Chủ nhật, 19/05/2024 09:05 (GMT+7)

Mừng thọ, nét đẹp văn hóa của người Việt Nam

Đồng Minh Phan -  Thứ năm, 10/02/2022 11:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cho đến nay, không rõ phong tục mừng thọ đầu Xuân chính xác có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, đây là nét đẹp truyền thống được lưu truyền từ đời này sang đời khác và trở thành nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt.

Người xưa nói: Thọ là một trong ngũ phúc “Khang - Ninh - Phúc - Lộc - Thọ” mà con người mong muốn. Vì vậy, việc tổ chức mừng thọ là thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ. Ở nước ta, lễ mừng thọ là một nét đẹp văn hoá không chỉ đối với gia đình, họ mạc mà đã được cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể quan tâm.

Những người được làm Lễ chúc thọ là những cụ cao tuổi. Cụ nào càng nhiều tuổi, con cháu đề huề thì được coi là có phúc có đức, được lộc trời ban và con cháu tự hào vì có ông, bà đại thọ. Vào những năm chẵn tuổi của ông bà, các con cháu trong gia đình sẽ cùng nhau tổ chức Lễ mừng thọ với ý nguyện chúc ông, mừng bà sống lâu, sống khỏe. Theo đó, Lễ "thượng thọ" có thể bắt đầu từ lúc 60 tuổi gọi là thượng thọ lục tuần, lúc 70 tuổi là thượng thọ thất tuần, lúc 80 tuổi là thượng thọ bát tuần, 90 tuổi là thượng thọ cửu tuần và tròn 100 tuổi thì ăn mừng lớn - gọi là bách tuế hay bách niên chi lão.

Thông qua việc tổ chức mừng thọ, người già sẽ thấy hạnh phúc hơn vì đông con, nhiều cháu lại hiếu thảo, lễ nghĩa. Họ nhận thấy công sức bao năm bỏ ra để nuôi dạy con cháu, cống hiến cho xã hội đã được đền đáp xứng đáng. Về phần con cháu cũng sẽ thấy tự hào về ông bà cũng như truyền thống gia đình mình, vui vẻ vì đã có cơ hội để báo hiếu, làm vui lòng ông bà, cha mẹ.

Nhân dịp đầu xuân mới, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam là con cháu trong dòng họ Đồng đã may mắn được tham dự Lễ mừng thọ 100 tuổi của mẹ Đồng Thị Tiếp tại thôn Lạc Chính, xã Trực Khang, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Buổi Lễ được tổ chức trang trọng, ấm áp theo nghi thức, phong tục truyền thống của địa phương.

Nhiều người tới tham dự lễ mừng thọ đã không khỏi bùi ngùi xúc động và cảm phục khi nghe lời phát biểu rất đỗi giản dị, mộc mạc của người con trai cả là Đồng Văn chia sẻ về cuộc sống mẹ và gia đình cụ Đồng Thị Tiếp. Sau đây, Ban biên tập Môi trường và Đô thị Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu này.

Kính thưa các ông các bà. 
Kính thưa các vị quý khách

Hôm nay, chúng tôi vui mừng và hạnh phúc tổ chức Lễ mừng thọ 100 tuổi cho mẹ và mừng chú Bột 70 tuổi, chú Vũ 60 tuổi.

Trước hết, thay mặt gia đình tôi có lời chào và cảm tạ các ông, các bà và các quý khách đã đến chúc mừng tuổi thọ của mẹ, cùng hai chú Bột, Vũ và chung vui cùng gia đình.

Thưa các ông bà, thưa các quý vị.

Người xưa từng nói: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Người thọ 70 xưa nay hiếm, mẹ chúng tôi năm nay đã 100 tuổi và cả 6 người con của mẹ đã trên 60 tuổi. Đó là hạnh phúc lớn nhất của cả gia đình. 

