Thứ hai, 06/05/2024 05:04 (GMT+7)

Phạm Phương Lan - Con đường hay là định mệnh?

Quỳnh May -  Thứ hai, 26/04/2021 13:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tôi gặp Phạm Phương Lan sau cơn mưa đầu mùa ướt đẫm. Chị bước vào quán, đưa mắt nhìn quanh, mấy sợi tóc mai bết vào thái dương, trông đầy quyến rũ, ma mị.

Vẫn là nụ cười hiền, hé hàm răng tăm tắp. Chẳng hiểu sao, cứ thấy chị cười là cả thế giới bỗng dịu dàng đến lạ.

Trông chị ít ai nghĩ ra được chị lại thuộc về thế hệ 7X. Nói chuyện với chị lại càng không thể tin được tuổi thật của chị. Một tâm hồn tươi trẻ, một nụ cười hiền dịu, một ánh mắt ánh sáng trong. Lối nói chuyện thì chân thành, mộc mạc đến độ người nghe cứ muốn được là một phần trong câu chuyện cuộc đời của chị vậy.

Khi tôi bảo: Chị xinh thế, thoặt nhìn, tôi không thể nghĩ chị là nhà thơ, mà lại còn là nhà thơ nữ nổi bật trên văn đàn TP.HCM nữa đấy!

Chị lại cười, nụ cười tinh nghịch: Trời, chị nghe câu này hơi nhiều rồi ấy chứ! Nhưng mình vẫn cứ là nhà thơ đấy thôi!

Quả thật, trong vòng 10 năm, chị lần lượt cho ra mắt 5 tập thơ: Không là gió mây, Góc trọ hồn người, Giữ lửa thời @, Khâu tình và Sóng hát. Chị còn bật mí cuối năm 2021 này sẽ xuất bản tập thơ thứ 6.

Có người nói, nhan sắc là một tài sản. Nhưng cũng có người ngại ngần “hồng nhan bạc phận” và “phụ nữ làm thơ thường đa đoan”. Phạm Phương Lan có cả hai: Vừa có nhan sắc vừa biết làm thơ. Cuộc đời của chị liệu có êm đềm, hay trúc trắc như mấy câu thơ xuống dòng đột ngột. 

Thơ là đời sống tinh thần không thể thiếu.

Phạm Phương Lan người Đức Thọ (Hà Tĩnh), chưa đầy 20 tuổi, chị một thân một mình vào Cần Thơ chỉ vì mê giọng nói của người Nam bộ. Khi làm đơn thi vào Khoa Văn - Sử, Trường Cao đẳng Sư phạm Cần Thơ, cả bố lẫn mẹ đều không đồng ý. Nhưng rồi cản không được, bố chị đành phải buông xuôi: “Thôi con cứ xem như một chuyến du lịch, nếu thấy không ổn thì về”. Ngày thi, mẹ chị thắp hương lên bàn thờ gia tiên cầu mong cho chị... thi trượt để trở về nhà.

Nhưng tính Lan là vậy, một khi đã quyết thì nhất định phải làm và làm một cách hoàn thiện nhất. Thậm chí đến lúc tốt nghiệp, bố mẹ vẫn gọi điện giục về, nhưng khi đó, mảnh đất và con người Nam bộ với sự phóng khoáng, hào sảng, chân chất đã trở thành một phần máu thịt, khiến cô gái Nghệ không nỡ rời xa. Phạm Phương Lan quyết định ở lại, xem xứ “gạo trắng nước trong” là quê hương thứ hai của mình. Chị ở đó hơn 10 năm, mãi cho đến năm 2006, vì biến cố gia đình, chị đành bỏ hết tất cả để lên TPHCM sống đến nay.

Khi thành phố đang chuẩn bị vào hè, quán cà phê sân vườn trở nên đông đúc và huyên náo. Bỗng nét mặt chị chùng xuống, những giọt nước mắt trong veo lặng lẽ rơi, khiến đôi mắt chị đỏ hoe. Dường như chị đang nghẹn ngào cho mình. Chị chỉ mưu cầu một mái ấm gia đình hạnh phúc đơn sơ như bao người phụ nữ khác, nhưng sao mà khó đến thế?

Với người khác, nhan sắc là một tài sản, còn với Phạm Phương Lan, nhan sắc lại là bất hạnh. Sự bất hạnh ấy chính là mầm mống khiến cả hai cuộc hôn nhân của chị đều đổ vỡ. Sau này, chị chấp nhận sự hẩm hiu ấy như là số phận. “Trong sự truân chuyên mà chị phải trải qua, có khi nào dù ít dù nhiều liên quan đến thơ?”. Thì như người ta vẫn nói “phụ nữ theo văn chương thường đa đoan” đó thôi.

Nhưng Phạm Phương Lan không nghĩ như vậy: “Tôi nghĩ những khó khăn, những chuyện buồn được tôi giãi bày vào thơ, chứ không phải thơ khiến cuộc đời mình trở nên truân chuyên. Thơ không vận vào đời tôi khiến tôi phải truân chuyên, ngược lại thơ chính là đời sống tinh thần thứ hai của tôi. Nếu không có thơ, cuộc đời tôi sẽ nhạt nhẽo lắm. Bởi thơ là niềm vui, là tình yêu; tôi làm thơ vì yêu thơ, không phải để thành nhà thơ hay để nổi tiếng”.

Bão giông hay là định mệnh

Càng nói chuyện với chị, tôi càng có cảm giác như câu chuyện về một cái cây, nếu không đủ mạnh mẽ thì qua giông tố, chắc chắn sẽ gãy đổ tơi bời. Còn ngược lại, nếu sống sót, cái cây đó sẽ trở nên vững chãi hơn bao giờ hết. Phạm Phương Lan là cái cây sống sót sau bão. Đi qua giông bão giúp chị mạnh mẽ và lạc quan hơn về cuộc đời. Với chị, mọi thứ giờ nhẹ nhàng và đã ở lại sau lưng, như một câu thơ chị viết: Rồi tất cả sẽ là quá khứ/Yêu thương hôm nào cũng thế mà thôi.

Phạm Phương Lan chủ yếu viết về thơ tình, nhưng đến tập thơ Sóng hát là một tiếng nói khác của chị. Theo Phương Lan, Sóng hát chính là tiếng nói của một nhà thơ, đồng thời là của một công dân.

Chị bày tỏ: “Nhiều người nói vào Facebook của các nhà thơ nữ bây giờ chỉ toàn thơ yêu đương, tình ái; ý họ là các nhà thơ nữ không có trách nhiệm công dân. Nhưng họ đâu biết rằng, không nói đâu có nghĩa là mình không đau đáu, nói ra mới là yêu nước. Vấn đề ở đây là mình chọn nói ở đâu và nói như thế nào”.

Chị nói thêm: “Khi môi trường biển bị xâm hại, đặc biệt lại chính trên quê hương của mình, tôi đau lòng lắm. Là người cầm bút, mình phải dùng ngòi bút của mình để lên tiếng. Mình nói bằng cách nào để người đọc tiếp cận một cách nhẹ nhàng nhất mà vẫn thấu hiểu, vẫn nhìn thấy điều đang xảy ra, từ đó có sự trăn trở, biết mình cần phải làm gì”.

Theo chia sẻ của Phạm Phương Lan, những giông bão đã ở lại sau lưng, giờ là lúc chị cảm thấy phải sống cho mình. Lúc từ Cần Thơ lên TPHCM, từ một cô giáo dạy học, chị chuyển sang làm công việc hành chính tại một trường đại học. Và bây giờ, định mệnh đẩy đưa, chị đang là Giám đốc Truyền thông và Thương hiệu của một tập đoàn kinh tế lớn.

May mắn hơn những người làm thơ khác, Phạm Phương Lan nói giờ chị không phải bận tâm nhiều đến chuyện tiền nong, để dành cho những chuyến đi hay làm những công việc yêu thích.

Trong những công việc yêu thích mà Phạm Phương Lan muốn được làm, tất nhiên không thể thiếu thơ. Phạm Phương Lan bật mí cuối năm 2021 này sẽ ra mắt độc giả yêu quý của mình một tập thơ mới.

Chia tay nhà thơ xinh đẹp, đón đợi ngày lại được viết về Phạm Phương Lan và những điều mới mẻ trong sáng tác của chị.

Bạn đang đọc bài viết Phạm Phương Lan - Con đường hay là định mệnh?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới