Nhật Bản và Đức cam kết tăng viện trợ cho mục tiêu cắt giảm carbon
Nhật Bản viện trợ bổ sung 10 tỷ USD trong vòng 5 năm nhằm hỗ trợ các nước châu Á hoàn thành mục tiêu trung hòa carbon, còn Đức viện trợ 811,65 triệu USD giúp Nam Phi từng bước giảm sử dụng than đá.
Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) ngày 2/11, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida thông báo nước này cam kết viện trợ bổ sung 10 tỷ USD trong vòng 5 năm tới nhằm hỗ trợ các nước châu Á hoàn thành mục tiêu trung hòa carbon.
Phát biểu tại COP26, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh Nhật Bản sẽ tiếp tục nỗ lực hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tại châu Á, nơi vốn được xem là cỗ máy của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Ông cũng cho biết thêm Nhật Bản sẽ gấp đôi viện trợ, lên mức 14,8 tỷ USD, nhằm hỗ trợ nhiều quốc gia trên thế giới trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu và ngăn chặn thiên tai.
Bài phát biểu của Thủ tướng Kishida cũng đề cập đến cam kết tăng nguồn năng lượng tái tạo nhiều nhất có thể tại nước này, đồng thời nêu rõ Nhật Bản sẽ tham gia sáng kiến Cam kết cắt giảm khí methane toàn cầu được Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) khởi xướng nhằm giảm 30% lượng phát thải khí methane gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 2020.
Cũng tại COP26, Đức thông báo sẽ viện trợ 700 triệu euro (811,65 triệu USD) để giúp Nam Phi từng bước giảm việc sử dụng than đá.
Khoản hỗ trợ trên là một phần trong nỗ lực huy động 8,5 tỷ USD của Đức cùng với Ngân hàng Thế giới (WB) và các nhà đầu tư nhằm thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo đang phát triển tại Nam Phi.
Khoản tiền viện trợ của Chính phủ Đức cũng nhằm mở rộng và hiện đại hóa mạng lưới điện tại quốc gia châu Phi này đồng thời hỗ trợ các thợ mỏ gặp đối phó với khó khăn kinh tế khi Nam Phi giảm khai thác than đá./.
Theo TTXVN