Các cụ xưa cũng từng nói: “Tuổi cao phúc lộc trời cho”. Có được hạnh phúc lớn lao này trước hết tôi xin đa tạ đấng sinh thành và đa tạ tổ tiên đã sinh ra mẹ và phù hộ cho mẹ 100 tuổi. Tôi cũng xin có lời cảm ơn các ông, các bà, các cô, chú, bác anh em thân thiết và bà con thôn xóm đã chia ngọt sẻ bùi, giúp đỡ động viên mẹ con chúng tôi trong những năm tháng hàn vi nghèo khó.

Trong buổi lễ long trọng hôm nay, tôi bùi ngùi tưởng nhớ tới người cha thân yêu đã ra đi cách đây gần 60 năm để lại nỗi nhớ thương và những khoảng trống không gì bù đắp được trong cuộc đời của chúng tôi. Hôm nay nhắc đến bố, âu cũng là một nén nhang thắp để tạ ơn bố, người đã sinh thành nuôi dưỡng mình, cũng là người thiệt thòi nhất.

Thưa các quý vị

Mừng thọ mẹ là dịp để nhìn lại 100 năm đã trôi qua với biết bao thăng trầm của cuộc đời mẹ, cũng là những bước thăng trầm của cả gia đình. Dù thời gian có trôi qua, vòng đời có đi vào dĩ vãng, nhưng cuộc đời của mẹ vẫn hiện hữu như những hình ảnh không phai mờ trong tim của các con.

Mẹ sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, nhưng các đời mẹ gặp nhiều những bất hạnh, những gian truân. 

Năm mẹ 5 tuổi mồ côi cha, 9 tuổi mẹ đi ở cho đến khi trưởng thành. Những gian khô đầu đời đã tôi luyện cho mẹ sự từng trải, ý trí vươn lên không chịu khuất phục số mệnh. 

Đến năm 1955-1956 cuộc cải cách ruộng đất đã trung thu toàn bộ nhà cửa, tài sản, ruộng đất của gia đình chỉ còn được chia lại 3 gian bếp.

Ít năm sau đó người cha thân yêu của chúng tôi nhiều năm ốm đau và mất sớm ở tuổi 40, gánh nặng gia đình với 6 người con nhỏ dồn lên đôi vai gầy của mẹ. Sự gian khổ thiếu thốn, những lo toan vất vả theo sát cuộc đời mẹ. Mẹ tần tảo sớm khuya: làm ruộng, làm máy, chăn nuôi với những năm tháng dài lao động cực nhọc, chạy ăn từng bữa vì tồn tại của những đứa con mẹ không từ bất kỳ công việc gì. Hình ảnh người mẹ dáng hao gầy, bước chân nhanh nhẹn, hàng ngày lăn lộn với công việc để cho các con được khôn lớn và được học hành mãi mãi là hình ảnh sâu đậm trong các con. Đúng là:

Ngàn năm hồ dễ ai thương mẹ
Như mẹ thương con giữa cuộc đời

Với những cố gắng không mệt mỏi đó, mẹ đã được đền đáp. Cả 6 người con của mẹ đã được học hành đầy đủ, 5 người đã tốt nghiệp đại học. Các con mẹ đều có nghề nghiệp ổn định, trở thành những kỹ sư, giáo viên, giám đốc các doanh nghiệp, không ngừng vươn lên, phục vụ đất nước, xây dựng hạnh phúc gia đình.

Trong quãng đời gian khổ và ngắn ngủi của mình, mẹ đã làm được nhiều việc đóng góp cho quê hương đất nước. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, mẹ có 3 con trai nhân ngũ chiến đấu ở khắp các chiến trường cho đến ngày giải phóng miền Nam hoàn thành nhiệm vụ trở về. Những năm gần đây khi tuổi đã cao, mẹ vẫn cùng các con góp sức và dựng quê hương, nhiều công trình mang dấu ấn của mẹ như: trùng tu đền làng, xây dựng lại tiền đường chùa làng, làm đường lên nghĩa trang và nhiều công trình khác. Một công trình trước đây người ông nội của chúng tôi đã xây dựng lên.

Mẹ đã được Nhà nước tặng: “Bảng vàng danh dự” trong thời kỳ chống Mỹ. UBND tỉnh Nam Định tặng bằng khen, UBND huyện Trực Ninh tặng giấy khen trong thời kỳ xây dựng đất nước.

Mẹ có: 6 người con đẻ, 6 người con dâu, con rể. 15 cháu và 21 chắt.

Thưa các quý vị

Hôm nay nói đến công sức của mẹ và sự phát triển của gia đình không thể không no đến người ông nội của chúng tôi, người đặt nền móng cho một gia đình, là tấm gương về nhân cách biết sống cho mình và cho mọi người. Đó là ông Đồng Văn Hiên.

Ông chúng tôi, sinh năm 1880, mất năm 1942. Ông đi lính sang Pháp trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ Nhất ,sau đó về nước tham gia trong quân đội triều Nguyễn và được phong tước: ”Chánh tứ phẩm” chức tương đương cấp tỉnh ngày nay. 

Được đi nhiều, biết rộng, ông đã để lại nhiều bài học về lẽ sống, chí khí cho con cháu, có ảnh hưởng rất lớn đến chúng tôi sau này.

Ông đã dùng tiền lương có được xây rất nhiều công trình cho làng xã quê hương mình và một số nơi khác như: Đền làng, Chùa làng, đường đá, cầu đá... và nhiều công trình khác, phần lớn những công trình đó còn cho đến ngày nay. Nhiều người đói khổ được ông nuôi nấng. Những câu truyện về đức độ và sự cống hiến của ông ngày nay vẫn được nhiều người nhắc đến.

Nói về ông để nói về ảnh hưởng của ông đối với dự phát triển của con cháu sau này.

Thưa các quý vị

Tôi rất vui mừng hôm nay được chúc mừng hai người em của mình là chú:

Đồng Văn Bột được tuổi 70.
Đồng Tuấn Vũ được tuổi 60.

Chú Đồng Văn Bột là người con thứ 3 của bố mẹ tôi. Năm 1970 sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, chú Bột đi bộ đội tham gia kháng chiến chống Mỹ và chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Sau khi giải phóng miền Nam, chú chuyển về học tập và tốt nghiệp đại học ngành cơ điện, ra trường chú công tác tại Tổng công ty kim khí. 

Khi nghỉ hưu đã cùng chú Vũ thành lập Nhà máy sản xuất ống thép đến nay đã phát triển thành công quy mô trung bình ở miền Bắc với trên 400 công nhân. Chú cũng có nhiều đóng góp xây dựng quê hương.

Chú Bột xây dựng gia đình cùng cô Đoàn Thị Mại là cử nhân ngành Ngân hàng của Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Hai cô chú có 2 người con trai và có 5 cháu.

Chú Đồng Tuấn Vũ là người con út của bố mẹ chúng tôi. Khi cha tôi mất đi chú Vũ chưa đầy 2 tuổi. Mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ, cùng với quyết tâm của chú Vũ và gia đình chú đã học xong đại học, tốt nghiệp ngành vật tư Trường Đại học kinh tế quốc dân

Khi ra trường, chú Vũ công tác tại Hà Nội, làm Phó giám đốc Công ty kim khí Đông Anh. Nhạy bén và có tầm nhìn xa, chú đã xây dựng nhà máy sản xuất ống thép từ rất sớm ở thời điểm giao thời kinh tế quốc doanh và doanh nghiệp tư nhân. Nhà máy của chú không ngừng phát triển trở thành nhà máy sản xuất quy mô lớn của ngày sản xuất thép ống miền Bắc, tạo công ăn việc làm cho trên 600 người lao động. Những năm gần đây chú còn phát triển sang lĩnh vực khác: góp vốn xây dựng 5 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, 1 nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng... Chú Vũ cũng có nhiều đóng góp trong xây dựng quê hương, đóng góp cho phòng chống dịch ở nhiều tỉnh thành với kinh phí nhiều tỷ đồng.

Chú Vũ xây dựng gia đình cùng cô Phạm Thúy Nga là bác sỹ công tác tại Hà Nội. Hai cô chú có 02 người con và có 01 cháu.

Thưa các quý vị

Chúng tôi rời xa quê hương đi chiến đấu công tác và sống tại Hà Nội trên dưới 40 năm. Dù vậy cũng không khi nào vơi nỗi nhớ quê hương. Mảnh đất nơi chúng tôi đã sinh ra và nuôi dưỡng mình mảnh đất văn hóa hiếu học, nghèo khó nhưng đậm tình người, mảnh đất mà ông cha chúng tôi đã từng sống, xây đắp và để lại biết bao kỷ niệm.

Hôm nay đứng trên mảnh đất quê hương mình, tôi không khỏi nhớ về 1 thủa xa xăm với những địa danh đền Lạc Chính, chùa Lạc Chính; những cánh đồng: Lâm Vương, Đồng Dừa, Cầu Bến, Cầu Đá, dòng sông nặng phù sa bao quanh, lại nghe văng vẳng tiếng chuông chùa đổ về lúc chiều tàn, đúng là:

Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp
Quê nhà một góc nhớ mênh mang.

Tôi cũng nhớ và cảm ơn những người đã sống cùng gia đình chúng tôi những thủa còn gian khó. Cùng làm hợp tác xã, cày bừa gặt hái, gánh phân làm thủy lợi. 

Nghèo mà vui, ở đó đã rèn luyện cho chúng tôi biết gian khổ, biết chịu thương chịu khó và cả tình thương yêu nhau. Xin cảm ơn quê hương một miền quê mà.

Không còn thấy những bon chen
Bình yên đến lạ giữa miền quê tôi

Tôi xin dừng lời, xin cảm ơn các quý vị đã đến thăm quê hương chúng tôi. Nhân dịp đầu xuân, xin chúc các quý vị và bà con năm mới dồi dào sức khỏe, mọi gia đình bình an và hạnh phúc.

Xin thay mặt gia đình mời các ông bà, tất cả các quý vị mời cơm thân mật, chung vui cùng gia đình. Xin được nâng cốc chúc mừng năm mới.
Xin đa tạ !

Một số hình ảnh tại Lễ mừng thọ 100 tuổi của mẹ Đồng Thị Tiếp:

tm-img-alt
tm-img-alt
Ban liên lạc họ Đồng Việt Nam chúc mừng mẹ Đồng Thị Tiếp 100 tuổi
tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt
Một số tiết mục văn nghệ tại buổi lễ mừng thọ
tm-img-alt
Ông Đồng Ngọc Cường, nguyên Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh, Trưởng tộc dòng tộc họ Đồng ở Trực Khang phát biểu chúc mừng
tm-img-alt
GS.TS.Thiếu tướng Đồng Khắc Hưng, nguyên Phó Giám đốc Học viện Quân Y, Phó trưởng Ban liên lạc Họ Đồng Việt Nam làm trưởng đoàn chúc mừng mẹ Đồng Thị Tiếp và những thành công của gia đình, con cháu.
Bạn đang đọc bài viết Mừng thọ, nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bài thơ: Yêu...!
Cứ mỗi độ hạ về rưng rưng nhớ ///Một người thương… thương lắm… đến ngây khờ///Từng gặp gỡ chớm mùa hoa Phượng nở///Ánh mắt người … vừa chạm … đã ngẩn ngơ !
Khai mạc lễ hội hoa sim biên giới Móng Cái
Ngày 18/5, Lễ hội “Hoa Sim biên giới năm 2024” có chủ đề “Biên cương Tổ Quốc tôi” được tổ chức trên địa bàn xã Hải Sơn, TP Móng Cái, Quảng Ninh với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giải trí phong phú, lành mạnh mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc.

Tin mới

Bài thơ: Yêu...!
Cứ mỗi độ hạ về rưng rưng nhớ ///Một người thương… thương lắm… đến ngây khờ///Từng gặp gỡ chớm mùa hoa Phượng nở///Ánh mắt người … vừa chạm … đã ngẩn ngơ !
Khai mạc lễ hội hoa sim biên giới Móng Cái
Ngày 18/5, Lễ hội “Hoa Sim biên giới năm 2024” có chủ đề “Biên cương Tổ Quốc tôi” được tổ chức trên địa bàn xã Hải Sơn, TP Móng Cái, Quảng Ninh với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giải trí phong phú, lành mạnh mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc.