Thứ bảy, 27/04/2024 03:22 (GMT+7)

Nhiều trường đại học dự kiến tăng học phí năm học 2023 - 2024

An Hạ -  Thứ năm, 11/05/2023 08:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong năm học tới (2023 - 2024), nhiều trường đại học dự kiến tăng học phí từ 10-20% như Học viện Tài chính, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM... Một số trường tăng học phí gấp 2-3 lần so với hiện tại.

Trường Đại học Y Dược TP.HCM: Cụ thể, ngành Y tế công cộng tăng học phí mạnh nhất với 45 triệu đồng/năm học (tăng 8 triệu đồng so với năm ngoái).

Các ngành Điều dưỡng, Điều dưỡng chuyên ngành Gây mê hồi sức, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Dinh dưỡng thu học phí 41,8 triệu đồng/năm học, (tăng 4,8 triệu đồng).

Ngành có mức tăng thấp hơn là Y học dự phòng, Y học cổ truyền với học phí 45 triệu đồng/năm học, (tăng 3,2 triệu đồng). Ba ngành giữ nguyên học phí là Răng - Hàm - Mặt, Y khoa, Dược học, thu lần lượt 77, 74,8 và 55 triệu đồng/năm.

Trường Đại học Ngoại thương, Trong đề án tuyển sinh năm nay của trường, học phí dự kiến với sinh viên chính quy thực hiện theo quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ban hành theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 08 năm 2021 của Chính phủ.

Cụ thể, học phí dự kiến năm học 2023-2024 đối với chương trình đại trà của trường là 22 triệu đồng/sinh viên/năm; học phí chương trình chất lượng cao dự kiến là 45 triệu đồng/năm; học phí chương trình tiên tiến dự kiến là 70 triệu đồng/năm.

Học phí của các chương trình định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế: Chương trình Logistics và quản lý chuỗi cung ứng định hướng nghề nghiệp quốc tế; chương trình kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến Nhật Bản; chương trình kế toán - kiểm toán định hướng nghề nghiệp ACCA; chương trình chất lượng cao luật kinh doanh quốc tế theo mô hình thực hành nghề nghiệp, dự kiến khoảng 45 triệu đồng/năm.

Học phí của chương trình quản trị khách sạn, marketing số, kinh doanh số, truyền thông Marketing tích hợp dự kiến là 60 triệu đồng/năm.

Mức học phí dự kiến trên với sinh viên chính quy thực hiện theo quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ban hành theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 08 năm 2021 của Chính phủ.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Trong Đề án tuyển sinh năm 2023, Trường Đại học Hà Nội ban hành, học phí áp dụng đối với sinh viên chính quy khóa 2023 dự kiến có sự tăng nhẹ so với năm trước. Mức học phí được điều chỉnh từng năm học theo lộ trình điều chỉnh học phí của Chính phủ và tùy thuộc tình hình thực tế với mức tăng không quá 15%/năm học.

Theo Đề án này, so với năm 2022, học phí của Trường Đại học Hà Nội tăng từ 40.000 - 120.000 đồng/tín chỉ tùy từng học phần. Trong đó, các học phần tăng học phí nhiều nhất (tăng 120.000 đồng/tín chỉ so với năm 2022) là khối kiến thức cơ sở ngành (dạy bằng ngoại ngữ), ngành, chuyên ngành, thực tập và khóa luận tốt nghiệp của chương trình đào tạo chất lượng cao các ngành Ngôn ngữ Trung Quốc và Ngôn ngữ Hàn Quốc.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng dự kiến tăng học phí chương trình đại trà không quá 10%/năm. Học phí chương trình đại trà của trường dao động từ khoảng 16 triệu-24 triệu đồng/năm học tùy theo từng ngành.

Học phí chương trình chất lượng cao cao hơn khoảng 2 lần so với chương trình đại trà và dao động từ 40-60 triệu đồng/năm; học phí chương trình tiên tiến dao động từ 40-80 triệu đồng/năm tùy từng ngành. Mức học phí này có thể thay đổi mỗi năm nhưng không vượt quá 10% so với năm trước.

Trường Đại học Thương mại cũng vừa đưa ra mức học phí năm học 2023 - 2024 trong Đề án tuyển sinh của mình đối với sinh viên chính quy tuyển sinh năm 2023.

Theo đó, học phí chương trình đào tạo chuẩn là Từ 2,3- 2,5 triệu đồng/tháng theo từng ngành (chuyên ngành) đào tạo. Mức thu học phí hàng năm tăng tối đa 12,5% so với năm trước liền kề (Theo Nghị định 81/NĐ-CP ngày 27/08/2021 của Chính phủ).

Trường Đại học Giao thông vận tải, lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm như sau: Thực hiện theo Nghị định 81/NĐ-CP của Chính phủ cho phép năm 2022-2023 học phí đối với các trường đại học tăng khoảng 23% so với năm 2021-2022. Mỗi năm tiếp theo, dự kiến học phí sẽ tăng 10% theo quy định của Nghị định 81/NĐ-CP của Chính phủ

Khi nhà trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án tự chủ chi thường xuyên, học phí sẽ thu theo đề án nhưng hệ đại trà không tăng quá 1,5 lần, hệ chất lượng cao không tăng quá 2 lần mức quy định học phí theo nghị định 81/NĐ-CP đối với các trường chưa tự chủ.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến tăng học phí gấp đôi sau 2 năm không điều chỉnh tăng theo quy định của Chính phủ.

Cụ thể, mức học phí hệ đại trà 506.900 đồng/tín chỉ với khóa sinh viên 2023 - 2024 (tăng hơn 224.000 đồng/tin so với năm trước). Tương tự, hệ chất lượng cao, cũng tăng lên 1,5 triệu đồng/tín chỉ, so với mức cũ 771.000 đồng/tín chỉ.

Theo đề án tuyển sinh của Học viện Báo chí và tuyên truyền, tổng cả khóa 4 năm học, sinh viên sẽ phải hoàn thành 143 tín chỉ, tương đương khoảng 72,5 triệu đồng tiền học.

Hai năm trước, Đại học Điện lực ổn định mức thu 14 triệu đồng/năm học với các ngành đào tạo hệ chính quy khối Kinh tế và gần 16 triệu đồng với khối Kỹ thuật. Năm học tới, học phí hai khối ngành này sẽ lần lượt gần 16 và 18 triệu đồng, tăng 14%.

Tuy nhiên, bên cạnh một số trường đại học công khai mức học phí rõ ràng, chi tiết lộ trình tăng ra sao trong quá trình sinh viên theo học hằng năm, một số trường đối với thông tin về học phí lại gần như chưa có hoặc có thì rất sơ sài. Điều này đã khiến không ít phụ huynh và học sinh bối rối khi tìm hiểu thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Nhiều trường đại học dự kiến tăng học phí năm học 2023 - 2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới