Thứ hai, 06/05/2024 10:50 (GMT+7)

Nguyễn Ngọc Hạnh vét cạn lòng với thơ

Nguyễn Văn Hòa -  Thứ hai, 26/04/2021 08:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đọc thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh, càng đọc tôi lại nhận ra sự thăm thẳm trong góc nhìn về nhân sinh quan của nhà thơ.

Có lẽ chính những trải nghiệm với đời và bằng cảm thức rất riêng của một trái tim đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, đã cho người thơ ấy một sự nhạy bén để có thể dốc cạn lòng với từng con chữ. 

Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh hầu như bài nào cũng thấp thoáng một nỗi buồn không chạm đáy. Nỗi buồn ấy không hiện hữu, không thể nắm bắt mà ẩn chìm trong từng câu chữ, trong từng tứ thơ của ông. Đôi khi chỉ là một khoảng không vừa đủ cho những chơi vơi quẫy đạp: “Vét cạn lòng giếng ấy/ Chỉ nghe tiếng gàu rơi... (Đợi mưa) hay “Lời ru biết gửi về đâu/ Tôi ru trăng lạnh đêm thâu ru mình/ À ơi một cõi phù sinh/ Ru cho trời đất thấu tình biển sâu” (Lời ru).  Đó không chỉ đơn thuần là những xúc cảm với cuộc đời mà còn mang những triết lý nhân sinh sâu sắc: “Sự tĩnh lặng của chút nắng cuối ngày/ không níu được hoàng hôn trở lại (Hạnh phúc) hay Đâu chỉ yêu là dâng hiến/Yêu là cho không nhận lại gì/ Yêu là được bao điều đã mất/Và sẽ còn mất nữa, để yêu (Yêu).

Nhà thơ không dừng lại ở những cảm xúc bề ngoài mà luôn đi sâu vào bên trong các đối tượng để khám phá, phát hiện ra bản chất của vấn đề, biểu lộ cảm xúc của một hồn thơ chân thành và nhạy cảm: Ngã ba này là bến sông xưa/ Hồn phố cổ chứa trong tà áo đẹp/ Bao năm rồi người xa biền biệt/ Bóng trăng quê giữa phố vẫn rằm” (Nhớ Hội An). Có lẽ chính những cảm thức về nhân sinh ấy đã bồi đắp nên những mạch nguồn âm ỉ chảy, nuôi dưỡng những điều tốt đẹp mà tác giả muốn gửi gắm, ký thác với cuộc đời: “Rượu nào là rượụ trần gian/ Câu thơ mắc mớ chi càn khôn đâu/ Mắc chi tôi với đêm sâu/ Xin đừng cọ rửa vài câu lở bồi (Câu thơ mắc cạn).

Trong hành trình thơ của mình, Nguyễn Ngọc Hạnh có nhiều bài thơ viết về mảnh đất nơi chôn nhau cắt rốn với những đau đáu khôn nguôi. Hình ảnh làng quê hiện lên trong thơ ông gần gũi, mộc mạc, dân dã chân thành. Đó là những hình ảnh thân thương, là chỗ dựa tinh thần để nhà thơ mang theo trên mọi nẻo đường đời: “Cái làng ấy ra đi cùng tôi/ Mà tôi nào hay biết/ Chỉ mỗi điều giữa câu thơ tôi viết/ Con sông quê bóng núi cứ chập chờn/ Xưa tôi sống trong làng/ Giờ làng sống trong tôi”. Đọc những bài thơ đầy khắc khoải ấy, tôi không khỏi hình dung ra rằng, Nguyễn Ngọc Hạnh đã đi qua bao nhiêu buồn vui thương nhớ, đi qua bao nhiêu chia ly cách trở để đến tận bây giờ, mỗi một gương mặt, mỗi một phận người hay chỉ đơn giản là hình ảnh của một dòng sông cũ, một cánh đồng xưa cũng đè nặng trong tâm hồn ông.

Cái tôi gắn với quê hương xứ sở như mạch nước ngầm âm ỉ chảy xuyên suốt trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Nhà thơ thể hiện tình cảm của mình bằng tất cả nhiệt huyết, sự sẻ chia, tình yêu thương, niềm tự hào với mảnh đất quê hương. Mang mang ký ức về nguồn cội, về tình thân, để có lúc người thơ thảng thốt nhận ra thực tại, nhận ra bao nhiêu gương mặt, bao nhiêu nhớ thương đã xuôi theo thời gian một đi không trở lại. Đặc biệt là hình bóng người mẹ, người cha, dòng sông, làng quê... đã trở thành biểu tượng để nhà thơ gửi gắm tâm sự, gợi mở những điều sâu kín nhất của tâm hồn. Nhà thơ không khỏi nghẹn ngào khi nhớ về mẹ, một người đàn bà tần tảo, chịu thương chịu khó, cả cuộc đời dành trọn tình yêu thương cho chồng cho con: “Nơi mẹ nằm yêu thương đến vậy/ nên suốt đời chỗ ướt vẫn chưa khô (Chỗ mẹ nằm). Viết về cha, Nguyễn Ngọc Hạnh cũng dành những vần thơ nặng trĩu tâm tư: Khi nói ra điều này với cha/ Thì mọi thứ trên đời con sắp hết/ Dẫu đã muộn, vẫn còn kịp lúc/ Lỗi lầm này đâu chỉ riêng con/Cả một đời lội suối trèo non/ Cha gánh hết muôn phần khó nhọc (Cha).

Nguyễn Ngọc Hạnh chính là người kết nối giữa quá khứ với hiện tại trong sự tương thông, linh ứng với tương lai. Đã đi qua những năm tháng thăng trầm, được mất, trầy trật với đời với người để rồi có lúc nhà thơ nhận về mình nỗi đớn đau, sự nghẹn ngào, nhói buốt; những nỗi đau không rõ hình hài cứ ám vào đời ông, ám vào thơ ông đau đớn: Còn lại tôi vụn nát cánh buồm/ Trôi về phía bến bờ vô định/ Biển vẫn muôn đời không yên tĩnh/ Lặng yên rồi, sóng gió lại trào dâng (Biển lặng). Cũng từ đó mới có những câu thơ đầy tự sự: “Cho tôi quay lại, không đi nữa/ Khất nợ dòng sông giấc mơ trôi/ Cái đã trót vay, xin trời đất/ Hãy lấy tàn tro để lấp bồi (Khất nợ dòng sông).

Chính những hoài niệm và nặng nợ với quá khứ đã cho Nguyễn Ngọc Hạnh một sự thụ cảm tinh tế và thấu đáo về cuộc đời: “Khi chạm gót nẻo đời vô ngã/ Là tôi bước tới phía sau mình/ Chân trời mờ mịt còn xa lắm/ Cho tôi dừng lại để hồi sinh (Khất nợ dòng sông). Làm sao để quân bình được quá khứ đã qua và thực tại đang hiện hữu quanh mình. Có phải vì thế, đôi lúc trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh vẫn có những khoảng trống không thể lấp đầy: Một mình đứng tựa bơ vơ/ sông xưa đã lấp đôi bờ cỏ khô/ sông giờ cạn hẹp thành ao/ người về đâu biết ngõ nào là quê (Lạc). Nhà thơ đành chấp nhận sự “lỡ chuyến” và tận hiến hết lòng mình có thể: “Thôi đành lỡ với đò ngang/ Đi không cùng chuyến ngỡ ngàng chiêm bao/ Biết là chân thấp trời cao/ Vầng trăng phía trướcbèo aophía này/ Ruột gan cháy xé miệng cay/ Tôi xin dốc cạn trời mây/ Rượu tràn... (Câu thơ mắc cạn).

Bởi suy cho cùng, ai trong đời cũng từng một lần khổ đau hay tiếc nuối, từng vụt mất khỏi tầm tay mình những yêu thương để mãi mãi về sau luôn luôn ray rứt. Để có lúc mệt nhoài ý nghĩ và như tự ru mình: “Mòn mỗi ngày một ít/ Mà chẳng thêm được gì/ Mài một đời hao khuyết/ Chưa mỏi cánh chim di (Mòn).

Vét cạn lòng với thơ, với người và với đời hay Nguyễn Ngọc Hạnh vét cạn lòng để đối diện với chính mình: Nửa đời phiêu bạt/ Nhầm một câu thơ/ Nhầm dòng sông chảy/ Tìm không thấy bờ (Nhầm). Cho dù đã muộn, ngõ đã hẹp dần, thế mà nhà thơ vẫn cứ vét cho cạn lòng mình: Tôi đã mòn/ và đời thôi đã hẹp/ lối nhỏ dần nhỏ dần/ lấp khuất/ ngày thì xa mờ mịt/ chỉ lòng tôi chưa cạn đêm sâu (Ngõ hẹp).

Sự lao động nghệ thuật cần mẫn và đầy sáng tạo của Nguyễn Ngọc Hạnh đã cho ra đời những thi phẩm có chất lượng với một trình độ tư duy nghệ thuật hiện đại có tính chất gợi mở để tạo nên cho mình một phong cách riêng. Trên cơ sở kế thừa, phát huy có sáng tạo nghệ thuật thi ca, Nguyễn Ngọc Hạnh đã tạo nên những điều mới mẻ, có giá trị. Nhiều bài thơ, câu thơ của ông với hình ảnh đẹp, độc đáo, có sức lay động và ám ảnh nên người đọc dễ nhớ và thuộc lòng. Trong khuôn khổ bài viết này, chỉ sơ dẫn một vài câu làm minh chứng:

- Nón không che hết mùa đông/ Phố che không hết nỗi buồn trần gian (Lục bát qua sông).

- Bóng mẹ gầy lặn lội bờ sông/ Đêm giá lạnh ẵm bồng ru tiếng khóc (Qua đò nhớ mẹ).

- Khi tóc bạc mới thương ngày thơ bé/ Để bây giờ yêu muộn thuở còn xanh (Muộn).

- Chưa qua hết đò ngang/ Làm sao hiểu đời sông dọc (Hạnh phúc).

- Một chiếc lá vàng rơi rất thấp/ Rơi theo chiều tôi đang rơi (Thu rơi).

...Điều đáng quý là nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đã tự soi vào những cái đã qua, những dự cảm rất riêng về nhân sinh hiện hữu để hoàn thiện chính mình. Dòng sông xưa đã trôi, dòng đời vẫn trôi và cảm thức nhân sinh thì vô hạn. Cả cuộc đời ông vẫn khao khát kiếm tìm chính mình, được là mình, để hiểu mình, hiểu người. Điều ấy không hề đơn giản. Đó là thứ hạnh phúc của sáng tạo, của thi ca. Nguyễn Ngọc Hạnh, cứ thế, viết những câu thơ miên man, da diết như một tiếng thở dài nhưng không hề, xa xót buồn thảm. Những câu thơ phơi lên cơn mưa chiều của một đời thơ Nguyễn ngọc Hạnh, người đã vét cạn lòng với thơ mà vẫn trả chưa xong món nợ bèo trôi giữa cuộc đời này.                                                                                                   

Bạn đang đọc bài viết Nguyễn Ngọc Hạnh vét cạn lòng với thơ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Khai mạc Giải Vô địch đá cầu tỉnh Bắc Giang năm 2024
Giải Vô địch đá cầu tỉnh Bắc Giang năm 2024, quy tụ 145 vận động viên tiêu biểu đến từ 9 địa phương gồm: TP Bắc Giang và các huyện: Tân Yên, Lạng Giang, Hiệp Hòa, Yên Thế, Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động.
Cầu truyền hình đặc biệt “Dưới lá cờ Quyết thắng”
Tối 5/5, Cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng" do Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, đã được truyền hình trực tiếp từ 5 điểm cầu Điện Biên, Hà Nội, Thanh Hóa, Kon Tum và Thành phố Hồ Chí Minh trên VTV1.

Tin mới