Thứ sáu, 26/04/2024 18:13 (GMT+7)

Nữ cán bộ khuyết tật tận tâm với các bản làng nghèo khó nơi miền Tây Xứ Nghệ

THỤC ANH -  Thứ sáu, 03/12/2021 07:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tuổi thơ bất hạnh đã lấy đi đôi chân lành lặn của chị, nhưng bằng ý chí và nghị lực phi thường, chị vượt qua tất cả và trở thành cán bộ Phòng LĐTB&XH huyện Quỳ Châu để giúp ích cho đời. Bông hoa giữa đại ngàn núi rừng miền Tây Xứ Nghệ vẫn tỏa ngát hương..

Đến trường trên đôi chân tứa máu

Khi vừa lên 1 tuổi, cô bé Nguyễn Thị Châu Anh (SN 1988, tại thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu) không may bị sốt bại liệt, chân phải bị teo cơ 81%. Mặc dù đã chạy chữa khắp nơi, bán cả gia tài nhưng gia đình vẫn không thể cứu vãn được đôi chân bé nhỏ của đứa con tội nghiệp.

Thiệt thòi, bất hạnh với chúng bạn cùng lứa nhưng Châu Anh chưa bao giờ mặc cảm, tự ti. Để đến trường, cô phải dậy từ sớm, bố mẹ thương con bao lần đưa đón nhưng cô bé nhỏ đầy cá tính muốn đi vững trên đôi chân của mình. Bao lần vấp ngã, đôi chân ứa máu nhưng em vẫn kiên trì tập luyện để không trở thành gánh nặng cho gia đình.

Những năm tháng học tiểu học, trung học rồi lên phổ thông, lúc nào Châu Anh cũng là học sinh khá giỏi. Bố mẹ hay bạn bè cùng trang lứa, lúc nào cũng thấy trong đôi mắt của cô gái bé nhỏ, gầy yếu là nghị lực phi thường và có chút “hiếu thắng” với chính bản thân mình. Châu Anh tâm sự: “Nếu lúc đó tôi buông xuôi, thì mọi thứ sẽ rất đơn giản. Nhưng tôi muốn chiến thắng bản thân mình, không trở thành người ăn bám hay nhận sự thương cảm của người khác”.

tm-img-alt

Chuyên viên Nguyễn Thị Châu Anh trao quà cho người bị tâm thần tại xã Châu Bính, Quỳ Châu.

Để nuôi dưỡng ước mơ trở thành người có ích cho xã hội, đem nhiệt huyết, đam mê của mình giúp đỡ lại những mành đời bất hạnh, Châu Anh đã chọn thi vào lớp Công tác xã hội (CTXH) của trường Đại học Khoa học Huế.

Ngày tiễn đứa con nhỏ bé, với đôi chân tập tễnh của mình vào tỉnh Quảng Trị nhập học ( Trường ĐHKH Huế có phân hiệu tại Quảng Trị), nơi xa nhà hàng trăm cây số, bố mẹ, anh em không cầm được nước mắt. Thân gái tật nguyền nơi xứ người, không biết cô có vượt qua được không? Bố mẹ Châu Anh tâm sự: Nhiều lúc nhớ thương con chảy nước mắt, muốn nó học gì đó gần nhà nhưng nhìn vào đôi mắt quyết tâm, cá tính của con, bố mẹ cũng không dám bàn lùi. Với lại học trong đó mới có ngành Công tác xã hội này. Con bé nó đam mê cái gì là quyết tâm làm bằng được cái đó”.

Bằng sức mạnh nội lực bản thân, sự yêu thương, đùm bọc của thầy cô, bè bạn, Châu Anh đã vượt qua tất cả để trở thành một cử nhân ngành CTXH với bằng giỏi trong tay. Ngày trao bằng tốt nghiệp, bố mẹ và chính cô đã hạnh phúc không cầm được nước mắt. Như vậy, cô gái bé nhỏ tật nguyền đã thực hiện được ½ ước mơ của cuộc đời mình.

            Tận tâm với công việc và các bản làng nghèo khó

Ra trường năm 2010 với tấm bằng loại giỏi trên tay, Châu Anh may mắn được UBND tỉnh Nghệ An, huyện Quỳ Châu mời gọi về làm việc theo diện thu hút nhân tài. Học ngành CTXH, lại được nhận về làm việc đúng sở trường, đam mê bấy lâu nay, cô gái tật nguyền mừng rơi nước mắt.

Mặc dù khiếm khuyết về bản thân, các bản làng vùng cao huyện Quỳ Châu đường đi gập gềnh, khúc khỉu nhưng không ngăn cản được bước chân của nữ cán bộ phòng LĐTB&XH. Chỉ cao khoảng 1.50, chân phải bị teo cơ 81%, ngồi chới với trên chiếc xe máy cũ, nhưng nơi nào cô cũng tới, bản làng nào cô cũng qua, đến nổi dân bản lâu không thấy cô gái “cà nhắc” lên là hỏi thăm.

tm-img-alt
--

Nữ cán bộ phòng LĐTB&XH Quỳ Châu – Nguyễn Thị Châu Anh (đứng giữa được bầu vào Ban chấp hành Hội bảo trợ Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em huyện.

Là chuyên viên được phân công phụ trách công tác Bảo trợ xã hội, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, Châu Anh luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cô đã tham mưu hình thức chi trả trợ cấp Bảo trợ xã hội thông qua dịch vụ bưu điện, trong đó nhấn mạnh chi trả tại nhà cho các đối tượng khuyết tật đặc biệt nặng, không thể tự đi lại được.

Luôn tham gia cải cách thủ tục hành chính ở lĩnh vực chuyên môn mình phụ trách, đăng ký rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, tham mưu lãnh đạo góp ý vào các đề án của Sở, ngành, đặc biệt là đề án cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo trợ xã hội.

Hiểu về những hoàn cảnh khuyết tật, thiệt thòi nên trong việc làm, cô đã luôn đặt quyền lợi của các đối tượng yếu thế lên trên hết. Trong những năm qua, công tác bảo trợ xã hội tại huyện Quỳ Châu đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận, nhất là đối với người cao tuổi, người khuyết tật… được chú trọng chăm sóc, đảm bảo quyền lợi an sinh.

Ngoài hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn, Châu Anh còn là một tình nguyện viên năng nổ, nhiệt tình. Huyện Quỳ Châu là một huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, đời sống người dân hết sức khó khăn, vất vả, trong đó có những mảnh đời bất hạnh, cơ nhỡ cần được giúp đỡ. Là cán bộ phòng LĐTB&XH, lại có uy tín, được nhiều người yêu mến nên mỗi lần kêu gọi giúp đỡ cho hoàn cảnh khó khăn nào đó, là ngay lập tức nhận được sự hỗ trợ. Những năm qua, nữ cán bộ nhiệt huyết này đã kêu gọi được hàng trăm triệu đồng ủng hộ các mảnh đời bất hạnh, khốn khó.

Đó là kết nối, giúp đỡ gia đình cô giáo Phạm Thị T. ở xã Châu Bình bị tai nạn tử vong trên đường đi daỵ về 30 triệu đồng; giúp gia đình anh Sầm Văn Châu, xã Châu Thuận có 2 con bị đuối nước số tiền 40 triệu đồng; ủng hộ gia đình anh Vi Văn Yếm xã Châu Hoàn bị câm điếc bẩm sinh lại cháy mất nhà số tiền 30 triệu đồng, ngoài ra còn được chính quyền huyện và các nhóm thiện nguyện làm lại nhà cửa khang trang. Ủng hộ hai cháu Trần Hoài Thanh, Trần Bình An ở xã Châu Bình mồ côi cha mẹ số tiền 30 triệu đồng. Mới đây nhất Châu Anh cũng kêu gọi giúp hai cháu Phan Nhật Lệ và Phan Hoàng Linh Đan bị mất mẹ số tiền hơn 15 triệu đồng, động viên các cháu ổn định cuộc sống.

Hưởng ứng lời kêu gọi “chung tay hướng về miền Trung”, Châu Anh và những người bạn đã ủng hộ, kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ hai huyện Cam Lộ - Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) gần 1000 bì quần áo, 1000 thùng mì tôm, 270 thùng sữa, 50 thùng bánh kẹo, hơn 1000 chiếc bánh chưng và 30 triệu đồng tiền mặt. Trong đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua, nữ cán bộ phòng LĐTB&XH huyện Quỳ Châu cũng kêu gọi ủng hộ 2 khu cách ly hơn 100 suất ăn và các nhu yếu phẩm.

tm-img-alt
Châu Anh và những người bạn trong dịp hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt tại hai huyện Cam Lộ - Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị).

Khi được nhận xét về nữ chuyên viên Nguyễn Thị Châu Anh, đồng chí Lê Thanh Hà – phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu chia sẻ: mặc dù bị khuyết tật nhưng chuyện viên Nguyễn Thị Châu Anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, hoạt động an sinh xã hội một cách tích cực, giúp đỡ được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Bùi Văn Hưng – Phó giám đốc Sở LĐTB&XH Nghệ An cũng cho biết: Châu Anh là cán bộ thuộc phòng LĐTB&XH huyện miền núi Quỳ Châu. Mặc dù đôi chân bị khiếm khuyết nhưng trong công việc luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, tích cực đóng góp cho sự phát triển trong công tác an sinh xã hội. Đó là một tấm gương sáng ngành mà mọi người cần học hỏi, noi theo.   

 Với những nỗ lực “vượt lên chính mình”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và cống hiến cho cộng đồng, năm 2017, Nguyễn Thị Châu Anh được vinh dự kết nạp vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngoài ra cô còn được UBND huyện Quỳ Châu tặng giấy khen vì đã có nhiều thành tích trong công tác bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi huyện; được Hội bảo trợ Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Nghệ An tặng giấy khen “vượt lên chính mình, hòa nhập cộng đồng và lan tỏa những điều tốt đẹp”.

Bạn đang đọc bài viết Nữ cán bộ khuyết tật tận tâm với các bản làng nghèo khó nơi miền Tây Xứ Nghệ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới