Thứ hai, 06/05/2024 04:42 (GMT+7)

Nghệ thuật tổ chức không gian công cộng và không gian sáng tạo:Xu thế phát triển và tái thiết đô thị

MTĐT -  Thứ hai, 22/08/2022 15:19 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Không gian công cộng – Public Space, là một bộ phận cấu thành không gian, được thể hiện qua cấu trúc và hình thái, thực thể của một TP, đô thị…

Không gian công cộng – Public Space, là một bộ phận cấu thành không gian, được thể hiện qua cấu trúc và hình thái, thực thể của một TP, đô thị…Chúng có vai trò đa chức năng, vừa là hạ tầng tiện ích đô thị, phục vụ cho chính quyền đô thị và cư dân đô thị trong việc kết nối để thực thi tổ chức xã hội; Vừa là thượng tầng kiến trúc với bản sắc văn hóa của nơi chốn và nơi đến, giúp cho cộng đồng xã hội được thụ hưởng, chia sẻ, sáng tạo những giá trị về văn hóa tinh thần, văn hóa vật chất, những khát vọng vươn tới những giá trị chân, thiện, mỹ…

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, một mặt đã làm dần cạn kiệt nguồn tài nguyên từ thiên nhiên, gia tăng mật độ dân số dẫn đến thiếu vắng và làm suy kiệt dần sức chứa cũng như tiện nghi của các không gian công cộng…Mặt khác, ngày nay, các quốc gia không chỉ thuần túy dùng kỹ trị (Technocracy) để tổ chức, quản lý, quản trị đô thị theo xu hướng thiết kế đô thị vị Kỹ thuật; mà còn đang rất cần hướng đến việc thiết kế đô thị vị Văn hóa (nhân sinh) – Ở đó, các không gian công cộng được bồi đắp tính sáng tạo, được quy hoạch và tổ chức có thể từ các không gian công cộng hiện hữu, hoặc làm hồi sinh lại các không gian, các nơi chốn…từ chính trong các công trình lịch sử, di sản văn hóa và kiến trúc ở đô thị. Công việc đó, ngoài đòi hỏi sự sáng tạo của những nhà thiết kế có liên quan đến nghệ thuật không gian công cộng, sự tham gia và chia sẻ của cộng đồng xã hội, còn cần đến vai trò, trách nhiệm của các bên có liên quan, đặc biệt là các cấp chính quyền đô thị.

Nghệ thuật tổ chức không gian công cộng và không gian sáng tạo: Xu thế phát triển và tái thiết đô thị theo hướng thông minh và lưu giữ bản sắc văn hóa - Tạp chí Kiến Trúc
Bảo tàng nghệ thuật đương đại châu Phi Zeitz MOCAA – Thomas Heatherwick (Nam Phi), bằng cách tạo phần rỗng bên trong theo tòa nhà chứa ngũ cốc của một nhà máy lịch sử

Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Unesco – Vì sự phát triển bền vững và mô hình tổ chức không gian sáng tạo của một số TP trên thế giới

Trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, văn hóa và sáng tạo đóng vai trò then chốt trong phát triển đô thị bền vững. Chúng góp phần đa dạng hóa nền kinh tế và tạo việc làm, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân bằng cách tham gia vào cơ cấu xã hội và sự đa dạng văn hóa của TP. Tương tự như vậy, bằng cách thúc đẩy sự tham gia của văn hóa và bằng cách tái tạo không gian công cộng, sự sáng tạo cũng trở thành một yếu tố thúc đẩy sự hòa nhập và hạnh phúc. Các TP là trung tâm của các quá trình phát triển này, dựa trên tiềm năng của văn hóa và sự sáng tạo. Ngày nay, hơn một nửa dân số thế giới sống ở các khu vực thành thị và 3/4 hoạt động kinh tế tập trung ở đây, bao gồm một phần lớn của nền kinh tế sáng tạo. Các động lực thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới và đối thoại giữa các nền văn hóa, các TP cũng phân cực nhiều thách thức. Các chiến lược phát triển đô thị phải được định kỳ đánh giá lại và thiết kế lại, dựa trên các vấn đề đương thời, dù là kinh tế, môi trường, nhân khẩu học hay xã hội. [Nguồn: [1]]

Chính vì lẽ đó, Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO (UCCN) được thành lập vào năm 2004, nhằm tăng cường hợp tác giữa các TP đã công nhận sự sáng tạo, là nhân tố chiến lược của phát triển bền vững trên bình diện kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường. Bằng việc tham gia mạng lưới, các TP cam kết chia sẻ các thực tiễn tốt nhất, phát triển quan hệ đối tác hỗ trợ sự sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa, tăng cường sự tham gia vào đời sống văn hóa và lồng ghép văn hóa vào các kế hoạch phát triển đô thị. Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO gồm bảy lĩnh vực sáng tạo, bao gồm: Thủ công và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông và âm nhạc – Với mục đích: Tăng cường hợp tác quốc tế giữa các TP đã công nhận sự sáng tạo là yếu tố chiến lược của sự phát triển bền vững; Kích thích và nâng cao các sáng kiến do các TP thành viên dẫn dắt để biến sự sáng tạo trở thành một thành phần thiết yếu của phát triển đô thị, đặc biệt thông qua quan hệ đối tác liên quan đến khu vực công, tư nhân và dân sự xã hội; tăng cường sáng tạo, sản xuất, phân phối và phổ biến các hoạt động văn hóa, hàng hóa và dịch vụ; phát triển các trung tâm sáng tạo, đổi mới và mở rộng cơ hội cho những người sáng tạo và chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa; cải thiện khả năng tiếp cận và tham gia vào văn hóa cuộc sống, cũng như việc thụ hưởng hàng hóa và dịch vụ văn hóa, đặc biệt là đối với các nhóm và cá nhân bị thiệt thòi hoặc dễ bị tổn thương; tích hợp đầy đủ văn hóa và sự sáng tạo vào các chiến lược và kế hoạch phát triển địa phương.

Các mục tiêu của Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO được thực hiện ở cả cấp độ TP và cấp độ quốc tế, đặc biệt là thông qua các lĩnh vực hành động, gồm: Chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và thực tiễn tốt nhất; các dự án thí điểm, quan hệ đối tác và sáng kiến liên kết khu vực công, tư nhân và xã hội dân sự; các chương trình trao đổi chuyên môn, nghệ thuật và mạng lưới; các nghiên cứu, nghiên cứu và đánh giá về kinh nghiệm của các TP sáng tạo; các chính sách và biện pháp phát triển đô thị bền vững; các hoạt động truyền thông và nâng cao nhận thức.

Có thể điểm qua mô hình tổ chức không gian sáng tạo tại các TP, gắn với các ngành nghệ thuật, sản phẩm nghề thủ công và lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc của một số quốc gia sau đây:

Nghệ thuật tổ chức không gian công cộng và không gian sáng tạo: Xu thế phát triển và tái thiết đô thị theo hướng thông minh và lưu giữ bản sắc văn hóa - Tạp chí Kiến Trúc
Không gian sáng tạo và lễ hội văn hóa ở New Zealand

Auckland là trái tim của ngành công nghiệp âm nhạc của New Zealand và là quê hương của nhiều nghệ sĩ, học viên và tổ chức nổi tiếng của quốc gia này. Là một trong những TP đa dạng nhất trên thế giới, âm nhạc ở Auckland đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình bản sắc của TP và thúc đẩy hòa nhập xã hội. Ngoài việc là trung tâm của các hãng thu âm và studio, Auckland còn là nơi đặt trụ sở của các cơ quan tổ chức lớn. Sức sống của lĩnh vực âm nhạc được thể hiện rõ qua các lễ hội quanh năm, nhằm tôn vinh nền văn hóa đa dạng của TP, bao gồm Tamaki Herenga Waka, nơi trưng bày các nghệ sĩ và di sản của người Maori.

Hội đồng Auckland công nhận tầm quan trọng của các nhạc sĩ và hỗ trợ nâng cao vị thế của họ. Kế hoạch chiến lược Văn hóa và Nghệ thuật của Auckland là chính sách hỗ trợ và khai thác tiềm năng của ngành công nghiệp âm nhạc. Ra mắt vào năm 2015, nó công nhận những lợi ích sâu rộng của lĩnh vực sáng tạo và nhằm mục đích biến nghệ thuật và văn hóa trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của người dân Auckland, cũng như xây dựng một nền kinh tế sáng tạo phát triển mạnh mẽ. Điều này bao gồm việc tăng cường tài trợ cho nghệ thuật cũng như thúc đẩy giá trị kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường của nó và hỗ trợ các cơ hội phát triển nghề nghiệp; đồng thời, liên quan đến việc cung cấp khả năng tiếp cận không gian sáng tạo, giá cả phải chăng và khả năng xây dựng trong các tổ chức văn hóa và nghệ thuật. [Nguồn: [2]]

Nghệ thuật tổ chức không gian công cộng và không gian sáng tạo: Xu thế phát triển và tái thiết đô thị theo hướng thông minh và lưu giữ bản sắc văn hóa - Tạp chí Kiến Trúc
Sự tương phản giữa phong cách kiến trúc truyền thống và hiện đại ở Bangkok

Nằm trên bờ biển phía Nam của Thái Lan, năng lượng sáng tạo của cộng đồng cư dân đa dạng của Bangkok được truyền cảm hứng từ các kho tàng đa văn hóa, là tài sản lớn nhất của TP. Sự pha trộn giữa thẩm mỹ truyền thống và mới lạ, tạo thành các thành phần cơ bản trong quá trình phát triển thiết kế của TP. Các nghệ nhân, nhà cung cấp chuyên biệt và cộng đồng sản xuất sáng tạo lấp đầy TP, với hơn 300.000 công việc sáng tạo được ghi nhận trong năm 2017. Đối với TP, thiết kế là công cụ để tận dụng trí tuệ địa phương và biến Bangkok trở thành một TP kiên cường đối phó với những thách thức của thế kỷ 21.

Nhiều thập kỷ triển lãm thiết kế và thương mại của khu vực đã duy trì luồng ý tưởng mới, bao gồm ASA Architect Expo nổi tiếng và hội chợ thiết kế sản phẩm Style Bangkok. Tuần lễ thiết kế Bangkok mang đến một sự rung cảm sáng tạo mới, thu hút khán giả thuộc mọi thế hệ và hoạt động như một nền tảng hợp tác thúc đẩy tầm quan trọng của thiết kế. Là một trung tâm giáo dục thiết kế, Bangkok là ngôi nhà của các chuyên gia thiết kế lỗi lạc. Các trung tâm nghiên cứu thiết kế lớn phục vụ khu vực công và tư trong việc phát triển cả chính sách và sản phẩm. Các KTS và nhà thiết kế đô thị dẫn dắt TP tiến tới một tương lai bền vững và toàn diện. Để đảm bảo sự thành công lâu dài của lĩnh vực thiết kế Bangkok, một số chiến lược nhằm nâng cao vị thế của các chuyên gia thiết kế sẽ được thực hiện: “Bangkok là TP Xanh và Thuận tiện” và “Bangkok là TP cho Tất cả”, với các kế hoạch hành động nhằm phát triển các không gian đô thị để tái tạo cho cộng đồng và tạo cơ hội cho các nhà thiết kế học hỏi, đáp ứng và nâng cao các tiêu chuẩn toàn cầu về khả năng tiếp cận. TP không chỉ đầu tư vào việc nâng cao đời sống của người dân địa phương mà còn không ngừng phát triển nghề nghiệp cho các KTS và nhà thiết kế địa phương. Chiến lược “Bangkok với tư cách là một Trung tâm Kinh tế và Học tập” dự định đưa TP trở thành một trong ba TP Văn hóa – Sáng tạo hàng đầu trong khu vực bằng cách phát triển các sản phẩm và dịch vụ có giá trị cao, cũng như tổ chức các chương trình giáo dục doanh nhân và tạo ra một mạng liên kết toàn cầu. [3]

Nghệ thuật tổ chức không gian công cộng và không gian sáng tạo: Xu thế phát triển và tái thiết đô thị theo hướng thông minh và lưu giữ bản sắc văn hóa - Tạp chí Kiến Trúc
Sân khấu và không gian lễ hội điện ảnh ở Busan – Hàn Quốc

Thông qua ảnh hưởng ban đầu của văn hóa phương Tây, Busan đã phát triển mạnh mẽ nền công nghiệp điện ảnh và là TP đầu tiên ở Hàn Quốc phát hành phim điện ảnh. Busan cũng được hưởng lợi nhiều từ môi trường tự nhiên của núi, sông và biển, nơi cung cấp nhiều địa điểm quay phim nổi tiếng cho các bộ phim cũng như các chương trình truyền hình trong nước và quốc tế.

Trong những thập kỷ gần đây, Busan đã phát triển thành một trung tâm sáng tạo, ngày nay rất quan trọng đối với ngành công nghiệp điện ảnh và hình ảnh của Châu Á. Tập trung vào tăng trưởng bền vững, Busan đã thúc đẩy các tiện ích liên quan đến điện ảnh, chẳng hạn như cải thiện điều kiện sản xuất hoặc thành lập các công ty R&D mới. Ra mắt vào năm 1996, Liên hoan phim Quốc tế Busan (BIFF) đã trở thành liên hoan phim hàng đầu Châu Á. Với cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới và nguồn nhân lực chuyên nghiệp, Busan hiện là một tiêu chuẩn trong ngành công nghiệp điện ảnh. Trung tâm Điện ảnh Busan, được xây dựng để đánh dấu sự thành công của BIFF, là biểu tượng của Busan – TP điện ảnh. [4]

Vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền đô thị trong việc hoạch định chính sách, cơ chế để kiến tạo, phát triển và quản lý các không gian sáng tạo trong đô thị

Phân tích tại phần 1 cho thấy, rõ ràng các đô thị, TP tại các quốc gia trên thế giới luôn nhận thức về ý nghĩa của việc phát huy và khai thác các nguồn lực, tài nguyên, đặc biệt là từ văn hóa bản địa để kiến tạo và phát triển các không gian sáng tạo (KGST) phù hợp; song hành với phát triển kinh tế – du lịch, củng cố và gắn kết cộng đồng xã hội nguyên gốc, bảo tồn được các giá trị văn hóa và gìn giữ môi trường.

Với các đô thị, TP của Việt Nam, một mặt, đang bị sức ép và chi phối bởi vấn đề toàn cầu hóa, liên quan đến việc định hình và giữ vững bản sắc văn hóa. Mặt khác, đang hướng tới sự phát triển được lồng ghép với nhiều mục đích như: đô thị sinh thái, đô thị thông minh, đô thị bền vững…Ở đó, nhu cầu và chiến lược về phát triển các không gian công cộng (KGCC) và KGST đang được chú ý quan tâm bởi song hành cần phải đạt được 2 mục tiêu cùng lúc theo hướng hiện đại hóa: Đô thị phát triển theo hướng giao thông công cộng – TOD (Transit Oriented Development) và Đô thị phát triển theo hướng giao thông cho người đi bộ – POD (Person Oriented Development). Đi cùng với 2 mục tiêu này, là việc cùng đồng thời di dời các nhà máy, khu công nghiệp, bệnh viện, công sở…hoặc đang gây ô nhiễm, hoặc tọa lạc chưa phù hợp…ra bên ngoài nội đô, nhằm chuyển đổi, khai thác các địa điểm này trở thành các KGCC và KGST.

Nghệ thuật tổ chức không gian công cộng và không gian sáng tạo: Xu thế phát triển và tái thiết đô thị theo hướng thông minh và lưu giữ bản sắc văn hóa - Tạp chí Kiến Trúc
Office for Strategic Spaces đã sử dụng các vật liệu ngân sách thấp để biến một tòa nhà công nghiệp ở Madrid thành không gian làm việc đa cấp cho các doanh nghiệp sáng tạo

Như vậy, có thể thấy ngay, nếu hệ thống giao thông TOD cần lưu tuyến, kết nối các địa điểm một cách khoa học và hiệu quả trong đô thị cho các phương tiện giao thông công cộng thì hệ thống giao thông POD, dành cho người đi bộ, lại là việc dành và bố trí các vị trí và diện tích cho KGCC hoặc KGST một cách hợp lý, để cư dân và du khách có thể dễ dàng tiếp cận, thưởng ngoạn, di chuyển…liên quan đến mọi hoạt động sống và thỏa mãn các nhu cầu, ứng với tuyến di chuyển hoặc điểm đến của con người.

Vấn đề ở chỗ, các KGCC hoặc KGST trong đô thị, ngoài vai trò và chức năng tự thân, sẽ được kiến tạo và ứng xử ra sao? Khi mà thực chất, các KGCC và KGST, đóng vai trò giữ lửa, lưu giữ và thể hiện bản sắc văn hóa địa phương một cách rõ nét và sâu đậm nhất tại các đô thị, thông qua cộng sinh văn hóa. Ở đó, nếu như các phần xác gồm vỏ vật chất gắn với các tiện ích hoặc biểu tượng của đô thị, là “cái mang nghĩa” thể hiện bởi yếu tố vật lý, thì bản sắc văn hóa địa phương là “cái có nghĩa”, thể hiện bởi yếu tố xã hội và tinh thần, thực sự đóng vai trò như một linh hồn của đô thị, của nơi chốn, điểm đến…Nhất là khi nó sẽ được khai thác tối đa vào ý tưởng kiến tạo nghệ thuật các KGCC, KGST- Bởi suy cho cùng, nó chính là một nguồn tài nguyên, một chất cảm, xúc tác trong thiết kế ý tưởng. Nhưng cũng đồng thời là hình ảnh dễ nhận biết nhất về nơi chốn, nơi đến, nơi dừng chân, nơi đi qua…lưu giữ những ký ức của đô thị, TP… Đặc biệt là đối với các đô thị lịch sử, đô thị di sản, đô thị hiện hữu, nơi chất chứa nhiều di sản văn hóa có giá trị theo dòng chảy của lịch sử.

Việc kiến tạo các KGCC và KGST liên quan đến nhiều chủ thể trong xã hội, không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các nhà thiết kế tổ chức không gian và nghệ thuật, mà còn cả cộng đồng xã hội, cùng chung tay sáng tạo và đóng góp ý tưởng. Tuy nhiên, đứng trước thực tế các KGCC và KGST hầu hết trong các đô thị của Việt Nam còn thiếu thốn và chưa được quan tâm, hoặc có nhưng chưa được thiết kế và đầu tư thỏa đáng…Thì vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền đô thị là việc hết sức quan trọng, có tính quyết định đến sự thành công trong việc quy hoạch và đầu tư xây dựng – Nội dung đó, được cụ thể hóa bằng các định hướng và giải pháp sau:

Thứ nhất, các cấp chính quyền đô thị cần lồng ghép quy hoạch thiết kế nghệ thuật cho các KGCC và KGST vào trong các đồ án quy hoạch phân khu và thiết kế đô thị. Khảo sát và kiểm đếm các địa điểm, vị trí, nơi chốn có thể cải tạo, phát triển các KGST đi đôi với cần xây dựng các đề án thiết lập các Trung tâm thiết kế sáng tạo cho đô thị. Công tác này cần được kết hợp với kế hoạch, quy hoạch mở rộng mô hình chuyển đổi chức năng sử dụng đất, cải tạo, tái hiện, phát triển các di sản văn hóa như: di sản công nghiệp, di sản đô thị, di sản kiến trúc, di sản ký ức, kiến trúc cảnh quan, danh lam thắng cảnh, các thiết chế văn hóa…để trở thành các không gian văn hóa sáng tạo cho đô thị.

Thứ hai, vì KGCC và KGST có tính phân cấp và tầng bậc cao thấp khác nhau, phụ thuộc vào vị trí trong đô thị ứng với quy mô diện tích, chức năng sử dụng, thời gian và tần suất hoạt động trong ngày, theo tuần, tháng, mùa, sự kiện lễ hội…có thể ở cấp TP, cấp quận (huyện), phường (xã)…Do đó, cần xây dựng mạng lưới Trung tâm sáng tạo đến các quận, huyện với nhiều mô hình đầu tư, quản lý, khai thác, vận hành đa dạng, linh hoạt và hiệu quả, kết hợp tăng cường hợp tác công tư. Trong điều kiện hiện nay, nên thiết kế và đầu tư xây dựng thí điểm và kết nối tương tác một vài các KGST để có điều kiện kiểm nghiệm trước khi nhân rộng.

Thứ ba, việc xây dựng và phát triển, tạo lập nghệ thuật và không gian cho các KGCC, KGST, chính là sự phát huy và tập hợp trí tuệ, đóng góp của toàn xã hội. Vì vậy, chính quyền đô thị cần xây dựng và tuyển chọn các ý tưởng sáng tạo. Hỗ trợ khởi nghiệp và thực hiện các ý tưởng có hiệu quả và ý nghĩa văn hóa, xã hội, kinh tế. Ở góc độ truyền thông, nên chuyển tải thành chương trình truyền hình tài năng sáng tạo, nhằm quảng bá, thu hút sự tham gia của cộng đồng xã hội. Trong đó, đặc biệt lưu ý và quan tâm tới các tiêu chí quan trọng của quá trình kiến tạo KGST gắn với “Kiến tạo nơi chốn – Places Making”. [5]. Kiến tạo nơi chốn là một quá trình đánh giá một cách chi tiết về mọi mặt của các khu vực trong đô thị nhằm tìm ra những ý tưởng quan trọng, xuất phát từ những giá trị của nơi chốn, mang lại một giá trị quan trọng chính là tạo ra bản sắc riêng cho từng nơi chốn, từng đô thị. Nhận dạng các giá trị đặc trưng của nơi chốn – Place Identily, là quá trình nghiên cứu đánh giá và tìm ra những giá trị đặc trưng của khu vực, gồm: Giá trị về cảnh quan tự nhiên (được xem là yếu tố cơ bản hình thành các giá trị văn hoá, tính cách con người, từ đó có các giải pháp phù hợp về không gian kiến trúc, sử dụng vật liệu…); công trình kiến trúc (là hình ảnh nhận dạng đặc trưng nơi chốn đầu tiên, dễ nhận biết do tính biểu tượng); các giá trị văn hoá và con người (luôn được quan sát và cảm nhận bởi con người và cộng đồng sinh sống trong khu vực). Mục tiêu quan trọng nhất của kiến tạo nơi chốn chính là mang lại những giá trị cuộc sống cho con người và đó chính là thước đo đánh giá quá trình kiến tạo nơi chốn.

Nghệ thuật tổ chức không gian công cộng và không gian sáng tạo: Xu thế phát triển và tái thiết đô thị theo hướng thông minh và lưu giữ bản sắc văn hóa - Tạp chí Kiến Trúc
Khuôn viên Văn hóa + Nghệ thuật SteelStacks, mọc lên từ bóng tối của Nhà máy thép Bethlehem (Hoa Kỳ) trước đây
Nghệ thuật tổ chức không gian công cộng và không gian sáng tạo: Xu thế phát triển và tái thiết đô thị theo hướng thông minh và lưu giữ bản sắc văn hóa - Tạp chí Kiến Trúc
Công viên Houtan là một cảnh quan sống tái tạo trên bờ sông Hoàng Phố của Thượng Hải – Trung Quốc. Được xây dựng trên cánh đồng nâu của một khu công nghiệp trước đây

Ở đó, đặc biệt cần lưu ý đến các thành phần tiêu chí như: Tính thẩm thấu – Permeability, với các giá trị cũ và mới hoà quyện với nhau, đảm bảo một sự phát triển hài hoà trên nền tảng các giá trị hiện hữu; Sự bám rễ – Rootedness, gồm các yếu tố về cuộc sống hiện tại và sự lựa chọn tương lai của người dân, rất cần sự dung hoà giữa cái mới và cái cũ, giữa các thay đổi và những giá trị truyền thống tồn tại ở khu vực; Sinh khí – Vitality: Quá trình kiến tạo nơi chốn phải tạo ra sự xen cài giữa cuộc sống và không gian xung quanh, tạo cho con người cảm giác năng động, tích cực tham gia vào các hoạt động trong đô thị, tạo ra sinh khí cho cuộc sống đối với tất cả mọi người dân; Tính đa dạng -Veriety: tạo ra nhiều lựa chọn sống cho người dân trong đô thị, với các hoạt động đa dạng, các khu phức hợp, các tiện nghi đa dạng của đô thị rất cần được nghiên cứu trong quá trình kiến tạo nơi chốn; Tính đàn hồi – Resilience: là sự chấp nhận và ứng xử của cộng đồng đối với các yếu tố thay đổi. Khả năng lựa chọn thay đổi cách sống, hoàn cảnh và đặc biệt là các yếu tố mới mà quá trình kiến tạo nơi chốn mang lại cho khu vực; Tính rõ ràng – Legibility: tạo ra những nhận biết về đặc trưng cũng như những giá trị quan trọng của nơi chốn. Tập hợp các tiêu chí này, cũng chính là lồng ghép tính sáng tạo cho các KGCC và KGST, để hướng tới đô thị thông minh.

Thứ tư, cùng với 3 giải pháp trên, cần đi đôi với việc tổ chức các lễ hội thiết kế sáng tạo, trong đó đặc biệt lưu ý đến các hoạt động cần hòa trộn giữa văn hóa đương đại với văn hóa truyền thống. Xây dựng mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ ở tất cả các lĩnh vực. Với một số TP lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, có thể tổ chức diễn đàn mạng lưới TP Sáng tạo khu vực Đông Nam Á, khi thủ đô Hà Nội đã được UNESCO quyết định công nhận chính thức gia nhập vào mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO vào năm 2019.

Sau cùng, chính quyền đô thị cần chú trọng đào tạo và bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực kiến tạo KGST, để có thể hướng dần đến việc tiếp nối và nhân rộng từ “Khu vực sáng tạo”, đến “Đô thị sáng tạo” và cuối cùng đến “TP sáng tạo”. Việc đào tạo nhân lực ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt cần quan tâm đến sự đóng góp ý tưởng sáng tạo từ các cá nhân, tổ chức, cộng đồng xã hội để kiến tạo các KGST. Sự đồng hành thông qua những sáng tạo về cơ chế, chính sách của chính quyền đô thị, cùng với đóng góp những ý tưởng sáng tạo của toàn xã hội mới là nhân tố tạo nên những giá trị lớn, mới đưa đến thành công trong việc kiến tạo các KGCC và KGST cho các đô thị. Muốn có đô thị hay TP thông minh, rất cần mọi sự sáng tạo cho nó. Nhưng ngược lại, mọi sự sáng tạo để kiến tạo, sẽ giúp cho đô thị, TP trở thành đô thị, TP thông minh.

TS.KTS Nguyễn Tất Thắng
Nghiên cứu viên Cao cấp – Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng

Tài liệu tham khảo:
1. https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000375210
2. https://en.unesco.org/creative-cities/auckland
3. https://en.unesco.org/creative-cities/bangkok
4. https://en.unesco.org/creative-cities/busan
5. Robert G. Shibley, Lynda H. Schneekloth: “Placemaking: The Art and Practice of Building Communities” – Wiley; 1st edition (April 17,1995)
6. Nguyễn Tất Thắng – “Không gian công cộng khu vực nội đô lịch sử Hà Nội – Các giải pháp quản lý, tái thiết và chính sách để phục vụ cộng đồng và phát triển du lịch”. Kỷ yếu tại Hội thảo khoa học “Giải pháp thiết kế không gian công cộng nhằm phục vụ cộng đồng và phát triển du lịch” do Trường Đại học Xây dựng tổ chức ngày 8/4/2021
7. Nguyễn Tất Thắng – “Văn hóa kiến trúc bản địa kết hợp với công nghệ 4.0 – Cuộc cách mạng hóa Kiến trúc theo xu hướng bền vững”. Tạp chí Xây dựng – Bộ Xây dựng, số 09/2021
8. Nguyễn Tất Thắng – “Xây dựng và phát triển đô thị thông minh – Góc nhìn từ thiết chế xã hội và văn hóa đô thị tại Việt Nam”. Tạp chí Xây dựng – Bộ Xây dựng, số 05/2022

Bạn đang đọc bài viết Nghệ thuật tổ chức không gian công cộng và không gian sáng tạo:Xu thế phát triển và tái thiết đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo tapchikientruc.com.vn

Cùng chuyên mục

Nam Định sắp đấu giá hơn 300 lô đất trong tháng 5
Trong tháng 5, 311 lô đất tại các xã Nghĩa Châu, Nghĩa Thịnh và thị trấn Quỹ Nhất, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) sẽ được tổ chức đấu giá quyền sử dụng. Giá khởi điểm cao nhất hơn 4,7 tỷ đồng/lô.

Tin mới