Thứ sáu, 26/04/2024 22:37 (GMT+7)

Những tác động của Nghị định 35/2022/NĐ-CP đối với hoạt động của các khu công nghiệp

MTĐT -  Thứ tư, 15/06/2022 08:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ ngày 15-7, nhiều quy định liên quan đến quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế sẽ được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và KKT.

Nghị định 35/2022/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 35) với những quy định được xác định phù hợp với thực tế khi được triển khai sẽ giúp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp…

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Những điểm mới đáng chú ý của Nghị định 35

Nghị định 35 thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22-5-2018 của Chính phủ. Một trong những điểm mới đáng chú ý là nghị định đã sửa đổi bổ sung nhiều quy định liên quan đến quy định về quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) để phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch. Nghị định quy định chi tiết hơn về xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN; các quy định về chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển KCN, KKT; về nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích cho người lao động trong KCN; bổ sung một số nội dung liên quan đến KCN và các mô hình KCN mới…

Ngoài ra, Nghị định 35 còn sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến đầu tư hạ tầng, trong đó có quy định về phân kỳ đầu tư KCN, bãi bỏ thủ tục thành lập KCN, đơn giản hóa quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư hạ tầng, thành lập KCN và mở rộng KCN…

Những sửa đổi, bổ sung liên quan đến vấn đề quy hoạch

Nghị định 35 bãi bỏ quy định về lập, điều chỉnh, bổ sung và phê duyệt quy hoạch phát triển KCN, KKT và thay thế bằng quy định về phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống KCN, KKT (có các nội dung cụ thể của phương án phát triển cũng như các điều kiện, nguyên tắc xác định số lượng, quy mô diện tích và địa điểm dự kiến). Việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống KCN, KKT được thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Đối với KKT việc điều chỉnh ranh giới chỉ được thực hiện trong một số trường hợp cụ thể theo quy định.

Nghị định quy định rõ các điều kiện, nguyên tắc xác định số lượng, quy mô diện tích, các trường hợp điều chỉnh KCN, KKT nhằm rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho địa phương trong quá trình lập, thẩm định và điều chỉnh quy hoạch trong quy hoạch vùng, tỉnh. Theo đó, các doanh nghiệp hiểu rõ các điều kiện phải tuân thủ khi thực hiện quy hoạch KCN, KKT và dễ dàng tiếp cận hệ thống quy hoạch của các địa phương.

Nghị định 35 cũng trao quyền cho địa phương nhiều hơn trong quá trình quản lý KCN, việc điều chỉnh địa điểm, quy mô diện tích quy hoạch KCN không quá 2% và không quá 6ha so với quy mô diện tích của KCN đã được xác định trong Danh mục các KCN trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ do UBND tỉnh quyết định; nếu không quá 10% và không quá 30ha so với quy mô diện tích của KCN đã được xác định trong Danh mục các KCN trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ do UBND tỉnh quyết định sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT, Bộ KH-ĐT. Đây là điểm đột phá, tạo thuận lợi rất nhiều cho các địa phương, các công ty kinh doanh hạ tầng vì thủ tục này thực hiện thường xuyên nhưng trước đây phải theo một quy trình phức tạp và kéo dài.

Nghị định bổ sung các quy định nhằm đẩy mạnh sự phát triển các loại hình KCN, KKT mới (tại Điểm c và Điểm đ, Khoản 1; Điểm c, Khoản 13, Điều 2 và Chương V) bao gồm: loại hình KCN chuyên ngành, loại hình KCN công nghệ cao, khu phi thuế quan trong KKT, các quy định về chính sách hỗ trợ và hợp tác phát triển, tiêu chí xác định, ưu đãi, chứng nhận, trình tự, thủ tục đăng ký chứng nhận KCN sinh thái...Đây là các bổ sung mang lại lợi ích trực tiếp cho nhà đầu tư. Các quy định này là cơ sở giúp các KCN giải quyết được các vấn đề nổi lên trong thời gian qua là phát triển nhanh dẫn đến quá tải về hạ tầng xã hội, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Nhu cầu phát triển các khu công nghiệp chuyên sâu nhằm tạo chuỗi cung ứng đầu vào, liên kết các nhà đầu tư trong cùng khu vực có khoảng cách gần, tạo thuận lợi để hỗ trợ nhau sản xuất một sản phẩm hoàn chỉnh (điện tử, dệt may…). Các KCN công nghệ cao, khu công nghệ sinh thái hướng đến các mô hình hoạt động về KCN xanh, thân thiện môi trường, giúp cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, tăng cường gắn kết và nâng cao lợi ích cộng đồng và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đối với cộng đồng xung quanh KCN, thúc đẩy xã hội phát triển bền vững, hài hòa.

Về nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích tại các KCN

Theo quy định mới, khi xác định danh mục các KCN trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, phải đảm bảo quỹ đất để quy hoạch xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc tối thiểu là 2% tổng diện tích của các KCN. Một trong các điều kiện xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án hạ tầng KCN là có quy hoạch xây dựng khu nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động (Khoản 7, Điều 9). Tương tự, một trong các điều kiện xem xét, mở rộng KCN là đã xây dựng, đưa vào sử dụng khu nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động (Khoản 8, Điều 9). Các quy định nhằm khuyến khích phát triển nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong KCN, KKT (Điều 29).

Nhìn chung, quy định tại Nghị định 35 góp phần hoàn thiện cơ chế để đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động trong KCN, giúp thúc đẩy gia tăng số lượng nhà ở công nhân và số lượng các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng, đóng góp quan trọng vào phát triển lĩnh vực nhà ở xã hội”./.

PV (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Những tác động của Nghị định 35/2022/NĐ-CP đối với hoạt động của các khu công nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới