bàn quận Tây Hồ đã bắt đầu quen với việc đi chợ theo khung ngày, giờ quy định trên tấm thẻ đi chợ được phát. Nhiều quầy bán hàng còn làm hàng rào ngăn cách người mua hàng, kẻ vạch giãn cách.

Bà Dương Thị Nga (số 5 ngõ 497 đường Âu Cơ, phường Nhật Tân) cho biết, bà ủng hộ hình thức đi chợ theo thẻ, hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19, tránh trường hợp một số người tìm cách đi ra đường nhưng lấy lý do đi chợ. Tại chợ Bách Khoa (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng), các tiểu thương trang bị bạt ni-lông, tấm mi-ca để quây kín gian hàng, dựng vách ngăn hạn chế tiếp xúc trực tiếp và giữ khoảng cách với người mua. Các tấm chắn chỉ để hở phía dưới khoảng 20 cm để giao nhận hàng hóa.

NỖ LỰC PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19

Sáng 26/7, Bộ Tư lệnh Thủ đô phối hợp Bộ Tư lệnh Hóa học phun khử khuẩn diện rộng trên địa bàn Hà Nội nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19. Đây là lần đầu tiên Hà Nội thực hiện phun khử khuẩn, tiêu độc trên diện rộng khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các ca dương tính với SARS-CoV-2 tăng nhanh.

Trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 29/4 đến ngày 30/7, Hà Nội có 1.100 trường hợp dương tính, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 663, số ca mắc được cách ly là 437. Trong một tuần giãn cách xã hội, Hà Nội tăng cường xét nghiệm sớm để phát hiện ca nhiễm ngoài cộng đồng.

Sau quá trình chuẩn bị chu đáo, thành phố Hà Nội cũng bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân Thủ đô tại các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã với cả 3 loại vaccine gồm AstraZeneca, Pfizer và Moderna.

Dưới nắng nóng gay gắt tháng 7, tại các chốt kiểm dịch cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, các lực lượng kiểm dịch làm việc bất kể ngày đêm, miệt mài xét nghiệm, truy vết các ca lây nhiễm, tránh lây lan cho cộng đồng. Tất cả đều vì một Hà Nội an toàn, sớm sôi động trở lại.

Theo Duy Linh-Quốc Trịnh-Sơn Đại-Đức Duy/ nhandan.vn

Bạn đang đọc bài viết Một tuần giãn cách xã hội ở Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mở rộng thêm 94 km2 tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Vào năm 2025, Thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận sẽ mở rộng lên diện tích 305 km2, đồng thời dân số của thành phố dự kiến sẽ vượt qua con số 334.000 người, sau khi thực hiện quá trình sáp nhập một phần của huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc...

Tin mới